Top 7 Bài văn nghị luận về câu nói "Lao động là vinh quang" hay nhất
Chỉ có công việc mới mang lại cho mình hạnh phúc trong cuộc sống. Bạn có thể không tin vào điều này nhưng nếu có thể hãy trải nghiệm nó. Ở nhà một tuần không ... xem thêm...làm gì cả, không sách báo, tivi, internet, không thăm hỏi bạn bè. Bạn nghĩ rằng bạn sẽ sống trong điều kiện đó được bao lâu?
-
Bài tham khảo số 1
Mỗi con người ta khi sinh ra đều có những ước mơ, hoài bão cho riêng mình. Những ước mơ đó là những khát khao, hi vọng mà chúng ta vươn tới. Để thực hiện ước mơ đó, trước tiên chúng ta cần phải lao động, suy nghĩ và làm việc hết mình để góp phần nâng cánh những ước mơ trở thành hiện thực. M. Gorki đã nói: “Lao động là đôi cánh của ước mơ, là cội nguồn của niềm vui và sáng tạo”.
Lao động là những hoạt động có mục đích của con người nhằm tạo ra của cải vật chất và tinh thần cho bản thân và cho xã hội. Những hoạt động đó đã góp phần nâng cánh những ước mơ, những mong ước thiết tha về những điều tốt đẹp trong tương lai. Như vậy, lao động là đôi cánh cho những ước mơ bay cao, bay xa, đưa con người đến những thành công mới, khám phá những điều bất ngờ, thú vị. M. Gorki đã khẳng định sâu sắc vai trò của lao động đối với mỗi người, đối với toàn xã hội. Lao động là một cách để chúng ta khẳng định mình, vươn tới những đỉnh cao của trí tuệ, tri thức. Mỗi chúng ta đều có những ước mơ lớn lao hay những gì thân thuộc đều là cả một quá trình phấn đấu, vươn lên. Không ngừng suy nghĩ và làm việc, chúng ta mới có thể góp phần xây dựng và phát triển nó. Thực tế, trong lao động nhiều người đã thấy khó khăn, mệt mỏi và mong muốn giản đơn của họ là sáng tạo ra một cái gì đó giúp họ đỡ vất vả. Những ước mơ đó được xây dựng từ trong lao động và cũng được chính lao động nâng cánh cho ước mơ bay cao, bay xa. Phải lao động, nỗ lực hết mình chúng ta mới có thể thực hiện được ước mơ đó. Đó là hình ảnh của bạn học sinh Đỗ Bằng Định, học sinh Trường Trung học phổ thông Phạm Ngũ Lão, Đông Anh, Hà Nội. Sinh ra trong một gia đình làm nông với hai vụ lúa chính và một vụ màu, phải thường xuyên lao động giúp gia đình, nhận ra sự khó khăn trong việc tách vỏ hạt đậu của bà con nông dân, Định đã nuôi ước mơ chế tạo thành công chiếc máy tách vỏ hạt để giúp bà con nông dân đỡ vất vả. Sau một thời gian dài nghiên cứu và tìm tòi, Định đã chế tạo thành công chiếc máy tách vỏ hạt đậu. Tuy chỉ mới ở dạng mô hình nhưng cậu học sinh này tin rằng trong tương lai, cậu có thể nhân rộng ra chiếc máy để giúp đỡ mọi người. Không chỉ Định mà hiện nay ở nước ta có rất nhiều người đã nuôi ước mơ và nâng cánh ước mơ từ lao động mà đặc biệt là thế hệ trẻ – những chủ nhân tương lai của đất nước với những sự sáng tạo và cống hiến hết mình. Những sự sáng tạo của thế hệ trẻ có lẽ đều bắt nguồn từ lao động. Phải hiểu được những gì mình và mọi người cần trong xã hội thì chúng ta mới có thể chủ động sáng tạo, phát huy được khả năng của mình. Và trong những lúc lao động ấy, được cống hiến là niềm vui của mỗi người. Lao động không mệt mỏi còn giúp chúng ta vơi đi những nỗi buồn, nỗi đau trong cuộc sống. Làm việc hết mình suy nghĩ hết mình, sáng tạo làm cho chúng ta vui hơn khi mình có thể sáng chế, tìm tòi ra những cái mới. Chính từ lao động, chăm chỉ làm việc mà cuộc sống của chúng ta dần được cải thiện. Những thành quả lao động góp phần rất lớn vào cuộc sống vật chất và tinh thần của mỗi người. Và khi mà cuộc sống của chúng ta phát triển thì xã hội cũng đi lên, phát triển mạnh mẽ, hội nhập với toàn thế giới.
Như vậy, ý kiến của Macxim Gorki là hoàn toàn đúng. Mỗi chúng ta đều phải tích cực lao động, lao động không ngừng, phát huy những khả năng sẵn có của bản thân. Đồng thời chúng ta cần phải tích cực học tập, tìm tòi và phát triển cái mới. Cần tích cực nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo ra những phương thức mới, kỹ thuật mới. Bên cạnh đó, mỗi người chúng ta phải có thái độ tích cực, tự giác nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học kĩ thuật, có tính tự giác, kỷ luật cao trong lao động để có được những thành quả lớn nhất. Tuy nhiên, thực tế hiện nay có rất nhiều người không chịu lao động, chỉ biết ỷ lại, sống dựa dẫm vào sức lao động của người khác, suốt ngày chỉ biết chơi bời, không chịu làm việc. Hay là hiện nay có rất nhiều bạn trẻ tuy lao động nhưng lại không biết cách sáng tạo ra những phương pháp mới, chỉ biết làm theo những cái cũ không còn thích hợp với điều kiện và yêu cầu lao động hiện nay. Mỗi người chúng ta, trước hết là phải lao động và sáng tạo và tìm tòi những cái mới, đồng thời cũng nhắc nhở, động viên những người xung quanh lao động sáng tạo để có kết quả tốt nhất.
Như vậy, có lao động chúng ta mới có điều kiện phát huy khả năng của bản thân, nâng cánh cho những ước mơ bay cao, bay xa. Lao động còn giúp cho cuộc sống và xã hội thêm phát triển, vì vậy mà chúng ta cần phải tích cực hơn trong lao động để có điều kiện vươn cao, bay xa hơn, đi đến những tầm cao mới.
-
Bài tham khảo số 2
Trong lịch sử phát triển của loài người, bắt đầu từ khi loài vượn cổ xuất hiện biết cầm nắm, hái lượm dần tiến hóa thành người tinh khôn, người đứng thẳng và đến chúng ta loài người hiện đại. Loài người không ngừng lao động để cải tạo chính mình, sử dụng đôi tay để tạo ra những dụng cụ phục vụ đời sống, tạo ra lửa để nấu chín thực phẩm, thuần hóa thú nuôi, trồng trọt, cải tạo thiên nhiên, không còn ở những hang hóc mà biết xây dựng nơi trú ngụ. Khi đã lo được cái ăn cái mặc, con người dần hoàn thiện về mặt văn hóa, lao động trí óc để sáng tạo nên những công trình vĩ đại như kim tự tháp, vạn lý trường thành…các phép tính, khám phá thiên nhiên. Nhờ lao động, con người dần đạt đến cuộc sống văn minh như hiện nay – con người đã trở thành loài thượng đẳng trên trái đất.
Ta có thể hiểu lao động là vận dụng sức mạnh tay chân hoặc trí óc thông qua công cụ lao động để cải tạo thiên nhiên nhằm mục đích tinh thần phục vụ con người. Chính nhờ lao động mà con người trở thành loài thượng đẳng và có cuộc sống văn minh như ngày nay. Tất cả mỗi người phải lao động nếu không sẽ trở thành kẻ vô công rỗi nghề không đóng góp gì cho bản thân, gia đình và xã hội. Lao động là thước đo giá trị của con người. Lao động có nhiều hình thức: lao động xã hội, lao động công ích… Quá trình hình thành là khoảng thời gian để tạo ra một kết quả, một công việc. Hoàn thiện nhân cách là làm nên trọn vẹn phẩm chất của con người. Như thế ta có thể hiểu “lao động là quá trình hình thành và hoàn thiện nhân cách của con người” là vận dụng hoạt động chân chính của bản thân là khoảng thời gian để tạo ra trọn vẹn phẩm chất của con người.
Hồ Chủ tịch, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, người đã bôn ba 22 năm ở các nước trên khắp các châu lục để tìm con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc, dành cả cuộc đời để lãnh đạo cuộc cách mạng vĩ đại của dân tộc, phục vụ nhân dân và đất nước vô cùng tận tụy. Tấm gương lao động vĩ đại của người xứng đáng tỏa sáng và đời đời được dân tộc noi theo. Giáo sư, nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân - tấm gương lao động vô song, bằng trải nghiệm cả một đời người, hiểu được điều mà dân tộc này cần để đối mặt với thế giới đó là học vấn, là nhân tài, là trí tuệ. Cụ đã dạy cho bao thế hệ học trò biết sống một cuộc sống có ích bằng chính bàn tay và khối óc của mình. Bằng niềm ưu tư và sự phấn đấu không mệt mỏi cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo, cụ đã giục giã các học trò của mình không đầu hàng trước khó khăn, phải góp phần vào sự nghiệp chấn hưng nền giáo dục nước nhà. Hai nông dân là Trần Quốc Hải và Lê Văn Danh đã sáng chế ra máy bay với ước mơ rất đơn giản: “bay lên để tưới nước đồng ruộng cho đỡ vất vả và dập đám cháy nếu có”. Tất cả đã phát lên một bức tranh rất sinh động về những con người ở những địa vị khác nhau ngày đêm có biết bao là nghĩa cử tốt đẹp đóng góp cho đời. Nhờ có họ, ta hiểu được lao động là vinh quang, là tự rèn luyện chính mình. Trên các dặm đường, cánh đồng, nhà máy ta gặp biết bao nhiêu những con người vô danh như bác nông phu, anh công nhân, chị bán hàng rong đã ngày ngày mưu sinh bằng chính sức lao động và ước mơ giản dị của mình sao cho bớt cơ hàn, đã làm ta yêu quý họ. Tuy họ không làm ra nhiều của cải vật chất nhưng nhân cách của họ ta phải trân trọng. Bởi lẽ, họ đã sống hiền hoà, tôn trọng pháp luật, và kiếm sống bằng những giọt mồ hôi chân chính, góp phần an ninh xã hội. Vậy mà, trong đời sống vẫn tồn tại một số" thành phần sống ăn bám, thích của đút lót, hoặc một số thanh niên dùng vũ trường, trò chơi điện tử, đua xe, ma tuý,..! làm “mồ” chôn thời gian. Thật đáng trách cho những con người sống không ước mơ, lười nhác lao động, sống không lí tưởng và “sống hoài sống phí” một đời người.
Bạn hãy giả sử trong một tuần bạn không làm gì cả, chỉ việc ăn, ngủ, giải trí, thử hỏi bạn nhận được gì, cảm nhận được gì, phải chăng chỉ là sự nhàm chán, thấy rằng chẳng có gì thú vị, bạn muốn ngay lập tức phải làm gì đó có ích cho bản thân, chẳng hạn như đọc một quyển sách hay, xem lại những bài học cũ. ngay lập tức bạn thấy rất phấn chấn và tràn trề sinh lực. Như thế ta có thể nói, con người sinh ra để lao động, nhờ lao động mà phát triển hoàn thiện.
Mục đích của cả đời người là được tôn trọng, được là người hữu ích, chính lao động sẽ giúp chúng ta, giúp hoàn thiện nhân cách con người. Lao động giúp con người ý thức được trách nhiệm làm người từ thành quả lao động. Chỉ có lao động mới có thể “nở hoa” nhân cách và mang lại sự giàu có cho con người từ tinh thần đến của cải vật chất. Vâng! Lao động chính là một trong những yếu tố giúp con người hoàn thiện nhân cách.
-
Bài tham khảo số 3
Từ nhỏ đến lớn, tôi vẫn nghe câu “Lao động là vinh quang”, nhưng nghe mãi tôi chẳng hiểu vinh quang ở chỗ nào vì cứ nhắc đến khái niệm đi làm là thấy mệt. Những người bạn xung quanh tôi, mỗi lần tụ tập gặp nhau vào ngày chủ nhật lại than thở, sao mấy ngày nghỉ trôi đi nhanh thế, mai phải đi làm rồi. Dù tôi biết chắc trong số đó, có vài người chỉ xách túi đến cơ quan, ngồi gõ sổ sách khoảng 4, 5 tiếng đồng hồ quả quýt cho xong, đến ba giờ chiều mắt trước mắt sau về sớm đế tranh thủ shopping hay đi chợ…
Tôi thì viết văn viết báo tự do, không gò bó, nên chưa thấm lắm cảm giác buộc phải đi cày ra sao. Cho đến khi tôi đặt chân lên đất Mỹ, tôi mắt tròn mắt dẹt khi chứng kiến sự nhiệt tình của những người lao động ở xứ tư bản. Có thể bên trong thâm tâm, họ không hẳn yêu thích công việc mà họ đang làm, nhưng gác cảm xúc cá nhân qua một bên, họ ý thức rằng nó đem lại sự an toàn, no đủ cho cuộc sống của họ và những thành viên trong gia đình của họ. Nên họ trân trọng công việc và sẵn sàng hết mình mới công việc ấy.
Thỉnh thoảng đi ăn nhà hàng, tôi vẫn gặp những du học sinh Mỹ đi làm nhân viên phục vụ, một tay bê ba tô phở nóng mồ hôi nhễ nhại. Tôi tin chắc rằng, khi còn ở Việt Nam, thậm chí đến việc cho đồ vào máy giặt các cậu cũng không phải làm vì đã có mẹ hoặc người giúp việc lo hộ. Nhưng nước Mỹ với chi phí đắt đỏ cũng như tinh thần tự lập tự cường khiến cho bất kỳ ai, dù có lười nhác đến đâu cũng phải tìm cho bản thân một lối đi. Một anh kỹ sư không may thất nghiệp vẫn tỏ ra vui vẻ khi tạm thời chấp nhận công việc lao động chân tay để mưu sinh. Chẳng mấy ai bận tâm hay đánh giá vị trí của người khác bởi người Mỹ bận lắm?
Tôi nhớ cảm giác buồn bã của cô hàng xóm cách đây bốn năm, khi cô nhận quyết định về hưu với tâm trạng vừa vui vừa buồn. Cô tâm sự, vậy là xong, cô đã chính thức già rồi, sống cho qua ngày thôi. Suốt ngày cô ôm căn bếp nhỏ với chiếc đài cassette, luẩn quẩn ra vào với con mèo mướp. Con cái của cô đến tuổi trưởng thành đều lập gia đình riêng với trăm mối bận tâm riêng. Xem ra, người lớn tuổi ở Việt Nam dù còn sức khỏe, còn trí tuệ minh mẫn vẫn mang mặc cảm là người vô dụng. Những nhà tuyển dụng thậm chí chỉ tuyển nhân viên từ 22 đến 35 tuổi. Ngoài 35 đã không còn được coi là trẻ nữa.
Với lối suy nghĩ, tuổi già ắt sức phải yếu, làm việc thế đủ rồi, nghỉ ngơi thôi, nên phần lớn người cao tuổi ở Việt Nam cảm thấy buồn chán, cô độc và thừa thãi, có người tìm kiếm niềm vui ở những câu lạc bộ mang tính chất giải trí như khiêu vũ, võ thuật… Có người muốn phụ con cái bán hàng thì bị thiên hạ lời qua tiếng lại dèm pha, con cái nhà ấy sao mà bất hiếu, cha mẹ nhiều tuổi rồi mà vẫn bắt phải làm. Mỗi lần đi siêu thị Walmart, tôi lại bắt gặp rất nhiều người cao tuổi đứng soát hóa đơn mua hàng của khách ở cửa ra. Có bà lão bảy mươi tay run lẩy bẩy, nhưng vẫn mỉm cười thật tươi, cảm ơn khách hàng rối rít. Bà gắn lông mi giả, tô son đỏ trang điểm như một cô gái ở tuổi đôi mươi khiến tôi suýt kêu lên vì ghen tị. Trẻ hay già, muốn cống hiến hay không, là ở mình. Tôi ngưỡng mộ văn hóa Mỹ bởi họ chẳng bận tâm đến già hay trẻ, ai muốn tìm sự vinh quang trong lao động đều có cơ hội để thể hiện bản thân.
Chính nơi đây, một anh Tây vừa đạp xe trên đường vừa nhặt ve chai vừa giơ tay chào tôi rất tự tin và vui vẻ! Người thu ngân vừa phục vụ khách hàng vừa hát… Nhân viên ngân hàng đón khách tận cửa, luôn luôn mỉm cười. Tận tụy, cần mẫn và say mê, truyền cảm hứng cho nhau , đó chính là phong cách Mỹ.
-
Bài tham khảo số 4
Chỉ có công việc mới mang lại cho mình hạnh phúc trong cuộc sống. Bạn có thể không tin vào điều này nhưng nếu có thể hãy trải nghiệm nó. Ở nhà một tuần không làm gì cả, không sách báo, tivi, internet, không thăm hỏi bạn bè. Bạn nghĩ rằng bạn sẽ sống trong điều kiện đó được bao lâu?
Nếu bạn cho rằng công việc của mình đang làm là nhàm chán thì bạn đã thực sự sai lầm. Không có công việc đơn điệu mà chỉ có thái độ của chúng ta vời công việc mới làm cho nó trở nên nhàm chán. Dù bạn đang làm ở bất kỳ lĩnh vực, vị trí nào nếu bạn làm công việc đó bằng cả trái tim thì chính công việc đó sẽ khắc hoạ trung thực chân dung của bạn – một người thành công.
Nếu bạn hỏi tôi mong muốn một cuộc sống thể nào tôi sẽ nói rằng đó là một Cuộc sống Đơn giản – một Cuộc sống Bình thường. Một cuộc sống mà sau một ngày lao động mệt mỏi rã rời tôi trở về nhà, nghỉ ngơi trên chiếc giường êm ái và chìm vào giấc ngủ nhẹ nhàng mà không mộng mị. Để rồi sáng mai tôi lại tràn đầy năng lượng chinh phục những thử thách của công việc, của cuộc sống.
Mục đích sống lớn nhất của con người chính là được xã hội công nhận và tôn vinh. Công việc thể hiện trách nhiệm của bản thân với xã hội và chỉ có lao động con người mới thực sự được hạnh phúc, được tôn vinh. Bạn đừng bao giờ mong muốn sự nhàn hạ, dễ dàng trong công việc bởi nhàn hạ luôn đi cùng với nhục nhã.
Hãy đam mê, hãy hết mình nếm trải mọi khó khăn vất vả trong công việc chỉ như thế bạn mới tận hưởng vị ngọt của thành công.
-
Bài tham khảo số 5
Thành quả mỗi người đạt được trong cuộc sống hôm nay phụ thuộc hoàn toàn vào quá trình lao động. Vì sao vậy? Bởi vì lao động sẽ giúp chúng ta khám phá ra chính bản thân, phát huy được hết khả năng và được tôn trọng. Câu nói: Lao động là vinh quang đã khẳng định được tính đúng đắn, tính thời đại.
Lao động là quá trình làm việc thông qua tri thức của bản thân, bằng các hoạt động chân tay nhằm tạo nên của cải, vật chất nhằm đáp ứng các nhu cầu của bản thân cũng như giúp xã hội phát triển. "Vinh quang" trong câu nói "Lao động là vinh quang" được hiểu là những thành quả bằng vật chất hoặc tinh thần mà bản thân có được trong quá trình lao động. Câu nói không chỉ khuyến khích mà còn khẳng định công việc lao động sẽ mang đến một tương lai tươi sáng phía trước.
Lao động tạo nên của cải, vật chất. Cuộc sống của chúng ta phát triển nhờ quá trình trao đổi hàng hoá. Con người không vận động sẽ không thể làm ra được của cải. Việc làm ra hàng hoá sẽ giúp mua bán, trao đổi được thuận tiện; không chỉ là miếng cơm, manh áo hàng ngày mà còn được chuyển thành tiền tệ, vàng bạc. Của cải, vật chất có được trong quá trình lao động sẽ làm cuộc sống mỗi người thay đổi, càng nhiều của cải, cuộc sống sẽ càng ấm no, đủ đầy hơn.
Quá trình lao động còn là quá trình tạo ra niềm vui. Cả lao động chân tay hay lao động trí óc đều có những niềm vui riêng khi bản thân làm ra được của cải, đồng thời phát huy được những tài năng của cá nhân. Niềm vui trong lao động cũng sẽ giúp con người phấn chấn, vui vẻ, đạt được hiệu quả làm việc cao hơn.
Việc lao động của mỗi cá nhân cũng chính là quãng đường hoàn thiện kiến thức, kĩ năng cho bản thân. Cũng chính từ đây mà mỗi người cũng sẽ phát hiện ra những điểm mạnh, điểm yếu của chính mình để thay đổi, hoàn thiện nó một cách xuất sắc hơn để có được những bước tiến cao hơn trong xã hội, đặc biệt trong xã hội với sự thay đổi nhanh chóng như hiện nay sẽ có sự thích nghi kịp thời.
Lao động là vinh quang nhưng không phải việc làm nào cũng là lao động và thành quả của nó được gọi là vinh quang. Lao động ở đây là công việc lao động chân chính; thành quả được làm ra từ chính mồ hôi, nước mắt; trí tuệ của chính bản thân không phải là những hành vi sai trái, đi ngược lại với các chuẩn mực đạo đức xã hội, vi phạm pháp luật. Những người không lao động sẽ rất tự ti về bản thân mình, thu bản thân lại, thụt lùi lại so với xã hội. Sức lao động của mỗi người có thể là nhỏ, nhưng nhiều người thì lại mang đến kết quả to lớn. Vì vậy để xã hội phát triển thì chính mỗi người trong chúng ta cần hoàn thiện tốt bản thân mình trước. Quá trình lao động không chỉ dừng lại ở tuổi nghỉ hưu hay giới hạn cho trẻ nhỏ mà mỗi người sẽ lao động phù hợp với khả năng của mình, làm những công việc phù hợp với lứa tuổi.
Nhà văn M.Gorki cũng đã từng nói: "Lao động là đôi cánh của ước mơ...". Con người lao động cũng chính là hướng tới tương lai tốt đẹp phía trước; làm để hoàn thiện bản thân, tiếp thu những kiến thức mới để bắt nhịp với cuộc sống xã hội. Và dù làm bất cứ công việc gì, ở địa vị nào trong xã hội, chúng ta cũng cần lao động một cách nghiêm túc, vượt qua được những khó khăn, thử thách để thể hiện trí tuệ tài năng của bản thân đồng thời gặt hái được nhiều thành công trong công việc. Ước mơ muốn hoàn thiện thì con người phải lao động, vì nếu không sẽ giống như "há miệng chờ sung", sẽ mãi mãi không tiến lên phía trước được.
Chỉ khi chúng ta làm việc bằng khối óc, bằng chính sức lao động của mình thì khi đó chúng ta mới có được thành quả, có được niềm vui xứng đáng.
-
Bài tham khảo số 6
Lao động là hoạt động ra đời từ khi loài người có mặt trên trái đất này. Chính nhờ lao động mà con người tiến hóa, bứt lên đứng đầu chuỗi thức ăn và hình thành nên xã hội có tổ chức, văn minh, hiện đại như ngày nay. Có thể nói lao động chính là nhân tố quyết định sự phát triển của loài người, là quá trình sáng tạo không ngừng, liên tục làm những cái mới, giúp xã hội loài người ngày càng tiến bộ hơn. Dù là lao động chân tay hay lao động trí óc thì lao động bao giờ cũng là vinh quang và đáng tự hào, bởi lao động là hành động thực tế đóng góp cho cuộc sống của chính bản thân người lao động và xã hội, phục vụ bản thân người lao động và phục vụ xã hội.
Trong lao động, Bác đặc biệt nhấn mạnh vai trò của phong trào thi đua. Theo Người, “phong trào thi đua làm cho người ta thay đổi thái độ đối với lao động” và “lao động là sự nghiệp quang vinh, vẻ vang, vui thú và anh dũng”. Phong trào thi đua giúp cho người lao động còn chưa tốt, chưa hiệu quả do chưa bố trí, sắp xếp thời gian khoa học, hợp lý có hướng phấn đấu hiệu quả hơn, có mục tiêu phấn đấu, định hướng rõ ràng. Những người nổi bật trong lao động sẽ là nguồn động lực khuyến khích những ai còn chưa đạt được hiệu quả, lấy đó làm dấu mốc để phấn đấu.Trong bài báo, Bác cũng nhấn mạnh tính hiệu quả do tận dụng tối đa thời gian làm việc. Bác nói sở dĩ những chiến sĩ thi đua được vinh danh là do họ là những người gương mẫu làm việc đứng đắn và thiết thực, “Họ quý trọng thời giờ. Trong công tác chẳng những họ không lãng phí một phút nào, mà cũng không lãng phí một giây nào”.
Lời dạy của Bác cách đây 70 năm đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nắm vững tư tưởng “lao động là vinh quang” của Bác, làm tốt các chức năng của mình. Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel là ví dụ điển hình cho Quân đội trong thực hiện tốt chức năng “đội quân lao động sản xuất”. Trong khi đó, các quân khu, quân đoàn quán triệt và thực hiện nghiêm túc mọi nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, không để rơi vào thế bị động trong tác chiến khi xảy ra tình huống. Công tác dân vận cũng được tiến hành hiệu quả, đặc biệt là trong phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, với phương châm giúp dân khắc phục sự cố, thiên tai cũng là thực hiện chức năng chiến đấu – lao động đặc thù của quân đội.
Theo qdnd.vn (MT)
-
Bài tham khảo số 7
Chúng ta thường nghe câu “lao động là vinh quang”. Các lý thuyết về lao động đều khẳng định vai trò vô cùng to lớn của lao động đối với sự phát triển của loài người nói chung cũng như sự tiến bộ, trưởng thành của từng cá nhân nói riêng.
Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, lao động là điều kiện cơ bản về sự tồn tại của con người; nhờ lao động, con người đã tách khỏi giới động vật, có thể chế ngự tự nhiên và bắt nó phục vụ lợi ích của mình; quá trình đó, con người biết chế tạo công cụ lao động, có thể phát huy khả năng và kiến thức của mình ngày càng cao để đạt năng suất lao động cao hơn. Tất cả những điều đó đã quyết định sự phát triển, tiến bộ của loài người và của xã hội. Trong xã hội văn minh, các cá nhân thường thể hiện lao động sáng tạo, có kỷ luật, mang tính tự do, tự giác, tức là, mỗi người lao động là để cho mình, cho tập thể, cho toàn xã hội…
Mỗi người có nhận thức đúng đắn về lao động thì sẽ làm việc với chất lượng và hiệu quả cao hơn, có ích nhiều hơn.
Câu chuyện sau đây nói về thái độ lao động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có thể xem là một bài học quý cho tất cả chúng ta, nhất là đảng viên, cán bộ công chức. Hồi còn ở ATK Việt Bắc, đội bảo vệ của Bác vẫn đào hầm sâu trong núi để đề phòng giặc. Một số anh em chưa quen nên làm việc có phần lúng túng, Bác đến và làm động tác mẫu từng động tác... Đến lúc bàn về tăng gia sản xuất, các anh em lại tranh luận mãi là nên trồng loại rau quả gì. Bác hỏi: “Các chú đều là nông dân phải không?”. “Dạ, chúng cháu đều là nông dân”. Bác giải thích: “Vì các chú mỗi người một quê khác nhau, thời tiết mỗi vùng một khác, kinh nghiệm trồng trọt cũng khác nên tranh cãi là bình thường. Song phải chú ý tới người xưa đã dạy ta rằng: Bao giờ đom đóm bay ra/Cành xoan chân chó trồng cà mới nên...”.
Chúng ta đều biết Bác Hồ là tấm gương mẫu mực về lao động. Thời thanh niên, khi tìm đường cứu nước, Bác đã làm rất nhiều công việc chân tay nặng nhọc, không chỉ để kiếm sống mà còn để trải nghiệm, học tập, thâm nhập thực tế. Khi thâm nhập sâu vào các hoạt động cách mạng, Người trở thành một trí thức đúng nghĩa nhưng vẫn luôn lao động chân tay và không nề hà bất cứ việc gì. Khi trở thành người đứng đầu Đảng và Chính phủ, Người vẫn không rời các hoạt động chân tay, luôn xem đó là điều mình đương nhiên phải làm chứ không đợi người khác làm hoặc chờ được phục vụ. Câu chuyện hay hình ảnh Bác chẻ củi, tự mang vác hành lý, tự phục vụ các bữa ăn… luôn để lại ấn tượng và tình cảm tốt đẹp đối với tất cả mọi người về một vị lãnh tụ giản dị, gần dân, quý trọng sức lao động…
Câu chuyện trên nhắc nhở chúng ta rằng, khi làm việc gì phải tìm hiểu kỹ về việc ấy để làm thực sự có hiệu quả. Trong các công việc, đương nhiên kinh nghiệm là rất quan trọng nhưng cũng phải lĩnh hội các kiến thức mới chứ không được chỉ viện lấy kinh nghiệm và vận dụng một cách máy móc. Đồng thời, phải luôn xem xét các phương diện, khía cạnh khác nhau của công việc đó để bảo đảm rằng nó thực sự phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị, hoàn cảnh. Và điều quan trọng nữa là mỗi cán bộ, đảng viên không ngừng ra sức thi đua lao động sáng tạo, luôn học hỏi, trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng, xây dựng phương pháp làm việc khoa học, nhất là trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Một yêu cầu hết sức quan trọng trong nhận thức về lao động là không được phân biệt lao động tay chân với lao động trí óc. Mỗi loại lao động đều có ý nghĩa và vai trò riêng đối với đời sống xã hội; dù xã hội có sự phân công từng cá nhân làm các công việc khác nhau nhưng nếu ai làm tốt công việc của mình, có đóng góp cho xã hội, cho đất nước thì đều rất quý, chứ không phải “lao động trí óc là lao động bậc cao, của nhóm tinh hoa, còn lao động chân tay là của giới bình dân, của nhóm ít học” (?) như có người ngộ nhận.Trong đợt dịch Covid-19 hiện nay, nhiều cán bộ lãnh đạo các địa phương, đơn vị đã xắn tay vào làm bất cứ công việc gì miễn có lợi cho người dân, góp phần chống dịch hiệu quả. Khi cần, vẫn có nhiều cán bộ lãnh đạo cấp thành phố, cấp quận xắn tay vào khuân vác hàng hóa, sắp xếp việc vận chuyển; hay bí thư, chủ tịch phường vẫn tham gia đi chợ giúp dân, mang nhu yếu phẩm đến khu phong tỏa…; nhiều lãnh đạo địa phương, đơn vị mặc quần áo cũ, đi dép lê, với khẩu trang, kính chắn giọt bắn, luôn bám sát địa bàn để sẵn sàng xắn tay vào làm bất cứ việc gì cần… Gần như không còn hình ảnh “cán bộ bàn giấy” mà các cán bộ đều đồng thời làm cả công việc tay chân lẫn trí óc, vừa làm lãnh đạo vừa là “cu li” mang vác… Trong công tác phòng chống dịch lần này, có lẽ đây là dịp rất tốt để các cán bộ, đảng viên thể hiện tinh thần lăn xả trong công việc, không phân biệt lao động chân tay hay trí óc và luôn sát dân, nhất là những người yếu thế.
Tất nhiên, đó đây vẫn còn những hiện tượng chưa hay, chưa đẹp. Chúng ta cần phê phán cá biệt một số cán bộ lãnh đạo làm công việc chân tay chẳng qua để “làm màu”, để “diễn” trước chứng kiến của truyền thông hoặc của cấp trên. Ta cũng cần “chỉ mặt” những cán bộ tỏ ra không coi trọng công việc đòi hỏi thể lực, thậm chí xem thường người lao động chân tay hay những lãnh đạo “sợ bẩn”, “sợ nguy hiểm” chỉ dám đứng xa xa với dân, với công việc rồi “chỉ trỏ”, hô hào là chính, chứ ít khi trực tiếp làm việc gì. Nhất là phải “đuổi” khỏi đội ngũ những người không làm việc gì cụ thể mà chỉ giỏi báo cáo với cấp trên, luôn vơ kết quả của người khác làm thành tích của mình, tự đề cao vai trò lãnh đạo của bản thân mà không biết rằng nếu chỉ ngồi đó lãnh đạo mà không có sự xông pha, nhọc nhằn của bao nhiêu người khác thì không bao giờ có kết quả gì cả!(Nguồn: Vân Tâm, hcmcpv.org.vn