Bài văn mẫu phân tích tính dân tộc trong tác phẩm Việt Bắc số 4

Tố Hữu là nhà thơ lớn, là cánh chim đầu đàn của nền thơ ca cách mạng Việt Nam. Các tác phẩm của ông luôn in đậm khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, mang tính trữ tình chính trị và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. ­“Việt Bắc” là một trong những sáng tác hay nhất của đời thơ Tố Hữu, là đỉnh cao của thơ kháng chiến chống Pháp. Đó được xem như một bản tổng kết bằng thơ cuộc kháng chiến trường kì, gian khổ mà anh dũng kiên cường. Cả bài thơ cũng thể hiện một tấm lòng tri ân sâu nặng về nghĩa tình cách mạng của nhà thơ nói riêng, của bộ đội miền xuôi nói chung với mảnh đất và con người Việt Bắc. Lịch sử đã sang trang, mà mỗi lần đọc lại đều rưng rưng rưng xúc động:


- Mình đi, có nhớ những ngày
Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù?
Mình về, có nhớ chiến khu
Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai?
Mình về, rừng núi nhớ ai
Trám bùi để rụng, măng mai để già
Mình đi, có nhớ những nhà
Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son?
Mình về, còn nhớ núi non
Nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh?
Mình đi, mình có nhớ mình
Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa?


Mười lăm năm đi hết cuộc đời trai trẻ, mười lăm năm gắn bó với thượng ngàn heo hút, biết bao kỉ niệm vơi đầy, người thi sĩ - chiến sĩ ấy làm sao không lưu luyến khi rời xa? “ Khi ta ở chỉ là nơi đất ở - Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”. Tháng 10 năm 1954, nhà thơ theo cơ quan trung ương, chính phủ rời chiến khu Việt Bắc về tiếp quản thủ đô sau khoảng thời gian dài đã đồng cam cộng khổ cùng mảnh đất và con người Việt Bắc, trong giây phút chia tay đầy lưu luyến và dạt dào xúc cảm, Tố Hữu đã viết bài thơ Việt Bắc. Những kỉ niệm cứ ùa về như dòng thượng nguồn tuôn chảy qua lời đối đáp ngọt ngào đằm thắm của kẻ ở - người đi mà khởi nguồn là phút nắm tay giã biệt bịn rịn đầy lưu luyến. Nối tiếp là những lời gợi nhắc của người ở lại về những kỉ niệm không thể nào quên.


Vẫn trong cấu trúc đối đáp “ta – mình” như lời giao duyên tình tứ gợi về không gian văn hóa làng Việt gần gũi thân thương, từng câu hỏi của người ở lại như xoáy sâu vào tâm trí người đi:

Mình đi, có nhớ những ngày

Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù?


Nhớ về Việt Bắc là nhớ về những ngày tháng cùng chung sống với những cơn mưa đầu nguồn xối xả, với lũ suối thành sông, với âm u núi rừng mây mù giăng khắp. Thời tiết khắc nghiệt mang đặc trưng của thiên nhiên nơi đây đã tôi luyện ý chí, nghị lực và tinh thần thép cho những người chiến sĩ đến từ miền xuôi. Cách nói nhấn mạnh “những mây cùng mù” càng tô đậm những khó khăn gian khổ đã trở thành quen thuộc, đã trở thành một phần cuộc sống suốt 15 năm ròng gắn bó. Người ở lại gợi nhắc đầy trăn trở: liệu rằng người về xuôi có còn nhớ chăng?


“Mình về có nhớ chiến khu,

Miếng cơm chấm muối mối thù nặng vai?”


Vẫn là “mình” đó mà lúc lại là “mình đi”, lúc lại là “mình về”, dường như cảm xúc của người ở lại chộn rộn quá, như chống chếnh, như chơi vơi, vừa nhớ tiếc, vừa luyến lưu. Không chỉ nhớ về khung cảnh mưa lũ mây mù, có chút ảm đạm nhưng vẫn mang đậm chất trữ tình, thơ mộng, phóng khoáng và hùng vĩ của thiên nhiên, mà người ở lại còn gợi nhớ về cuộc sống sinh hoạt ở chiến khu với “miếng cơm chấm muối” đạm bạc mà nghĩa tình. Câu thơ có vế sóng đôi “mối thù nặng vai” diễn tả ý chí quyết tâm một lòng của quân và dân Việt Bắc. Những khó khắn thiếu thốn ấy càng thổi bùng lên ngọn lửa hờn căm, càng nhắc nhở về mối thù quân xâm lược đang kết hình kết khối đè nặng lên vai. Câu thơ cũng bộc lộ niềm tự hào của những con người đã từng trải qua những ngày tháng gian khổ, kiên trì đấu tranh để giành lại độc lập tự do và đem đến cho nhân dân cuộc sống hạnh phúc, ấm no.


Phút chia tay thật nhiều điều muốn nói! Những câu hỏi như khơi sâu người ở bộc lộ nỗi trống trải, thiếu hụt trong lòng bằng hình ảnh nhân hóa:


Mình về, rừng núi nhớ ai

Trám bùi để rụng, măng mai để già


Người về với thị thành tấp nập, để lại khoảng trống khó lấp đầy của không gian. Núi rừng cũng như bần thần nhớ “ai”. Những món ăn đặc sản núi rừng “trám bùi”, “măng mai” cũng để rụng, để già, không còn người thu hái. Tất cả trở về với nguyên sơ, với sự tĩnh lặng hiu hắt khi bộ đội về xuôi. Không buồn nhớ sao được!

Vẫn với tâm trạng băn khoăn luyến nhớ, người ở lại hỏi người ra đi:


Mình đi có nhớ những nhà

Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son?


Hai câu thơ có hình ảnh tượng trưng và tương phản đầy ấn tượng. Những ngôi nhà sàn thấp thoáng sau những vạt lau sậy hắt hiu, hoang vắng, đó là mái ấm của những con người Việt bắc chân chất mộc mạc. Đó cũng là nơi nuôi dưỡng những tấm lòng son sắt thủy chung với cách mạng trường kì. Vẫn trong mạch cảm xúc băn khoăn trăn trở, đồng bào gợi nhớ những hình ảnh thân thương ấy bằng một niềm kiêu hãnh về phẩm chất cách mạng của mình. Sự tương phản hình ảnh “hắt hiu lau xám” và “đậm đà lòng son”, một hình ảnh ẩn dụ rất đẹp ca ngợi tấm lòng son sắt thủy chung, càng khắc sâu ấn tượng về những con người tuy còn nghèo khổ, thiếu thốn nhưng giàu tình yêu nước, gắn bó thủy chung với cách mạng và kháng chiến. Nhớ về Việt Bắc, không thể không nhớ đến những ngày tháng đấu tranh gian khổ:


Mình về, còn nhớ núi non
Nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh?

Mình đi, mình có nhớ mình
Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa?


Cùng với những hình ảnh đặc trưng cho vùng cao Việt Bắc của quê hương, đại từ mình xuất hiện đều đặn, nhịp nhàng và biến hóa linh hoạt suốt khổ thơ đã tạo nên sắc điệu trữ tình thắm thiết, đậm đà tính dân tộc. Nếu đại từ “mình” được dùng để chỉ những người bộ đội miền xuôi, người ra đi trong cuộc chia tay ấy thì sang đến câu thơ cuối khổ, “mình” được điệp lại ba lần với ý nghĩa khác nhau mà lại quyện hòa, gắn bó không thể rạch ròi phân định. Đó là cách xưng hô ân tình, đằm thắm như lời lẽ tình tứ của đôi trai gái xưa “ Mình về ta chẳng cho về - Ta nắm vạt áo ta đề câu thơ”. Mình có trong ta mà ta cũng luôn hiện hữu trong trái tim mình.

Bài văn mẫu phân tích tính dân tộc trong tác phẩm Việt Bắc số 4
Bài văn mẫu phân tích tính dân tộc trong tác phẩm Việt Bắc số 4
Bài văn mẫu phân tích tính dân tộc trong tác phẩm Việt Bắc số 4
Bài văn mẫu phân tích tính dân tộc trong tác phẩm Việt Bắc số 4

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy