Top 10 Bài văn nghị luận về sự khen và chê (lớp 9) hay nhất
Trong cuộc sống, chúng ta thường muốn nghe những lời khen ngợi từ người khác thay vì những lời chê bai. Phải chăng lúc nào khen cũng tốt và lúc nào chê cũng ... xem thêm...xấu? Thực chất thì cả khen và chê đều là những lời nhận xét, góp ý nhằm giúp đối tượng ngày càng hoàn thiện hơn, miễn là những lời khen chê ấy là thật lòng và đúng mực. Suy nghĩ về khen và chê trong bài văn nghị luận như thế nào, mời các bạn tham khảo một số bài văn hay nhất mà Toplist đã tổng hợp trong bài viết dưới đây.
-
Cuộc sống bận rộn đôi khi khiến con người mệt mỏi và những lúc như thế ta cần có những lời động viên hay khen ngợi của người khác. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần những lời phê bình để nhận ra những thiếu sót của bản thân từ đó tự sửa đổi để tiến bộ hơn. Thật vậy, lắng nghe những lời đánh giá hay nhận xét của người khác cũng có tác dụng rất lớn trong việc thay đổi và phát triển bản thân của mỗi người.
Khen và chê là những lời nhận xét hay đánh giá của người khác dành cho bạn về một vấn đề nào đó. Có thể đó là những nhận xét tích cực vì bạn thể hiện khá tốt trong công việc của mình, thế nhưng, bên cạnh đó cũng là những lời phê bình, những đánh giá chưa tốt về cách xử lý công việc hay thành quả của bạn.
Những lời nhận xét có tác động rất lớn đến với người nghe, vì vậy, người nhận xét cũng cần phải chú ý đến cách nhận xét của mình để sao cho người nghe có thể tiếp nhận mà không cảm thấy mình đang bị xúc phạm, sự cố gắng của mình trở thành công cốc. Nếu bạn được người khác khen ngợi, đương nhiên bạn sẽ cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc, công sức của bạn được người khác công nhận khiến bạn cảm thấy vui. Thế nhưng, khi bạn bị người khác phê bình và không nhận được lời khen ngợi của người khác khiến bạn cảm thấy không vui, bạn chán nản và cảm thấy bất công, bạn cũng đã rất cố gắng nhưng thành quả lại không được như mong đợi và phải nhận những lời phê bình không đáng có, điều đó thật đáng buồn nhưng cũng đừng vì thế mà chán nản, hãy lấy nó làm động lực, làm bàn đạp để lần sau cố gắng hơn trong công việc, rồi bạn sẽ đạt được thành công của mình.
Con người muốn hoàn thiện và phát triển cần có những lời đánh giá và nhận xét thế nhưng không phải những lời đánh giá đó là đúng. Có thể một vài người khác đang nịnh bợ ta để đạt được mục đích của họ, họ tâng bốc ta lên như thánh thần trong khi ta chỉ ở mức trung bình, nếu không tỉnh táo sớm nhận ra mưu đồ của những kẻ môi mép ấy thì chúng ta sẽ trở thành người bị ảo tưởng, mang trong mình cái suy nghĩ mình giỏi giang và rồi không có sự cố gắng nhất định sẽ bị thụt lùi và đánh mất bản thân mình. Cuộc sống rắc rối thị phi ấy không chỉ có những kẻ nịnh bợ mà còn có cả những kẻ vô công dồi nghề tụm năm tụm ba nói xấu sau lưng người khác. Những kẻ rảnh việc chuyên tung những tin đồn sai lệch về người, tất cả là do thói xấu ghen tị không bằng người khác nên muốn kéo người khác xuống cùng đẳng cấp với mình. Đó là những loại người xấu xa mà chúng ta cần phải sớm nhận ra và cảnh giác để không trở thành con rối ảo tưởng trong tay họ.
Có người nói câu này có người nói chuyện kia, vì vậy chúng ta cần phải giữ vững lập trường và có thái độ tích cực để tiến lên phía trước. Không nên gây ra những hiểu lầm và tranh chấp không đáng có, có nhiều người nói đúng và cũng có kẻ nói sai vì vậy phải tỉnh táo trong việc nhận thức về bản thân mình. Không được bảo thủ về lối sống của mình, đừng cho rằng mọi lời bàn tán về mình đều là sai trái, có thể một trong số đó là đúng vì bản thân mọi người không ai là hoàn hảo, mình có mắc sai lầm, có thiếu sót thì người ta mới có cái moi móc ra để nói. Nếu sự thật là thiếu sót ở mình thì hãy tự sửa đổi để họ không còn gì để bàn tán nữa và điều đó cũng khiến cho bản thân mình tốt lên.
Một người nếu muốn hoàn thiện hơn thì cần phải không ngừng học tập và tiếp thu. Thật vậy, chúng ta cũng có thể học tập được vô vàn kinh nghiệm từ những lời khen ngợi hay đánh giá phê bình của người khác. Ngược lại khi tự mình nhận xét, đánh giá người khác cũng có nghĩa là mình học được khả năng phân tích và đưa ra ý kiến cá nhân. Khi đánh giá người khác phải đặt trong lập trường khách quan, tránh thái độ cá nhân vì không thích hay có cảm tình mà đánh giá người khác là xấu hay tốt. Cần nhìn nhận người khác một cách toàn diện để đưa ra nhận xét cá nhân. Khi phê bình người khác, cần tránh thái độ gay gắt và không lắng nghe ý kiến hay lời giải thích của người đó vì đó chẳng khác gì tuyên bố với mọi người rằng họ không có tài năng gì, đừng quá tự cao mà đánh giá chê bai người khác trong khi mình cũng chưa hoàn hảo. Tôn trọng người khác khi phát biểu và tôn trọng cả người mình đang nhận xét, dù họ tốt hay chưa tốt cũng cần có thái độ tích cực với họ vì nếu ta không biết cách nhận xét sẽ làm thui chột đi một tài năng đang phát triển, người nghe nhận xét sẽ bị mặc cảm và tổn thương.
Cuộc sống là không dễ dàng, vì vậy, đôi khi chúng ta không cần quá thành thật trong việc nhận xét người khác. Thay vì nói kết quả người khác làm rất tệ và không thể chấp nhận được hãy nhận xét là họ làm chưa được tốt cho lắm và cần phải cố gắng hơn, bạn đã ghi nhận sự cố gắng này và cần họ phát huy hơn nữa trong công việc lần sau. Lời nói là của bạn nhưng nó lại cứu vớt vấn đề. Thay vì khiến người khác mất đi động lực bạn lại thắp lên cho họ động lực để cố gắng hơn nữa. Việc này hoàn toàn đúng trong việc giáo dục trẻ nhỏ, trẻ nhỏ hay học sinh đều là những đứa trẻ nghịch ngợm và ham chơi vậy nên thay vì nổi cáu và quát mắng hãy khiến cho chúng có động lực với việc học, khen chúng nhiều hơn để chúng có hứng thú với việc học. Bạn chỉ mất đi công nói nhưng lại thu về được những kết quả không ngờ, vậy tại sao bạn không thử?
Khen và chê khiến cho mỗi người sống có trách nhiệm hơn với công việc của mình, giúp mọi người nhận thức đúng đắn hơn về bản thân mình, từ đó có hướng phát triển bản thân tốt hơn. Hãy chịu khó lắng nghe bình luận của người khác nhưng cần có sự chọn lọc, có thái độ tích cực hơn trong cuộc sống sẽ giúp bạn có được sự tin cậy của người khác, chịu lắng nghe người khác sẽ khiến người khác muốn đóng góp cho bạn nhiều hơn, càng có nhiều người đóng góp bạn sẽ càng có cơ hội để lên ý tưởng, có thêm động lực để cố gắng. Vì vậy, hãy tích cực trong việc khen và chê, lắng nghe và đưa ra nhận xét một cách thực tế nhất. Giúp đỡ người khác cũng là đang giúp đỡ chính mình để sửa đổi bản thân.
-
Trung Hoa là một trong những cái nôi của văn hoá nhân loại. Từ thời cổ đại, người dân Trung Quốc có quyền tự hào về những bậc học giả, về những người thầy lỗi lạc, uyên bác với những triết lí nhân sinh trở thành chân lý cho mọi thời đại. Tuân Tử là một trong số những bậc vĩ đại ấy. Và câu nói của ông: "Người chê ta mà chê phải là thầy ta, người khen ta mà khen phải là bạn ta, những kẻ vuốt ve, nịnh bợ là kẻ thù của ta vậy", cũng đủ cho hậu thế phải suy nghĩ.
Xã hội loài người ngày càng phát triển về kinh tế, về tư tường, nhận thức và cũng song hành với phát triển sự phức tạp trong mọi quan hệ đời sống. “Miệng lưỡi thế gian" là điều không thể tránh khỏi. Mỗi con người sống chung trong đồng loại cần phải biết chấp nhận lời chê tiếng khen của mọi người, nhưng để nhận biết sự "thật" - "giả" trong mỗi lời khen tiếng chê, để có ứng xử thích hợp, quả không đơn giản. Câu nói của Tuân Tử đã giúp chúng ta cái kính chiêu yêu" nhận biết đâu là "thầy", đâu là "bạn", đâu là "thù" trong cuộc đời đầy phức tạp đó.
Là một con người, kể cả bậc vua chúa, vĩ nhân, trong cuộc sống, thật khó tránh khỏi những sai lầm. Những lúc như thế hẳn chúng ta nhận được những lời nhận xét của mọi người. Tất yêu, mỗi người khác nhau, sẽ có những nhận xét, thái độ khác nhau về ta. Điều quan trọng là ở chính bản thân ta: biết nhận ra cái đúng, cái sai của mình; quan trọng hơn, trong vô số những lời "khen” "chê" đó, ta nhận ra ai là "thầy ta", ai là "bạn ta", ai là "kẻ thù" của ta vậy!
Lời dạy của Tuân Tử thật chí lí: "Người chê ta mà chê đúng là thầy ta, người khen ta mà khen đúng là bạn ta". Mỗi người, khi phạm điều sai, tự mình không dễ gì nhận ra. Người nhận ra cái sai của ta, lại "chê"- tức khẳng định cái sai của ta và chi cho ta biết - hẳn phải là người có tầm tri thức, hiểu biết hơn ta. Người đó xứng đáng là bậc "thầy" của ta về trí tuệ. Hơn thế người thấy và dám chỉ cho ta nhận ra cái sai của mình, để mình có hướng khắc phục, sửa chữa, hẳn đó phải là người có cái tâm thật cao quý: những muôn cho chúng ta nhanh chóng tiến bộ. Chúng ta, về thái độ, tình cảm không thể không tôn trọng người đó là bậc "thầy" về nhân cách để ta học tập.
Người "khen ta mà khen phải"- nghĩa là người đó không những không kị, hiềm khích trước những cái tốt, cái mạnh của ta, mà còn "khen", cùng chung vui, chia ngọt sẻ bùi... Đó hẳn là người bạn tốt, người bạn tri âm, tri kỉ của ta vậy. Cuộc đời mỗi chúng ta, nếu có được nhiều người "thầy", người "bạn" như thế thì hạnh phúc biết bao nhiêu.
Tuy nhiên, trong cuộc sống, không phải ai khen hay chê ta đều là "thầy”, là "bạn'' của ta. Tuân Tử đã một lần nữa chỉ cho ta biết cách nhận ra " bộ mặt thật của những "kẻ" hiểm độc đó. Đó là "kẻ vuốt ve, nịnh bợ ta", Tuân Tử tỏ thái độ rõ rệt, dứt khoát khi gọi những loại người đó "là kẻ thù của ta vậy". Nhưng để nhìn ra đâu là bạn "khen ta mà khen đúng" với "những kẻ vuốt ve, nịnh bợ” thì không dễ. Trước hết, kẻ vuốt ve, nịnh bợ, họ khen ta là xuất phát mục đích mong cầu lợi ích riêng của chính họ. Bởi vậy, thành tích của ta chỉ có một, chúng thổi phổng lên ba, bốn hoặc nhiều hơn thế. Thậm chí, có khi chúng còn ngụy biện "phù phép" những khuyết điểm, sai lầm của ta thành "thành tích". Những kẻ luôn lấy việc "nịnh bợ" để tiến thân, khiến cho người được khen ngày càng tự đánh mất mình, xa rời lẽ phải... Thật đáng tiếc là những kẻ đó thời đại nào cũng có. Sử sách đã ghi lại không biết bao nhiêu bậc vua chúa đã bị những kẻ nịnh thần làm cho u mê, dẫn đến hãm hại trung thần, triều chính đổ nát, xã tắc suy vong. Lời dạy của Tuân Tử lại một lần nhắc nhờ mỗi chúng ta cần sáng suốt để nhận ra đâu là "bạn ta" khen ta thật lòng; đâu là "kẻ vuốt ve, nịnh bợ" ta.
Không chỉ đúng với xã hội xưa, mà ngày nay và với tất cả mọi người, ở trên mọi lĩnh vực, lời dạy của Tuân Tử như một chiếc kính "chiếu yêu" giúp chúng ta nhận ra người tốt, kẻ xấu trong cuộc sống, trong học tập. Khi kinh tế thị trường mở cửa, thì đội ngũ những kẻ chạy theo lợi nhuận, vì danh, vì lợi ngày càng nhiều. Nhân viên nịnh bợ thủ trưởng, cấp dưới luôn luôn vuốt ve, chiều ý cấp trên; các bạn lười học thì xum xoe các bạn học giỏi đế cầu "phao cứu trợ” trong thi cử, kiểm tra... Hành động của những kẻ đó có thể khác nhau, nhưng đều chung một bản chất: mưu cầu lợi ích riêng tư.
Nhưng bạn cũng vì những hiện tượng đó mà đánh mất niềm tin vào cuộc đời. Bởi người tốt, những người xứng đáng là "thầy ta", "bạn ta" luôn luôn ở bên ta. Câu nói của Tuân Tử, cũng là một lời nhắc nhở chí tình, chí lí cho chính mỗi chúng ta trong quan hệ ứng xử với mọi người. Chúng ta muốn mọi người chê ta lòng - như Tuân Tử đã dạy- ta phải biết coi trọng những người đó như bậc thầy của ta". Cũng vậy, với bạn bè, đồng đội, ta phải sống với cái tâm chân thành dám chỉ ra những khuyết điểm của bạn mà ta nhận thấy, với thức cầu mong cho bạn mình ngày càng hoàn thiện. Mỗi chúng ta cần biết "chia ngọt sẻ bùi với bạn bè coi thành tích của bạn làm niềm vui chung cùng chia sẻ".
-
Trong cuộc sống của chúng ta, những lời khen là vô cùng cẩn thiết để khích lệ, động viên hay khen ngợi ai đó. Lời khen giúp họ cảm thấy tự hào về những việc mình đã làm được và cố gắng làm tốt hơn nữa. Tuy nhiên, những lời khen mang tính chất nịnh bợ thì không tốt chút nào. Tuân Tử đã từng nói: “Người chê ta mà chê phải là thầy ta, người khen ta mà khen phải là bạn ta, những kẻ vuốt ve, nịnh bợ ta chính là kẻ thù của ta vậy.” Trong câu nói bao gồm ba đối tượng: “Người chê ta”, “người khen ta”, “kẻ vuốt ve, nịnh bợ ta” và vai trò của họ đối với cuộc sống mỗi con người.
“Người chê ta mà chê phải là thầy ta”. Chê, nhưng là chê phải. Đó là những người thấy ta sai và dám chỉ ra cái sai của ta, để từ đó ta rút ra được bài học và sửa chữa sai lầm. Bình thường, chúng ta thường không thích những người chê mình. Tuy nhiên, người khôn ngoan phải là người biết phân biệt đâu là những lời chê có thiện chí. Trong cuộc sống, tất nhiên không thiếu những kẻ ganh ghét, luôn chê bai người khác một cách ác ý. Chúng ta nên biết phân biệt đâu là những lời chê ác ý để bỏ qua, và đâu là những lời chê mang tính góp ý để chúng ta tiến bộ. Một người chỉ khi biết tiếp thu ý kiến của người khác thì mới có thể thành công được. Còn nếu cứ khăng khăng làm theo ý mình, sớm muộn gì người đó cũng sẽ thất bại mà thôi. Chính vì thế, vai trò của những lời “chê phải”, những người dám nói lên những lời chê ấy là vô cùng quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Những người ấy chẳng khác gì thầy ta, giúp ta hiểu ra, học được nhiều điều trong cuộc sống.
Đối tượng thứ hai, là những người khen ta, nhưng tất nhiên, là “khen phải”. Vậy thế nào là khen phải? Đó là những lời khen chân thành, không nhằm vụ lợi cho bản thân mà tâng bốc đối tượng một cách quá đáng. Mục đích của lời khen ấy chỉ là xuất phát từ việc bày tỏ sự ngưỡng mộ, hay khích lệ người được khen. Con người ta luôn có xu hướng muốn được khen, vì những lời khen thường “dễ nghe” hơn những lời chê. Lời khen là quan trọng, có tác dụng giúp con người ta thấy tự hào vì những thứ được khen, tuy nhiên, chúng ta cần biết được đâu là những lời khen thật, đâu là những lời tâng bốc, xu nịnh. Không nên vì được khen quá nhiều mà dẫn đến suy nghĩ mình đã hoàn hảo, từ đó sẽ dẫn đến tự kiêu, không cố gắng, tất sẽ có ngày gặp thất bại. Những người có thể hiểu, có thể khen thật ta, đó chính là những người bạn của ta.
Còn đối tượng cuối cùng, cũng liên quan đến những lời khen, nhưng đó lại là “những kẻ vuốt ve, nịnh bợ”ta, như Tuân Tử nói, đó cũng chính là “kẻ thù của ta”. Những kẻ ấy chỉ nói những lời khen nhằm vụ lợi cho bản thân, chứ không xuất phát từ sự chân thành hay sự ngưỡng mộ đối với người được khen. Những lời khen ấy khiến cho người được khen cảm thấy mình thật tốt đẹp, thật quan trọng, thật vĩ đại, từ đó sẽ không cố gắng và dần dần sẽ bị thua kém so với những người xung quanh. Điều ấy thật nguy hiểm. Và những kẻ xu nịnh ta như vậy, giống như kẻ thù của ta vậy. Họ “giết” ta bằng những lời nịnh bợ, dối trá. Điều chúng ta cần làm là tránh xa, hạn chế giao lưu với những đối tượng ấy trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong môi trường học tập, làm việc.
Câu nói của Tuân Tử, từ xưa đến nay, vẫn luôn là bài học sâu sắc và đáng ghi nhớ cho tất cả mọi người trong cuộc sống. Hãy luôn tỉnh táo, để phân biệt được đâu là bạn, đâu là thù, để có thể có được những lời góp ý, lời khen chân thành nhất từ đó có thể hoàn thiện bản thân mình.
-
Lời khen như một thứ gia vị không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Dù ở bất cứ lứa tuổi hay cương vị nào thì con người cũng thích những lời động viên, khen ngợi từ người khác dành cho mình. Tuy nhiên, lời khen luôn có hai mặt của nó. Nếu là lời khen chân thật, đúng hoàn cảnh thì nó sẽ có tác dụng khích lệ, động viên con người phát triển theo chiều hướng tích cực, còn những lời khen giả dối, lời khen không được sử dụng đúng lúc, đúng chỗ thì nó sẽ phản tác dụng, gây ra những hậu quả khôn lường bởi phía sau những lời khen luôn tiềm ẩn nhiều điều mà ta không thể biết trước được.
Lời khen là lời ngợi ca, tán thưởng, khâm phục của mọi người dành cho một cá nhân nào đó. Lời khen có hai loại là lời khen tốt và lời khen xấu. Lời khen tốt là lời khen xuất phát từ tận đáy lòng, từ sự chân tình, không vụ lợi, và là động lực để con người phấn đấu vươn lên. Còn lời khen xấu là những lời khen không thật lòng, ẩn chứa nhiều mưu đồ và sự giả dối. Đó chỉ là những lời khen xã giao nhằm mục đích lấy lòng hoặc để đạt được một mục đích nào đó. Lời khen giống như một con dao hai lưỡi, nó có thể là lời khích lệ động viên cũng có thể là cái bẫy đẩy con người tới một việc làm xấu. Bởi vậy, con người cần phải tỉnh táo trước những lời khen của người khác.
Có người đã từng nói rằng “Người khen ta mà khen phải là bạn ta. Những kẻ vuốt ve nịnh bợ là kẻ thù của ta”. Những lời khen chân thành, đúng lúc, đúng chỗ sẽ giúp người được khen có được niềm vui, niềm hạnh phúc, sự sung sướng và tự tin. Khi chúng ta làm được một việc tốt, một lời khen kịp thời sẽ giúp ta có thêm sức mạnh, niềm tin, khiến niềm vui được lan tỏ đến với mọi người xung quanh. Lời khen tốt là phần thưởng mà con người xứng đáng được nhận sau những cống hiến, hi sinh và sự nỗ lực của bản thân, giúp con người có thêm sức mạnh và ý chí để đi đến thành công. Một lời khen tốt có thể giúp một học sinh học yếu có ý chí phấn đấu. Một lời khen tốt có thể giúp cho người sa ngã muốn hướng thiện có thêm sức mạnh để làm lại cuộc đời. Một lời khen tốt giúp con người vượt qua thử thách…
Tuy nhiên, không phải lúc nào lời khen cũng mang lại những tác dụng tốt. Lời khen là liều thuốc tốt cho đời sống tinh thần nhưng đôi khi nó trở thành một mối nguy hại vì có biết bao mầm mống của sự ảo tưởng, kiêu ngạo có thể sinh ra từ đó. Những lời khen với mục đích xã giao, không xuất phát từ cái nhìn thực tế thường là những lời khen có cánh, nó tức thì làm lan tỏa xung quanh ta thứ hương thơm ngọt dịu, xây dựng trước mắt ta một lâu đài ảo mộng khiến ta đắm chìm trong giấc mộng ảo đó. Bản chất của con người thường kiêu ngạo, vậy nên khi nghe lời khen giả tạo hay thực chất đó là những lời xua nịnh thì con người dễ trở nên kiêu ngạo hơn là sự khiêm nhường. Có thể cá nhân đó mới đạt được chút thành công bé nhỏ mà họ đã tự xem mình là trung tâm của vũ trụ, xem mình là hơn tất cả, đến khi thất bại dễ trở nên yếu đuối.
Không chỉ vậy, phía sau những lời khen giả tạo còn là cả một sự áp lực nặng nề cho người được khen. Vì được khen nên cá nhân đó phải gồng mình lên để sống tốt, làm việc tốt, học thật giỏi…. Những cố gắng đó đôi khi khiến con người trở nên căng thẳng vì sợ lúc nào mọi người xung quanh cũng đang theo dõi việc làm của mình. Lời khen giả tạo có thể làm cho con người ngộ nhận, ảo tưởng để rồi phải sống như một con rô bốt, như một con vẹt, chỉ dám nói hành động theo dư luận mà không dám sống là chính mình.
Tôi đã từng được nghe một câu chuyện kể về một vị tướng tài ba, có tài cầm quân. Ông chỉ huy trận nào là thắng trận đó. Rồi ông trở thành quốc vương của cả một vùng đát rộng lớn. Ông được mọi người tung hô, khen ngợi, nhưng rất ít lời khen thật lòng. Những đại thần thường vây quanh ông, khen ngợi ông hết lời để được ông ban thưởng vàng, lụa. Họ nịnh bợ ông, khẳng định với ông mình sẽ mãi trung thành và dù biết là nịnh bợ nhưng ông lại rất thích và rất tin vào điều đó. Cho đến một ngày, đát nước xảy ra biến cố, ông kêu gọi sự hợp sức của các đại thần nhưng họ đều lần lượt bỏ rơi ông. Đến khi ông nhận ra mình đã tin tưởng một cách mù quáng thì đát nước đã rơi vào tay kẻ khác.
Trong cuộc sống không phải ai cũng có thể tỉnh táo trước lời khen của người khác. Bên cạnh những người đã biết biến lời khen thành sức mạnh để phấn đấu thì một số người dẫu biết những lời khen chỉ mang tính chất “cho vừa lòng nhau” nhưng họ vẫn ngộ nhận, tin là thật. Một số khác lại quá coi thường lời khen hoặc lạm dụng lời khen để trêu chọc người khác, làm mất đi những mối quan hệ tốt đẹp trong xã hội. Đó đều là những hiện tượng xấu mà chúng ta cần khắc phục.
Một lời khen có thể khiến con người đến được tới đỉnh vinh quang nhưng cũng có thể khiến con người rơi xuống vực sâu của sự thất bại. Vì vậy, chúng ta cần phải tỉnh táo để phân biệt được đâu là lời khen tốt, đâu là lời khen xấu, lời khen giả tạo. Tâm lí con người rất thích được khen bởi vậy mỗi người trong chúng ta không nên tiết kiệm lời khen nhưng cũng không nên lạm dụng nó. Hãy học cách khen chân thành, đúng lúc, đúng chỗ và lắng nghe lời khen có chọn lọc. Đó mới là cách sống của một người hiểu biết và thông minh.
Là một học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường, mỗi chúng ta hãy biết tỉnh táo trước mọi lời khen. Chúng ta không nên quá khiêm tốn cũng không nên tự kiêu trước lời khen mà mình nhận được mà hãy luôn trau dồi bản thân để trở thành một công dân có ích cho xã hội.
Lời khen là một phần không thể thiếu trong cuộc sống, là động lực để chúng ta đi tới những thành công, là bài học để mỗi người trở nên trưởng thành, cứng cáp. Bởi vậy chúng ta hãy sử dụng lời khen đúng lúc, đúng chỗ như một món quà mà cuộc sống ban tặng cho con người.
-
Con người ta thật kì lạ! Dường như ai cũng mong muốn mình được nhận những lời khen từ người khác, bất chấp họ biết chúng phản ánh không đúng sự thật, và chỉ là một lời “nịnh hót” không hơn. Đồng thời, họ hiếm khi muốn tiếp nhận những lời chê trách góp ý, dù cho chúng thực sự hữu ích với bản thân họ, hay chỉ do sự ghen ghét, đố kỵ mang lại mà thôi.
Thế nên bạn thử nghĩ xem có phải lúc nào lời khen cũng đúng, hay lời chê lúc nào cũng khó được chấp nhận? Ở quan niệm trên của Tuân Tử, ông đã đề cập đến vấn đề khen chê ở đời. Dưới một con mắt nhìn xa trông rộng của một triết gia nổi tiếng Trung Quốc, ta như nhận thấy được mọi khía cạnh, tức là cả mặt tích cực lẫn mặt trái của sự khen chê. Vậy khen là gì? Chê là như thế nào?
Theo suy nghĩ của tôi, khen là những lời nói thể hiện sự đồng tình hay khâm phục tính đúng đắn của một người đối với ý kiến hay hành động của người khác. Cũng tương tự như vậy, chê là một sự bày tỏ thái độ không đồng tình hay trách cứ của người này đối với quan điểm hay việc làm của người khác. “Người chê ta mà chê phải là thầy ta”, “thầy” ở đây ta có thể hiểu là người giáo dục một cách đúng đắn cho người khác về kiến thức và các quy tắc chuẩn mực đạo đức cần có của một con người. Người thầy là nhân tố không thể thiếu đối với sự tồn tại của xã hội loài người vì họ là những người có trình độ học vấn và có đầy đủ nhân cách, khiến họ luôn được mọi người kính nể và quý trọng.
“Bạn” trong “Người khen ta mà khen phải là bạn ta” mang nghĩa thuần tuý là những người có mối quan hệ bằng hữu với nhau, luôn giúp đỡ và chia sẻ lẫn nhau những hiểu biết, kinh nghiệm trong cuộc sống. Vậy “kẻ thù” là ai? “Kẻ thù” chỉ những người luôn đối đầu với người khác, làm cản trở sự phát triển toàn diện của người ấy. Thông thường kẻ thù chỉ mang lại những điều tồi tệ cho mỗi cá nhân nên không ai mong muốn mình có nhiều kẻ thù, dù đôi lúc điều đó là không thể tránh khỏi. Việc đưa ra sự khen chê gắn liền với ba đối tượng ấy của Tuân Tử cho thấy ông đang muốn chuyển tải quan niệm của mình về sự khen chê ở đời và khẳng định những ai xứng đáng là thầy, là bạn mình và những ai là kẻ thù mà mình phải tránh.
Ông cho thấy hai phạm trù “sự khen chê” và “thầy, bạn, kẻ thù” có mối quan hệ mật thiết với nhau trong đời sống con người, thông qua quan niệm khá toàn diện và khôn ngoan này. Tôi chưa từng thấy bất kì ai khi đề cập đến sự khen chê lại mở rộng ra “khen phải” và “chê phải” như Tuân Tử. Quan điểm của ông thể hiện suy nghĩ thật mới mẻ và đậm chất hiện thực. “Chê phải” là gì? Có thể đó là sự phê bình khái quát, trung thực một cách đúng lúc, đúng chỗ. “Người chê ta mà chê phải là thầy ta” vì người “chê phải” là người nhận thấy cái sai, cái dở của ta.
Để nhận thấy những điều ấy phải là người có kiến thức và hiểu biết sâu rộng hơn bản thân ta rất nhiều. Họ cũng không ngại ngần góp ý để giúp cho ta hoàn thiện chính mình hơn, chứng tỏ họ xứng đáng là người thầy của ta, bởi chỉ có người thầy mới có thể làm được điều như thế. Người giúp ta tiến bộ, ắt hẳn là thầy của ta rồi! “Khen phải” có thể hiểu là khen đúng đối tượng, đúng lúc, đúng chỗ và đó là một lời khen thuần túy không mang mục đích vụ lợi. Lời khen đúng đắn sẽ có những tác động tích cực đến người được khen, cho họ thấy được ý nghĩa của những thành quả mà họ đạt được và khích lệ họ cố gắng hơn nữa.
Tuy chúng chỉ có tác động về mặt tinh thần nhưng luôn tạo được sức mạnh lớn lao, thúc đẩy và cổ vũ sự tiến bộ của cả nhân loại. Hơn hết, những kẻ thù mới chính là điều đáng sợ mà không ai muốn có. Chính vì họ luôn chỉ mang đến cho ta những điều không hay, nên “Những kẻ vuốt ve nịnh bợ chính là kẻ thù của ta vậy” là vì thế. Những lời vuốt ve, xu nịnh thường là của những kẻ xấu, muốn lợi dụng “miệng lưỡi” của mình để làm lu mờ đầu óc người khác, khiến người đó chìm trong ảo mộng của sự dối trá mà quên mất lí trí tỉnh táo, để rồi hành động sai trái và không chịu phấn đấu tiến bộ hơn. Điều đó chỉ mang lại lợi ích cho những kẻ nịnh bợ kia và khiến con người ta ỷ lại, sống thiếu trách nhiệm với chính bản thân họ và cả mọi người. Nhưng qua đó, ta càng hiểu hơn về giá trị của lời khen chê và luôn phải tự đặt ra nguyên tắc cho mình cũng như cho người khác: Khen chê là phải luôn đúng mực! Đừng khen quá vì như thế sẽ phản tác dụng, khiến lời khen trở thành sự nịnh bợ và người được khen cảm thấy tự mãn, tự đắc để rồi sống trong ảo tưởng và thui chột dần lý trí tỉnh táo vốn có.
Cũng đừng chê quá vì như thế sẽ thành sự nhục mạ người khác, khiến họ cảm thấy sốc và tự ti, mặc cảm với chính bản thân mình. Hậu quả là họ sẽ không tư duy tích cực và không muốn cố gắng nữa vì họ nghĩ những nỗ lực của mình chẳng đem lại kết quả tốt đẹp gì. Nếu bản thân bạn phải lắng nghe những lời chê trách thì hãy khoan vội thất vọng, buồn phiền mà hãy bình tĩnh, cân nhắc xem lời chê có thực sự chính xác với những gì mà bản thân đã suy nghĩ và hành động hay không! “Nếu ai nói xấu bạn mà nói đúng thì hãy sửa mình đi. Nếu họ nói bậy thì bạn hãy cười thôi” (Epictete)
Quan trọng nhất là qua mỗi lần được khen hoặc chê, bạn phải điều chỉnh được thái độ, hành vi của mình theo hướng tích cực. Từ đó, bạn sẽ nhận ra được những bài học quý báu và cảm ơn người đã đem lại chúng cho bạn, đồng thời phê phán hoặc góp ý những người chỉ luôn mang đến những suy nghĩ, hành động tiêu cực cho người khác bằng những lời nịnh nọt hay vô tình khen một cách thái quá. Có thể sau đó, họ sẽ nhận ra được khiếm khuyết mà mình mắc phải và biết đâu họ sẽ sửa chữa được, đồng thời trở thành những người bạn tốt chứ không phải là kẻ thù của bạn nữa thì sao!
Bạn có biết Bác Hồ của chúng ta đã từng phê bình văn học kháng chiến rằng: “Chất mơ mộng nhiều quá, mà cái chất thật của sự sinh hoạt rất ít” và “Nên chú ý phát huy cốt cách dân tộc” không? Đó là một lời “chê phải”, ảnh hưởng tích cực đến quan niệm sáng tác của các thế hệ nhà văn nhà thơ sau này, thôi thúc họ phải đổi mới cho phù hợp với bối cảnh đất nước và sự phát triển của văn học thời bấy giờ. Hẳn bạn đã nhận ra lợi ích của lời “chê phải” rồi chứ? Qua đây, mỗi người có thể rút ra được những kinh nghiệm cho bản thân để khen chê người khác một cách chính xác vì mục đích động viên hoặc giúp họ tiến bộ. Đồng thời, ai cũng có thể tự tìm thấy những người thầy, người bạn thực sự thông qua cách họ góp ý cho mỗi suy nghĩ, hành động của mình.
Hãy tỉnh táo để quyết định những điều đúng đắn nhất mà lý trí mách bảo. Và đừng quên lắng nghe một cách có chọn lọc những lời nhận xét thẳng thắn mà người khác dành cho mình, vì chỉ khi họ yêu quý và tin tưởng mình, họ mới có thể làm điều đó. Để khen chê người khác mà không phải hổ thẹn với bản thân mình, bạn cần đến lòng dũng cảm. Dũng cảm nói đúng sự thật, dù cho nó có khiến người khác mất lòng hay không.
Để lắng nghe lời khen chê của ai đó dành cho mình, bạn cũng phải cần đến lòng dũng cảm. Dũng cảm để không ngại ngùng khi được người khác khen về những thành quả của chính bản thân mình. Dũng cảm để chấp nhận sự thật mà người khác nhìn nhận về bạn, mà thường thì chúng thật đáng quý. Dũng cảm để phản bác lại khi có người xu nịnh mình, bởi những điều họ nói chỉ khiến bản thân mình không thể tiến bộ hơn mà thôi! Vậy, bạn sẽ dũng cảm để đối mặt với sự khen chê chứ?
-
Tuân Tử xưa có dạy: “Người chê ta mà chê phải là thầy ta, người khen ta mà khen phải thì là bạn ta, những kẻ vuốt ve, nịnh bợ là kẻ thù của ta”. Bàn luận về lời dạy này thì xưa nay cũng nhiều người làm (lên Google tìm phát ra ngay) nhưng áp dụng nó trong thực tế cuộc sống mà cụ thể hơn là ứng xử trong cộng đồng mạng là cả một vấn đề mà không phải ai cũng để ý.
Đại đa số người tham gia trên các mạng cộng đồng ảo đều đang thuộc lứa tuổi trẻ – những người đang khao khát được thể hiện bản thân và trải nghiệm, học hỏi những điều hay trong cuộc sống, có lẽ chính những đặc tính đó xúc tác cho sự phát triển của những cộng đồng ảo, nhưng mặt trái của nó cũng gây nên những điều phiền phức.
“Khôn đâu đến trẻ”, chính vì chưa khôn nên chúng ta mới cần phải học hỏi nhiều, và cũng bởi vì chưa khôn, nên đôi khi chúng ta cũng chưa đủ bản lĩnh và bình tĩnh để xem xét thấu đáo vấn đề. Vì tự ái cá nhân, vì hiếu thắng mà trên các diễn đàn đôi lúc có những cuộc tranh luận dài vô thiên lủng, với đủ loại ngôn từ, lý luận. Cãi lý không được thì xoay sang cãi chầy cãi cối, rồi điên quá thì lăng mạ, xúc vào chỗ phạm của nhau. Biết làm sao được, ta đâu đã già đời và uyên thâm như Nguyễn Trãi để mà: “Lành dữ âu chi thế nghị khen” cho được. Máu nóng nổi lên là chiến thôi nhất là khi bao tâm huyết bỏ ra lại nhận được những câu chê bai vô trách nhiệm.
Khi nói về đặc điểm người Việt nhà mình, cụ Trần Trọng Kim viết: “…hay có tính tinh vặt, cũng có khi quỷ quyệt và hay bài bác, chế nhạo…”. Mình là dân Việt xịn, nên ngẫm cũng đúng. Rồi theo dõi cách ứng xử của mọi người trong trang GS Xoay cũng dễ nhận ra những comment mang nội dung chế nhạo và bài bác người khác chiếm số lượng không nhỏ. Vậy tại sao chúng ta thích chê nhau vậy?
Quay lại lời dạy của Tuân Tử ở đầu bài đề cập, trong số các hành động như “chê”, “khen” và “vuốt ve, nịnh bợ” thì té ra có mỗi hành động “chê” là đem lại cho người ta “cơ hội” được làm thầy người khác. Càng chê những cái tưởng như hoàn hảo thì càng giỏi, càng chê những người giỏi thì càng siêu. (Chuyện, làm thầy thằng giỏi chả siêu hơn làm thầy thằng dại còn gì). Thế nên ở nước ta, hoạt động “phê bình” diễn ra khá sôi động. Có nhiều giáo sư, nhà văn, nhạc sỹ… cả đời chả có một công trình nào tự tay xây dựng, sáng tác… chỉ nhăm nhăm đợi các công trình và tác phẩm của các đồng nghiệp khác ra đời là nhảy vào bới lỗi ra mà chê để được làm thầy người ta, để đứng trên công lao của người khác mà làm công trình, làm tác phẩm cho mình.
Cái cảm giác làm thầy hấp dẫn đến mức số lượng các nhà phê bình không ngừng tăng lên, có khi còn đông hơn cả số công trình được làm ra, nên chuyện vài ba nhà phê bình cùng nhảy vào xâu xé một công trình mới cũng là chuyện thường, (giang hồ gọi là “chém tơi tả”). Thế nhưng nên nhớ, anh chỉ được làm THẦY người ta khi anh CHÊ ĐÚNG mà thôi. Vậy thế nào là CHÊ ĐÚNG???
Hồi bé, mình có thói quen hay quan sát xung quanh, thấy cái gì chưa đúng “chuẩn” của mình là mình buông lời chê ngay. Chẳng biết đúng sai, nhưng mẹ chỉ nhẹ nhàng nhắc: “Trước khi con chê ai, hãy đưa tay sờ lên gáy của mình trước”. Mình chẳng hiểu lắm ý mẹ nhắc nhở gì nhưng vẫn nghe lời. Vẫn chê đều, còn giải thích với mẹ là con sờ tay lên gáy mình rồi mới chê. Rất đúng quy trình. Thế rồi được mẹ giải thích cho mới hiểu, đại khái là nên xem lại mình trước khi buông lời chê bai ai đó. Lần sau, mình cũng xem lại mình ghê lắm, nhưng vẫn thấy mình ngon, nên vẫn chê người khác đều. Mình nghĩ chê ai đó thật là dễ, thật là sướng và thật là oai nữa.
Càng lớn khôn, càng đi nhiều, gặp nhiều. Được khen, bị chê nhiều, không ít lần cũng vướng vào thị phi, mình mới càng thấy chê ai đó điều gì thật khó. Có lẽ bởi càng biết nhiều thì mình càng hiểu là mình kém cỏi, nên khi xem lại mình, mình thấy chẳng đủ trình làm thầy ai để mà buông lời chê đúng. Thế nên có một thời kỳ, mình sống bình thản, hài hòa, tròn trịa như một viên bi mài nhẵn. Ban đầu cứ nghĩ chắc mình đã nắm chắc thuật “Đắc nhân tâm”, nhưng về sau thấy cuộc sống như vậy thật nhạt nhẽo. Càng thấm hơn câu nói: “Kẻ được lòng tất cả mọi người thường là kẻ chẳng được việc gì”. Tại vì một đám đông, một cộng đồng, một xã hội luôn có người này người nọ, người tốt kẻ xấu. Giờ mà đi làm hài lòng tất cả thì rồi rốt cuộc cũng chẳng làm nên cái gì, có khi còn mất luôn cả người tốt, kẻ xấu xung quanh đó.
Té ra lúc này mới biết là mỗi người trước tiên cần có chính kiến của mình, còn việc chính kiến đó biến thành khen hay chê, khen chê đó là sai hay đúng thì hậu xét. Có chính kiến làm mỗi chúng ta có thêm nhiều góc cạnh, tuy không tròn đẹp như viên bi mài nhẵn, nhưng được cái hay là chẳng lăn mãi vào hư vô như bi mà sẽ đứng lại ở vị trí nào đó. Tiếp theo là trách nhiệm với chính kiến của mình, tức là anh khen, hay chê ai đó, anh phải chịu trách nhiệm về ý kiến của mình bằng cách phải cân nhắc khi khen chê người khác.
Cộng đồng ảo cho ta đến với nhau nhanh hơn, nhưng chính tính ảo của các mối quan hệ mà vai trò của chính kiến và trách nhiệm trong khen chê dường như cũng giảm đi nhiều. Đơn giản do ta có tâm lý: “Chúng nó đâu biết mình là ai mà chửi lại”. Trước một ý kiến, một bài viết, chúng ta thoải mái comment, thông thường là chọn cách chê, chê càng bạo mồm, càng mới mẻ, độc đáo càng chứng tỏ là mình “trình cao” và là người có chính kiến. Thế nên nhiều bạn cũng lạm dụng cái việc chê bai này để xây dựng chính kiến, thấy chỗ nào cũng chê, việc gì cũng chê, như thể là mình khắt khe khó tính lắm. Thậm chí có bạn kiệm lời, vào phán mỗi chữ “Nhạt” rồi bỏ đó cắp đít đi. Vừa tiết kiệm thời gian, vừa ra vẻ là người sâu sắc, biết cách ăn nói nửa chừng cho thiên hạ tha hồ mà do tâm đoán ý. Nhưng thực ra đó là những cách chê vô trách nhiệm nhất. Vô trách nhiệm với người làm ra sản phẩm đó, và vô trách nhiệm với chính cái chính kiến của mình.
Cuộc sống luôn có 2 mặt tốt và xấu. Để vươn lên Chân – Thiện – Mỹ, đương nhiên chúng ta phải có những lời CHÊ, để giảm đi những cái xấu và thêm nhiều hơn nữa những cái tốt. Một lời CHÊ ĐÚNG còn quý giá hơn cả những lời khen, do đó mỗi người vẫn phải biết CHÊ khi thấy những điều không ổn. Nhưng quan trọng nhất vẫn là chính kiến và trách nhiệm của những lời CHÊ đó. Hãy CHÊ khi mình đã cân nhắc, và đã CHÊ thì cho đến nơi đến chốn, để người làm sai nhận thức đầy đủ mà có cơ hội sửa sai
Chúng ta sống giữa một cuộc sống vây quanh bởi khen chê. Nếu có ai khen, đừng vội mừng, nếu có ai chê, đừng vội buồn bởi đơn giản chẳng ai hoàn hảo. Thậm chí có ai đó khen sai hay chê sai đi chăng nữa thì lại càng không đáng để mà buồn hay vui. Tóm lại, dù là bạn bè trong một thế giới ảo, nhưng hãy luôn cố gắng dành cho nhau những gì mình cho là tốt đẹp nhất, trách nhiệm nhất. Bất kể đó là một lời khen hay một lời chê.
-
Cuộc sống hàng ngày vốn trôi qua người ta trao cho nhau những lời hứa hẹn những câu nói vui đùa hay cả những câu trách móc. Đâu thiếu được những câu nói với tâm ý tốt khiến cho con người trở nên phấn chấn hơn nhưng cuộc sống này cũng không thiếu dăm ba hạng người chỉ chực chờ cho ta lấn xuống và nhấn chìm ta trong những lời nói cay độc. chính vì vậy mới có câu “Người chê ta mà chê phải thì là thầy của ta, người khen ta mà khen phải là bạn của ta, những kẻ vuốt ve nịnh bợ chính là kẻ thù của ta.”
Đúng như là trong giao tiếp hàng ngày ông bà ta có câu “ lời nói chẳng mất tiền mua lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” quả thật không sai một chút nào. Lời nói đó có thể là lời động viên vô giá cũng có thể là lời nói khiến cho chúng ta có thêm nghị lực để sửa chữa bản thân cũng là lời nói mà chỉ sau một đêm chúng ta mất tất cả. Câu nói trên thuộc ba phạm trù của lời nói: “khen, chê và nịnh bợ”.
Những người dành cho ta những lời nói tốt đẹp vào hành vi chúng ta đang thể hiện là những người khen ta. Họ – những người thấy được chúng ta có những điều mà khiến người khác phải nể phục hay vui vẻ đều được thể hiện qua lời nói. Một lời khen có thể khiến bản thân chúng ta không những vui vẻ mà còn tích cực hành động không ngừng. ví như một học sinh trong lớp, mặc dầu trước đây học hành chểnh mảng nhưng sau đó có được những tiến bộ không ngờ cho nên bạn bè và thầy cô đã dành lời khen cho người này. Và chính lời khen đó đã khiến cậu có thêm nghị lực vượt qua những rào cản trước mắt để bước tiến lên.
Những người dành cho ta những lời phê bình hay thái độ chê trách là những người đang chê ta. Chê ở đây chẳng những có thể khiến cho chúng ta nhận ra được nhược điểm bản thân mà còn nhìn nhận những điều tốt đẹp hơn. Đó chính là cách mà chúng ta nhìn vào sự thật. Một người luôn sống mặc cảm tự ti với bản thân thì luôn ẩn mình trong vỏ ốc. anh ta luôn khiến người khác cảm thấy khó chịu vì cách anh ta xử sự cho nên những lời nhân xét của người khác chẳng những kéo anh ta ra khỏi một kẻ chết dần chết mòn vì mặc cảm mà còn giúp gia đình và xã hội có thêm một người có ích.
Cuối cùng những người dành những lời khen không thật lòng hay tung hô quá mức có thể khiến chúng ta từ còn đến mất, từ sắp thành công tới thất bại. những lời đó khiến cho chúng ta quá tự tin vào hành động và quyết định của mình tới mức chúng có thể từ từ giết hại chính chúng ta khi nào không hay. Và thói tự kiêu tự cao tự đại chính là một trong những nguyên nhân khiến cho mỗi một con người chúng ta ngày càng trở nên nhỏ bé trong thế giới cần sự nỗ lực bằng chính thực lực của mình.
Qua những câu phân tích cũng như ví dụ rõ ràng trong cuộc sống chúng ta có thể thấy một điều răng con người đứng trước lưỡi hái của miệng lưỡi thế gian cần phải biết phân biệt đúng sai rút ra những bài học hữu ích cho bản thân và còn là cho chính những người xung quanh.
-
Thomas Fuller từng nói “Lời khen chẳng tốn một xu nhưng nhiều người sẵn sàng trả giá cao cho nó”. Thật vậy! Lời khen là lời ca ngợi, biểu dương từ người khác khi bản thân mình đạt được điều gì đó tốt đẹp hoặc cao cả. Nhưng người cha lại nói là: "hãy cẩn thận với những lời khen tặng". Bởi đó là vì lời khen cũng có hai loại: lời khen tốt và lời khen xấu.
Lời khen tốt là lời khen xuất phát tự sự chân thành, nể phục của người khen và lời khen đó có ý nghĩa tích cực, động viên và khẳng định việc tốt ta đã đạt được. Lời khen xấu là lời khen không phải xuất phát từ sự kính phục, công nhận khả năng của người khác mà đó có thể là sự châm biếm, giễu cợt, nịnh bợ, tâng bốc hoặc có thể là lời khen từ sự ích kỉ, đố kị, không thật lòng.
Chúng ta sẽ phải gặp rất nhiều kiểu người mà họ có những thái độ và ý kiến khác nhau về cuộc sống của chúng ta và những lời khen của người khác đôi khi cũng ảnh hưởng đến ta và khiến ta phải suy ngẫm. Ngược lại một lời chê bai, chỉ trích là những lời phê bình, những đánh giá chưa tốt về cách xử lý công việc hay thành quả của bạn.
Khi chúng ta bị người khác phê bình và không nhận được lời khen ngợi của người khác khiến mình cảm thấy không vui, bạn chán nản và cảm thấy bất công, bạn cũng đã rất cố gắng nhưng thành quả lại không được như mong đợi và phải nhận những lời phê bình không đáng có, điều đó thật đáng buồn. Nhưng chẳng vì thế mà con người ta chán nản mà có biết bao người thành công lấy nó làm động lực, làm bàn đạp để lần sau cố gắng hơn trong công việc thay vì những lời khen dễ nghe.
Đôi khi những lời phê bình chân thành hoặc moi móc của người khác cũng một phần là do cái sai ở chính bạn và ta phải tự sửa đổi nó.Khen và chê khiến cho mỗi người sống có trách nhiệm hơn với công việc của mình, giúp mọi người nhận thức đúng đắn hơn về bản thân mình, từ đó có hướng phát triển bản thân tốt hơn. Hãy chịu khó lắng nghe bình luận của người khác nhưng cần có sự chọn lọc, có thái độ tích cực hơn trong cuộc sống sẽ giúp bạn có được sự tin cậy của người khác, chịu lắng nghe người khác sẽ khiến người khác muốn đóng góp cho bạn nhiều hơn, càng có nhiều người đóng góp bạn sẽ càng có cơ hội để lên ý tưởng, có thêm động lực để cố gắng.
Vì vậy, hãy tích cực trong việc khen và chê, lắng nghe và đưa ra nhận xét một cách thực tế nhất.
-
Sự khen ngợi và chê trách là hai phương tiện quan trọng để thúc đẩy sự phát triển cá nhân và xã hội. Tuy nhiên, việc sử dụng chúng một cách đúng đắn và cân nhắc là điều cần thiết, đặc biệt đối với các bạn học sinh ở lớp 9. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về vai trò của sự khen và chê, cũng như những phương pháp hiệu quả để sử dụng chúng.
Trước hết, hãy thảo luận về vai trò của sự khen ngợi. Khi được khen ngợi một cách chân thành và công bằng, con người cảm thấy tự tin và động viên. Sự khen ngợi giúp tăng cường lòng tự trọng và khích lệ người khác tiếp tục phát triển và thành công. Đối với các bạn học sinh ở lớp 9, sự khen ngợi từ giáo viên, bạn bè và gia đình có thể là nguồn động viên lớn để họ tiếp tục nỗ lực và cố gắng trong học tập và cuộc sống.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận vai trò quan trọng của sự chê trách. Khi được chê trách một cách xây dựng và mang tính xây dựng, con người có cơ hội nhận biết và sửa đổi những hành động không phù hợp. Sự chê trách giúp họ hiểu rõ hơn về điểm yếu và từ đó có thể tự cải thiện. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các bạn học sinh ở lớp 9, khi họ đang phát triển và hình thành nhân cách của mình.
Tuy nhiên, việc sử dụng sự khen và chê cần phải được thực hiện một cách cân nhắc và chín chắn. Khi khen ngợi, hãy thể hiện sự chân thành và công bằng, tránh sự khen ngợi vô lý hoặc quá mức. Ngược lại, khi chê trách, hãy thể hiện sự nhẹ nhàng và tôn trọng, tránh sự chỉ trích quá mức hoặc mang tính phê phán.
Tóm lại, sự khen ngợi và chê trách đều đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển cá nhân và xã hội. Đối với các bạn học sinh ở lớp 9, việc hiểu và sử dụng sự khen và chê một cách hiệu quả có thể giúp họ xây dựng lòng tự tin, tự quản lý và phát triển bản thân một cách tích cực. Hãy nhớ, sự khen và chê là công cụ, và cách chúng ta sử dụng nó quyết định tác động của nó đến cuộc sống của chúng ta.
-
Trong cuộc sống hàng ngày, sự khen và chê đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển con người. Hai khía cạnh này không chỉ là biểu hiện của cảm xúc và suy nghĩ cá nhân mà còn là một nghệ thuật, một kỹ năng cần được rèn luyện và áp dụng một cách khôn ngoan và đúng đắn.
Đầu tiên, sự khen ngợi có khả năng tạo ra sức mạnh lớn đối với người được khen. Khi nhận được lời khen, con người cảm thấy động viên, tự tin và có động lực mạnh mẽ để tiếp tục phấn đấu và vươn lên. Lời khen cũng thể hiện sự chân thành và tôn trọng từ phía người khen, tạo ra một môi trường tích cực và khích lệ cho sự phát triển cá nhân và tinh thần đồng đội.
Tuy nhiên, sự chê trách cũng là một phần không thể thiếu trong quá trình phát triển. Chê trách, khi được thực hiện một cách xây dựng và mang tính xây dựng, giúp người khác nhận biết và sửa đổi những hành động không phù hợp. Nó là một phản hồi cần thiết để người khác hiểu rõ hơn về điểm yếu của mình và phát triển từ đó. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải biết cách thể hiện sự chê trách một cách tôn trọng và xây dựng, tránh xa lạc đi vào sự phê phán không kiểm soát.
Vì vậy, sự khen và chê không chỉ là biểu hiện tự nhiên của cảm xúc mà còn là một nghệ thuật, một kỹ năng có thể học và rèn luyện. Đối với người khen và người được khen, nó là nguồn động viên và khích lệ. Đối với người chê và người được chê, nó là cơ hội để học hỏi và phát triển. Vì vậy, hãy sử dụng sự khen và chê một cách tỉ mỉ và khôn ngoan, để chúng ta có thể xây dựng một môi trường sống và làm việc tích cực và đầy ý nghĩa.