Bài tham khảo số 7
Cốm là một đặc sản mà khi nhắc tới, người ta sẽ nghĩ luôn đến người Hà Nội, một truyền thống tao nhã mà nhẹ nhàng của người dân thủ đô. Nét đẹp này được tác giả Vũ Bằng thể hiện rõ nét trong tác phẩm Cốm Vòng. Qua cách miêu tả và cái nhìn nghệ thuật của ông, không thể không đánh giá rằng, Vũ Bằng là một người vừa tinh tế, vừa có tâm hồn nghệ thuật mà hiếm người có được. Trong mắt người làm nghệ thuật, hình ảnh bình dị hiện lên nhưng chẳng chút nhàm chán mà lại lãng mạn không ngờ. Đó là sự so sánh giữa cốm và hồng, “như trai gái xứng đôi, như trai gái vừa đôi… mà những mảnh lá chuối tước tơi để đệm hồng chính là những sợi tơ hồng quấn quýt.” Thông qua vị giác, tác giả cho người đọc thấy được tinh hoa trong từng hạt cốm. Ông rất biết cách thưởng thức những thứ ngon, “lấy ngón tay nhón lấy từng chút một”. Cách ông ăn và nghĩ “vừa nhai nhỏ nhẹ, vừa ngẫm nghĩ đến tính chất thơm của cốm”, mà chẳng có ai từng làm. Họ tận hưởng cái ngon đó, nhưng họ lại không đi sâu vào thứ tạo ra cái ngon đó. Vũ Bằng lại thưởng thức bằng cách như vậy. Ông biết cái tạo ra sự ngon ngọt, biết được công sức của những người làng Vòng, vậy nên ông hiểu khi ăn phải làm thế nào. Tâm hồn của một người làm nghệ thuật còn thể hiện ở cả thị giác, qua cái nhìn của ông về một hình ảnh quen thuộc - người con gái bán cốm và người làm cốm. Những người bán cốm đều duyên dáng, mà có lẽ con gái Hà thành vốn vậy. Họ “thấy những cô gái làng Vòng gánh cốm đi bán mà không nghe thấy lòng rộn rã yêu đương?”, hình ảnh đẹp đẽ ấy tạo nên chất thơ độc đáo của Hà Nội trong một ngày thu. Đối với những người làm, Vũ Bằng cũng thấu hiểu được sự vất vả của họ, bởi làm cốm không hề dễ để cho ra được một hạt cốm ngon. Vậy nên, Vũ Bằng thông qua tâm hồn tinh tế, yêu thương của mình để tận hưởng trọn vẹn cái vị đặc biệt ấy giữa lòng Hà Nội.