Ai cần tầm soát đột quỵ?
Tầm soát đột quỵ không phân biệt ngành nghề và cũng không giới hạn độ tuổi. Thường, từ 40 tuổi trở lên nên tầm soát căn bệnh này. Ngoài ra, những người có một trong những yếu tố nguy cơ của đột quỵ như gia đình có người thân bị đột quỵ, mắc bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, cholesterol cao, người có bệnh lý về tim mạch, hút thuốc lá, rượu bia nhiều, có triệu chứng đau đầu kinh niên, động kinh thì nên tầm soát sớm. Hoặc bạn cũng nên tầm soát đột quỵ nếu xuất hiện các dấu hiệu của cơn thiếu máu não thoáng qua như đột nhiên yếu tay chân, méo miệng… sau đó tự hết trong vòng 24 giờ.
Tầm soát nguy cơ đột quỵ định kỳ là cần thiết nếu đang gặp phải những vấn đề dưới đây:
- Tiền sử gia đình có người thân bị đột quỵ: Nếu gia đình có người thân từng bị đột quỵ, người bệnh có thể tăng nguy cơ do nếp sống, thói quen, yếu tố di truyền. Bạn hãy chia sẻ với bác sĩ thông tin tiền sử của gia đình để có lời khuyên tốt nhất.
- Người bị đái tháo đường: Tiểu đường là bệnh mạn tính, không lây, thường diễn tiến âm thầm, dễ dẫn đến biến chứng về tim mạch, tổn thương thần kinh, mắt, thận... Người bị tiểu đường có nguy cơ đột quỵ cao hơn từ 2 đến 4 lần so với người bình thường.