Bài tham khảo số 2
Năm 8 tuổi, Trần Đăng Khoa ra mắt tập thơ Góc sân và khoảng trời. Khi ấy, ông được xem như một hiện tượng của thi ca, thần đồng của thi ca Việt Nam. Mặc dù còn nhỏ tuổi nhưng thơ của Trần Đăng Khoa thể hiện rằng đây là một cậu bé chín chắn. Cách ông làm thơ, cách ông lựa chọn từ ngữ và hình ảnh, mọi thứ đều rất sắc.
Năm 11 tuổi, Trần Đăng Khoa sáng tác bài thơ Hạt gạo làng ta. Bài thơ ra đời tiếp tục gây được ấn tượng mạnh với độc giả. Hạt gạo vốn dĩ đã quen thuộc với người dân Việt Nam nay được đem vào trong thơ. Tuy đề tài không mới nhưng cách thể hiện, cách chiêm nghiệm của tác giả lại mới mẻ và đầy sức thuyết phục.
Bài thơ bắt đầu với việc nói lên giá trị của hạt gạo. Việt Nam vốn là đất nước nông nghiệp đi lên từ cây lúa. Người dân Việt Nam đã quen với đồng ruộng, quen với cây lúa. Vì vậy mà những hạt gạo trắng tinh khôi vẫn được xem như hạt ngọc của đất trời. Hạt ngọc ấy không chỉ mang giá trị về vật chất, là nguồn lương thực chính của người dân Việt Nam mà nó còn mang một giá trị tinh thần vô cùng to lớn:
Hạt gạo làng ta
Có vị phù sa
Của sông Kinh Thầy
Có hương sen thơm
Trong hồ nước đầy
Có lời mẹ hát
Ngọt bùi đắng cay
Hạt gạo lớn lên nhờ đất phù sa màu mỡ, lớn lên nhờ nước của sông Kinh Thầy. Trong hạt gạo có hương thơm giống như hương của loài hoa sen trồng trong hồ nước đầy. Và hạt gạo đi vào trong những câu hát ngọt bùi mẹ vẫn hát mỗi ngày. Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã miêu tả hạt gạo với tất cả những gì đẹp đẽ nhất, tinh tế nhất. Hạt gạo vì thế đã gắn liền với đời sống tinh thần của con người. Và để có được những hạt gạo trắng thơm như vậy thì con người đã phải trải qua không ít những khó khăn, gian khổ:
Hạt gạo làng ta
Có bão tháng bảy
Có mưa tháng ba
Giọt mồ hôi sa
Những trưa tháng sáu
Nước như ai nấu
Chết cả cá cờ
Cua ngoi lên bờ
Mẹ em xuống cấy
Chỉ với vài câu thơ ngắn ngủi mà nhà thơ đã diễn tả được hết sự khắc nghiệt của thiên nhiên Việt Nam. Việc cày cấy đối với người nông dân chưa khi nào là thuận lợi. Từ gieo mạ cho tới lúc gặt lúa, ngày ngày người dân đều phải ra thăm đồng, phải tìm cách chống chọi lại với thiên nhiên khắc nghiệt.
Tháng bảy thì trời nổi nhiều bão dông, tháng 3 thì trời mưa xối xả, thân cây lúa thì mềm và rỗng nên nếu không được bảo vệ chúng sẽ không qua nổi những tai ương. Chưa hết, tháng 6 trời nắng như đổ lửa. Người nông dân đã rơi biết bao nhiêu giọt mồ hôi để có được hạt lúa chín.
Cách so sánh nước như ái nấu của nhà thơ đủ khiến người đọc cảm nhận được sự bỏng rát của nước. Nó làm chết những con cá cờ. Những con cua sống ở dưới nước cũng phải ngoi lên bờ. Vậy mà trong hoàn cảnh này, mẹ em lại xuống cấy. Mẹ em hay bất cứ một người nông dân nào khác đã phải vượt qua sự khắc nghiệt của thiên nhiên để có thể mang đến một mùa màng bội thu.
Tuy vậy, sự khắc nghiệt của thiên nhiên không phải là tất cả những gì người nông dân trải qua. Có một thứ còn khủng khiếp hơn thiên nhiên đó chính bom đạn của giặc Mĩ:
Những năm bom Mĩ
Trút lên mái nhà
Những năm khẩu súng
Theo người đi xa
Những năm băng đạn
Vàng như lúa đồng
Bát cơm mùa gặt
Thơm hào giao thông
Năm 1969 là năm mà giặc Mĩ đang tàn phá đất nước ta. Chúng ném bom, gieo tội ác trên mảnh đất Việt Nam. Biết bao nhiêu chàng trai, cô gái đã cầm súng lên đường ra nơi chiến tuyến để bảo vệ đất nước, bảo vệ nền hòa bình. Còn các bà, các mẹ ở nhà trở thành hậu phương vững chắc.
Bên cạnh việc chiến đấu họ vẫn tiếp tục sản xuất và bảo vệ thành quả lao động của mình. Hình ảnh băng đạn của giặc vàng như lúa đồng cho thấy sức tàn phá khủng khiếp của chiến tranh nhưng người dân không vì thế mà run sợ. Khổ thơ đã ca ngợi ý chí của người nông dân, sẵn sàng đương đầu với thử thạch để bát cơm mùa gặt thơm hào giao thông.
Đóng góp vào sự phát triển của cây lúa còn có công lao của các bạn nhỏ. Những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi chơi nhưng đã biết giúp gia đình tưới nước chống hạn cho ruộng lúa, bắt sâu vào buổi trưa cho sâu khỏi ăn lúa, gánh phân để bón cho cây lúa phát triển:
Hạt gạo làng ta
Có công các bạn
Sớm nào chống hạn
Vục mẻ miệng gàu
Trưa nào bắt sâu
Lúa cao rát mặt
Chiều nào gánh phân
Quang trành quét đất
Có thể thấy trong qua những câu thơ, các bạn nhỏ đã gặp phải nhiều khó khăn trong công việc nhưng họ vẫn làm việc với sự hăng say nhất. Đó chính là tuổi trẻ, là tương lai của đất nước. Chính họ đã góp phần làm nên những hạt gạo dẻo thơm. Để rồi khi lúa chín, mùa màng bội thu là niềm vui chung của đất nước. Hạt gạo được gửi đi đến muốn nơi, gieo nên sự sống, gieo nên niềm vui cho con người:
Hạt gạo làng ta
Gửi ra tiền tuyến
Gửi về phương xa
Em vui em hát
Hạt vàng làng ta
Đến câu kết của bài thơ, nhà thơ đã gọi hạt gạo là hạt vàng. Ở đây, hẳn tác giả muốn nói hạt gạo quý giá như hạt vàng. Đây là một sự so sánh rất đúng, thể hiện được cái nhìn tinh tế của nhà thơ.
Bài thơ rõ ràng được viết với một sự chiêm nghiệm sâu sắc. Nhà thơ hẳn đã chứng kiến, đã trải qua, đã hòa mình vào cùng đám trả tát nước, bắt sâu, gánh phân mới có thể làm nên một bài thơ tuyệt vời đến vậy.