Bài tham khảo số 7
Thơ ca Việt Nam ba mươi năm chiến tranh là một dàn hợp xướng về đất nước. Khi nhắc đến đề tài này, chắc chắn ta không thể quên được “Đất nước” trích trong chương V trường ca “Mặt đường khát vọng” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Tác phẩm đã thể hiện những nét cảm nhận mới mẻ về đất nước của nhà thơ.
Trước tiên, nét mới mẻ trong cảm nhận về đất nước của Nguyễn Khoa Điềm đó là ở thời điểm ra đời của đất nước. Nhà thơ đã xóa nhòa đi thời gian lịch sử cụ thể để gợi lên một đất nước rất lâu đời, chỉ biết rằng: “Khi ta lớn lên Đất nước đã có rồi”. Không chỉ vậy, đó còn là phạm vi tồn tại của đất nước. Đất nước không chỉ là không gian sống bình thường của mỗi con người mà đất nước còn tồn tại hiện diện ngay trong bản thân của mỗi cá nhân "Đất Nước là máu xương của mình" - gắn bó máu thịt với mỗi người dân. Đất nước còn hiện diện trong những câu chuyện cổ đặc biệt là truyện cổ tích, những câu chuyện vốn rất thân quen và gần gũi đối với mỗi con người ngay từ thuở ấu thơ, từ trong những lời kể thiết tha, ngọt ngào của mẹ:
“Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…” mẹ thường hay kể”
Ở đây, đất nước không phải là một cái gì đó mơ hồ, bí ẩn mà rất gần gũi, quen thuộc với mỗi người.
Đặt biệt nhất đó chính là những định nghĩa thật mới mẻ về đất nước. Trong mỗi một thời đại khác nhau lại có những quan điểm khác nhau về đất nước. Nếu ở thời trung đại, quan niệm đất nước phải là của vua, lãnh thổ do vua cai quản: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”. Thì đến thời cận đại, khi bàn về đất nước, Phan Bội Châu cho rằng: “Dân là dân nước, nước là nước dân”. Tuy rằng tư tưởng trên đã thể hiện tư tưởng tiến bộ hơn so với thời hiện đại nhưng vẫn còn mang nặng ý thức hệ của nhà nước phong kiến phương Đông và hệ tư tưởng tư sản. Đến thời đại Hồ Chí Minh các nhà thơ mới có ý thức sâu sắc nhất, thấm thía nhất về tư tưởng đất nước là của nhân dân, của quảng đại số đông quần chúng:
“Ôm đất nước những người áo vải
Đã đứng lên thành những anh hùng”
(Nguyễn Đình Thi)
Với Nguyễn Khoa Điềm, nhân dân mới là chủ sở hữu duy nhất của đất nước.
Đất nước còn là sự thống nhất của ba phương diện: chiều rộng không gian, chiều dài lịch sử và chiều sâu văn hóa. Trước hết, suy tư về đất nước trên chiều rộng lãnh thổ đó là điều không mới, nhưng chỗ đặc sắc nhất của Nguyễn Khoa Điềm là ông không gắn lãnh thổ với đế cư, với thiên thư mà gắn với nhân dân vĩ đại:
“Đất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm
Đất Nước là nơi ta hò hẹn
Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm
Đất là nơi “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”
Nước là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi”
Theo cảm nhận của nhà thơ, “Đất nước” là không gian vô cùng gần gũi thân thương, là một cõi đầy thơ mộng, ngọt ngào gắn với bao kỉ niệm của tình yêu mỗi con người.
Và:
“Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu
Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái
Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại
Chín mươi chín con voi góp mình dựng Đất tổ Hùng Vương
Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm
Người học trò nghèo giúp cho Đất Nước mình núi Bút, non Nghiên
Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh
Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm”
Đất nước đã trở thành một phần linh thiêng trong cuộc sống của con người. Mỗi người chỉ đóng góp một phần nhỏ bé để làm nên đất nước thôi. Cho nên xây dựng bảo vệ và hi sinh vì Đất Nước là vai trò trách nhiệm cao cả của chúng ta bởi “Đất Nước này là Đất Nước của nhân dân”.
Khi suy tư về “Đất nước” theo chiều dài lịch sử, điều đó cũng không phải mới mẻ. Nhưng cái mới của nhà thơ là khi nói về lịch sử mấy ngàn năm của Đất nước không dùng những sử liệu như những nhà thơ khác:
“Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập
Cùng Hán Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương”
(Nguyễn Trãi)
Cũng không nhắc đến những anh hùng hữu danh trong lịch sử:
“Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc,
Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn,
Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc.
Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng…”
(Nguyễn Đình Thi)
Mà Nguyễn Khoa Điềm nhấn mạnh đến muôn vàn con người bình dị vô danh nhưng lại hết sức lớn lao phi thường:
“Con gái, con trai bằng tuổi chúng ta
Cần cù làm lụng
Khi có giặc người con trai ra trận
Người con gái trở về nuôi cái cùng con
Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh
Nhiều người đã trở thành anh hùng
Nhiều anh hùng cả anh và em đều nhớ
Những em biết không
Có biết bao người con gái, con trai
Trong bốn ngàn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước”
Chính họ đã làm ra đất nước. Họ còn sáng tạo và truyền lại cho thế hệ sau:
“Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng
Họ truyền lửa cho mỗi nhà từ hòn than qua con cúi
Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói
Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân
Họ đắp đập be bờ cho người sau trông cây hái trái”
Họ là ai? Phải chăng là những người anh hùng hữu danh trong sử sách? Không, đó chỉ là một phần nhỏ bé trong chữ họ mà thôi. Họ ở đây lớn lao hơn nhiều, là nhân dân là cha ông thuở trước. Chữ “họ” được đứng ở chữ đầu dòng thơ và được điệp lại cho thấy vai trò lớn lao vĩ đại của nhân dân đối với Đất nước.
Các động từ “giữ - truyền - gánh” cho ta một cảm nhận sự tiến hóa của lịch sử Việt Nam giống như một cuộc lao động lớn mà ở đó có sự tiếp sức không ngừng nghỉ của các thế hệ nhân dân. Họ đã tạo ra từ hạt lúa với nền văn minh lúa nước, ngọn lửa được tạo nên bởi bước tiến của loài người đến những của cải tinh thần quý báu như phong tục tập quán lâu đời: tên xã, tên làng, giọng nói cha ông… Như vậy, nhân dân chính là người làm nên giá trị tinh thần và vật chất cho Đất nước.
Khi nói về Đất nước trong chiều sâu văn hóa, Nguyễn Khoa Điềm không nhắc đến các danh nhân như Nguyễn Trãi. Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương mà nêu lên những truyền thống tinh thần của nhân dân:
“Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa...” mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó”
Những truyền thống văn hóa lâu đời nhưng thật giản dị được nhà thơ nhắc lại với một niềm tự hào sâu sắc.
Như vậy, điểm mới trong nét cảm nhận của Nguyễn Khoa Điềm về đất nước được hình thành từ những tư tưởng tiến bộ trong thời đại mới. Đó là những cảm nhận đúng đắn, sâu sắc về đất nước.