Bài tham khảo số 4

Coi thơ là sự sống, là tình yêu, là tất thảy ý nghĩa cuộc đời mình, Xuân Quỳnh đã gửi trọn những tâm sự, cảm xúc dạt dào, mãnh liệt của mình vào những trang thơ. Bài thơ “Sóng” của nữ sĩ là một lời sẻ chia tâm trạng, cảm xúc được rất nhiều người đón nhận. Sau hai khổ thơ đầu nói về hình tượng sóng và quy luật của tình yêu, khổ thơ ba và bốn tiếp tục để lại trong lòng người đọc những suy nghĩ, ấn tượng đặc biệt.


Xuân Quỳnh tên khai sinh là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, một nghệ sĩ tinh tế và tài hoa, người con của đất Hà Tây (nay là Hà Đông, Hà Nội). Đọc thơ Xuân Quỳnh, những cảm xúc, nghĩ suy nữ sĩ gửi vào đó làm bao người đọc trăn trở và mong muốn được sẻ chia cùng. Có những bài thơ tràn ngập hạnh phúc đắm say, có những câu thơ đượm nỗi suy tư, trăn trở. Sự đằm thắm, dịu dàng nhưng cũng đầy mạnh mẽ, táo bạo đã giúp cho những cảm xúc ấy đi vào thơ với dáng nét rất riêng, đậm chất Xuân Quỳnh. Với nhà thơ, văn chương nghệ thuật mà đặc biệt là thơ ca, có vai trò quan trọng, tựa như sự sống, tình yêu của cuộc đời mình: “Nếu ngày mai em không làm thơ nữa/ Cuộc sống trở về bình yên/ Ngày nối nhau trên đường phố êm đềm/ Không nỗi khổ, không niềm vui kinh ngạc…”. Bài thơ “Sóng” được nhà thơ viết năm 1967 trong chuyến đi thực tế đến biển Diêm Điền, Thái Bình. Tác phẩm rút từ tập “Hoa dọc chiến hào” xuất bản năm 1968, được xem như một bông hoa lạ giữa vườn thơ chống Mỹ. Hai khổ thơ đầu nhà thơ đã xây dựng hình tượng sóng với những quy luật của tình yêu. Đến với hai khổ thơ tiếp theo là nói đến sóng và hành trình tìm kiếm nguồn cội của tình yêu.


Khổ ba, bốn trong bài là những dòng thơ nói về sóng và hành trình đi kiếm tìm nguồn cội của tình yêu:


“Trước muôn trùng sóng bể

Em nghĩ về anh, em

Em nghĩ về biển lớn

Từ nơi nào sóng lên?


Sóng bắt đầu từ gió

Gió bắt đầu từ đâu

Em cũng không biết nữa

Khi nào ta yêu nhau”


Nghĩ về “yêu”, nhà thơ Xuân Diệu có viết:


“Yêu là chết ở trong lòng một ít

Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu

Cho rất nhiều song nhận chẳng bao nhiêu…

Và cảnh đời là sa mạc cô liêu

Và tình ái là sợi dây vấn vít

Yêu, là chết ở trong lòng một ít”


Với Xuân Diệu, “yêu là chết ở trong lòng một ít”. Với Xuân Quỳnh, bà gửi nghĩ suy về tình yêu qua hình tượng những con sóng. Nữ sĩ đưa ra một loạt các câu hỏi tu từ để từ đó gửi gắm những nghĩ suy, trăn trở: “Từ nơi nào sóng lên?”, “Gió bắt đầu từ đâu?, “Khi nào ta yêu nhau”. Những câu hỏi tu từ này vừa tái hiện hình ảnh những con sóng ngoài đại dương mênh mông lúc lắng xuống lúc lại trào lên mạnh mẽ, đồng thời nhà thơ cũng thầm kín muốn nhắc đến những con sóng lòng nơi người con gái đang yêu. Từ hình ảnh những con sóng, nhà thơ bắt đầu đưa ta đến hành trình tìm kiếm nguồn cội của tình yêu và thử lý giải bản chất, ý nghĩa sâu xa của tình yêu. Xuân Diệu trong bài thơ “Vì sao” từng viết:


“Làm sao cắt nghĩa được tình yêu

Có nghĩa gì đâu, một buổi chiều

Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt

Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu”


Xuân Diệu – ông hoàng thơ tình Việt Nam còn cảm thấy bối rối trong việc khám phá và cắt nghĩa hai chữ “tình yêu”. Xuân Quỳnh cũng vậy, bà cũng gửi nỗi trăn trở ấy vào thơ, vào bài “Sóng” khi chân thành trả lời rằng: “Em cũng không biết nữa”. Thú nhận? Đúng, đó là một lời thú nhận về sự bất lực của con người trước hành trình tìm kiếm nơi khởi nguồn của tình yêu. Song, đó còn là một sự thức nhận. “Em”, hay có lẽ cũng chính là nhà thơ đã thức nhận ra một chân lý: tình yêu là một thứ gì đó vô cùng thiêng liêng, đẹp đẽ, con người chúng ta chỉ có thể lặng thầm ngắm nhìn, cảm nhận chứ chẳng thể cắt nghĩa được.


Bài thơ “Sóng”, và đặc biệt là hình tượng sóng đã phần nào thể hiện được ngổn ngang những trăn trở, bâng khuâng trong lòng nhà thơ Xuân Quỳnh. Nữ sĩ ngẫm về tình yêu – thứ tình cảm muôn đời đẹp đẽ, thiêng liêng. Đó có thể là thứ tình cảm mang trong mình nhiều đối lập. Và đọc khổ thơ ba, bốn ta hiểu được tình yêu trong cảm nghĩ Xuân Quỳnh còn là một tình yêu đẹp chỉ có thể được cảm nhận mà không thể tìm kiếm cội nguồn và cắt nghĩa, lý giải được nó. Từ chân lý đó, người yêu văn chương, yêu thơ Xuân Quỳnh càng ấn tượng hơn với bài thơ “Sóng” và yêu mến cái nhìn nghệ thuật đầy tinh tế cùng cách thể hiện sinh động, sáng tạo của nhà thơ.

Bài tham khảo số 3
Bài tham khảo số 3
Bài tham khảo số 3
Bài tham khảo số 3

Top 9 Bài văn phân tích khổ thơ 3 và 4 bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh (Ngữ văn 12) hay nhất

  1. top 1 Bài tham khảo số 1
  2. top 2 Bài tham khảo số 2
  3. top 3 Bài tham khảo số 3
  4. top 4 Bài tham khảo số 4
  5. top 5 Bài tham khảo số 5
  6. top 6 Bài tham khảo số 6
  7. top 7 Bài tham khảo số 7
  8. top 8 Bài tham khảo số 8
  9. top 9 Bài tham khảo số 9

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy