Bài văn cảm nhận khổ thơ cuối bài "Đây thôn Vĩ Dạ" số 3

Hàn Mặc Tử - thi nhân của những mối tình “khuấy” mãi không thành khối, ông yêu nhiều nhưng chỉ nhận lại sự đắng cay, bẽ bàng trong những cuộc tình. Cuộc đời ông niềm vui thì ít mà chỉ toàn nỗi cô đơn, đau buồn. Mọi nỗi niềm tâm tư Hàn Mặc Tử đều gửi vào trong thơ. Thơ ông quằn quại trong đớn đau, thấm đẫm nước mắt và có phần điên loạn. Giữa những vần thơ ma quái, kì dị ấy vẫn có những vần thơ thật trong sáng tinh khôi đó chính là kiệt tác “Đây thôn Vĩ Dạ”. Đặc biệt là khổ thơ cuối ánh lên niềm khát khao tình đời, tình người của thi nhân mạnh mẽ nhất nhưng cũng thật xót xa.


Nếu khổ thơ đầu mở ra khung cảnh thiên nhiên trong trẻo đẹp say đắm lòng người của Vĩ Dạ tắm mình trong ánh nắng buổi ban mai. Tiếp đến khổ thơ thứ hai là cảnh sông nước, mây trời trong đêm trăng huyền ảo trên dòng Hương giang hư hư thực thực với những mặc cảm đớn đau, nuối tiếc của thi nhân khi sắp phải xa lìa cõi đời. Để những sông trăng, thuyền trăng đã đưa Hàn Mặc Tử vào cõi mơ đầy huyền ảo ở khổ thơ cuối. Đây cũng là khổ thơ thấm đẫm tình người, khao khát được sống của nhà thơ.


Bị cuộc đời tuyệt giao, bỏ rơi nhưng Hàn Mặc Tử không quay lưng lại với cuộc đời, mà ông càng thiết tha với đời nhiều hơn. Thực tại quá đớn đau, nghiệt ngã, thi nhân đành tìm niềm an ủi trong cõi mộng. Bao trùm khổ thơ thứ ba là một màu sắc hư vô. Thật thật, giả giả khó lòng phân tách đâu là thực đâu là mơ. Tình yêu đối với con người và thiên nhiên nhiên xứ Huế sâu đậm, ám ảnh nhà thơ đến những giây phút cuối đời. Nhưng căn bệnh hiểm nghèo, quái ác đôi khi làm nhà thơ như không còn tỉnh táo, không phân biệt đâu là hiện thực đâu là giấc mơ:


“Mơ khách đường xa khách đường xa”


Nhà thơ đang chìm vào trong cõi mộng, trong trạng thái vô thức “mơ”. Điệp ngữ “khách đường xa” được lặp lại hai lần, lần lặp thứ hai chữ “mơ” đã được bỏ đi khiến cho câu thơ như ẩn chứa hai tâm trạng, hai cung bậc cảm xúc khác nhau: lần đầu là khát vọng, lần sau là thực tại. Khát vọng là mơ về khách đường xa, mơ một lần được gặp lại người xưa, cảnh cũ nhưng hiện thực càng mơ, càng mong, càng khao khát lại càng xa, xa mãi đến vô vọng, không thể còn một lần nào gặp gỡ.


Câu thơ thứ hai: “Áo em trắng quá nhìn không ra” trong không gian hư ảo khó phân biệt đó, hình ảnh “áo em trắng quá” làm thi nhân vừa choáng ngợp, nghẹn ngào, vừa xót xa, tiếc nuối dù khao khát đến cháy bỏng được chiêm ngưỡng tà áo em trắng tinh khôi thuở nào, những bệnh tật đã làm cho thi nhân chẳng còn chút tỉnh táo, lạc mất vào cõi hư không “nhìn không ra”, không rõ đấy là màu trắng của áo em hay là màu của tâm tưởng, của những kỉ niệm xưa cũ.


“Ở đây sương khói mờ nhân ảnh”, “ở đây” có thể là không gian hiện thực nơi xứ Huế vốn nhiều nắng, nhiều mưa, nơi sương khói hư ảo nhưng cũng có thể lại chính là không gian tâm tưởng, không gian nơi tác giả đang đắm chìm trong đau thương, tuyệt vọng đến cùng cực để rồi thốt lên một câu hỏi, chẳng có câu trả lời “Ai biết tình ai có đậm đà?”. Một câu hỏi tu từ chứa đựng bất an, hoài nghi về tình người của con người xứ Huế. Liệu sau quãng thời gian xa cách, liệu với căn bệnh hiểm nghèo, người dân xứ Huế vẫn thương yêu, trìu mến hay là đã lãng quên mình, xa lánh, ruồng rẫy thi nhân. Câu thơ cuối cũng chính là câu trả lời cho câu thơ: “Sao anh không về chơi thôn Vĩ?” Nhà thơ ao ước được trở về nơi xưa, được gặp lại cố nhân nhưng “Cảnh xưa còn đó, lòng người đổi thay”. Câu thơ khép lại bài thơ trong nỗi hoài nghi, tuyệt vọng nhưng vẫn thấy ở đó là niềm khát khao của thi nhân với tình người, với trần thế chẳng thể nào lụi tàn.


Khổ thơ cuối đượm buồn, mang màu sắc ảo ảnh vừa có chút hoài nghi, trách móc, vừa chứa chan niềm tha thiết với cuộc đời, với con người của một tâm hồn cô đơn ham sống, khát khao sống đến mãnh liệt.


Với những hình ảnh thơ độc đáo, đẹp, gợi cảm, ngôn ngữ giàu tâm trạng, âm điệu, nhịp thơ trong sáng, thiết tha kết hợp với nghệ thuật nhân hóa, so sánh, những câu hỏi tu từ xuyên suốt bài thơ, Hàn Mặc Tử đã phác họa ra một khung cảnh thiên nhiên và con người xứ Huế đầy sức sống, một bức tranh toàn bích hòa quyện giữa cõi thực và cõi ảo, giữa tâm tưởng và ước mong. Qua việc để cho người đọc cảm nhận khổ thơ cuối của bài Đây thôn Vĩ Dạ, tác giả muốn bộc lộ tình yêu mãnh liệt của mình với thiên nhiên, với con người cùng niềm ham sống, khát khao sống của mình.


Sáng tác bài thơ trong hoàn cảnh cái chết cận kề. Song cái ta bắt gặp vẫn là tình yêu, niềm gắn bó tha thiết với thiên nhiên, con người và sự sống. Cành làm ta đồng cảm, mến phúc trước nghị lực sống phi thường, vượt lên trên hoàn cảnh nghiệt ngã của biết bao phũ phàng, ruồng rẫy để sống, để cống hiến.


Giữa giây phút cận kề với cái chết,của sự hoảng loạn và tuyệt vọng nhưng khát khao cháy bỏng Hàn Mặc Tử đã để lại, đã cống hiến cho đời những vần thơ hoàn mỹ đến tuyệt bích “Đây thôn Vĩ Dạ”. Ra đời cách đây gần 8 thập kỷ những những vần thơ đầy suy tư, khắc khoải ấy vẫn làm hàng triệu trái tim độc giả cùng thổn thức, cùng xót xa và cùng hoài niệm với thi nhân. Thật vậy, chỉ một phút thăng hoa cũng đủ để tạo nên một trang tuyệt bút.

Bài văn cảm nhận khổ thơ cuối bài
Bài văn cảm nhận khổ thơ cuối bài "Đây thôn Vĩ Dạ" số 3
Bài văn cảm nhận khổ thơ cuối bài
Bài văn cảm nhận khổ thơ cuối bài "Đây thôn Vĩ Dạ" số 3

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy