Bài văn mẫu phân tích tính dân tộc trong tác phẩm Việt Bắc số 10

Chiến tranh không chỉ là mất mát, là đau thương mà còn là yêu thương và những ân tình. Thứ tình cảm cao đẹp ấy được lưu giũ và nâng niu trong rất nhiều tác phẩm văn học thời kháng chiến. “Việt Bắc” của Tố Hữu chính là một tác phẩm như thế. Bài thơ ghi lại tình cảm gắn bó, nghĩa tình sâu nặng giữa nhân dân Việt Bắc với cán bộ chiến sĩ cách mạng đồng thời thể hiện tính dân tộc vô cùng sâu sắc.


“Việt Bắc” ra đời cuối năm 1954, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta thắng lợi. Trung ương Đảng và Chính phủ rời chiến khu Việt Bắc về thủ đô Hà Nội sau chín năm kháng chiến gian khổ, trường kì. Trước khung cảnh chia tay nhiều lưu luyến, Tố Hữu đã viết bài thơ Việt Bắc để ghi lại tình cảm và tình nghĩa đáng quý giữa nhân dân Việt Bắc với cán bộ và chiến sĩ cách mạng. Trong bài thơ, ông đã thể hiện tính dân tộc biểu hiện những nét đặc trưng của dân tộc, gần gũi với tâm hồn người Việt Nam. Tính dân tộc trong tác phẩm được thể hiện qua nhiều phương diện bao gồm cả nội dung và hình thức như: kết cấu, hình ảnh, thể thơ, giọng điệu… Trước hết, tính dân tộc được thể hiện qua kết cấu đối đáp kiểu ca dao giao duyên. Ca dao xưa dùng kiểu đối đáp này diễn tả tâm trạng của nhân vật trữ tình:


– Mình nói với ai mình hãy còn son

Ta đi qua ngõ, thấy con mình bò …

– Mình nói với ta mình chửa có chồng

Ta đi qua ngõ mình bồng con ra …

Còn trong thơ Tố Hữu:

– Mình về mình có nhớ ta

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng?

– Ta về mình có nhớ ta

Ta về ta nhớ những hoa cùng người.


Tố Hữu đã vận dụng kiểu kết cấu “mình – ta” vốn là cách xưng hô trong tình yêu để bày tỏ sự gắn bó thân thiết giữa chính phủ cách mạng và quê hương cách mạng với nhân dân Việt Bắc. “Mình – ta” thân mật như một cặp vợ chồng, bộc lộ tâm trạng nhớ thương, ân tình cách mạng. “Mình – ta” cùng nhớ về những ngày tháng đồng cam cộng khổ. “Mình – ta”, tiếng gọi, tiếng hỏi, lời đáp liên tiếp, xoắn xuýt lấy nhau, gối lên nhau, cuộn trào như những đợt sóng cảm xúc không ngừng nghỉ, tạo nên điệp khúc hoài niệm, dịu dàng và đầy yêu thương.


– Mình về mình có nhớ không

– Mình đi có nhớ những ngày

– Mình về có nhớ chiến khu

– Mình về, rừng núi nhớ ai

– Mình đi, có nhớ những nhà…


Vận dụng từ ca dao dân gian, xong khi đưa vào tác phẩm của mình, Tố Hữu đã rất sáng tạo. Cảm giác thân thuộc gần gũi từ kết cấu xưng hô khiến nhịp thơ như tuôn chảy, khiến người đọc dễ dàng hoa chung mạch cảm xúc. Bên cạnh đó, tính dân tộc trong bài thơ còn thể hiện qua thể thơ lục bát và nhịp điệu mềm mại, nhịp nhàng. Tố Hữu đã sử dụng thành công thể thơ lục bát – thể thơ quen thuộc của dân tộc một cách đắc địa. Thể thơ lục bát đã diễn tả khéo léo sự ngọt ngào tình nghĩa của con người Việt Bắc, sự đằm thắm nhớ thương của những cán bộ cách mạng. Qua từng câu chữ, người đọc có thể cảm nhận được niềm xúc động nghẹn ngào giây phút chia tay:


“Ta với mình, mình với ta

Lòng ta sua trước mặn mà đinh ninh

Mình đi mình lại nhớ mình

Nguồn bao nhiêu nước, nghĩa tình bấy nhiêu”.


Những câu thơ lục bát khoa thai, nhịp nhàng đã khơi gợi mạch cảm xúc của người đọc. Tất cả cảnh vật nơi núi rừng Việt Bắc qua dòng cảm xúc của nhân vật trữ tình, từ rừng nứa, bờ tre, mái đình, cây đa; từ hoa chuối, hoa mơ, Ngòi Thia, sông Đáy đến Phủ Thông, đèo Giàng…, đều để nhớ để thương da diết cho những người trở ra đi và người ở lại. Nó trở thành một miền ký ức đáng quý trong trái tim những người dã từng gắn bó với thiên nhiên và con người Việt Bắc. Nhịp thơ lục bát được sử dụng khéo léo, linh hoạt, nhịp 2/2/2; 3/3; 2/2/2/2; 4/4 cùng được sử dụng tạo nên âm điệu trữ tình đằm thắm uyển chuyển cho cả bài thơ. Nhịp thơ hòa theo nhịp điệu cảm xúc, giúp cho những kỉ niệm được gợi dậy, vang ngân trong lòng người đi – kẻ ở và trong cả người đọc. Mỗi cặp câu lục bát là một nốt nhạc trong bản nhạc ca ngợi ân tình thủy chung, chứa chan nỗi nhớ. Từng cặp nối tiếp, xô đuổi, dồn dập như những đợt sóng thương nhớ cồn cào:


“Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng

Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang

Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình

Rừng thu trăng rọi hòa bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”


Đoạn thơ vẽ ra một bức tranh toàn cảnh vê thiên nhiên và con người Việt Bắc. Giữa không gian rộng lớn, con người hăng say lao động, dường như hòa mình vào núi rừng, cần cù kiếm sống và nuôi cán bộ kháng chiến. Mỗi cặp câu thơ lục bát là một mảnh ghép “hoa cùng người” trong bức tranh bốn mùa, kết thành bộ tranh tứ bình cân xứng cố điển. Bức tranh thiên nhiên được vẽ lên bằng màu sắc của núi rừng và sắc màu của nỗi nhớ. Thiên nhiên bỗng trở thành phông nền cho con người tỏa sáng. Bức tranh mùa đông nổi bật hoa chuối đỏ tươi, giữa lưng đèo cao ngập ánh nắng, hình dáng con người xuất hiện. Hình ảnh “dao gài thắt lưng” đã nêu bật nét đặc trưng của con người nơi núi rừng này. Bức tranh mùa xuân lại hiện lên tuyệt đẹp qua sắc trắng hoa mơ rừng mơ và dáng người đan nón mềm mại đang “chuốt từng sợi giang”. Bức tranh mùa hạ nao nức âm thanh bởi tiếng ve kêu và hình ảnh tươi đẹp của “cô em gái hái măng một mình”. Bức tranh mùa thu xuất hiện cuối cùng, hoàn thiện các mảnh ghép của bức tranh tứ bình với ánh trăng thu hòa bình yên ả cùng tiếng hát ân tình thủy chung ngọt ngào. Tất cả được gợi tả hết sức sinh động qua những câu thơ lục bát đan xen, thấm đượm nỗi nhớ niềm thương của con người. Không những thế, tính dân tộc trong bài thơ còn được thể hiện qua cấu trúc tiểu đối đồng loạt ở các câu hát, tạo ra một bè trầm của âm hưởng thương nhớ trong lòng người đi, kẻ ở.


Có thể nói, tính dân tộc là đặc điểm nghệ thuật nổi bật của “Việt Bắc”, tạo nên sự hấp dẫn và đặc trưng riêng cho bài thơ. Kết hợp tính dân tục cùng các biện pháp nghệ thuật khác, Tố Hữu đã gửi gắm thành công tình cảm và tư tưởng hiện đại của mình. Đồng thời ngợi ca những ngày hào hùng vẻ vang của dân tộc, những ngày tháng quân và dân cùng đồng cam cộng khổ, ngợi ca Việt Bắc đất và người ân tình thủy chung. Việt Bắc vì thế không những đánh dấu phong cách của Tố Hữu mà còn là viên ngọc sáng giữa nhiều tác phẩm văn học kháng chiến. Đê rồi rất nhiều năm tháng qua đi, bài thơ vẫn còn sống mãi trong lòng người đọc và trước những biến động của thời gian, nhắc nhở chúng ta về 1 thời hào hùng phải đời đời nhớ mãi không quên.

Bài văn mẫu phân tích tính dân tộc trong tác phẩm Việt Bắc số 10
Bài văn mẫu phân tích tính dân tộc trong tác phẩm Việt Bắc số 10
Bài văn mẫu phân tích tính dân tộc trong tác phẩm Việt Bắc số 10
Bài văn mẫu phân tích tính dân tộc trong tác phẩm Việt Bắc số 10

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy