Bài phân tích tác phẩm "Tư cách mõ" của Nam Cao số 1
“Tư cách Mõ “ là tác phẩm thuộc tuyển tập truyện ngắn của nhà văn Nam Cao, kể về một thực trạng đáng buồn trong xã hội cũ, là sự dèm pha đàm tiếu của người đời đã khiến tầng lớp dân nghèo tha hóa, cụ thể ở đây là nhân vật anh cu Lộ. Khi chắp bút viết nên câu chuyện này, Nam Cao không hề có ý định chê bai cái “ tư cách mõ “ ấy. Mà ngược lại, Nam Cao đã thể hiện sự thương xót trước những con người nghèo khổ không có quyền quyết định số phận, đồng thời phê phán miệng lưỡi thiên hạ sắc bén làm tha hóa đi một con người.
Nhân vật chính của câu chuyện là anh cu Lộ, một người mà ở ngay mở đầu câu chuyện, đã được giới thiệu là “ trở thành mõ thật rồi!”. Chính cái lời mở đầu ấy đã thành công thu hút sự hấp dẫn của người đọc, khiến ta phải tự nảy sinh những thắc mắc trong đầu: “Sao lại trở thành mõ thật rồi ? “ “Mõ là gì ?“ và “Ai đã làm hắn trở thành mõ? “Rồi đọc tiếp những dòng sau, ta đã hiểu hơn về nội dung, bởi Nam Cao đã làm sáng tỏ dần về bản chất, chi tiết, sự kiện và vấn đề cốt lõi của “ Tư cách mõ”.
Với lối dẫn chuyện quen thuộc, Nam Cao đã diễn giải thẳng vào vấn đề: Anh Lộ là một thằng mõ chính tông! Đó là gì? Trong con mắt người khác, đó là cái người mà “ lầy là, ham ăn, đê tiện, quen không làm gì mà cũng có ăn, chẳng ai thèm chấp vặt một thằng mõ”. Đối với ánh mắt của thiên hạ thì đó là sự dè bỉu. Còn với Lộ, “ tư cách Mõ “ của anh lại chính là một bi kịch - cái thứ bi kịch được tạo dựng nên bởi chính miệng lưỡi của người đời.
Xuất phát điểm là một chàng trai chăm làm chịu khó thương vợ thương con, dù gia cảnh có đói nghèo cũng không vì thế mà nảy sinh tính lấy trộm vặt vãnh. Lộ được làng trên xóm dưới yêu quý, nhưng khổ cái là anh vất vả làm lụng quanh năm suốt tháng mà vẫn cứ mãi nghèo. Khi cả làng đùn đẩy không ai chịu làm chân “ sãi “ quét tước, họ đã tìm đến anh để đặt vấn đề, và đưa ra những quyền lợi rất ưu đãi đối với anh. Nhờ vậy, cuộc sống của Lộ đã được sang một trang mới, khi không mất tiền sưu thuế, hàng tháng được các quan chi trả cho một số tiền công, lại có đất làm vườn và chăm cầy cấy nên tiền nong dư dả. Tưởng như cuộc sống cứ êm đềm như thế, cho tới ngày Lộ bị người ta ghen ăn tức ở, truyền tai nói xấu và đặt điều xa lánh anh.
Từ một con người nghèo khó được cả làng yêu quý, chỉ vì cuộc sống khấm khá hơn mà thành ra cả làng lại xa lánh dè bỉu, thực tại thật trớ trêu và nực cười? Họ tỏ thái độ xa lánh anh ra mặt, hỏi đểu và xa lánh trực tiếp trong những bữa cỗ với xóm làng. Ban đầu, Lộ buồn bực và giận lắm! Nhưng càng như vậy, họ lại càng được đà quá đáng hơn với anh. Thế là Lộ quyết định làm thật - làm như những gì họ đã đặt điều về anh. Lộ cùng vợ đội thúng bốc gạo xin phong bao từng nhà, cỗ ngồi một mình một mâm to ăn lấy ăn để, còn mang tay nải xách cả bọc lớn thịt xôi về cho nhà… Thế rồi, từ không hài lòng với anh, họ chuyển sang cực kỳ ghét anh, và tới mức độ: kệ cha thằng mõ - nó có như thế mới là thằng mõ!
Ban đầu ta thấy có sự thương xót với Lộ. Nhưng sau khi đọc tiếp câu chuyện, ta thấy thực đáng buồn. Chỉ từ hành động đầu tiên là đơn thuần đáp trả, Lộ đã sa đà vào và cuối cùng bị chính bản thân mình tha hóa: “ Đã vậy thì hắn tham cho mà biết!”. Thực nực cười làm sao, khi tới một ngày, Lộ đã thực sự làm bản thân mình tách rời hẳn với xã hội, với những chuẩn mực đạo đức mà từ trước tới giờ anh vẫn luôn theo đuổi, đi ngược lại với nhân cách của bản thân mình ban đầu. Buồn cho Lộ bao nhiêu, ta lại càng phải trách xã hội bất công ngần ấy. Bởi lẽ, họ là nhân tố thúc đẩy cho sự thay đổi của Lộ. Hoàn cảnh sống đã làm con người trở nên thay đổi, và nếu không đủ vững vàng thì hiển nhiên là họ sẽ tha hóa.
Viết nên những điều ấy, Nam Cao đã tố cáo xã hội đầy châm biếm. Đó là sự bất công nảy nở trong cuộc sống vốn đã khổ cùng tận của người dân nghèo trong xã hội cũ, nó bi đát tới nỗi cuộc sống của họ vừa mới chớm khá hơn đã bị vùi dập quay trở về vạch xuất phát không thương tiếc, và càng khổ hơn, sa lầy hơn ban đầu. Nam Cao đã khiến người đọc phải suy ngẫm trăn trở, về vấn đề làm sao để mãi giữ được phẩm giá tốt đẹp của con người, đối với những tác động bên ngoài xã hội? “Hỡi ôi! Thì ra lòng khinh, trọng của chúng ta có ảnh hưởng đến cái nhân cách của người khác nhiều lắm; nhiều người không biết gì là tự trọng, chỉ vì không được ai trọng cả; làm nhục người là một cách rất diệu để khiến người sinh đê tiện…”
Bi kịch của một thằng “ tư cách Mõ”, trớ trêu thay lại xuất phát từ sự bất công, đố kỵ, ghen ăn tức ở của miệng lưỡi người đời. Ta thử hỏi rằng, nếu như xóm làng bớt xa lánh ghen ghét với sự chăm chỉ của anh hơn, con người ta bớt đi cái thói đặt điều chua ngoa hơn, thì liệu anh Lộ có trở nên tha hóa như thế? Nếu người ta biết sống vì nhau hơn và hoan hỉ vui mừng trước thành công của người khác, liệu có còn nảy sinh câu chuyện về những thằng “ tư cách Mõ “ như Lộ được ra đời? Và nếu anh Lộ vượt qua được định kiến cùng sự ghen ghét muôn kiếp của người đời, thì anh có hay không còn bị tha hóa? Ta thấy rằng dù biến cố gì có xảy ra đi nữa, thì thứ mà chúng ta và cả xã hội cần nhất, chính là niềm tin! Nếu con người ta tin nhau, anh Lộ cũng đâu bị người đời xa lánh? Và nếu con người ta tin chính anh Lộ như đã từng, anh đâu phải mất đi cái cốt cách tốt đẹp trong tâm hồn? Bởi thế, khi trông thấy thành công của người khác, thay vì ghen tỵ thì hãy vui mừng, rộng mở và bao dung.
Thông qua 3 bài mẫu phân tích Tư cách mõ của Nam Cao trên đây, hy vọng sẽ giúp các em hiểu sâu tác phẩm, nắm được thông điệp tác giả muốn truyền tải trong câu chuyện để hoàn thiện bài viết phân tích của mình. Chúc các em học tốt môn Văn!