Bài văn nghị luận về sự khen và chê số 1
Cuộc sống bận rộn đôi khi khiến con người mệt mỏi và những lúc như thế ta cần có những lời động viên hay khen ngợi của người khác. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần những lời phê bình để nhận ra những thiếu sót của bản thân từ đó tự sửa đổi để tiến bộ hơn. Thật vậy, lắng nghe những lời đánh giá hay nhận xét của người khác cũng có tác dụng rất lớn trong việc thay đổi và phát triển bản thân của mỗi người.
Khen và chê là những lời nhận xét hay đánh giá của người khác dành cho bạn về một vấn đề nào đó. Có thể đó là những nhận xét tích cực vì bạn thể hiện khá tốt trong công việc của mình, thế nhưng, bên cạnh đó cũng là những lời phê bình, những đánh giá chưa tốt về cách xử lý công việc hay thành quả của bạn.
Những lời nhận xét có tác động rất lớn đến với người nghe, vì vậy, người nhận xét cũng cần phải chú ý đến cách nhận xét của mình để sao cho người nghe có thể tiếp nhận mà không cảm thấy mình đang bị xúc phạm, sự cố gắng của mình trở thành công cốc. Nếu bạn được người khác khen ngợi, đương nhiên bạn sẽ cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc, công sức của bạn được người khác công nhận khiến bạn cảm thấy vui. Thế nhưng, khi bạn bị người khác phê bình và không nhận được lời khen ngợi của người khác khiến bạn cảm thấy không vui, bạn chán nản và cảm thấy bất công, bạn cũng đã rất cố gắng nhưng thành quả lại không được như mong đợi và phải nhận những lời phê bình không đáng có, điều đó thật đáng buồn nhưng cũng đừng vì thế mà chán nản, hãy lấy nó làm động lực, làm bàn đạp để lần sau cố gắng hơn trong công việc, rồi bạn sẽ đạt được thành công của mình.
Con người muốn hoàn thiện và phát triển cần có những lời đánh giá và nhận xét thế nhưng không phải những lời đánh giá đó là đúng. Có thể một vài người khác đang nịnh bợ ta để đạt được mục đích của họ, họ tâng bốc ta lên như thánh thần trong khi ta chỉ ở mức trung bình, nếu không tỉnh táo sớm nhận ra mưu đồ của những kẻ môi mép ấy thì chúng ta sẽ trở thành người bị ảo tưởng, mang trong mình cái suy nghĩ mình giỏi giang và rồi không có sự cố gắng nhất định sẽ bị thụt lùi và đánh mất bản thân mình. Cuộc sống rắc rối thị phi ấy không chỉ có những kẻ nịnh bợ mà còn có cả những kẻ vô công dồi nghề tụm năm tụm ba nói xấu sau lưng người khác. Những kẻ rảnh việc chuyên tung những tin đồn sai lệch về người, tất cả là do thói xấu ghen tị không bằng người khác nên muốn kéo người khác xuống cùng đẳng cấp với mình. Đó là những loại người xấu xa mà chúng ta cần phải sớm nhận ra và cảnh giác để không trở thành con rối ảo tưởng trong tay họ.
Có người nói câu này có người nói chuyện kia, vì vậy chúng ta cần phải giữ vững lập trường và có thái độ tích cực để tiến lên phía trước. Không nên gây ra những hiểu lầm và tranh chấp không đáng có, có nhiều người nói đúng và cũng có kẻ nói sai vì vậy phải tỉnh táo trong việc nhận thức về bản thân mình. Không được bảo thủ về lối sống của mình, đừng cho rằng mọi lời bàn tán về mình đều là sai trái, có thể một trong số đó là đúng vì bản thân mọi người không ai là hoàn hảo, mình có mắc sai lầm, có thiếu sót thì người ta mới có cái moi móc ra để nói. Nếu sự thật là thiếu sót ở mình thì hãy tự sửa đổi để họ không còn gì để bàn tán nữa và điều đó cũng khiến cho bản thân mình tốt lên.
Một người nếu muốn hoàn thiện hơn thì cần phải không ngừng học tập và tiếp thu. Thật vậy, chúng ta cũng có thể học tập được vô vàn kinh nghiệm từ những lời khen ngợi hay đánh giá phê bình của người khác. Ngược lại khi tự mình nhận xét, đánh giá người khác cũng có nghĩa là mình học được khả năng phân tích và đưa ra ý kiến cá nhân. Khi đánh giá người khác phải đặt trong lập trường khách quan, tránh thái độ cá nhân vì không thích hay có cảm tình mà đánh giá người khác là xấu hay tốt. Cần nhìn nhận người khác một cách toàn diện để đưa ra nhận xét cá nhân. Khi phê bình người khác, cần tránh thái độ gay gắt và không lắng nghe ý kiến hay lời giải thích của người đó vì đó chẳng khác gì tuyên bố với mọi người rằng họ không có tài năng gì, đừng quá tự cao mà đánh giá chê bai người khác trong khi mình cũng chưa hoàn hảo. Tôn trọng người khác khi phát biểu và tôn trọng cả người mình đang nhận xét, dù họ tốt hay chưa tốt cũng cần có thái độ tích cực với họ vì nếu ta không biết cách nhận xét sẽ làm thui chột đi một tài năng đang phát triển, người nghe nhận xét sẽ bị mặc cảm và tổn thương.
Cuộc sống là không dễ dàng, vì vậy, đôi khi chúng ta không cần quá thành thật trong việc nhận xét người khác. Thay vì nói kết quả người khác làm rất tệ và không thể chấp nhận được hãy nhận xét là họ làm chưa được tốt cho lắm và cần phải cố gắng hơn, bạn đã ghi nhận sự cố gắng này và cần họ phát huy hơn nữa trong công việc lần sau. Lời nói là của bạn nhưng nó lại cứu vớt vấn đề. Thay vì khiến người khác mất đi động lực bạn lại thắp lên cho họ động lực để cố gắng hơn nữa. Việc này hoàn toàn đúng trong việc giáo dục trẻ nhỏ, trẻ nhỏ hay học sinh đều là những đứa trẻ nghịch ngợm và ham chơi vậy nên thay vì nổi cáu và quát mắng hãy khiến cho chúng có động lực với việc học, khen chúng nhiều hơn để chúng có hứng thú với việc học. Bạn chỉ mất đi công nói nhưng lại thu về được những kết quả không ngờ, vậy tại sao bạn không thử?
Khen và chê khiến cho mỗi người sống có trách nhiệm hơn với công việc của mình, giúp mọi người nhận thức đúng đắn hơn về bản thân mình, từ đó có hướng phát triển bản thân tốt hơn. Hãy chịu khó lắng nghe bình luận của người khác nhưng cần có sự chọn lọc, có thái độ tích cực hơn trong cuộc sống sẽ giúp bạn có được sự tin cậy của người khác, chịu lắng nghe người khác sẽ khiến người khác muốn đóng góp cho bạn nhiều hơn, càng có nhiều người đóng góp bạn sẽ càng có cơ hội để lên ý tưởng, có thêm động lực để cố gắng. Vì vậy, hãy tích cực trong việc khen và chê, lắng nghe và đưa ra nhận xét một cách thực tế nhất. Giúp đỡ người khác cũng là đang giúp đỡ chính mình để sửa đổi bản thân.