Nguyễn Thị Minh Khai – Nữ chiến sĩ cộng sản Việt Nam đầu tiên
Nguyễn Thị Minh Khai (1910 – 1941), tên thật là Nguyễn Thị Vịnh, sinh ở xã Vĩnh Yên thuộc thị xã Vinh (Nghệ An), học đến tiểu học, tham gia phong trào học sinh, được kết nạp vào Đảng năm 1930. Say mê học lý luận, chị là một trong những cán bộ phụ nữ được Hồ Chủ Tịch trực tiếp dìu dắt, sau đó Minh Khai được đào tạo về chủ nghĩa Mác Lê-nin ở Liên Xô. Dưới cái tên Phan Lan, chị là đại biểu trẻ nhất Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ 7 tại Mát – xcơ – va, đã đọc bài phát biểu nổi tiếng trong phiên họp thứ 40: “Chúng tôi, những người phụ nữ nông dân, công nhân ở các miền phương Đông, các miền thuộc địa, bán thuộc địa, những người khổ cực gấp bội hơn các đồng chí Tây Âu, chúng tôi đã bước vào con đường đấu tranh cách mạng".
Chị cũng là đại biểu thanh niên Việt Nam đầu tiên đi dự Quốc tế Thanh niên năm 1935. Là Bí thư tỉnh ủy Sài Gòn – Chợ Lớn đầu tiên, chị rất chú trọng đào tạo cán bộ công nhân, xây dựng cơ sở cách mạng ở nông thôn, có ý thức quyết vươn lên gánh vác vai trò lãnh đạo cách mạng, Minh Khai tỏ rõ nghị lực vượt mọi đau thương khó khăn riêng, khi sinh con gái, khi chồng chị là đồng chí Lê Hồng Phong bị bắt. Ngày 28 – 8 – 1941, chính quyền thực dân Pháp xử bắn chị cùng các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập… Đứng trên gò đất cao, chị giựt mảnh băng đen bịt mắt vứt đi và nói lớn: “Thưa đồng bào, chúng ta phải tiêu diệt đế quốc phong kiến thì đời sống mới sung sướng được. Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm! Cách mạng Việt Nam muôn năm!