Bài tham khảo số 7
Truyện Kiều xuất sắc không chỉ vì ngôn ngữ nghệ thuật, mà còn vì ý nghĩa nội dung độc đáo, sâu sắc. Nguyễn Du phản ánh một hiện thực xã hội phong kiến đương thời - cái xã hội hủ nát đã vùi dập chính ông - hay vùi dập số phận nàng Kiều và vô vàn những số phận tài hoa khác. Điều ấy khiến Truyện Kiều thấm đẫm tinh thần nhân đạo. Và khi đưa Từ Hải vào như một nét sáng tạo trong cốt truyện, Nguyễn Du đã làm sáng cái ý chí và hoài bão lớn lao của những bậc anh hùng thời bấy giờ. Hình ảnh nhân vật Từ Hải cùng tình yêu cũng như ý chí lớn lao đã được thể hiện rõ nét ngay chỉ ở 8 câu thơ đầu.
Sau nửa năm chung sống, Kiều và Từ Hải có một mái ấm gia đình, đương lúc tình cảm giữa hai người nồng đượm nhất, Từ Hải lại "thoắt động lòng bốn phương". Người đời nói rằng anh hùng chí ở bốn phương, Nguyễn Công Trứ lại có câu
"Chí làm trai nam bắc đông tây
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể".
Nam nhi chi chí, đầu đội trời, chân đạp đất, sống là phải làm rạng danh dòng họ, rạng danh gia đình, "Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh". Có lẽ chính chế độ phong kiến đã tách Từ Hải ra khỏi Kiều - bởi chính chế độ ấy đã đem tư tưởng nam nhi áp đặt lên đầu chàng. Nhưng cũng chính tư tưởng ấy khiến chàng bảo vệ nàng, tạo nên nét riêng của chàng.
“Nửa năm hương lửa đương nồng
Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương”
Và Từ Hải đã luôn ở trong vị thế sẵn sàng - chàng luôn cầm chắc thanh gươm, yên ngựa luôn được đặt sắn - chàng biết chẳng chóng thì chầy chàng cũng sẽ ra đi. Chàng đã chuẩn bị sẵn tinh thần để không lưu luyến, bịn rịn, vì chàng là một nam tử hán, "nam nhân thà rơi máu chứ không rơi lệ".
“Trông vời trời bể mênh mang
Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong.”
Không gian xung quanh - rộng lớn, bao la, khoáng đạt, mênh mang đến cùng trời cuối bể - như khắc họa thêm vào bóng lưng quyết liệt, dứt khoát của chàng. Chàng như hòa vào với trời đất, chàng như trở nên khổng lồ - vì ý chí và hoài bão - vươn đến tận vũ trụ xa xôi. Từ Hải tin rằng chàng sẽ thực hiện được hoài bão của mình. Còn Kiều, nàng chẳng có suy nghĩ nào khác là muốn theo chồng của mình, cùng chàng chia sẻ những nguy hiểm, khó khăn.
“Nàng rằng: Phận gái chữ tòng
Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi
Từ rằng: Tâm phúc tương tri
Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình”
Từ Hải trách Kiều "sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình" nhưng sâu thẳm trong lòng thì ai cũng hiểu vì chàng lo cho Kiều phải chịu vất vả. Nguyễn Du đã xuất sắc miêu tả một Từ Hải - một con người bình thường, với những hoài bão và ý chí to lớn, với những hành động phi thường, và rồi lại trở lại như một người chồng quen thuộc - một người chồng luôn lo lắng, quan tâm đến vợ.