Bà tôi
Hà Nội đang mưa rầu rĩ sau những ngày thu se lạnh trong xao xác heo may. Một ngày giữa thu, trong mùa covid và giãn cách xã hội, đất trời mưa lạnh cũng như buồn hơn, ảm đạm hơn. Hôm nay cũng là ngày giỗ của Bà Nội tôi. Tuổi thơ của chị em chúng tôi luôn gắn liền với bà nội! Khi tôi sinh ra thì ông nội đã mất từ lâu, ông bà ngoại cũng mất. Tôi chỉ được biết và sống cùng bà nội thôi! Chợt nhớ da diết những ký ức xa xưa về bà nội của tôi, những ký ức của một thời tuổi thơ trong sáng và đẹp đẽ.
Ký ức luôn khơi gợi tình yêu thương dẫu nó luôn đẹp và buồn! Lúc này, tôi đang thả mình vào những ký ức tuổi thơ trong suốt ấy. Và những ngày thơ bé của tôi lại hiện về. Trong suốt ký ức về tuổi thơ của mình, tôi luôn nhớ mãi những ngày xưa yêu dấu. Cái ngày tôi còn bé tí con, còn xộc xệch, còn nhem nhuốc, còn buộc tóc túm vểnh đuôi gà, cái ngày tôi còn thơ ngây, non nớt và vụng dại.
Bà nội tôi ngày ấy lưng đã còng lắm. “Bà tôi lưng còng, không đi chợ trời mưa…”. Bởi suốt cả tuổi thơ của mình, tôi thấy bà nội chỉ quanh quẩn ở nhà chăm chút cho lũ cháu ngày ấy. Đó là bốn chị em chúng tôi. Hình ảnh của bà nội luôn gắn liền với những ngày thơ bé và lớn lên sau này của tôi. Tôi còn nhớ đôi chút về những lời dạy dỗ mộc mạc của Bà nội từ ngày xa xưa. Tiếng nói của bà tôi cứ rì rầm, nghe xa vời như là cổ tích ! Bà luôn tưới mát giấc mơ tuổi thơ tôi bằng rất nhiều những câu chuyện kể. Những câu chuyện kể truyền miệng của thế hệ các cụ từ ngày xa xưa. Ngày xa xưa ấy, các cụ ta không được học hành nên thiệt thòi nhiều, hầu như không mấy người biết chữ. Bà nội tôi vốn là dân xứ đạo quê gốc ở Ninh Bình. Bà biết cách kể nhiều chuyện hay, kể nhiều tích xưa, tôi nghe nhiều từ ngữ rất cổ xưa và có cả những từ rất lạ lùng mà bà tôi tự đặt ra. Bà cũng hay đọc ca dao và những câu thành ngữ. Ví như khi thấy lũ trẻ choai choai mà nghịch ngợm quá thì bà tôi gọi bọn chúng là “nậm chúng đầu đẳng”, ấy là lũ trẻ không biết nghe lời. Sau này tôi nghĩ lại và tự phiên câu nói ấy của bà nội sang một câu gần với thành ngữ, đó là “cá mè một lứa” !
Bà nội tôi rất thích kể chuyện. Hình như chỉ có tôi là chăm chú lắng nghe hơn cả. Toàn những chuyện xưa cũ, nào là chuyện chạy loạn, chuyện chết đói từ ngày xưa, chuyện bị bọn Tây đuổi đánh, chuyện phải vào nằm nhà thương ở mãi Hà Nội...Bà kể rành rẽ, tả rất chi tiết, còn ví von rất là hình ảnh. Chuyện từ xửa xưa, tôi hiểu ra rằng từ cái ngày ấy, khi con người ta còn ngu muội, do hầu hết là dân ta ngày ấy không được học hành, do cuộc sống ngày ấy quá nghèo đói, ông nội phải đi làm phu mỏ, cuộc sống quá thiếu thốn, khổ sở, gian truân. Tôi nằm bên bà lắng nghe, những câu chuyện ấy vẫn còn phảng phất trong trí nhớ trẻ thơ của mình. Nhiều chuyện tôi nghe xong nhưng không hiểu gì và có chuyện thì nghe xong không hiểu hết. Hiểu hết sao được khi tôi lúc ấy mới chỉ là một đứa trẻ con lên năm, rồi sau này lên mười, cho đến mười một tuổi !
Bà tôi còn thích kể những câu chuyện cổ tích dân gian và rất thuộc các bài về kinh lễ nhà thờ. Bà theo đạo Thiên Chúa giáo và tôn kính Đức Chúa Giê Su và luôn tin Đức Chúa Trời. Gặp lúc đau ốm hay nguy nan, tôi thấy bà hay gọi to câu: “Lạy Chúa tôi” ! Câu gọi “Chúa tôi” với bà nội là thường xuyên. Thi thoảng, trong các câu chuyện bà nội kể, tôi thấy phảng phất những nét đẹp của điệu thánh ca buồn. Sau này lớn lên, tôi cứ tiếc mãi, sao ngày ấy tôi lại không biết giục giã bà kể chuyện hay hát cho mình nghe nhiều hơn những câu chuyện cổ xưa và những câu Thánh ca.
Những câu Thánh ca sau này tôi được nghe người ta hát trong Nhà thờ thường là rất hay, nghe du dương, quyến rũ, huyền bí và cũng rất trang trọng. Một nguồn vốn văn hóa dân gian cổ xưa và giá trị cần được bảo tồn. Tôi cứ tiếc mãi, không lưu giữ lại được những câu chuyện kể xa xưa của bà nội. Những câu chuyện hay lại được kể từ chính người bà ruột thịt của mình. Bà nội tôi thuộc về lớp người cổ. “Xưa như bàn tay Bà cũ nhăn nheo”! Bà nội tôi đã bay về miền mây trắng theo các cụ từ lâu.
Những ngày thơ bé của tôi luôn được hưởng sự chăm bẵm trong vòng tay yêu thương của bà nội. Khi ấy, tôi mới là đứa trẻ 4-5 tuổi nhưng vẫn còn rất nhớ, dẫu những ký ức về bà nội cứ dần xa vời. Những ngày chiến tranh kề sau đó, khi người dân cả nước ta phải chạy sơ tán vì máy bay Mỹ đang bắn phá ác liệt, cả mấy chị em nhà tôi cùng bà nội phải đi sơ tán vào trong vùng núi. Tôi và mấy chị em gái đã có được những ngày tháng đẹp đẽ ở thị trấn Sa pa khi tôi mới lên 5 tuổi, đó là cuộc đi sơ tán cùng với bà nội. Vào những năm mà cuộc chiến tranh chống Mỹ đang vô cùng ác liệt từ 1964- 1965. Tôi còn nhớ bà nội đã bế tôi suốt trên tay khi mấy bà cháu chúng tôi ngồi trên xe ô tô khách đi từ thị xã Lào Cai vào tới thị trấn huyện Sa pa. Tôi ngày bé rất ốm yếu nên đã bị say xe và nôn thốc nôn tháo suốt chặng đường với nhiều núi non cao dốc ngược ấy. Tôi còn nhớ là bà nội đã bế tôi xuống để xin ngồi nghỉ trên đường một lát. Đúng một nơi có con suối chảy rất đẹp. Conđường quốc lộ gần sát vực, cạnh bên một con suối chảy, có thác nhỏ trắng xóa và lòng suối có những tảng đá lớn màu rêu xanh trơn trượt. Không hiểu sao từ ngày còn bé tí mà tôi lại nhớ mãi được những hình ảnh xa mờ ấy. Bây giờ dẫu có dịp quay lại Sa pa nhiều lần nhưng tôi vẫn không thấy lại được cảnh đẹp ấy. Những ký ức tuổi thơ ấy đã khắc ghi vào tâm trí đứa trẻ năm tuổi là tôi khi ấy từ rất lâu.
Cuộc sống tươi đẹp và hồn nhiên nơi miền biên ải với thiên nhiên xanh mát của núi rừng Lào Cai cứ thế trôi đi. Sau này nghĩ lại, tôi thấy tuổi thơ của mình thật là hạnh phúc và may mắn. Thiên nhiên núi rừng ngát xanh, con người phóng khoáng, lãng mạn và hiền hoà. Nơi ấy có nhiều hoa lá cỏ cây, đất đai màu mỡ, núi đồi trập trùng, sông suối róc rách reo hát đêm ngày...
Nhà tôi ở trên một đỉnh đồi đầy gió rất đẹp trong khu sơ tán Nam Cường. Lại còn có những thửa ruộng lúa xanh uốn lượn ở ngay sát nơi chân đồi bao quanh và có cả một cánh rừng già rất nên thơ cũng ở ngay gần nhà. Tất cả, bao nhiêu những thứ đẹp đẽ, những thứ thân thương ấy đã làm nên quê hương tuổi thơ của tôi. Sau này, chúng cứ tự nhiên chảy tràn vào những trang viết của tôi như một dòng suối trong trẻo và mát lành.
Mỗi ngày lại mỗi ngày, chị em tôi cứ dần lớn lên trong vòng tay của bà nội. Cha mẹ tôi rất yêu thương các con nhưng do quá bận bịu vì công việc nên ít khi ở nhà. Thế nên mấy chị em tôi luôn ở nhà với bà. Cha tôi bận lo công tác xóa mù chữ cho đồng bào các dân tộc ở các huyện miền núi Lào Cai ngày ấy trong nhiều năm, ông công tác trong ngành giáo dục của tỉnh. Mẹ tôi khi ấy thì bận rộn suốt vì vừa học đại học Y vừa trực tiếp làm công tác chăm sóc y tế thôn bản và phải đi các huyện miền núi triền miên. Bà làm công tác phòng chống dịch và y tế cộng đồng. Bốn chị em gái nhà tôi khi ấy tỏ ra ngoan ngoãn lắm. Cha tôi là một nhà giáo giỏi và khá nghiêm khắc. Các con luôn biết nghe lời bà, rất sợ bị bố mẹ mắng và bị phạt. Thế nên mấy chị em tôi chỉ biết ngày ngày tự đến trường đi học, về nhà biết nấu cơm, làm vườn và chăn nuôi lợn gà.
Tôi nhỏ hơn hai chị nên thường quanh quẩn ở nhà chơi với bà nội vì ít khi được ra ngoài. Lũ trẻ con chúng tôi đã lớn lên trong chiến tranh, trong sự thiếu thốn, trong đói nghèo, giống như hầu hết trẻ em ngày ấy. Tuy thế nhưng cuộc sống ngày ấy vẫn vui. Hàng ngày lũ trẻ biết đội mũ rơm và tự đến trường, không ai biết đua đòi, cũng không nhõng nhẽo hay là kêu ca, không mè nheo cha mẹ bao giờ ! Đó là những ngày chúng tôi ở trong khu sơ tán Nam Cường ! (Chuyện về những cái mũ rơm tôi sẽ kể vào một dịp khác)
Bà nội tôi vốn chăm chỉ làm lụng, cứ thấy bà dọn dẹp nhà cửa luôn tay luôn chân. Tính bà tôi sạch sẽ, ngăn nắp nên mọi thứ luôn được sắp xếp gọn gàng. Bà cứ như một con ong chăm chỉ, luôn cần cù lau chùi bàn ghế, dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng những bữa ăn...Bà dọn vườn tược, chăm cây cối suốt từ sáng sớm tinh mơ cho đến những ngày giá rét. Tôi là đứa cháu được bà thương nhất, gần gũinhất vì tôi chuyên ngủ cùng giường với bà nội từ ngày còn bé. Nhớ những hôm giở giời, bà tôi kêu đau lưng và mỏi xương cốt, bà bảo con đấm lưng cho bà đi. Bàn tay bé nhỏ và yếu ớt của một đứa trẻ con như tôi cũng biết khe khẽ đấm dọc đấm ngang trên cái lưng còng còng của bà nội. Nhớ khi đất trời bất ngờ nổi lên những cơn giông, bà vội vã chạy ra sân, cứ gióng giả bốn phía để gọi cả lũ chúng tôi trở về nhà. Sau những cơn mưa bão rất to, bà tôi lại châm ngọn đèn dầu lên và đi thổi cơm để cho lũ cháu ăn kẻo đói.
Những chiều rảnh rang, bà tôi hay ngồi “ôn nghèo kể khổ” suốt từ thời nảo thời nào. Bà giơ bàn tay lên bấm các đốt ngón tay để tính ngày tính tháng theo tuần trăng âm lịch. “Bà đếm ngày tròn chắc/ như vành khăn người cuốn nghiêng trên tóc ! Cọng tóc đã bạc màu/ Cây chổi cặm cụi rơi…” (Thơ tôi viết về bà)
Bà nội thổi cơm và hay kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện cổ tích, những câu chuyện đời thường. Tôi thích chàng Thạch Sanh trong câu chuyện cổ tích ấy hiện về đây, vào lúc ấy. Nhớ mãi chi tiết chàng Thạch Sanh chăm chỉ ngày nào cũng phải vào rừng đốn củi. Tôi thích nhất ông Bụt, thích cô Tấm đẹp dịu dàng, lại thích quả thị chín vàng vừa rụng xuống cái bị của bà lão hàng nước. Tôi còn nghĩ về cô Tấm mãi, cái cô Tấm thảo hiền đẹp như mơ. Mãi đến sau này, cho tới bây giờ tôi mới hiểu thêm về lẽ nhân sinh trong cuộc đời và mới biết chính cái cô Tấm kia sao mà cũng độc ác thế !
Bà nội kể những câu chuyện xưa bằng thứ ngôn ngữ truyền miệng khá mộc mạc, giản dị nhưng sâu sắc. Rưng rưng trong tôi những khúc hát xưa về Nhị Độ Mai và tôi khóc sau khi được nghe tình tiết những câu chuyện xưa về Lưu Bình Dương Lễ. Giấc mơ tuổi thơ của tôi đã được bà nội tưới tắm, bà dạy dỗ và nuôi dưỡng nó từ rất sớm. Những giấc mơ đẹp đẽ ấy ngày càng xa vời…Tôi nhớ ngày bé, tôi còn hay bị ghẻ lở, bị rất nhiều rôm xảy, bà nội phải thường xuyên đun nước lá để tắm cho tôi nữa. Bà thường xoa lưng cho tôi ngủ. Đó là thứ cảm giác sung sướng nhất mà tôi luôn còn nhớ. Nhà đông con, cha mẹ thường xuyên đi vắng, tôi gần gũi với bà nội nhiều hơn là với mẹ.
Tôi vẫn còn nhớ, cái ngày xa xưa ấy, trong những giấc mơ tuổi thơ của tôi luôn có tiếng rì rầm, có những lời ru ngủ, rủ rỉ, kể lể, à ơi của bà nội. Bát canh xưa bà tôi nấu chỉ có rau suông thôi sao mà ngon ngọt đến tận bây giờ ! Ngày sơ tán sống trong rừng, ở khu Nam Cường, cha tôi đã phát động phong trào đào ao thả cá trong ty giáo dục và ông đã làm rất thành công. Cha tôi lịch lãm và làm mọi thứ đều giỏi. Bà nội luôn vị nể cha tôi lắm !
Mãi sau này, khi lớn hơn chút nữa, các chị tôi đã biết theo chúng bạn lặn lội ra khu ruộng gần nhà để đi bắt cua, đi hớt tôm tép về cải thiện cho những bữa ăn đạm bạc. Sau này, chị em chúng tôi còn biết chăn nuôi gà lợn, biết cuốc xới đất trồng rau, tưới rau và nạo sắn cũng thành thạo y như con nhà nông dân chính hiệu. Đó cũng là nhờ ở sự chăm chỉ dạy dỗ của bà nội tôi ! “Rau đay, rau dền rất già còn chúng tôi rất trẻ/ Trong giấc mơ có con công xinh đẹp, ngọn mồng tơi nhảy múa / Cái ngủ trên lưng tôi xao xác ngón tay bà… “ (Thơ về bà nội của tôi)
Sau này, khi gia đình tôi đã có được căn nhà riêng, cha mẹ tôi chuyển nhà về ở tại khu phố Kim Tân, gần cạnh cơ quan Ty Giáo dục của cha tôi. Bà nội tôi ngày ấy đã yếu hơn, lưng bà lại càng còng hơn nữa. Hình ảnh bà nội khi ấy là lưng rất còng, đôi mắt đã mờ đục, đôi chân bà bước đi chậm chạp lắm, mãi sau này tôi không thể nào quên. Bà tôi đã yếu hẳn và phải nằm trên giường bệnh trong nhiều năm. Tôi là con thứ ba của cha mẹ, vẫn là đứa cháu luôn được xếp ngủ chung giường cùng với bà. Bởi thế, cho đến bao năm sau, tôi vẫn nhớ đến cái mùi nước đái khai nồng của người già, cái mùi nước đái người ốm của bà nội tôi ! Cái mùi khai khai, nồng nồng ấy còn vương vấn mãi trong trí nhớ của tôi. Cho đến tận sau này, khi cha tôi mắc căn bệnh hiểm nghèo và mất sớm, bà nội tôi càng ốm nặng hơn, bà ngày càng yếu hơn nhưng vẫn còn minh mẫn.
Những khi khỏe, bà nội hay thích được chống gậy tự đi xung quanh nhà. Ngày cha tôi mất, vào một ngày mùa thu nắng đẹp. “Ngày Bà đòi ra mộ để đưa tiễn Cha tôi/ Lưng bà tôi còng lắm. Ngàn lá vàng rơi rơi trên đồi vắng...Bà tôi khóc: “Lá vàng vẫn còn ở trên cây mà sao lá xanh đã rụng...Dáng Bà tôi trầm xuống. Xoáy vào tim tôi, nỗi đau cứ cong như dấu hỏi, cong như cái lưng còng của bà tôi ! Trong cơn mơ tôi khóc/ Gọi Bà ơi? Bà đâu rồi ? Chợt thấy hình bóng bà nội tôi hiện về. Bà tôi ngồi dậy/ Vấn khăn / móm mém cười...” !
Bà nội ơi ! Cháu luôn nhớ bà ! Cháu sẽ mãi còn yêu bà nội !
Phạm Thị PhươngThảo