Top 5 Tản văn viết về bà mẹ Việt Nam anh hùng hay nhất

Phương Kem 504 0 Báo lỗi

Bà mẹ Việt Nam anh hùng là danh hiệu vinh dự được Nhà nước Việt Nam phong tặng hoặc truy tặng những phụ nữ Việt Nam có nhiều cống hiến, hi sinh vì sự nghiệp ... xem thêm...

  1. Theo truyền thuyết, người mẹ đầu tiên của người Việt là Mẹ Âu Cơ. Mẹ đã đẻ trăm trứng nở trăm con. Người con trai cả theo mẹ đã cùng các chị em đã lập nên Nhà nước Văn Lang:


    Mẹ đem lên ở Tản Viên

    Sửa sang giềng mối, giữ gìn quy mô.

    Bao nhiêu đồi núi đống gò

    Lũy thành bày đặt, cõi bờ chia phôi…

    (Thiên Nam ngữ lục)


    Về câu chuyện Lạc Long Quân và Âu Cơ, GS. Vũ Đức Vượng (nguyên Giám đốc Chương trình Giáo dục tổng quát ở Đại học Hoa Sen) từng nhận định: “Ngoài việc dạy dỗ chúng ta về nguồn gốc, nó còn là một chuyện tình rất đẹp, rất nhân bản và là một trang sử rõ ràng nhất về bình đẳng giới của người Việt nguyên thủy”. Do đó, GS. Vũ Đức Vượng đã nhận định: “Câu chuyện Mẹ Âu Cơ và Bố Lạc Long trở nên viên đá gốc của văn hóa Việt”.


    Huyền thoại nối tiếp huyền thoại. Ta có bà mẹ nghèo đã sinh ra chàng trai Thánh Gióng dũng mãnh trong cuộc chiến đấu chống quân thù. Và trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đã có những đóng góp to lớn từ sự hy sinh âm thầm và vô cùng vĩ đại của những người mẹ đã hiến dâng những người thân yêu nhất của mình cho Tổ quốc.


    Cách đây 68 năm, vào ngày 8/3/1952, trong thư gửi phụ nữ Việt Nam nhân dịp kỷ niệm cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng và Ngày Quốc tế Phụ nữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cùng già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.


    Tượng đài Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tại tỉnh Quảng Nam lấy nguyên mẫu từ Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ (1904 - 2010), người mẹ có nhiều con cháu hy sinh nhất trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Mẹ Thứ sinh sống tại xóm Rừng, thôn Thanh Quýt 2, xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Mẹ có 9 con trai, một con rể và hai cháu ngoại hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Người con gái cả của Mẹ Thứ là Mẹ Lê Thị Trị cũng được trao tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng vì có chồng và hai con gái là liệt sĩ. Bởi thế, có thể nhận định, Mẹ Thứ là đại diện cho 11.659 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng của tỉnh Quảng Nam và 138.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trên cả nước.


    Ở “vùng đất thép” Quảng Trị có gia đình Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Hẹ. Đây là một trong những gia đình cách mạng đặc biệt, đã có nhiều đóng góp, hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Cả gia đình Mẹ Hẹ có 7 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và 17 liệt sĩ. Trong số 17 liệt sĩ có 11 liệt sĩ là con đẻ, con dâu, con rể, cháu nội, cháu ngoại của Mẹ Hẹ. Bản thân Mẹ Hẹ có 1 con gái và 3 con dâu được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Mẹ Hẹ còn có 2 em dâu được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và 6 liệt sĩ gọi mẹ bằng cô ruột.


    Có 10 Mẹ vừa là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đồng thời là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đó là: Mẹ Văn Thị Thừa (sinh năm 1915, quê ở Quảng Nam), Mẹ Nguyễn Thị Rành (sinh năm 1900, ở TPHCM), Mẹ Phạm Thị Ngư (sinh năm 1912, Bình Thuận), Mẹ Võ Thị Nhã (sinh năm 1921, Quảng Ngãi), Mẹ Đỗ Thị Phúc (sinh năm 1906, Nam Định), Mẹ Bùi Thị Thêm (sinh năm 1924, Kiên Giang), Mẹ Huỳnh Thị Tân (sinh năm 1906, Sóc Trăng), Mẹ Đoàn Thị Nghiệp (sinh năm 1925, Tiền Giang), Mẹ Mai Thị Út (sinh năm 1913, Tiền Giang) và Mẹ Nguyễn Thị Điểm (sinh năm 1941, TP.HCM).


    Có ba chị em ruột đều là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng là Mẹ Bùi Thị Hải (sinh năm 1908), Mẹ Bùi Thị Tư (sinh năm 1916), Mẹ Bùi Thị Nhỏ (sinh năm 1922) đều ở xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận.


    Hiện nay, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng là tấm gương sáng để cho thế hệ con cháu noi theo.


    Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước không ngừng chăm lo đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” bằng những việc làm thiết thực như phụng dưỡng cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống và xây dựng nhà tình nghĩa cho các Mẹ… Bởi dù năm tháng sẽ đi qua, nhưng sự hy sinh vô cùng to lớn của các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng sẽ sống mãi. Đảng, Nhà nước và nhân dân sẽ đời đời ghi nhớ những hy sinh, công lao, đóng góp của các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đúng như Giáo sư Vũ Khiêu (Viện trưởng đầu tiên của Viện Xã hội học Việt Nam) đã viết câu đối ca ngợi hình tượng Mẹ Việt Nam Anh hùng: “Tổ quốc ghi công con liệt sỹ/ Nhân dân nhớ nghĩa mẹ anh hùng”.


    Tất cả những tác phẩm nghệ thuật về Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đều chân thực, sinh động và cảm động, nhưng phổ biến, được quảng bá rộng rãi hơn cả là bài Hát về Mẹ Việt Nam Anh hùng của cố Thiếu tướng, nhạc sĩ An Thuyên. Những giai điệu của bài hát về cuộc đời của những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng thật cảm động: “Đời dâng hiến giống nòi, mẹ sống giữa gian lao, vì đất nước hy sinh cả cuộc đời”.


    138.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trên cả nước thật xứng đáng với tám chữ vàng do Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khen tặng dành cho người phụ nữ Việt Nam: “Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang”. Tuổi trẻ hôm nay không biết đến đạn bom, không tận mắt chứng kiến những đau thương, mất mát trong những cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nhưng họ đều hiểu rằng cái giá của cuộc sống hôm nay là sự hy sinh của nhiều thế hệ trước, là những nỗi đau, sự mất mát lớn lao của những người Mẹ Việt Nam Anh hùng như Mẹ Thứ, Mẹ Hẹ, Mẹ Rành...


    Nguyễn Văn Toàn

    Tự hào những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng
    Tự hào những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng
    Tự hào những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng
    Tự hào những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng

  2. Trong lịch sử dân tộc và nhân loại, hình tượng người mẹ là một giá trị thiêng liêng và vĩ đại nhất. Không phải ngẫu nhiên, đã từ hàng ngàn năm nay, ở tất cả các quốc gia trên thế giới, người mẹ được tôn vinh như là một biểu tượng của lòng vị tha, yêu thương che chở và đức hy sinh vô bờ bến, đặc biệt là trong quan hệ gia đình.


    Từ thời cổ đại, trong thế giới của những người Hy Lạp, tất cả đàn ông và con cái đã đồng loạt tôn vinh một lễ hội gọi là lễ hội nữ thần Cybelle. Hằng năm người Hy Lạp cổ đại dành một ngày vào thời điểm sáng chói nhất của ánh sáng mặt trời để tôn vinh người mẹ.


    Ở nước ta, tình mẫu tử lại càng mang đậm nghĩa nặng ơn sâu. Cho đến nay, đa số người Việt Nam đều ít nhiều biết đến tục thờ Đạo Mẫu-một tập quán thờ các nữ thần. Đây là một trong những tín ngưỡng dân gian cổ xưa nhất và trở thành một bản sắc văn hóa của người dân Việt.


    Tín ngưỡng thờ Mẫu (Đạo Mẫu) của người Việt có từ thời xa xưa. Cùng với thời gian, tục thờ Mẫu được mở rộng thờ các nữ anh hùng có công trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Họ là những người có công đức lớn trong chiến đấu, lao động sản xuất, chữa bệnh cứu giúp nhân gian được người đời tôn thờ và kính trọng, lâu dần được thần thánh hóa trở thành nơi linh thiêng. Các vị thần trong Đạo Mẫu phản ánh các phẩm chất của người mẹ, vừa linh thiêng vừa thân thuộc, gần gũi với đời sống con người.


    Đạo Mẫu không chú trọng nhiều đến cuộc sống sau cái chết, mà nó đặt ra vấn đề về cuộc sống thực tại với khát vọng cầu mong bình an, hạnh phúc, xua tan mọi ưu tư phiền muộn và nỗi thống khổ nơi trần thế. Có thể nói, truyền thống thờ Mẫu là biểu tượng nhằm tôn vinh người mẹ Việt Nam thiêng liêng, nhân từ cao cả; sẵn sàng hy sinh cho con cái. Những người mẹ can đảm, thao lược, chiến đấu xông pha nơi hòn tên mũi đạn để che chở cho mọi sinh linh, giữ vững sự bình an cho cuộc sống xuất phát từ truyền thuyết về mẹ Âu Cơ. Đó chính là biểu tượng cao quý mà muôn đời con cháu mãi mãi biết ơn và tôn thờ trong tình cảm thương yêu thành kính…


    Nếu lịch sử người Việt là lịch sử của các cuộc chiến tranh bảo vệ vững chắc từng tấc đất của Tổ quốc, thì đó cũng là lịch sử sự hy sinh vô bờ bến của hàng triệu bà mẹ Việt Nam âm thầm tiễn con ra trận. Đó cũng là lịch sử những nỗi đau, sự mất mát hy sinh không gì bù đắp. Đó còn là những khúc ca bi tráng và bản trường ca bất tử đầy đau thương nhưng kiêu hãnh của người mẹ Việt Nam. Có lẽ không ở đâu trên thế giới này, người mẹ Việt Nam chịu nhiều hy sinh mất mát đến thế. Nhưng đó là sự hy sinh vì sự tồn vong của dân tộc, sự hy sinh mang lại sức sống bất diệt cho Tổ quốc.


    Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước, hàng triệu bà mẹ Việt Nam lại thắt lưng buộc bụng, anh dũng và quả cảm chôn giấu nỗi đau mất chồng, mất con để âm thầm lặng lẽ hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Hàng vạn thanh niên xung phong, nữ quân nhân chưa một lần biết đến tuổi hai mươi đã hy sinh nơi chiến hào hay trên đường hành quân ra trận. “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, đó là lời tuyên ngôn đanh thép của người phụ nữ Việt Nam khi Tổ quốc có xâm lăng. Chúng ta không bao giờ quên hình ảnh người nữ cộng sản đầu tiên của Việt Nam Nguyễn Thị Minh Khai đang trong thời kỳ sung mãn nhất của tuổi xuân bị giặc Pháp bắt và xử tử hình tại ngã ba Giồng, Hóc Môn năm 1941. Người nữ anh hùng đầu tiên của quân đội Nguyễn Thị Chiên, một mình chủ động xây dựng và chỉ huy Đội nữ du kích Tán Thuật (Thái Bình) táo bạo nổi tiếng với chiến công “tay không bắt giặc”. Rồi Anh hùng LLVT nhân dân Đinh Thị Vân đã tổ chức hẳn một mạng lưới tình báo làm đảo điên giới chóp bu đầu não Mỹ-ngụy, phục vụ đắc lực cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta vào Tết Mậu Thân 1968. Một Võ Thị Sáu, người Anh hùng LLVT nhân dân hăng hái tham gia cách mạng lúc mới 15 tuổi. Bị giặc bắt tra tấn dã man nhưng chị vẫn một lòng kiên trung, giữ vững khí tiết người con gái phương Nam…


    Cho đến nay, thế giới và nhân dân cả nước không bao giờ quên cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 và chiến công lừng lẫy của 11 cô gái sông Hương quần nhau với 10 xe tăng, xe bọc thép và một tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ ròng rã suốt 25 ngày đêm ác liệt, làm cho lính Mỹ thất điên bát đảo. Rồi 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc suốt những năm tháng dài bảo vệ con đường độc đạo, chịu đựng hàng chục nghìn quả bom của Mỹ trút xuống để giữ cho con đường vào Nam thông suốt. Vào một ngày định mệnh, chiếc máy bay phản lực thả một quả bom trúng giữa đội hình tiểu đội, cả 10 người con gái đang độ tuổi thanh xuân không một ai sống sót. Chiến công của các chị và tội ác của kẻ thù mãi mãi ghi đậm trong ký ức mỗi người dân Việt hôm nay và mai sau…


    Cuộc chiến tranh thần thánh của dân tộc tạc ghi công ơn trời biển, những chiến công chói ngời bản lĩnh và nỗi đau thương nhức nhối của những người mẹ đã dũng cảm hy sinh cho Tổ quốc và nhân dân. Hiện nay, Nhà nước đã ghi công khoảng 13 vạn Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhưng con số đó chỉ là con số tiêu biểu. Để có cuộc sống hòa bình, nhân dân ta phải trả một cái giá vô cùng lớn với hàng triệu người con ưu tú đã ngã xuống…


    Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau còn đó. Bao nấm mồ liệt sĩ chưa có tên, bao người con, người chồng, người cha ưu tú của dân tộc Việt nằm lại nơi rừng hoang núi thẳm. Vô vàn những chuyến đi tìm hài cốt chồng, con héo mòn, vô vọng:


    Ba mươi năm chị đi tìm mồ anh mà không tìm được

    Chị có lỗi gì đâu sao anh lại không về?

    Giỗ Tết người ta mua hương hoa về viếng người thân trong nghĩa trang liệt sĩ

    Nén nhang chị thắp trời không!


    Có lẽ không ở đâu trên thế giới này, những người mẹ, người vợ đằng đẵng mấy chục năm trời vừa chờ chồng, vừa gồng mình lên chống chọi quyết liệt với bão tố thiên nhiên, đêm ngày thắt lưng buộc bụng chắt chiu từng hạt gạo gửi ra tiền tuyến. Bao bà mẹ vừa tiễn con đi vừa khóc thầm lặng lẽ khi các con mẹ vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Bao bà mẹ vừa nuôi con vừa cầm súng chiến đấu đến giọt máu cuối cùng bảo vệ từng tấc đất quê hương. Vâng! Không ở đâu trên thế giới này, những bà mẹ mảnh mai ốm yếu gầy gò lại có một nghị lực phi thường, một sức sống mãnh liệt không gì có thể khuất phục. Không phải ngẫu nhiên mà hình ảnh mẹ Việt Nam lại đồng nghĩa với hai từ Tổ quốc. Đi khắp dọc dài đất nước, không nơi đâu chúng ta không chứng kiến sự hy sinh, lòng can đảm và nỗi đau mất mát hy sinh của mọi bà mẹ Việt Nam. Mỗi mẹ có số phận và hoàn cảnh khác nhau nhưng cùng chung một nỗi đau, những giọt nước mắt âm thầm mà trĩu nặng chảy vào trong. Chúng ta từng chứng kiến nhiều bà mẹ, sau cuộc chiến tranh, vẫn ngày ngày đứng bên bậu cửa ngóng tin con trở về mà thời gian mãi biệt trôi. Ở Quảng Nam có mẹ Nguyễn Thị Thứ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng có 9 con ruột, 1 con rể cùng 2 cháu ngoại lần lượt hy sinh. Những người mẹ, những người vợ âm thầm và giản dị nhưng đằng sau cái tên tưởng như bình thường ấy là nỗi đau trĩu nặng. Nỗi đau được cô chắt bằng máu và nước mắt…


    Lịch sử hàng ngàn năm của người mẹ Việt là “cắn răng chịu đựng”, nuốt nước mắt vào trong, hy sinh từng mảnh ruột, giọt máu trong mọi cuộc chiến tranh giữ nước. Bản chất này đã ngấm sâu, chảy trong huyết quản từng người mẹ, người vợ, người chị, người em gái Việt Nam mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng.


    Chúng ta tự hào về những Bà mẹ Việt Nam anh hùng và nguyện sẽ làm tất cả những gì để tôn vinh người mẹ. Nhưng cho dù trong những năm qua, nhân dân cả nước đã có nhiều hoạt động thiết thực bằng tất cả tấm lòng tôn kính “đền ơn đáp nghĩa” song cũng không thể trả hết công ơn to lớn của mẹ Việt Nam. Một ngôi nhà tình nghĩa, một mái ấm gia đình, một tiếng cười con trẻ, một trái tim hiếu nghĩa của các con, các cháu ở trung tâm bảo trợ những bà mẹ cô đơn, sưởi ấm nụ cười Bà mẹ Việt Nam anh hùng là một biểu hiện ý nghĩa nhớ nguồn. Nhưng hơn tất cả những điều ấy, mong muốn của mọi bà mẹ Việt Nam có lẽ là luôn cầu mong cho con cháu trưởng thành, vượt qua phong ba bão tố, xây dựng một đất nước dân chủ, giàu mạnh và thịnh vượng…


    TRẦN THÁI PHƯƠNG

    Nghĩ về Mẹ Việt Nam anh hùng
    Nghĩ về Mẹ Việt Nam anh hùng
    Nghĩ về Mẹ Việt Nam anh hùng
    Nghĩ về Mẹ Việt Nam anh hùng
  3. Đã 75 năm đã trôi qua kể từ ngày 27.7.1947, những nén tâm nhang vẫn đều đặn được thắp lên thành kính khắp các nghĩa trang, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Lòng tri ân của bao thế hệ người Việt lại có dịp hướng về hàng ngàn thương binh, bệnh binh, hướng về các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, tìm về bên Mẹ.


    Mẹ là một phần của lịch sử bi tráng, đau thương, là những nốt nhạc trầm - thăng trong bản trường ca bất tử, đầy kiêu hãnh, tự hào. Mẹ thầm lặng mà cao cả, giản dị mà dũng cảm, can trường, là nguồn cảm hứng bất tận để nhiều thế hệ nhạc sĩ đặt trọn tâm huyết và tạc nên một tượng đài sống động bằng âm nhạc.


    Lấy cảm hứng từ hình tượng Mẹ Suốt (Bảo Ninh, Đồng Hới) sau chuyến công tác tại Quảng Bình, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết ca khúc để đời “Huyền thoại mẹ” (1984), khái quát một cách đầy đặn hình tượng Mẹ Tổ quốc ngoan cường, đầy bao dung, nhân hậu: “Đêm chong đèn ngồi nhớ lại/ Từng câu chuyện ngày xưa/ Mẹ về đứng dưới mưa/ Che đàn con nằm ngủ/ Canh từng bước chân thù/ Mẹ ngồi dưới cơn mưa…”. Đó là người mẹ của hàng ngàn đứa con chiến sĩ dũng cảm, mưu lược, là bóng mát chở che cho bao thế hệ đàn con cách mạng chiến đấu và tìm về như một chốn bình an: “Mẹ là nước chứa chan/ Trôi dùm con phiền muộn/ Cho đời mãi trong lành/ Mẹ chìm dưới gian nan”...


    Sẽ không có gì ngạc nhiên khi các thế hệ nhạc sĩ dành cho Mẹ nhiều tình cảm đến vậy, và “trang điểm” một chân dung Mẹ nhiều mất mát, hy sinh mà đẹp lộng lẫy đến như thế. Với “Người mẹ của tôi” (1989), nhạc sĩ Xuân Hồng đã nói thay triệu triệu người con đất Việt niềm thương cảm lớn lao, bởi những cuộc trường chinh của Tổ quốc này đã lấy đi của Mẹ tất cả: “Nước mắt mẹ không còn/Vì khóc những đứa con/Lần lượt ra đi, đi mãi mãi/Thời gian trôi qua/Vết thương trên thịt da đã lành theo năm tháng/Nhưng vết thương lòng, mẹ vẫn còn nặng mang…”. Từ đó nhắn nhủ các thế hệ lớn lên trong hòa bình biết trải lòng mình ra san sẻ, tri ân, biết sống có ích hơn, xứng đáng hơn với những hy sinh không gì bù đắp nổi của Mẹ.


    Nhạc sĩ Phan Long sau này viết ca khúc “Mẹ” (1992, phổ thơ Đoàn Ngọc Thu) với góc nhìn hậu chiến cũng đã xây dựng một hình ảnh Mẹ cụ thể, 20 năm đằng đẵng chờ chồng: “Cả cuộc đời cha đi bộ đội/ Quà về cho mẹ là mái tóc pha sương/ Và những vết thương trên ngực cha/ Khi trở gió lại đau nhức nhối…” . Trong suốt những tháng năm binh biến ấy, mẹ phải chịu bao gian khó, thiệt thòi mà không một lời than vãn: “Hai mươi năm ngày mẹ cưới/ Đến hôm nay sống đời vợ chồng/ Hai mươi năm… mẹ nuôi con một mình”.


    Khúc tráng ca tháng 7 hào hùng, đầy tự hào, kiêu hãnh hàng năm vẫn đều đặn được cất lên đã lay động đến tận cùng xúc cảm của thế hệ hôm nay: “Hát về những người mẹ Việt Nam, hát mừng những người mẹ anh hùng/ Đời dâng hiến giống nòi, mẹ sống giữa gian lao/ Vì đất nước hy sinh cả cuộc đời…” (“Hát về Mẹ Việt Nam anh hùng”, nhạc sĩ An Thuyên).


    Suốt dặm dài lịch sử đấu tranh của dân tộc, hình tượng Mẹ đã tạc vào dáng đứng của Tổ quốc, đã đi vào các tác phẩm âm nhạc một cách tự nhiên, dung dị mà sinh động, sáng ngời. Vượt lên tất cả những tấm huân chương, huy chương, những tấm bằng khen ghi nhận công trạng hậu chiến, Mẹ chính là huyền thoại bất tử, là một phần chứng tích trong trang sử bi - hùng của dân tộc. Mẹ đã sống, đã cống hiến và hy sinh bằng một cuộc đời thầm lặng, giản dị mà cao cả như thế!


    NGÔ THẾ LÂM

    Mẹ Việt Nam, huyền thoại bất tử
    Mẹ Việt Nam, huyền thoại bất tử
    Mẹ Việt Nam, huyền thoại bất tử
    Mẹ Việt Nam, huyền thoại bất tử
  4. Không thể tìm ra một dân tộc thứ hai nào trên địa cầu này có danh hiệu “Mẹ anh hùng” được phong tặng. Cũng không có một đất nước nào dành riêng một ngày kỷ niệm vừa thiêng liêng lại cảm động đến thế, ngày để người ta nhắc nhiều hơn đến Mẹ, cúi đầu thành kính trước Mẹ bởi những cống hiến, hy sinh không nói hết bằng lời…


    Sẽ không có gì ngạc nhiên khi các thế hệ nhạc sỹ dành cho Mẹ nhiều tình cảm đến vậy và “trang điểm” một chân dung Mẹ nhiều mất mát, hy sinh mà đẹp lộng lẫy đến như thế. Mẹ là một phần của lịch sử bi tráng, đau thương, là những nốt nhạc trầm - thăng trong bản trường ca bất tử, đầy kiêu hãnh, tự hào.


    Lấy cảm hứng từ hình tượng Mẹ Suốt (Bảo Ninh - Đồng Hới) sau chuyến công tác tại Quảng Bình, nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã viết ca khúc để đời “Huyền thoại mẹ” (1984), khái quát một cách đầy đặn hình tượng Mẹ Tổ quốc ngoan cường, đầy bao dung, nhân hậu: “Đêm chong đèn ngồi nhớ lại/ Từng câu chuyện ngày xưa/ Mẹ về đứng dưới mưa/ Che đàn con nằm ngủ/ Canh từng bước chân thù/ Mẹ ngồi dưới cơn mưa…”. Đó là người mẹ của hàng ngàn đứa con chiến sỹ dũng cảm, mưu lược, là bóng mát chở che cho bao thế hệ đàn con cách mạng chiến đấu và tìm về như một chốn bình an: “Mẹ là nước chứa chan/ Trôi dùm con phiền muộn/ Cho đời mãi trong lành/ Mẹ chìm dưới gian nan”.


    Tiếp tục mạch cảm xúc đó, Mẹ bước vào “Đất nước” của nhạc sỹ Phạm Minh Tuấn (1985, phổ thơ Tạ Hữu Yên) vừa lặng thầm mà cao cả, vừa giản dị lại bất khuất, can trường: “Đất nước tôi, thon thả giọt đàn bầu/Nghe dịu nỗi đau của mẹ/ Ba lần tiễn con đi/ Hai lần khóc thầm lặng lẽ/ Các anh không về/ Mình mẹ lặng im…”. Đó là chân dung người mẹ tảo tần, lam lũ mà son sắt thủy chung và sáng ngời chân lý cách mạng: “Hạt thóc chia đều, dẫu no dẫu đói/ Ta vẫn vẹn tình, đắng ngọt cùng vui…”.


    Nhạc sỹ Xuân Hồng với “Người mẹ của tôi” (1989) đã nói thay triệu triệu người con đất Việt niềm thương cảm lớn lao, bởi những cuộc trường chinh của Tổ quốc này đã lấy đi của Mẹ tất cả: “Nước mắt mẹ không còn/ Vì khóc những đứa con/ Lần lượt ra đi, đi mãi mãi/ Thời gian trôi qua/ Vết thương trên thịt da đã lành theo năm tháng/ Nhưng vết thương lòng, mẹ vẫn còn nặng mang…”. Từ đó nhắn nhủ các thế hệ lớn lên trong hòa bình biết trải lòng mình ra san sẻ, tri ân, biết sống có ích hơn, xứng đáng hơn với những hy sinh không gì bù đắp nổi của Mẹ: “… Mẹ Việt Nam ơi, mẹ Việt Nam ơi/ Xin cám ơn người, người mẹ của tôi”.


    Trong suốt những tháng năm binh biến đau thương ấy, Mẹ phải chịu bao gian khó, thiệt thòi mà không một lời than vãn. Khi chiến tranh đã lùi xa, ở góc nhìn hậu chiến, nhạc sỹ Phan Long gửi vào ca khúc “Mẹ” (1992, phổ thơ Đoàn Ngọc Thu) bằng niềm cảm thương sâu sắc với những mất mát, hy sinh không nói hết bằng lời: “Cả cuộc đời cha đi bộ đội/ Quà về cho mẹ là mái tóc pha sương/ Và những vết thương trên ngực cha/ Khi trở gió lại đau nhức nhối…”. Mẹ mãi là một biểu tượng cao quý để mỗi đứa con ngợi ca và muốn tìm về nương náu sau những ưu phiền, va vấp: “Con chỉ tìm về với mẹ thôi/ Trong lòng mẹ bát ngát biển khơi…”.


    Với ca khúc “Hát về Mẹ Việt Nam anh hùng” (1994), nhạc sĩ An Thuyên đã dành riêng cho Mẹ, cho tháng 7 một khúc tráng ca hào hùng, đầy tự hào, kiêu hãnh. Lời ca ấy đã lay động đến tận cùng xúc cảm của thế hệ hôm nay: “Hát về những người mẹ Việt Nam, hát mừng những người mẹ anh hùng/ Đời dâng hiến giống nòi, mẹ sống giữa gian lao/ Vì đất nước hy sinh cả cuộc đời…”.


    Cảm ơn Mẹ với một cuộc đời Mẹ đã sống, đã cống hiến và hy sinh thầm lặng mà cao cả như thế. Vượt lên tất cả những tấm Huân - Huy chương, những tấm Bằng khen ghi nhận công trạng hậu chiến, Mẹ đã tạc vào hình hài và dáng đứng của Tổ quốc ngoan cường này để mãi muôn đời sừng sững như một tượng đài bất tử!


    Tản văn: Ngô Thế Lâm

    Huyền thoại Mẹ!
    Huyền thoại Mẹ!
    Huyền thoại Mẹ!
    Huyền thoại Mẹ!
  5. Bước vào tháng Bảy, cái tháng dầm dề những cơn mưa nhưng lại hừng hực ứng linh khí chất của những người anh hùng liệt sĩ, thương binh đã hy sinh đời mình, hay một phần thân thể mình để có được độc lập cho đất nước, tự do cho dân tộc.


    Có lẽ, không ở đâu trên thế giới này, khái niệm Mẹ Tổ quốc lại đúng như ở Việt Nam. Và có lẽ, không ở thời điểm nào mà ba tiếng “Mẹ Việt Nam” vang lên lại khiến lòng ta miên tràn những cảm xúc như bây giờ… Xin một lần được viết về Mẹ, những người mẹ Việt Nam anh hùng với tất cả sự tri ân song hành cùng niềm tự hào dân tộc.


    “Mẹ Việt Nam ơi
    Hai chữ hy sinh trọn cả đời
    Khổ đau, lận đận mãi không thôi
    Xin hãy nạm vàng muôn khổ cực
    Đổi lấy phút giây Mẹ mỉm cười”


    Chiến tranh xen lẫn hòa bình, chia ly dài hơn đoàn tụ, nghèo đói dài hơn no ấm. Và đời mẹ gắn liền với vận nước non như định mệnh tự hào và cũng đầy nghiệt ngã.


    Chúng ta biết rằng, để có ngày hòa bình, thống nhất như hôm nay, gần hai triệu người con ưu tú đã ngã xuống. Và cũng ngần ấy những bà mẹ khóc con, những góa phụ khóc chồng… Thế nên, đi bất cứ nơi đâu, đến bất cứ chỗ nào, từ địa đầu phía Bắc xuống mũi Cà Mau, ta cũng có thể chạm đến nỗi đau của những người Mẹ.


    Những nỗi niềm nặng trĩu và âm thầm ấy đã rót đầy vào từng dòng chảy lịch sử dân tộc. Những người Mẹ mảnh mai, giống như tấm bản đồ Việt Nam hình chữ S, đầu đội nón lá, hai vai gánh nặng và đôi chân bám chặt vào mặt đất.


    Những bà Mẹ tưởng chừng bé nhỏ, yếu đuối nhưng lại chứa trong lòng nỗi đau, nghị lực phi thường, sức sống vô cùng mạnh mẽ. Vinh quang và nỗi đau của những bà Mẹ Việt Nam anh hùng làm thế giới kinh ngạc và khâm phục.


    Phải! Có đất nước nào trên thế giới có những bà Mẹ vừa chờ chồng suốt hơn 20 năm, vừa làm lụng, tần tảo nuôi con, vừa chống đỡ với những thế lực đen tối để tồn tại; vừa nuốt nước mắt “Ba lần tiễn con đi, Hai lần khóc thầm lặng lẽ” khi các con mình vĩnh viễn không trở về; vừa nén đau thương, cầm vũ khí đánh giặc, vừa đứng trước mũi súng quân thù đấu tranh…


    Chắc chắn, trên thế giới này, chỉ có những bà Mẹ Việt Nam mà thôi! Thế nên, ở Việt Nam, tự bao giờ, hình tượng người Mẹ luôn đồng nghĩa cùng Tổ quốc. Và cũng đừng hỏi tại sao, Tổ quốc lại là Mẹ!


    Cuộc chiến tranh tàn khốc đã đẩy biết bao bà Mẹ vào tình huống đau lòng. Có những bà Mẹ ngàn lần anh hùng nhưng không dám nhận mình Anh hùng khi đứng trước sự lựa chọn nghiệt ngã, hoặc là sinh mệnh đứa con, hoặc là sự an toàn cho cả đoàn quân.


    Sự hy sinh của những bà Mẹ ấy thật cao cả mà cũng vô cùng đau đớn. Mỗi bà Mẹ đều có hoàn cảnh rất khác nhau về thành phần xuất thân, về nguồn gốc, về hoàn cảnh... Nhưng cùng giống nhau ở nước mắt khóc con khi rơi đều trĩu nặng và lặng lẽ.


    Trong niềm vui ngày chiến thắng, Mẹ hòa cùng dòng người hò reo giữa đường phố rợp trời cờ hoa, nhưng thẳm sâu trong lòng Mẹ là những cơn đau quặn thắt, nước mắt chảy ngược vào trong khi hình bóng những đứa con không có trong đoàn quân chiến thắng.


    Hòa bình, biết bao bà Mẹ lại phải thắt lưng, buộc bụng, chấp nhận cuộc sống nghèo khó, kiên định và tỉnh táo trước những ngày vô vàn gian khó, khủng hoảng. Những thế hệ lớn lên sau chiến tranh không đựơc quyền quên nỗi đau không nói thành lời của những bà Mẹ ấy, không thể quên những hy sinh thầm lặng như một khúc hát ru êm đềm bên khúc hoàng ca của những chiến thắng vang danh.


    Hôm nay, mỗi nén hương chúng ta thắp lên trên mộ bia của các Anh hùng liệt sĩ, cũng là tiếng lòng tri ân tha thiết đến những người Mẹ - “Mẹ Anh hùng của của những người Anh hùng”. Có những Mẹ đã về với đất, có những Mẹ vẫn còn sống phần đời còn lại để từng ngày nhìn đất nước thay da đổi thịt, nhìn cháu con trưởng thành hăng say học tập, lao động xây dựng phát triển cơ đồ tổ tiên để lại.


    Với các Mẹ, có lẽ đây mới là món quà quý giá nhất hơn cả chuông vàng, khánh bạc sau những hy sinh, khổ đau một đời chìm nổi theo bão táp cùng lịch sử dân tộc. Để đêm đêm, Mẹ lại run run thắp cho chồng, cho con những nén hương với một câu hát ru thẳm sâu giản dị “hãy ngủ yên con nhé, đất nước đã thanh bình”…


    Và, để rồi, mỗi năm, cứ vào tháng Bảy, Mẹ lại đứng trông về những phần mộ trong nghĩa trang, nơi có con của Mẹ, con của những người Mẹ khác với đôi mắt đã cạn khô vì thương nhớ.


    “Tháng Bảy về Mẹ lại đứng trông
    Hướng xa xăm nhìn vào cõi nhớ
    Khóe mắt khô nặng từng hơi thở
    Cơn gió nào lau hộ giọt thương đau.
    Tháng Bảy về bao lần Mẹ ước ao
    Thấy những đứa con cài hoa hồng trên áo
    Chiều nghĩa trang, chiếc lá vàng chao đảo
    Giọt mưa thu ngưng đọng tiếng kinh cầu”…


    Sưu tầm

    MẸ VIỆT NAM - MẸ ANH HÙNG
    MẸ VIỆT NAM - MẸ ANH HÙNG
    MẸ VIỆT NAM - MẸ ANH HÙNG
    MẸ VIỆT NAM - MẸ ANH HÙNG



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy