Bài văn chứng minh câu tục ngữ "Học thày không tày học bạn" số 5
Trong sự nghiệp giáo dục, trồng người thì không thể phủ định vai trò to lớn của người thầy. Thầy là người dẫn dắt, chỉ bảo truyền thụ cho chúng ta những tri thức. Tuy nhiên quá trình học tập không chỉ dừng lại ở đó mà nó còn mở rộng ra học ở gia đình, xã hội. Cùng với đó là học ở những đối tượng khác nhau, ở trường lớp ngoài học từ các thầy cô giáo, mỗi chúng ta còn có thể học tập từ bạn bè cùng trang lứa. Dân gian ta có câu: “Học thầy không tày học bạn” để đề cập tới vấn đề trên.
Câu tục ngữ đúc kết từ kinh nghiệm thực tế của ông cha ta. Trong đó có sự so sánh giữa người thầy và học sinh. Tuy nhiên nó không hề có ý hạ thấp vai trò của người thầy mà chỉ nhằm đề cao vai trò của bạn bè trong học tập và rèn luyện. Cùng trong một lớp, một môi trường giáo dục như nhau nhưng việc tiếp thu tri thức của mỗi người không giống nhau. Có những người tiếp thu nhanh, có người tiếp thu chậm từ đó trong lớp cũng phân hóa thành người giỏi kẻ học yếu.
Ở trường, lớp thầy cô là người dạy dỗ cho chúng ta những điều hay lẽ phải, là người giảng giải khiến những tri thức trong sách vở trở nên dễ hiểu, dễ dàng tiếp cận hơn. Ngoài giờ học, trong cuộc sống,những giờ vui chơi, giải trí chúng ta cũng tiếp tục quá trình tiếp thu tri thức, hoàn thiện bản thân. Khi đó thầy cô sẽ không thể theo sát và trực tiếp tham gia vào quá trình đó được. Chính những lúc này, những người bạn xung quanh góp phần quan trọng để giúp đỡ chúng ta. Nhiều khi chúng ta mắc chứng sợ giáo viên, có những điều dù chúng ta không biết nhưng cũng không dám hỏi. Nhưng với bạn bè thì chúng ta sẽ có tâm lí thoải mái hơn, dễ dàng đối mặt với những yếu kém của mình để bày tỏ và nhờ bạn giải đáp.
Bên cạnh đó cũng có quan niệm “Thua thầy một vạn không bằng thua bạn một li”. Theo lẽ thường, học trò thua kém thầy cô là chuyện đương nhiên nhưng kém bạn một chút thì thấy tự ái, xấu hổ. Nhiều bạn trở nên tự ti, giấu dốt và không dám hỏi han, học tập từ bạn. Đó là điều không nên. Muốn không thua kém bạn bè thì cẩn phải tích cực học hỏi với tinh thần cầu thị, không nên ngại, hay sĩ diện hão bởi như vậy sẽ làm ta càng ngày càng kém hơn. Những lúc như vậy, ngoài thầy cô thì bạn bè là nơi chúng ta nên hướng tới để học hỏi nhất. Bạn chúng ta không phải cái gì cũng giỏi, cũng biết nhưng bạn giỏi hơn ta thì chúng ta sẽ học tập được rất nhiều điều. Thậm chí như đôi bạn cùng tiến, bạn chỉ học khá hơn mình một chút, khi cả hai cùng nhau nghiên cứu để tìm ra phương pháp làm một bài toán khó, hay bàn về một câu chuyện, một bài thơ…. Đó là một cách tốt để mở rộng kiến thức, cùng nhau phát triển. Nó đem lại cho bản thân nhu cầu giao tiếp, sự cầu tiến và những kĩ năng hết sức quan trọng trong cuộc sống sau này.
Học tập mọi lúc, mọi nơi, học ở cả thầy cô, bạn bè và người thân. Tri thức rất phong phú, vô tận, không thể đong đếm được.Chính vì thế không có giới hạn duy nhất nào cho người truyền đạt kiến thức, giới hạn về đối tượng để ta học tập, tiếp thu. Có câu “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” trong đó chỉ nhắc đến quá trình “đi” và học được chứ không hề có đối tượng để học tập cụ thể nào. Qua những phân tích trên có thể thấy rằng mỗi người cần kiên trì, cố gắng học hỏi từ xung quanh. Không nên có xu hướng tự mãn, tự coi mình là giỏi và coi thường những người xung quanh, hay những bạn học kém hơn. Bởi tuy rằng có bạn học kém là kém tri thức sách vở, nhưng bạn lại giỏi những kinh nghiệm sống đời thường, biết những cái mà ta không biết.
Như vậy mỗi người cần nắm rõ ưu nhược điểm của bản thân, có thái độ đúng đắn trong học tập. Cần đề cao vai trò của người thầy trong học tập và bên cạnh đó cũng nên mở rộng mối quan hệ, mối quan tâm ra bên ngoài để hiểu thêm những kiến thức sâu rộng khác. Cần cân bằng giữa hai quan điểm “Không thầy đố mày làm nên” và “Học thầy không tày học bạn”để có cái nhìn nhận đúng đắn.