Bài văn mẫu phân tích tính dân tộc trong tác phẩm Việt Bắc số 5

Tố Hữu là đỉnh cao của thơ trữ tình - chính trị, mang đậm khuynh hướng sử thi, cảm hứng lãng mạn và màu sắc dân tộc. Và có thể nói “Việt Bắc” - khúc hát ân tình của con người kháng chiến với quê hương đất nước, với nhân dân và cách mạng là một trong số những tác phẩm tiêu biểu cho phong cách thơ Tố Hữu. Đọc “Việt Bắc” chúng ta sẽ thấy rõ những biểu hiện của tính dân tộc.


Trước hơn hết, tính dân tộc trong bài thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu được thể hiện ở mặt nội dung bởi lẽ bài thơ đã tái hiện một cách chân thực, sâu sắc, đậm đà tính dân tộc ở cảnh sắc, phong cảnh quê hương, đất nước và những nét đẹp truyền thống của con người Việt Nam. Bài thơ “Việt Bắc” đã vẽ nên một bức tranh thiên nhiên đậm đà tính dân tộc, mang bản sắc riêng của thiên nhiên đất nước Việt Nam qua bức tranh tứ bình. Đó là cảnh sắc mùa đông với sắc đỏ của những bông hoa chuối rừng:


Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi


Có lẽ chỉ với một câu thơ thôi nhưng tác giả đã vẽ nên một bức tranh thiên nhiên Tây Bắc mùa đông thật sinh động. Trên cái nền xanh bạt ngàn, vô tận của cây rừng, ngời lên sức sống mãnh liệt chính là sắc đỏ điểm xuyết của những bông hoa chuối. Sắc xanh và sắc đỏ quyện hòa vào nhau như làm cho bức tranh càng thêm sinh động, ấm áp. Đó là bức tranh xuân với những hương, những sắc đậm sắc thái của núi rừng Tây Bắc:


Ngày xuân mơ nở trắng rừng


Dường như trong những ngày mùa xuân, cả một rừng mơ bung nở sắc trắng tinh khôi, trẻ trung và mơ mộng. Sắc trắng ấy trong những ngày xuân cũng chính là vẻ đẹp viên mãn, tràn đầy sức sống và đặc trưng cho mảnh đất nơi đây. Và nếu như sắc trắng làm nên nét đẹp của mùa xuân thì âm thanh của tiếng ve, sắc vàng chính là những nét đẹp riêng mỗi độ hè về:


Ve kêu rừng phách đổ vàng

Thiên nhiên ở đây được vẽ, được cảm nhận bằng cả màu sắc và âm thanh - màu vàng của rừng phách, của nắng hè và âm thanh của tiếng ve. Tất cả những điều đó dường như đang cộng hưởng, quyện hòa vào nhau. Chữ “đổ” được tác giả sử dụng thật độc đáo và giàu giá trị, nó gợi sự căng tràn, ăm ắp của nguồn sống, gợi lên cả bước chuyển của thời gian. Để rồi, kết thúc bức tranh tứ bình ấy chính là bức tranh mùa thu đẹp đẽ, êm đềm, mơ mộng với ánh trăng vàng - ánh trăng hòa bình đang chiếu rọi khắp núi rừng.


Mùa thu trăng rọi hòa bình.


Không chỉ tái hiện bức tranh thiên nhiên đậm đà bản sắc dân tộc mà “Việt Bắc” còn vẽ nên hình ảnh những con người Việt Nam với những vẻ đẹp truyền thống từ ngàn đời. Đó là những con người vất vả, lam lũ, chịu thương, chịu khó. Chắc hẳn, đọc bài thơ “Việt Bắc” người đọc sẽ không thể nào quên được hình ảnh những “người mẹ nắng cháy lưng, địu con lên rẫy” và cả những con người suốt bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, vẫn luôn miệt mài với công việc, mỗi mùa mỗi việc, khi thì “dao gài thắt lưng”, xuân về họ lại cẩn mẫn, tỉ mỉ “đan nón chuốt từng sợi giang” và khi hè đến họ lại lên núi hái măng. Thêm vào đó, những con người trong bài thơ là những con người thủy chung, tình nghĩa, luôn đồng cam, cộng khổ và san sẻ cùng nhau. Vẻ đẹp ấy của họ thể hiện rõ nét qua “câu hát ân tình”, qua hình ảnh san sẻ cùng nhau trong những năm tháng kháng chiến khó khăn, thiếu thốn:


Thương nhau chia củ sắn lùi
Bát cơm sẻ nửa chăn sui đắp cùng.


Và cuối cùng, tính dân tộc ở phương diện nội dung được thể hiện ở tình nghĩa của cán bộ và đồng bào Việt Bắc với cách mạng và kháng chiến - đó cũng chính là mạch cảm xúc xuyên suốt toàn bộ bài thơ. Cùng với nội dung, tính dân tộc của bài thơ còn được thể hiện rõ nét ở hình thức nghệ thuật. Trước hết, bài thơ được viết theo thể thơ lục bát - một thể thơ truyền thống của dân tộc, điều này đã tạo nên âm hưởng vừa thống nhất vừa biến hóa cho bài thơ, làm cho câu thơ lúc thì dung dị, dân dã, gần với ca dao, lúc lại cân xứng, trau chuốt đến độ nhuần nhị, cổ điển.


Đồng thời, bài thơ cũng được viết theo lối kết cấu đối đáp quen thuộc của văn học dân gian với cặp đại từ “mình” - “ta” để ướm hỏi, trả lời, làm cho mạch cảm xúc và sự phát triển của chủ đề bài thơ cũng trên cơ sở ấy. Đặc biệt, tính dân tộc trong hình thức nghệ thuật của bài thơ được thể hiện rõ nét ở ngôn ngữ. Trong bài thơ, tác giả đã rất tài tình khi sử dụng lời ăn tiếng nói hằng ngày của nhân dân để tái hiện lại cuộc kháng chiến và những con người kháng chiến cũng như vẽ nên khung cảnh về một tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn. Đồng thời, ngôn ngữ trong bài thơ rất giàu hình ảnh và nhạc điệu - “người mẹ nắng cháy lưng”, “rừng che bộ đội rừng vây quân thù”, “chày đêm nện cối đều đều suối xa”,... Và đặc biệt, tác giả đã sử dụng cặp đại từ nhân xưng “mình” - “ta” biến hóa linh hoạt với những lối biểu cảm, ngữ nghĩa phong phú vốn có của nó.


Tóm lại, bài thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu mang tính dân tộc đậm đà, điều đó thể hiện rõ nét trên cả nội dung và hình thức nghệ thuật của bài thơ.

Bài văn mẫu phân tích tính dân tộc trong tác phẩm Việt Bắc số 5
Bài văn mẫu phân tích tính dân tộc trong tác phẩm Việt Bắc số 5
Bài văn mẫu phân tích tính dân tộc trong tác phẩm Việt Bắc số 5
Bài văn mẫu phân tích tính dân tộc trong tác phẩm Việt Bắc số 5

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy