Bà tôi
“Nếu còn sống, năm nay bà tròn 100 tuổi mẹ nhỉ?”, tôi nói chuyện với mẹ trong ngày giỗ bà. “Ừ! Nhanh quá! Đã 9 năm trôi qua”. Bà đi theo ông nội được 9 năm rồi nhưng đối với tôi, bà như vẫn ở đâu đây bên tôi, từ giọng nói, khuôn mặt, mái tóc, dáng đi. Hình ảnh bà in đậm trong kí ức tôi, thân thương quá đỗi. Bà nội tôi có khuôn mặt tròn, phúc hậu, nước da trắng. Bác, cô và các chú tôi không ai có được làn da trắng như bà. Tôi thích ngắm đôi má hồng hào của bà mỗi khi ngồi bên bếp lửa hay khi bà nhai trầu, trò chuyện vui vẻ cùng con cháu.
Hồi bé, tôi may mắn được ở với bà nhiều. Khoảng lớp 4, lớp 5 gì đó, tôi đã chạy đứng đằng sau bà bắt chước giã gạo. Đôi chân bé con cũng nhảy lên hạ xuống theo nhịp chày. Ngày đó chưa có máy xay xát như bây giờ, để có gạo nấu cơm, bà phải xay thóc, giã gạo. Tôi cũng loăng quăng, thích thú muốn được giúp bà. Gạo giã xong còn phải sàng, sẩy, nhặt thóc nữa. Việc dễ nhất tôi có thể giúp bà là nhặt những hạt thóc còn lẫn trong gạo.
Nghe mẹ tôi kể lại, trước kia bà làm ở cửa hàng thương nghiệp. Sau về hưu, bà đi chợ làm hàng xáo kiếm thêm tiền chi tiêu sinh hoạt gia đình. Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh lũn cũn của mình lúc nhỏ chạy ra cổng mỗi khi thấy bà đi chợ về, vì lần nào về là kiểu gì bà cũng mua quà cho tôi. Khi thì cái bánh đa, hôm thì mấy cái bánh rán. Tôi háo hức lắm!
Lớn hơn chút nữa, thời gian các chú tôi đi học, đi công tác xa nhà, bà lại gọi tôi ra ở với bà cho vui cửa vui nhà. Bà chiều tôi lắm. Đi đâu có gì ngon, bà cũng mang phần cho tôi. Những buổi tối mùa hè nóng nực, cả đêm bà cầm chiếc quạt đan bằng nan lá cọ luôn tay quạt cho tôi ngủ. Hình như bà không ngủ thì phải, vì lúc nào tỉnh dậy thì tôi đều thấy cánh tay bà đưa lên đưa xuống quạt mát cho tôi. Cứ thế, tuổi thơ tôi luôn có vòng tay bà che chở, chăm sóc, yêu thương.
Phía ngoài nhà bà khoảng 500m có cây cầu xây từ thời Pháp thuộc, cứ mùa mưa lũ là nước lại tràn ngập cầu, có lẽ vì thế mà mọi người gọi là cầu Tràn. Mấy ngày nước lũ ngập là người dân sinh sống ở hai bên cầu không đi lại được, phải chờ nước rút bớt rồi mới dùng thuyền, bè đưa nhau qua sông. Sau này, thi thoảng nói chuyện vui, bà vẫn nhắc chuyện ngày tôi còn bé tí, lúc tôi quấy rầy, nhõng nhẽo là các chú hay dọa trêu tôi có bà cầu Tràn vào bắt. Nghe đến bà cầu Tràn là tôi sợ lắm. Im ngay, không dám kêu ca gì nữa. Xã hội ngày một phát triển, cuộc sống người dân ngày một ấm no. Cây cầu quê tôi hiện nay đã được xây thay thế bằng một cây cầu mới, cao hơn, bề thế, đẹp hơn nhiều. Tuy nhiên, cây cầu xưa vẫn còn đó như một chứng nhân kỉ niệm của những ngày tháng cũ. Cây cầu còn đó nhưng bà tôi thì không còn nữa.
....
Bố tôi mất sớm. Thương con, thương cháu, bà ngoài nhà chú vào ở với bốn mẹ con tôi, chăm lo, cơm nước cho chị em chúng tôi. Những ngày mẹ tôi lên lớp, ba chị em tôi đi học, bà tôi quán xuyến mọi việc, cơm nước tươm tất. Chị em chúng tôi đi học về là bà đã dọn cơm sẵn rồi.
Tôi lớn lên, đi học, đi làm rồi lấy chồng, sinh con. Bà lại ra ở trông nom nhà cửa và các em cho chú thím. Gần trưa, bà thường đứng ở cổng chờ tôi đi làm về qua để gọi tôi vào ăn cơm. Ngày đó, chồng tôi đi làm xa, con gái nhỏ đi học bán trú cả ngày. Bà tôi thường chờ, gọi tôi vào ăn cơm như thế. Vẫn những gì ngon, bà đều dành phần cho cháu. Mặc dù khi đó tôi đã là một người mẹ rồi.
Tuy đã nhiều tuổi nhưng mỗi khi nhà có việc giỗ chạp, chẳng khi nào bà ngồi yên. Nhặt rau, lau bát, dọn dẹp cùng con cháu. Bà bảo bà làm được, để bà làm cho vui. Thấy bà khỏe mạnh, con cháu ai cũng mừng. Mỗi lần xóm có giấy mời họp hội người cao tuổi hay họp chi bộ là bà thường nhắc chú thím tôi chở đi thật sớm. Nhiều hôm đến nhà văn hóa còn chưa có ai. Bà cẩn thận, chu đáo trong mọi việc. Xóm có việc gì quyên góp, ủng hộ, bà đều tích cực tham gia.
Bà tôi ra đi nhẹ nhàng, thanh thản vào một ngày của tháng 11 ở tuổi 91. Những ngày đông cuối năm, tôi càng nhớ bà hơn.
Đoàn Hạnh