Triệu Thị Trinh – Nữ danh tướng kiệt xuất của sự nghiệp đánh đuổi quân Ngô
Triệu Thị Trinh sinh ngày 2 tháng 10 năm Bính Ngọ (8 tháng 11 năm 226) tại miền núi Quan Yên, quận Cửu Chân, nay thuộc làng Quan Yên, xã Định Tiến, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Từ nhỏ, bà sớm có chí khí hơn người. Khi cha bà hỏi về chí hướng mai sau, bà rắn rỏi thưa: “Lớn lên con sẽ đi đánh giặc như bà Trưng Trắc, Trưng Nhị”. Lớn lên, bà là người có sức mạnh, giỏi võ nghệ, lại có chí lớn.
Năm 248, quan lại nhà Đông Ngô (Trung Quốc) tàn ác, Bà Triệu cùng với anh là Triệu Quốc Đạt khởi binh chống lại và được nhân dân quận Cửu Chân hưởng ứng nhiệt liệt và nhanh chóng lan ra quận Giao Chỉ. Khi Triệu Quốc Đạt tử trận, Triệu Thị Trinh lãnh đạo toàn bộ quân khởi nghĩa chiến đấu chống quân Ngô. Nghĩa quân chiếu đấu liên tiếp nhiều trận và thế lực ngày càng mạnh. Được tin cuộc khởi nghĩa lớn mạnh, triều Đông Ngô liền phái tướng Lục Dận, giữ chức Thứ Sử Giao Châu đem theo 8.000 quân sĩ, có cả chiến thuyền yểm trợ tiến vào nước ta để đối phó với khởi nghĩa Bà Triệu. Những trận đánh ác liệt diễn ra tại căn cứ Bồ Điền, quân Ngô đã dùng mưu kế thâm hiểm để đối phó nghĩa quân, để giữ khí tiết anh hùng, Bà Triệu đã tuẫn tiết trên núi Tùng. Triệu Thị Trinh đã trở thành một biểu tượng của lòng yêu nước, câu chuyện về Triệu Thị Trinh đã được truyền tụng qua các thế hệ và trở thành một nguồn cảm hứng lớn cho người dân Việt Nam.