Nguyễn Thị Chiên – Nữ anh hùng đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam
Nguyễn Thị Chiên sinh năm 1930 ở huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Trong phong trào du kích ở vùng tạm chiếm, những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp từ năm 1946 đến 1948, chị vừa là bí thư phụ nữ vừa là chỉ huy một trung đội du kích ở xã. Năm 1950, chị giật mìn diệt một tiểu đội địch đi tuần tra trên đường 39. Đó là tiếng mìn đầu tiên cảnh cáo quân địch và thức tỉnh phong trào đấu tranh vũ trang của nhân dân. Khi bị giặc bắt, bị tra tấn dã man, chị chết đi sống lại nhiều lần nhưng kẻ địch không khai thác được gì đành phải thả chị ra. Về quê, chị lại được chi bộ bố trí nhiệm vụ trong đội du kích. Ngoài việc luyện tập canh gác quấy rối và đánh địch, chị còn lãnh đạo chị em khai hoang, cấy lúa, chăn nuôi gà để lấy tiền mua sắm vũ khí.
Năm 1951, tay không, chị đã dùng mưu bắt một tiểu đội địch ngay giữa chợ, thu được 7 khẩu súng. Sau đó chị lại dùng mưu bắt tên sĩ quan Pháp chỉ huy trong một trận càn quét của chúng ở xã. Năm 1952, trong Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất, chị được Hồ Chủ Tịch tặng một khẩu súng ngắn, được thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, huân chương Quân công hạng Ba và chị được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang.