Top 5 Bài văn phân tích cảm hứng nhân đạo trong bài "Độc Tiểu Thanh kí" của Nguyễn Du (Ngữ văn 10) hay nhất

  1. top 1 Bài tham khảo số 1
  2. top 2 Bài tham khảo số 2
  3. top 3 Bài tham khảo số 3
  4. top 4 Bài tham khảo số 4
  5. top 5 Bài tham khảo số 5

Bài tham khảo số 2

Trong gia tài thi ca phong phú của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du, bộ phận thơ chữ Hán có vai trò khá đặc biệt. Đó là những bài mà Nguyễn Du có thể bộc lộ trực tiếp tâm tư, tình cảm. Bày tỏ những sự day dứt trăn trở của mình. Trong bài thơ "Đọc tiểu Thanh kí" những tâm sự ấy của Nguyễn Du lại có được sự tương đồng, gần gũi với cuộc đời, tài sắc mà bất hạnh của Tiểu Thanh. Bởi vậy bài thơ là sự kết hợp hài hoà giữa nỗi thương người và sự thương mình, giữa sự xót thương cho kiếp người bạc mệnh và lòng trân trọng ngợi ca những phẩm chất cao đẹp của con người. Đó cũng là một phương diện quan trọng, sâu sắc trong chủ nghĩa nhân đạo của Nguyễn Du.


Trong thơ văn trung đại, không phải ít hình ảnh những người phụ nữ "tài hoa bạc mệnh" là nạn nhân của cái quy luật "Hồng nhan đa truân". Tuy nhiên, phải nói rằng chỉ đến Nguyễn Du mới xuất hiện cả một lớp người mang trọn cái kiếp số bạc mệnh ấy: Kiều, Đạm Tiên, người ca nữ đất Long thành...Số phận của họ nằm ở trong mạch cảm hứng chung của Nguyễn Du và thể hiện tấm lòng nhân đạo bao la của ông. Bởi thế dễ hiểu vì sao cuộc đời Tiểu Thanh-một người con gái xa về thời gian, cách về không gian lại nhận được sự cảm thông sâu sắc như thế từ nhà thơ. Tiểu Thanh cũng đầy đủ về tài hoa, nhan sắc, nhất là tài hoa văn chương, thơ phú. Cuộc đời cuối cùng cũng vùi chôn trong nấm mồi khi đang trong độ xuân xanh tuổi trẻ. Phần tinh hoa để lại cho đời cũng tiêu tan chỉ vì cái lòng ghen tuông ích kỉ, tàn ác của người vợ cả. Sự biến đổi đau thương ấy của cuộc đời nàng như được hiện hữu trong cảnh vật:


"Hồ Tây cảnh đẹp hoá gò hoang

Thổn thức bên song mảnh giấy tàn"


Trong nguyên văn, Nguyễn Du dùng chữ "tận" như muốn xóa sạch mọi dấu vết của cảnh đẹp Tây Hồ, tô đậm thêm ấn tượng hoang vắng, tàn tạ của gò hoang. Sự biến đổi tang thương của cảnh gợi mối thương tâm đến người. Cảnh đẹp Tây Hồ giờ chỉ còn lại gò hoang cũng như tất cả những gì còn lại của Tiểu Thanh tài sắc chỉ là một mảnh giấy tàn, là phần dư cảo. Nhưng chỉ từng ấy thôi cũng khiến nhà thơ một mình thương cảm, xót xa mà khóc cho đời hồng nhan. Tiểu Thanh đời thực trong 300 năm trước cũng như nàng Kiều, người ca nữ đất Long thành đều phải hứng chịu.


"Rằng: Hồng nhan từ thuở xưa

Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu (TK)"


Tài sắc của những con người ấy thì được ngợi ca là những giá trị tinh thần cao đẹp nhưng bản thân họ lại bị đày đọa, chà đạp. Nguyễn Du với tấm lòng nhân đạo bao la sâu sắc của mình đã thể hiện một sự đồng cảm, xót thương hết mức chân thành với số phận Tiểu Thanh. Đây là một nét mới mẻ trong chủ nghĩa nhân đạo Nguyễn Du. Đối tượng mà Nguyễn Du thương cảm, quan tâm không chỉ là "thập loại chúng sinh" đói nghèo đau khổ. Rất nhiều tình cảm của ông hướng về những kẻ tài hoa.


"Chi phấn hữu thần liên tử hậu

Văn chương vô mệnh lụy phần dư"


Nhà thơ mượn hai hình ảnh "son phấn" và "văn chương" để diễn tả cho những đau đớn dày vò về thể xác và tinh thần của Tiểu Thanh gửi gắm vào những dòng thơ. Theo quan niệm xưa, "son phấn" – vật trang điểm của phụ nữ có tinh anh (thần) vì gắn với mục đích làm đẹp cho phụ nữ. Cả 2 câu thơ cùng nhằm nhắc lại bi kịch trong cuộc đời Tiểu Thanh –1 cuộc đời chỉ còn biết làm bạn với son phấn và văn chương để nguôi ngoai bất hạnh. Mượn vật thể để nói về người. Gắn với những vật vô tri vô giác là những từ ngữ chỉ cho tính cách, số phận con người như "thần" và "mệnh". Lối nhân cách hóa thể hiện rõ cảm xúc xót xa của nhà thơ về những bất hạnh của kiếp người qua số phận của Tiểu Thanh. Kết cục bi thảm của tiểu Thanh xuất phát từ sự ghen tuông, lòng đố kỵ tài năng của người đời. Dù chỉ là những đồ vật vô tri vô giác thì chúng cũng phải chịu số phận đáng thương như chủ nhân : son phấn bẽ bàng, văn chương đốt dở. Hai câu thơ đã gợi lên sự tàn nhẫn của bọn người vô nhân trước những con người tài hoa. Đồng thời, cũng thể hiện nhận thức của Nguyễn Du vốn rất nhạy cảm trước cuộc đời của khách "hồng nhan bạc phận", gắn với quan niệm "tài mệnh tương đố" của Nho gia. Vật còn như thế, huống chi người! Vượt lên mệnh là cả tấm lòng giàu cảm thương của Nguyễn Du.


Chính số kiếp của Tiểu Thanh tạo nên cái mối hận ngàn năm để Nguyễn Du nhắc đến trong hai câu luận:

"Mối hờn kim cổ trời khôn hỏi

Cái án phong lưu khách tự mang"


Mối hận kim cổ ấy hỏi trời không thấu, hỏi đất không hay, chỉ có những kẻ cùng hội cùng thuyền là có thể cùng nhau than thở. Nguyễn Du tự nhận mình cũng mắc cái nỗi oan kỳ lạ vì nết phong nhã tài hoa. Nói cách khác sự đồng cảm lớn lao Nguyễn Du danh cho Tiểu Thanh có được bởi Nguyễn Du là người đồng cảnh. Lòng thương người khởi phát từ lòng thương mình nên càng chân thực và sâu sắc. Đúng như Mộng Liên Đường chủ nhân Nguyễn Đăng Tuyến từng nhận xét rằng: "Thuý Kiều khóc Đạm Tiên, Tố Như tử làm truyện Thuý Kiều, việc tuy khác nhau mà lòng thì là một, người đời sau thương người đời này, người đời này thương người đời xưa, hai chữ tài tình thật là cái mối thông luỵ của bọn tài tử kháp trong gầm trời và suốt cả xưa nay vậy." Quả thực cái sự vô tình trớ trêu của tạo hoá với những kẻ tài năng đã trở thành mối hận của muôn đời và khắp chốn.


"Bất tri tam bách dư niên hậu

Thiên hà hà nhân khấp Tố Như"


Như vậy tình thương của Nguyễn Du đối với Tiểu Thanh là tình cảm của những người tuy xa cách về hoàn cảnh nhưng tương đồng trong cảnh ngộ. Từ nỗi thương mình mà xót xa cho người. Và tự sự thương cảm cho người lại gợi lên biết bao băn khoăn, day dứt cho kiếp mình. Nguyễn Du khóc cho nàng Tiểu Thanh 300 năm trước bằng giọt lệ chân thành của trái tim đồng điệu, dòng suy tưởng đã đưa nhà thơ đến 300 năm sau cùng 1 mối hồ nghi khó giải tỏa. Bởi một lẽ, Tiểu Thanh rốt cuộc còn có được một Nguyễn Du tri âm tri kỷ rỏ lệ xót xa. Ít hay nhiều linh hồn văn chương, nhan sắc, tài hoa "hữu thần" ấy còn có được sự an ủi. Nhưng còn nhà thơ lại tự cảm thấy sự cô độc lẻ loi trong hiện tại. Cũng là kẻ "tài tử đa cùng" lắm sự lận đận gian nan thì 300 năm sau biết còn ai trong thiên hạ tưởng nhớ, tiếc thương. Đó là cái tâm của sự băn khoăn không thể có lời giải đáp mà chỉ nhờ qua trường hợp Tiểu Thanh, Nguyễn Du mới có cơ hội suy ngẫm và gửi gắm. Câu hỏi người đời sau ẩn chứa 1 khát khao tìm gặp tấm lòng tri âm tri kỷ giữa cuộc đời.


Nhà thơ tự gọi mình bằng tên chữ "Tố Như" không phải mong "lưu danh thiên cổ" mà chỉ là tâm sự của 1 nỗi lòng tha thiết với cuộc đời. Câu thơ còn là tâm trạng bi phẫn của nhà thơ trước thời cuộc. Khóc người xưa, nhà thơ tự khóc cho chính mình, giọt lệ chảy quanh kết lại 1 bóng hình Nguyễn Du, lặng lẽ cô đơn khiến người đọc phải se lòng khi ngẫm đến những nỗi đau thấm thía và dày vò tinh thần của những người tài hoa phải sống trong bóng đêm hắc ám của 1 xã hội rẻ rúng tài năng.


Trong các tác phẩm của Nguyễn Du thì "Độc Tiểu Thanh Kí" quả là một bài thơ mang chủ nghĩa nhân đạo sâu sắc. Trong thơ ông luôn hỏi trời về những đau khổ của con người nhưng thực tế trong đó, Nguyễn Du lại cho thấy nguyên nhân nhưng đau khổ của con người là do những thế lực thù địch chà đạp lên cuộc sống và quyền sống chính đáng của con người. Ông ngầm lên án xã hội phong kiến thối nát. Nguyễn Du đau nỗi đau của con người, hiểu thấu được nguyên nhân của những bi kịch ấy nhưng Nguyễn Du bất lực bởi chính ông cũng là nạn nhân của những bể nhuộm cuộc đời đó. Nỗi đau của Nguyễn Du, sự cô đơn của Nguyễn Du, tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du đều xuất phát từ một trái tim nghệ sĩ lớn.

Hình minh hoạ
Hình minh hoạ

Top 5 Bài văn phân tích cảm hứng nhân đạo trong bài "Độc Tiểu Thanh kí" của Nguyễn Du (Ngữ văn 10) hay nhất

  1. top 1 Bài tham khảo số 1
  2. top 2 Bài tham khảo số 2
  3. top 3 Bài tham khảo số 3
  4. top 4 Bài tham khảo số 4
  5. top 5 Bài tham khảo số 5

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy