Bài soạn Người mẹ vườn cau (Ngữ văn 8 - SGK Cánh diều) số 6
Chuẩn bị
- Nguyễn Ngọc Tư sinh năm 1976 tại Đầm Dơi, Cà Mau. Chị là một trong những nhà văn nổi tiếng của nền văn học Việt Nam hiện đại, với nhiều tác phẩm đạt giải thưởng. Giọng văn chị đậm chất Nam bộ, là giọng kể mềm mại mà sâu cay về những cuộc đời éo le, những số phận chìm nổi. Một số tác phẩm tiêu biểu như Ngọn đèn không tắt, Nước chảy mây trôi, Cánh đồng bất tận…
- Một tác phẩm viết về người mẹ, người bà có chủ đề gần với văn bản này: Người ngồi đợi trước hiên nhà (Huỳnh Như Phương). Truyện kể về nhân vật dì Bảy, một người phụ nữ giàu đức hy sinh. Dượng Bảy và dì Bảy cưới nhau được một tháng, thì dượng phải lên đường ra Bắc tập kết. Ra miền Bắc rồi vào lại miền Nam chiến đấu, dượng Bảy vẫn liên lạc với gia đình. Dượng Bảy ngã xuống trong trận đánh ở Xuân Lộc, trên đường tiến vào Sài Gòn. Ngày hòa bình, dì Bảy đã qua tuổi bốn mươi. Vẫn có người đàn ông để ý đến dì, nhưng lòng dì không còn rung động. Dì Bảy năm nay tròn tám mươi tuổi, đang ngồi một mình đợi Tết.
Đọc hiểu
Câu 1. Nhận biết các trợ từ, thán từ trong văn bản.
- Trợ từ: cả, đến, chỉ
- Thán từ: tiên tổ mầy, ơi ới, nghen, hở, ừ, lắm, chứ
Câu 2. Phần (3) gợi mở về những vấn đề gì?
Phần (3) gợi mở về sự biết ơn, kính trọng những người mẹ.
Trả lời câu hỏi
Câu 1. Truyện ngắn trên viết về đề tài gì? Giải thích nhan đề Người mẹ vườn cau.
Đề tài: Lòng biết ơn, trân trọng.
Nhan đề “Người mẹ vườn cau”: Hình ảnh “người mẹ vườn cau” trong bài đại diện cho những bà mẹ Việt Nam anh hùng với vẻ đẹp giản dị, tần tảo và giàu đức hi sinh.
Câu 2. Theo em, chủ đề của truyện ngắn Người mẹ vườn cau là gì?
Chủ đề: Lòng biết ơn, đền ơn đáp nghĩa.
Câu 3. Truyện được kể theo ngôi thứ mấy? Ngôi kể ấy có tác dụng như thế nào?
Ngôi kể thứ nhất.
=> Tác dụng: Cho thấy cái nhìn và cảm nhận chủ quan của nhân vật tôi về sự việc trong truyện, từ góc nhìn trẻ thơ người đọc sẽ có nhiều giải nghĩa khác nhau về văn bản.
Câu 4. Cốt truyện của văn bản Người mẹ vườn cau có gì đáng chú ý?
Cốt truyện của văn bản có những tình huống khá đặc biệt, tựa như dòng suy nghĩ của những đứa trẻ, không thống nhất theo một trình tự nào. Cốt truyện mượn câu chuyện có thật về những người mẹ Việt Nam anh hùng để tôn vinh và thể hiện lòng biết ơn sâu sắc với các mẹ.
Câu 5. Hình ảnh “người mẹ vườn cau” đã được tái hiện với những chi tiết tiêu biểu nào? Em ấn tượng với chi tiết nào nhất? Vì sao?
Hình ảnh “người mẹ vườn cau” đã được tái hiện với những chi tiết: gầy gò, cười phô cả lợi, nụ cười phúc hậu, đôi mắt già nua nheo nheo,...
Em ấn tượng với chi tiết “Đón ba, nội gầy gò, cười phô cả lợi” vì chi tiết này thể hiện niềm vui của người mẹ khi con về thăm.
Câu 6. Có người cho rằng, qua truyện ngắn Người mẹ vườn cau, tác giả muốn nhắn gửi đến người đọc thông điệp về truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Ý kiến của em như thế nào? (Trình bày thành đoạn văn khoảng 8 - 10 dòng).
Qua truyện ngắn "Người mẹ vườn cau", tác giả muốn gửi đến người đọc thông điệp về truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc, đây là một ý kiến đúng. Đất nước Việt Nam hơn bốn ngàn năm văn hiến của chúng ta đã trải qua biết bao cuộc chiến đấu anh dũng để dành được hoà bình. Trong những cuộc chiến đó, đã có biết bao người như bà nội vườn cau mất đi con cái, vì con của họ đã ngã xuống cho độc lập tự do của đất nước. Những người đồng chí còn sống sót sau những trận chiến như ba của nhân vật tôi đã coi mẹ của đồng đội đã mất như mẹ của mình mà thăm nom, làm tròn chữ hiếu thay bạn mình. Qua truyện, người đọc chúng ta đã biết đến và kính trọng hơn những người mẹ Việt Nam anh hùng như bà nội vườn cau.