Bài soạn "Tiếng nói của văn nghệ" của Nguyễn Đình Thi số 6
I. Vài nét về tác giả
- Nguyễn Đình Thi (1924-2003)
- Quê quán: Nguyên quán ở làng Vũ Thạch, hiện nay là phố Bà Triệu- phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm,Hà Nội
- Sự nghiệp sáng tác:
+ Ông là nhà văn, nhà phê bình văn học và là nhạc sĩ Việt Nam thời hiện đại
+Thuộc thế hệ các nghệ sĩ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp. Ông viết sách khảo triết học, viết văn, làm thơ, soạn kịch, viết lí luận phê bình
+ Ông được nhà nước phong tặng Giải thương Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996
+ Các tác phẩm tiêu biểu: Bên bờ sông Lô, Vào lửa, Mặt trận trên cao…
II. Tác phẩm
1. Hoàn cảnh sáng tác
- Tiểu luận “Tiếng nói của văn nghệ” được Nguyễn Đình Thi viết năm 1948, in trong cuốn “Mấy vấn đề văn học” (xuất bản năm 1956)
2. Bố cục
- Phần 1: từ đầu bài cho đến “cách sống của tâm hồn”: Nội dung tiếng nói của văn nghệ.
- Phần 2: Tiếp theo đoạn 1 cho đến cuối bài: Văn nghệ mang lại nhiều giá trị thiết thực trong cuộc sống con người.
3. Giá trị nội dung
- Bài tiểu luận bàn về nội dung của văn nghệ và sức mạnh kì diệu của nó đối với đời sống của con người, giúp con người được sống phong phú hơn và tự nhiên hoàn thiện nhân cách tâm hồn mình
4. Giá trị nghệ thuật
- Bố cục chặt chẽ, hợp lí, dẫn dắt tự nhiên. Lối viết giàu hình ảnh, sử dụng nhiều dẫn chứng thơ văn, dẫn chứng thực tế, khẳng định các ý kiến, nhận xét, tăng sức hấp dẫn cho bài viết.
Câu 1. Hãy tóm tắt những nội dung cơ bản và nhận xét về bố cục của bài nghị luận.
Trả lời:
Có thể thấy những nội dung nghị luận cơ bản được tác giả trình bày theo trình tự :
- Nội dung của tác phẩm văn nghệ.
- Sự cần thiết (ý nghĩa) của văn nghệ đối với cuộc sống con người, nhất là trong hoàn cảnh chiến đấu, sản xuất vô cùng gian khổ.
- Khả năng cảm hoá, sức mạnh lôi cuốn kì diệu của văn nghệ do đặc trưng, do cách nói, cách tác động của nó.
Nhận xét về tính hợp lí của trình tự các luận điểm trên đây trong bài (đi từ đặc trưng nội dung đến ý nghĩa, tác dụng và sức mạnh cảm hoá của văn nghệ với công chúng tiếp nhận).
Câu 2. Khi trình bày về nội dung của tác phẩm văn nghệ, Nguyễn Đình Thi nhấn mạnh điều gì ? Theo em, việc này có ý nghĩa gì ?
Trả lời:
Tác giả bài tiểu luận khẳng định : cùng với thực tại khách quan, nội dung của tác phẩm văn nghệ còn là nhận thức, khám phá mới mẻ, còn là tất cả tư tưởng, tình cảm của cá nhân nghệ sĩ. Suy nghĩ xem vì sao Nguyễn Đình Thi lại nhấn mạnh mặt sau này. Việc nhấn mạnh như thế có đúng với đặc trưng của văn nghệ không, có ý nghĩa như thế nào với cách tiếp nhận, cách đánh giá tác phẩm văn nghệ của chúng ta ?
Câu 3. Dựa vào bài nghị luận, hãy phân tích tác dụng của văn nghệ đối với đời sống con người.
Trả lời:
Để phân tích tác dụng của văn nghệ đối với đời sống con người, nên suy nghĩ trả lời các câu hỏi : Tác phẩm văn nghệ đem tới cho người đọc cái gì ? Nếu không có văn nghệ, đời sống con người sẽ ra sao ?
- Bài tiểu luận của Nguyễn Đình Thi đã chỉ rõ : Tác phẩm văn nghệ đem tới cho ta bức tranh đời sống mang tính cụ thể, sinh động thông qua cái nhìn, tình cảm phong phú, mãnh liệt của cá nhân nghệ sĩ.
- Chính vì mang những nội dung đặc sắc, độc đáo nên văn nghệ không thể thiếu trong đời sống con người.
+ Văn nghệ giúp ta nhận thức cuộc sống phong phú, mới mẻ như thế nào ?
+ Văn nghệ giúp ta hiểu biết chính mình, ngày một tự hoàn thiện mình ra sao ?
+ Văn nghệ có ý nghĩa gì đối với cuộc sống vất vả, khắc khổ thường ngày, đối với thế giới tâm hồn của con người ?
Câu 4. Trình bày hiểu biết của em về đặc trưng tiếng nói của văn nghệ và hiệu quả của tiếng nói ấy sau khi đọc bài nghị luận của Nguyễn Đình Thi.
Trả lời:
Khi trình bày hiểu biết của mình về đặc trưng của văn nghệ và tác dụng kì diệu của tác phẩm văn nghệ, cần bám vào các ý kiến của Nguyễn Đình Thi. Cần hiểu rằng chính đặc trưng của văn nghệ là nguyên nhân cơ bản làm nên tác dụng lớn lao, kì diệu của nó, nghĩa là hai ý này liên quan chặt chẽ với nhau.
Đặc trưng của văn nghệ có thể phân tích qua hai phương diện :
- Nội dung của tiếng nói ấy mà không bộ môn nào khác thay thế được.
- Con đường (cách thức) mà tiếng nói văn nghệ đến với người đọc.
- Hiệu quả, sức mạnh đặc biệt của tiếng nói văn nghệ xuất phát từ chính đặc trưng của nó.
- Nghệ thuật là tiếng nói của tình cảm. Tác phẩm văn nghệ chứa đựng tình yêu ghét, nỗi vui buồn của con người chúng ta trong đời sống sinh động thường ngày. Tư tưởng của nghệ thuật không khô khan, trừu tượng mà lắng sâu, thấm vào những cảm xúc, những nỗi niềm.
- Là tiếng nói của tình cảm, tác phẩm văn nghệ lay động cảm xúc, đi vào nhận thức/tâm hồn chúng ta cũng qua con đường tình cảm. Đến với một tác phẩm văn nghệ, chúng ta được sống cùng cuộc sống miêu tả trong đó, được yêu, ghét, vui, buồn, đợi chờ,... cùng các nhân vật và cùng nghệ sĩ.
- Khi tác động bằng nội dung, cách thức đặc biệt ấy, văn nghệ góp phần giúp người đọc, người xem tự nhận thức mình, tự xây dựng mình. Như vậy, văn nghệ thực hiện các chức năng của nó một cách tự nhiên, có hiệu quả sâu sắc, lâu bền.
Câu 5. Phân tích đặc sắc trong nghệ thuật nghị luận của Nguyễn Đình Thi ở bài Tiếng nói của văn nghệ.
Trả lời:
Có thể phân tích đặc sắc trong nghệ thuật nghị luận của Nguyễn Đình Thi qua các phương diện :
- Bố cục bài viết (hệ thống luận điểm, luận cứ).
- Cách phân tích, dẫn dắt vấn đề, sự kết hợp giữa nêu ý kiến, nhận định với đưa dẫn chứng văn học, dẫn chứng thực tế.
- Giọng điệu, lời văn.
Câu 6. Bình luận ý kiến sau trong bài tiểu luận : “Nghệ thuật không đứng ngoài trỏ vẽ cho ta đường đi, nghệ thuật vào đốt lửa trong lòng chúng ta, khiến chúng ta tự phải bước lên đường ấy.”
Trả lời:
Khi bình luận ý kiến này cần xác định đúng vị trí của nó trong bài tiểu luận (chú ý vai trò đúc kết, khái quát). Câu văn này nhằm khẳng định điều gì ? Nó đúng đắn, sâu sắc như thế nào (chú ý hình ảnh “đốt lửa trong lòng”) ? Cần chứng minh, đánh giá ý kiến ấy qua một số dẫn chứng sinh động.