Bài tham khảo số 5
Tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam” là một trong những sáng tác tiêu biểu của nhà văn Đoàn Giỏi. Bên cạnh An và người tía nuôi, nhân vật Cò được tác giả khắc họa với những đặc điểm và vẻ đẹp nổi bật trong đoạn trích “Đi lấy mật”.
Trước hết, An là một cậu bé yêu thiên nhiên và có những quan sát vô cùng tinh tế. Dưới con mắt của An, rừng núi U Minh hiện lên với vẻ hoang sơ, kì vĩ song cũng rất thơ mộng, trữ tình. Trên đường đi lấy mật, cậu luôn chăm chú, để ý khung cảnh xung quanh. Bằng cách sử dụng ngôi kể thứ nhất, bức tranh thiên nhiên rừng U Minh được thu vào đôi mắt hồn nhiên của An. Các đoạn văn miêu tả như những thước phim quay chậm vô cùng sống động, sắc nét. An đưa mắt quan sát ở trên cao với hình ảnh bầu trời "Ánh sáng trong vắt, hơi gợn một chút óng ánh trên những đầu hoa tràm rung rung, khiến ta nhìn cái gì cũng có cảm giác như nó là bao qua một lớp thủy tinh.". Cậu tiếp tục cảm nhận thiên nhiên bằng khứu giác, xúc giác, thị giác: "ăn xong, bấy giờ bóng nắng mới bắt đầu lên. Gió cũng bắt đầu thổi rao rao theo với khối mặt trời tròn đang tuôn ánh sáng vàng rực xuống mặt đất. Một làn hơi đất nhè nhẹ tỏa lên, phủ mờ những bụi cây cúc áo, rồi nhè nhẹ tan dần theo hơi ấm mặt trời.",... Màu sắc, đặc điểm của sự vật, hiện tượng được miêu tả chi tiết cho thấy sự nhạy cảm trong tâm hồn của nhân vật An.
Tiếp đến, An rất ham học hỏi, tìm hiểu mọi thứ xung quanh. Lần đầu tiên, An được theo tía nuôi vào rừng lấy mật. Trên quãng đường đi, An luôn nhớ lại những lời má nuôi kể về cách gác kèo ong như thế nào. Thậm chí, An đã có những so sánh giữa việc học trong sách với thực tiễn bên ngoài. Cậu nhận ra việc học trong sách giáo khoa chỉ có những khái niệm chung chung về loài ong, không giống như cách má nuôi bảo. Qua đoạn trích An nhớ lại những lời má nuôi kể, ta có thể thấy cậu đặt ra rất nhiều những câu hỏi thể hiện sự tò mò và mong muốn tìm hiểu thế giới xung quanh. Cuối cùng, cậu đã đúc kết ra được sự khác biệt trong cách "thuần hóa" ong rừng của người dân vùng U Minh so với những cách nuôi ong trên thế giới: "Không có nơi nào, xứ nào có kiểu tổ ong hình nhánh kèo như vùng U Minh này cả."
Thông qua những lời miêu tả của An, Cò hiện lên với vẻ khỏe mạnh của một người chuyên đi rừng. Khác với An, Cò sinh ra và lớn lên ở vùng núi U Minh. Chính vì vậy, việc đội cái thúng to tướng lỉnh kỉnh bao nhiêu đồ không hề làm khó cậu. Trong khi An đã thấm mệt thì Cò chẳng thấm tháp gì.
Cò có đôi chân khỏe, dẻo dai như “bộ giò nai”, lội suốt ngày trong rừng. Cậu rất giàu năng lượng và vô cùng khỏe khoắn, điều đó được thể hiện qua hành động “bưng vò nước ra, ngửa cổ kề miệng vào vò nước uống ừng ực” rồi thúc vào lưng An mà hỏi “Đố mày biết con ong mật là con nào?”. Ở Cò, tuy còn nhỏ tuổi nhưng dáng vẻ và hành động ấy cho thấy cậu sẽ là một người “băng rừng lội suối” giỏi trong tương lai.
Nổi bật hơn cả là tình yêu thiên nhiên và tài quan sát tỉ mỉ của cậu trong cuộc trò chuyện với An. Thấy An lúng túng trước câu hỏi của mình, Cò khoái chí “vênh mặt lên cười” rồi từ tốn giải thích cho An. Cuối cùng, An rất bất ngờ trước khả năng quan sát tinh tường của Cò khi cậu đã đoán trúng kèo gác ong. Có thể nói, Cò là người hiểu biết về rừng và có thể phân biệt nhiều loài động vật khác nhau.
Cò hiện lên chân thực qua lời kể của An, đặc điểm nhân vật được thể hiện rõ nét ở lời nói và hành động. Ngôn từ được sử dụng trong văn bản trong sáng, giản dị, hình ảnh gần gũi, quen thuộc đã góp phần tô đậm dáng vẻ của Cò.
Có thể nói, nhà văn đã miêu tả thành công nhân vật An, Cò – hình ảnh con người Nam Bộ gắn bó sâu sắc với tự nhiên. Hình tượng nhân vật sẽ luôn ghi dấu trong lòng người đọc bởi nét hồn hậu, chất phác của con người phương Nam.