Bài tham khảo số 2

Mùa xuân, mùa của vạn vật, mùa của sự sinh sôi nảy nở muôn loài. Chính bởi vẻ đẹp với những nét riêng biệt mà mùa xuân trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho rất nhiều thi nhân. Xuân Diệu, ông hoàng thơ tình đã có những vần thơ thật táo bạo về mùa xuân qua con mắt của "kẻ si tình":


"...Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua,

Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,

Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất

Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,

Không cho dài thời trẻ của nhân gian,..."


Không táo bạo như Xuân Diệu, Thanh Hải góp một tiếng thơ xuân vào khu vườn thơ ca hiện đại với thi phẩm "Mùa xuân nho nhỏ" chan chứa cảm xúc của một con người đang tận hưởng những điều tuyệt vời nhất của mùa xuân.Nổi bật trong bài thơ là khổ đầu mang rất nhiều ý nghĩa.


"Mùa xuân nho nhỏ" được viết vào tháng 11 năm 1980. Đây là thời điểm tác giả Thanh Hải đang nằm trên giường bệnh, chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo cũng là đối mặt với cái chết đang hiện hữu cận kề. Tuy vậy, qua con mắt của thi nhân và khối óc tưởng tượng của một con người yêu thiên nhiên, cảnh vật sâu sắc, Thanh Hải đã sáng tạo nên những vần thơ thật ý nghĩa. Ngay ở khổ thơ đầu tiên đã toát lên được tình yêu thiên nhiên đất trời mãnh liệt:


"Mọc giữa dòng sông xanh

Một bông hoa tím biếc

Ơi con chim chiền chiện

Hót chi mà vang trời"


Khổ thơ như một bức tranh thiên nhiên đầy sắc xuân. Đó là bức tranh có những nét chấm phá, phác họa vô cùng tinh tế. Từ "mọc" xuất hiện ngay từ đầu câu thơ cho ta một ấn tượng mạnh. Một động từ mạnh xuất hiện như thể hiện sự vươn dậy, sự khỏe khoắn, một sức sống như tiềm tàng bí ẩn bỗng chốc vụt trỗi dậy. Người đọc đặt ra câu hỏi "Cái gì Mọc giữa dòng sông xanh"? Điều này gây tò mò đối với độc giả thì ngay lập tức, câu thơ thứ hai đã giải đáp điều ấy: "Một bông hoa tím biếc". Hai câu thơ có sử dụng biện pháp đảo ngữ. Lẽ ra phải là:


"Một bông hoa tím biếc

Mọc giữa dòng sông xanh"


Việc đảo ngữ có tác dụng giúp câu thơ thêm phần đặc biệt, ấn tượng. Hai câu thơ gợi cho ta thấy với không gian mênh mông trời nước, giữa dòng sông với làn nước trong xanh, bỗng nhiên mọc lên một bông hoa. Bông hoa ấy có màu sắc tím biếc. Tuy không phải là sắc màu đỏ rực như đỏ, xanh ngắt mà là màu tím biếc. Màu tím làm nên sự thơ mộng, nhẹ nhàng, làm nên sắc xuân. Đó là vẻ đẹp tinh khôi, sáng trong mà cũng rất đỗi mộng mơ. Đó là màu tím của hoa, của thiên nhiên hay chính là sự tượng trưng cho xứ Huế thơ mộng.


Trên nền xanh của dòng sông, màu hoa tím biếc, tưởng chừng như bức họa ấy tĩnh lại. Nhưng ngay sau đó là sự xuất hiện của tiếng động:


"Ơi con chim chiền chiện

Hót chi mà vang trời"


Trên bức tranh ấy có tiếng chim hót vang trời. Với thán từ gọi đáp "Ơi" mang đến sự gần gũi, đậm ngôn ngữ Huế. Ngôn ngữ ấy mang đến sự nhẹ nhàng, tình cảm và có nét vô cùng đáng yêu. Tiếng chim hót làm cho bức tranh chuyển trạng thái từ tĩnh sang động. Mùa xuân trong thơ của Thanh Hải là một nét đẹp đằm thắm, nhẹ nhàng, mơn man, trong sáng và đầy tinh khôi. Tất cả đều đang ở độ tràn trề sức sống.


Trước vẻ đẹp thiên nhiên ấy, tác giả không khỏi bộc lộ rõ nét cảm xúc của bản thân:


"Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng"


"Giọt long lanh" ở đây được hiểu với rất nhiều nghĩa khác nhau. Đó có thể là giọt sương trong buổi sớm ban mai, giọt mưa còn vương lại trên mái hiên hè sau mỗi trận mưa rả rích đêm khuya hay đó cũng có thể là giọt mang ý nghĩa tượng trưng cho hạnh phúc, cho sức sống tràn đầy. Với sự chuyển đổi cảm giác linh hoạt trong câu thơ đã đem lại sự thú vị cho câu thơ. Câu thơ cuối của đoạn đầu bài thơ lại diễn tả rõ nét hơn cảm giác ấy: "Tôi đưa tay tôi hứng". Động từ "hứng" gợi cho ta thấy sự trân trọng. Sự trân trọng của tác giả trước vẻ đẹp của thiên nhiên, của đất trời.


Có một nhà phê bình đã từng viết về "Mùa xuân nho nhỏ" giống như "Một tác phẩm kết tinh của tâm hồn người sáng tác, vừa là sợi dây truyền cho mọi người sự sống mà nghệ sĩ mang trong lòng". Chính tình yêu thiên nhiên da diết cùng với tinh thần lạc quan, yêu đời của tác giả Thanh Hải đã đem đến một tiếng thơ vô cùng giản dị, mộc mạc mà chan chứa xúc cảm. Không phải một mùa xuân mang sự ảm đạm, u buồn trong "Xuân" của Chế Lan Viên, cũng không phải một "Mưa xuân" của Nguyễn Bính mang đầy sự dịu dàng, nhẹ nhàng của một người con gái như đang ngỏ lời trách hờn với chàng trai hay một "Hồn xuân" của Huy Cận mang hơi thở của tình yêu. Thanh Hải đã góp vào một tiếng thơ riêng, rất riêng, rất Thanh Hải và rất ý nghĩa.

Hình minh hoạ
Hình minh hoạ

Top 8 Bài văn phân tích khổ thơ đầu bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" của Thanh Hải hay nhất

  1. top 1 Bài tham khảo số 1
  2. top 2 Bài tham khảo số 2
  3. top 3 Bài tham khảo số 3
  4. top 4 Bài tham khảo số 4
  5. top 5 Bài tham khảo số 5
  6. top 6 Bài tham khảo số 6
  7. top 7 Bài tham khảo số 7
  8. top 8 Bài tham khảo số 8

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy