Top 10 Bài văn nghị luận về câu nói "Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương" (lớp 9) hay nhất

Bình An 9678 0 Báo lỗi

Mỗi công việc chân chính dù lớn hay nhỏ, dù cao cả hay giản dị cũng đều mang lại lợi ích cho mọi người, cho xã hội. Chính bởi vậy, trong bất cứ công việc gì, ... xem thêm...

  1. Top 1

    Nghị luận "Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương" số 1

    Trong cuộc sống, có rất nhiều ngành nghề để chúng ta lựa chọn: có người muốn trở thành nhà kinh doanh giỏi, có người muốn trở thành bác sỹ, có người muốn trở thành người thợ vẽ để vẽ ra được những tác phẩm kiệt tác, có người muốn trở thành người nông dân giỏi... Nhưng dù bạn là ai, ước mơ như thế nào, ước mơ ấy có thành sự thật hay bạn chuyển sang một ngành nghề khác thì bạn cũng phải toàn tâm toàn ý vào công việc, như vậy bạn mới có thể đạt được thành công trên con đường mình đang đi. Nhà văn Nam Cao đã đúc kết cho bạn đọc một quan niệm sống: “Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương” – câu nói đó như là một chân lý giúp mỗi người nhìn lại những việc mình đang làm và giúp chúng ta hoàn thiện bản thân hơn trong công việc mà mình đã chọn lựa.


    Từ cẩu thả trong câu nói của nhà văn Nam Cao có nghĩa là làm việc gì cũng không đến nơi đến chốn, không cẩn thận, chỉ cốt cho xong; từ bất lương có nghĩa là không lương thiện, làm việc trái với lương tâm. Như vậy, nhà văn Nam Cao đã nhắn nhủ với bạn đọc rằng: Chúng ta cần phải làm việc một cách chăm chỉ, phải cố gắng bỏ nhiều tâm huyết vào công việc chúng ta đang làm, đừng làm nó với một thái độ thờ ơ, một hành động qua loa, đại khái như thế là chính chúng ta đang làm việc trái với lương tâm, sẽ gây tổn thất không chỉ cho cá nhân mà gây hại đến tất cả mọi người xung quanh.


    Để tiến hành một ca mổ phẫu thuật, bác sỹ cần trang bị cho mình một hành trang kiến thức cùng với nó là hành trang về tâm đức. Bởi vì xã hội hiện nay, bên cạnh những bác sỹ có tấm lòng quảng đại, luôn coi trọng câu nói: “Lương y như từ mẫu” thì cũng có một số bác sỹ chạy theo đồng tiền, vì đồng tiền mà đánh đổi cả mạng sống của con người. Đó chính là sự cẩu thả trong công việc, vị bác sỹ đã lấy đồng tiền để làm thước đo cho lương tâm nghề nghiệp của mình, đã chà đạp lên chính hai từ mà người đời vẫn thường gọi là “bác sỹ”.


    Hay nhìn vào một mảnh vườn, thửa ruộng, chúng ta có thể đánh giá được đâu là bác nông dân làm việc chăm chỉ, đâu là bác nông dân lười biếng. Một người nông dân cần cù sẽ có những mảnh vườn tươi tốt, màu mỡ; còn những mảnh vườn cằn cỗi, hoa màu kém phát triển thì chứng tỏ chủ nhân là người không biết chăm sóc đến mảnh vườn của mình. Khi đến mùa thu hoạch, những mảnh vườn màu mỡ sẽ giúp cho bác nông dân có một vụ mùa bội thu, có những khoản tiền lớn để lo toan cho cuộc sống gia đình, dành những đồng tiền chứa đầy những giọt mồ hôi ấy để cho con cái ăn học. Còn mảnh vườn cằn cỗi, không có người chăm sóc, sẽ không mang lại lợi ích gì cho bác nông dân, họ chỉ biết khóc, biết hối hận khi mình đã bỏ bê công việc đồng áng, cuộc sống khó khăn sẽ lại đến với gia đình bác nông dân không chăm chỉ kia.


    Qua hai dẫn chứng trên giúp chúng ta nhận ra rằng: dù bạn là bác sỹ được cả xã hội tôn trọng, hay bạn là một bác nông dân lúc nào cũng chân lấm tay bùn thì bạn vẫn là niềm tự hào của gia đình, bạn bè, xã hội khi bạn luôn biết làm việc cần mẫn, luôn biết học hỏi kinh nghiệm và có một tấm lòng bác ái. Đừng làm việc không có trách nhiệm, đừng lấy vật chất làm lẽ sống vì khi đó dù bạn là bác sỹ, giáo viên, công an,… thì bạn cũng bị người đời chê cười.Theo bản thân tôi, để làm những việc không bất lương thì cần phải hình thành cho mình những thói quen tốt ngay từ khi còn nhỏ: một đứa trẻ khi chơi xong đồ chơi cần phải biết dạy nó cất đồ chơi vào nơi quy định khi chơi xong, qua đó hình thành cho đứa trẻ tính ngăn nắp, có trách nhiệm với món đồ chơi của mình.


    Hay trước khi đi ngủ cần phải học bài, soạn sách vở, đồ dùng học tập để sáng mai dậy không phải luống cuống đi tìm chúng, khi đó hình thành cho các cô cậu học trò tính cẩn thận, làm chủ được thời gian. Lớn lên một chút, khi làm việc theo nhóm, bạn cần phải làm việc một cách tích cực, đưa ra chứng kiến của bản thân để thuyết phục mọi người đừng đùn đẩy trách nhiệm cho các thành viên khác, qua đó hình thành nên cho bạn tính đoàn kết, luôn làm chủ kiến thức của mình…Khi đã trưởng thành, tôi tin với những tính cách mà bạn đã hình thành từ nhỏ đến lớn sẽ giúp rất nhiều trong công việc khi bạn chọn bất cứ nghề nghiệp gì.


    Qua câu nói của Nam Cao đã giúp tôi hiểu rằng, nghề nghiệp nào cũng như nhau đừng tự hào khi giới thiệu bố mẹ tôi là một doanh nhân thành đạt, hay đừng ngại ngùng khi nói mẹ tôi là công nhân quét rác… bởi vì đó đều là một nghề được cả xã hội thừa nhận. Quan trọng hơn là khi bắt tay vào công việc cần phải làm việc một cách nghiêm túc, có trách nhiệm với công việc… như thế bạn đang làm những công việc rất có ích không chỉ cho bản thân mà dành cho cả cộng đồng.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)

  2. Top 2

    Nghị luận "Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương" số 2

    Trong cuộc sống của chúng ta, mỗi người đều có một vai trò riêng, một nhiệm vụ riêng, một nghề nghiệp riêng. Mỗi người chỉ cần hoàn thành tốt vai trò của mình, cũng đã là một người công dân tốt, góp sức của mình vào công cuộc xây dựng đất nước. Tuy nhiên, có rất nhiều người chỉ làm cho xong, làm qua loa chứ không hề có tâm huyết với nghề. Trong tác phẩm “Đời thừa”, nhà văn Nam Cao có viết: “Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương”. Đó chính là lời cảnh tỉnh về việc một số người không có trách nhiệm với công việc của mình.


    Đầu tiên chúng ta cần hiểu như thế nào là sự cẩu thả? Đó chính là khi một người làm việc một cách hời hợt, không nghiêm túc, không có trách nhiệm, chỉ qua loa, không chú tâm chăm chút cho việc làm của mình và không quan tâm đến kết quả của công việc. Tiếp đó, thế nào là sự bất lương? Bất lương là một từ để chỉ việc làm xấu, trái với lương tâm của một người nào đó. Như vậy, nhà văn coi việc cẩu thả trong nghề là một việc làm xấu, trái với đạo đức. Việc không có tinh thần trách nhiệm trong công việc của mình gây ảnh hưởng xấu đến những người xung quanh và toàn xã hội cũng được coi là một việc bất lương, của một người bất lương.


    Câu nói trên của nhà văn là vô cùng đúng đắn. Một người không có trách nhiệm với công việc của mình, cũng là một người không có trách nhiệm với những người xung quanh. Làm việc một cách qua loa sẽ gây nên những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Có một người dân lương thiện, chỉ vì quan tòa xử án sai, những người tìm chứng cứ không có trách nhiệm, đã dẫn đến việc người dân ấy phải sống mười năm trong tù, phải chịu biết bao cay đắng, tủi nhục, xa lánh, kì thị từ nhưng người xung quanh. Và mười năm sau, khi bác ấy được ra tù, mặc dù đã được đền bù, nhưng số tiền ít ỏi ấy, làm cách nào để bù lại mười năm oan ức của bác ấy?


    Một người bác sĩ để quên dao mổ trong bụng của người bệnh, rồi sau đó lại phải thực hiện phẫu thuật lại để lấy dao mổ ra. Hãy nghĩ đến, nếu tất cả mọi người đều không phát hiện ra, thì sẽ dẫn đến hậu quả như thế nào? Một người giáo viên, nếu không chuẩn bị bài giảng kĩ, không cập nhật những kiến thức mới, dẫn đến việc giảng bài khô khan, thiếu hụt kiến thức mới cho học sinh. Cả một thế hệ tương lai của đất nước, nếu như được giảng dạy như thế, thì có thể nào phát triển hay sẽ thui chột mà chẳng kịp lớn lên? Hay trong chính nghề văn của nhà văn Nam Cao, sự cẩu thả cũng là một sự vô cùng bất lương. Văn học có một sự ảnh hưởng vô cùng lớn đến người đọc. Vì thế, một nhà văn cần phải chắt lọc, tìm hiểu kĩ lưỡng, để đưa đến cho độc giả của mình những bài văn chau chuốt nhất, không viết những thứ có thể gây cho người đọc những ý tưởng sai lầm, dẫn đến sự lệch lạc về tư tưởng.


    Như vậy, mỗi người trong chúng ta, cần xác định cho mình một tư tưởng đúng đắn về cách sống, cách làm việc của mình. Cần phải có trách nhiệm với nghề nghiệp của mình, để công việc đạt được kết quả tốt nhất, đem lại hiệu quả cho cả mình và những người xung quanh. Có như thế, mỗi người chúng ta mới có thể đóng góp cho việc xây dựng quê hương, đất nước.


    Đại thi hào Nguyễn Du đã nói: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Một người có tâm với nghề, đặt hết tâm huyết vào công việc của mình, thì dù sớm hay muộn cũng có thể thành công. Còn nếu ngay cả một người có tài, mà không có cái tâm, luôn làm việc qua loa, cẩu thả thì rồi cũng sẽ có một ngày phải nhận lấy hậu quả không tốt.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  3. Top 3

    Nghị luận "Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương" số 3

    Trong cuộc sống hiện đại vơi vô vàn cám dỗ, người ta chỉ mải mê theo đuổi những ham muốn vật chất tầm thường mà đánh mất lương tâm, trách nhiệm của mình. Thậm chí rất nhiều người coi sự vô tâm, vô trách nhiệm của mình là điều hết sức bình thường bởi hiện tượng này một phổ biến, và có lẽ tại thời điểm này, những chiêm nghiệm của Nam Cao thực sự đã gióng lên một hồi chuông báo động cho những ai có suy nghĩ tiêu cực ấy: “sự cẩu thả trg bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương”


    “Sự cẩu thả” là thái độ làm việc không đến nơi đến chốn, làm cốt để cho xong việc mà hoàn toàn không nghiêm túc, tâm huyết với công việc mình làm. “Sự bất lương” nghĩa là vô lương tâm, không hề có trách nhiệm, ý thức về những tai hại, nguy cơ mình có thể gây ra cho xã hội. Đặt hai khái niệm “cẩu thả” và “bất lương” cùng nhau, Nam Cao đã nghiêm túc phê phán những người vô trách nhiệm với công việc, coi nhẹ những hậu quả khôn lường mà sự vô trách nhiệm của mình. Chúng ta sống trong một thời đại tiến bộ với tốc độ phát triển về mọi mặt đều rất nhanh chóng và tiên tiến, vì vậy con người ta càng ngày càng có xu hướng sống vội sống gấp.


    Với một múc đích duy nhất là phải làm cho xong việc, nhiều người đã bỏ đi sự tâm huyết, dốc sức cống hiến của mình, thay vào đó là làm việc qua loa, đối phó miễn sao cho kịp với “deadline”. Việc soạn bài ở nhà của học sinh không còn tượng trưng cho ý thức chuẩn bị bài, sự quan tâm dành cho bài học nữa mà trở thành những bài chép chính tả từ sách học tốt, những bài giảng trôi nổi trên mạng; những ca sĩ nhạc sĩ vì tiền và danh vọng mà không còn quan tâm đến chât lượng âm nhạc mà chỉ mải chạy theo những xu hướng nhất thời, điển hình là những sản phẩm âm nhạc rẻ tiền, nhảm nhí, còn nặng tính thương mại, câu khách như “Anh không đòi quà”, “Em có một ước ao”,…


    Hay gần đây nhất trường quốc tế Gateway vì sự tắc trách, thờ ơ với học sinh mà đã gây ra sự việc đau lòng khi cháu bé tử vong trên xe buýt của trường. Trách nhiệm trong công việc thể hiện lương tâm, ý thức cao độ của con người, nếu thiếu đi đức tính đó, nghĩa là đã mất đi đạo đức nghề nghiệp. Hậu quả của sự vô đạo đức, vô tâm với công việc nhẹ thì ảnh hưởng đến chất lượng, giá trị của sản phẩm mà ta làm ra, nặng thì sẽ tổn hại đến thanh danh, uy tín của cả một cộng đồng, một lớp người, thậm chí là ảnh hưởng đến cả tính mạng con người, tương lai của đất nước, nhất là đối với những nghề nghiệp có sức ảnh hưởng rộng như: người làm nghệ thuật, người làm giáo dục.


    Nguyên nhân của sự thiếu trách nhiệm trong công việc có cả khách quan lẫn chủ quan. Một phần là do những áp lực mà người lao động phải gánh trên vai quá nặng buộc họ phải tìm mọi cách để đảm bảo cuộc sống, nhưng phần nhiều còn đến từ ý thức cá nhân của từng người. Nếu biết nghĩ cho lợi ích của tập thể, hiểu được ý nghĩa và trọng trách mình đảm nhiệm lớn lao chừng nào, chắc chắn sẽ không thể dửng dưng, vô tâm, tắc trách, quên hết đạo lí mà làm việc được!


    Do đó để có thể thay đổi được thói quen xấu này, cần có những tác động mạnh mẽ vào lương tâm, ý thức bên trong con người. Để cái thiện được tính trách nhiệm trong công việc là một quá trình dài đòi hỏi nhiều yếu tố khác nhau và phụ thuộc nhiều vào tư tưởng cá nhân. Tuy nhiên cộng đồng vẫn cần cố gắng tuyên truyền, giải thích và cổ vũ người lao động về sức ảnh hưởng sâu sắc của công việc của họ với xã hội. Đồng thời, xã hội cũng không nên gây áp lực, đẩy những người lao động vào hoàn cảnh éo le bất khả kháng khiến họ phải làm trái với lương tâm của mình.


    Người Trung Hoa có câu “cẩn tắc vô ưu”, mỗi người đều nên có sự chăm chút, tâm huyết, cẩn thận với công việc của mình để khi nhìn lại sẽ không phải hối hận, hổ thẹn về những việc mình làm.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  4. Top 4

    Nghị luận "Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương" số 4

    Cuộc sống là quá trình chúng ta trưởng thành và học cách chịu trách nhiệm với bản thân. Chẳng thế mà nhà văn Nam Cao đã thốt lên tâm đắc trong lời thoại của nhân vật Hộ trong tác phẩm “Đời thừa”: “Sự cẩu thả trong bất cứ nghề nào cũng là một sự bất lương”.


    “Cẩu thả” là thái độ làm việc không chuyên tâm, không nghiêm túc, không dành hết tâm huyết cho công việc mà mình đang làm. Đó chính là khi một người làm việc một cách hời hợt, không có trách nhiệm, chỉ qua loa cho xong việc của mình và không mảy may quan tâm đến kết quả của công việc. Nam Cao dùng từ “bất lương” đặt trong sự tương quan với từ “cẩu thả” là bày tỏ thái độ không đồng tình với những kẻ qua loa, một việc làm xấu, trái với lương tâm và đạo đức nghề nghiệp. Việc không có tinh thần trách nhiệm trong công việc của mình gây ảnh hưởng xấu đến những người xung quanh và toàn xã hội cũng được coi là một việc bất lương, của một người bất lương.


    Câu nói trên của nhà văn là vô cùng đúng đắn. Sinh ra trên cuộc đời, mỗi con người chúng ta lại mang trong mình một sứ mệnh khác nhau: người này làm bác sĩ, người kia làm thầy giáo,…, hay người ta còn gọi ấy là một nghề. Mà nói đến một nghề là nói đến sự chuyên sâu, có ảnh hưởng sâu sắc, là một mắt xích quan trọng trong chuỗi nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Mỗi một mắt xích nối kết với nhau thành một xã hội toàn vẹn, nhưng khi chiếc mắt xích ấy bị lỏng lẻo thì ắt dẫn đến hậu quả khôn lường. Vậy nên, một người thợ chưa lành nghề không phải là thợ. Đừng nói rằng kĩ thuật của anh đã thuần thục, chuyên môn của anh đã nhuần nhuyễn thì anh có quyền được cẩu thả. Một người thợ lành nghề còn là một người có trách nhiệm, đam mê và nhiệt huyết đối với công việc, . Có lẽ vậy mà sự cẩu thả không bao giờ được chấp nhận đối với tất cả mọi nghề.


    Để tiến hành một ca mổ phẫu thuật đâu phải dễ dàng, nếu không thì người người nhà nhà đã đổ xô đi làm bác sỹ. Trong thời đại hiện nay, bên cạnh những bác sỹ có tấm lòng quảng đại, luôn coi trọng câu nói: “Lương y như từ mẫu” thì cũng có một số bác sỹ chạy theo đồng tiền, vì đồng tiền mà đánh đổi cả mạng sống của con người. Đó chính là sự cẩu thả trong công việc, vị bác sỹ đã lấy đồng tiền để làm thước đo cho lương tâm nghề nghiệp của mình, đã chà đạp lên chính hai từ “bác sỹ” mà người đời coi trọng.


    Trong chính nghề văn của nhà văn Nam Cao, sự cẩu thả cũng là một sự vô cùng bất lương, điều này có thể lý giải tại sao nhà văn lại phải thốt lên tâm đắc như thế. Văn học nghệ thuật vốn dĩ có khả năng “thức tỉnh những lương tri đang ngủ” (Evtuseco). Điều này đòi hỏi nhà văn cần phải chắt lọc, tìm hiểu kĩ lưỡng, để đưa đến cho độc giả của mình những tác phẩm có giá trị nhất, không viết những thứ có thể gây cho người đọc những ý tưởng sai lầm, dẫn đến sự lệch lạc về tư tưởng.


    Bản chất của con người là luôn muốn đạt được thành công và hoàn thiện. Thế nhưng có thể vì hoàn cảnh, thói quen hoặc môi trường mà họ cẩu thả trong mọi việc. Chắc hẳn là khi làm việc mà cẩu thả thì ta chẳng thể thanh thản, hài lòng với bản thân vì lương tâm không cho phép.


    Câu nói của Nam Cao vừa thể hiện quan niệm của ông về tinh thần trách nhiệm trong công việc, vừa là lời nhắc nhở chân thành những ai đã và đang cẩu thả trong công việc hãy nhìn lại chính mình.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  5. Top 5

    Nghị luận "Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương" số 5

    Không phải ai cũng có thể làm điều vĩ đại nhưng mỗi người đều có thể làm việc nhỏ với tình yêu vĩ đại. Bởi "sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì đều là sự bất lương" (Nam Cao)


    Nam Cao trên chặng đường sáng tác của mình luôn trăn trở với nghề, với thiên chức của người làm nghề. Với ông, viết văn không chỉ đơn giản là chỉ viết mà phải viết về cuộc sống, nhân dân mình và viết để thể hiện chính mình. Khái quát lên, không chỉ trong nghề viết, ông đã để nhân vật phát biểu: "Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì đều là sự bất lương". "Cẩu thả" được hiểu là thái độ vô trách nhiệm, không hết lòng, cố gắng vì công việc của mình. Đó chính là sự "bất lương" - không có lương tâm, một việc không thể chấp nhận được. Cách nói: "bất cứ nghề gì... đều là..." là sự khẳng định rất nghiêm túc đối với những hành động, những người không có thái độ đúng với nghề, việc mình đang làm. Và câu nói đúng với mọi người, mọi nghề và mọi thời đại.


    Trong cuộc sống đầy bộn bề và phức tạp, chúng ta bị cuốn vào bánh xe thời gian, với muôn vàn thứ công việc. Với trẻ em là việc học, việc ăn, việc nói, việc nghe lời bố mẹ. Với người lớn là việc đi làm, việc sinh hoạt, việc giao lưu. Đó đều là những công việc mà ta buộc phải làm, được giao hay đồng ý làm. Nhưng khi thực hiện, một số người rất nhiệt huyết, tận tâm, trách nhiệm nhưng một số người lại rất cẩu thả. Học chống đối, làm qua loa, thực hiện đối phó. Hoặc hứng lên thì làm, không thì lại bỏ dở. Tình trạng ấy không chỉ ở một vài người mà còn là con sâu mọt có thể thấy không ít trong những dự án này. Tình trạng những công trình khởi công hai ba năm lại nằm dang dở vì thiếu vốn, chủ thầu bỏ trốn hay việc trồng rừng gây cây cho có làm, tình trạng đạo văn ngày càng nhiều,... Nếu nói theo Giản Tư Trung, mỗi chúng ta trong cuộc sống đều phải học làm người - một nghề thiêng liêng và cao đẹp thì cũng có không ít người đang làm cẩu thả. Ta sống qua loa, ta yêu hời hợt, ta lạnh lùng trước cái đẹp và thơ ơ trước những điều xấu xa. Đó không gọi là sống mà chỉ đơn giản là họ đang thở. Họ đã chết từ tuổi đôi mươi nhưng hàng chục năm sau mới được mang đi chôn.


    Tất cả những thái độ "câu thả" đó đều là sự bất lương. Một học sinh cẩu thả trong việc học không chỉ làm hỏng tương lai mình mà còn không giúp ích, thậm chí gây hại cho đất nước. Đó là bất lương. Một bác sĩ cẩu thả trong nghề y làm mấy đi bao cơ hội sống và hạnh phúc của bệnh nhân. Đó là bất lương. Một giáo viên cẩu thả trong nghề giáo làm chết bao mầm xanh mới lớn. Đó là bất lương. Một lãnh đạo cẩu thả trong việc quản lí dẫn đến cả tập thể, xã hội không phát triển được. Đó là bất lương. Sự cẩu thả ở người nhỏ tạo ra hậu quả nhỏ và cứ lớn dần đối cùng công việc của con người. Đáng tiếc thay, có những người đang cẩu thả trong nghề sống mà làm hoài phí tuổi trẻ, đánh mất thanh xuân và lỡ mất hạnh phúc của cuộc đời mình.


    Sự cẩu thả, ban đầu chỉ là một chút lơ đãng, một chút cảm tính, một chút buông thả nhưng khi chúng hợp lại với nhau lại tạo ra một thói quen xấu. Và gieo thói quen sẽ gặt tính cách, gieo tính cách, gặt số phận. Hơn nữa, một phần là môi trường giáo dục, việc làm chưa tốt dễ để cho những mầm đen của tính xấu đến con người. Rồi từ môt con sâu có thể "làm rầu nồi canh", môt xã hội không trật tự và không ý thức .


    Mỗi chúng ta chỉ được sống một lần trong đời. Không có cơ hội thứ hai cho những việc đã xảy ra. Tôi thường được nghe: không có bông tuyết nào rời sai chỗ, không có hạt mưa nào rời sai vị trí của nó. Mọi thứ đều đúng lúc và đúng chỗ. Vì thế, những công việc bạn đang làm, chắc chắc được sắp đặt bởi một lý do nào đó. Đừng nghĩ bạn "phải" làm mà hãy nghĩ bạn "được " làm. Đừng tỏ thái độ thờ ơ mà hãy làm nó bằng cả nhiệt huyết của mình. Và bạn sẽ được nhận lại. Bởi không phải ai cũng có thể làm điều lớn lao nhưng ai cũng có thể làm cho cuộc sống mình trở nên ý nghĩa.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  6. Top 6

    Nghị luận "Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương" số 6

    Nhà thơ Tố Hữu đã từng viết: “Than ôi! Sống đẹp là gì hỡi bạn?”. Vâng! Sống đẹp là sống có ích, sống biết yêu thương và sống có trách nhiệm. Con người sinh ra trên đời đều mang trên mình trách nhiệm và nghĩa vụ. Đó là trách nhiệm với bản thân, với gia đình, với quốc gia, dân tộc và trách nhiệm đối với chính công việc mà mình đã lựa chọn. Nhà văn Nam Cao đã viết: “Sự cẩu thả trong bất cứ nghề nào cũng là sự bất lương”. Phải chăng ông muốn đề cập đến vấn đề trách nhiệm của con người đối với công việc của mình?


    “Cẩu thả” trong công việc là thái độ làm việc không chuyên tâm, không nghiêm túc, không dành hết tâm huyết cho công việc mà mình đang làm. Hai từ “Bất lương” mà tác giả nói ở đây nghe có vẻ khá nặng nề, nó dường như là một tiếng chửi đối với những ai không có tinh thần trách nhiệm trong công việc, gây ra ảnh hưởng xấu đối với mọi người.


    Vâng! Câu nói trên của nhà văn Nam Cao quả rất đúng đắn. Con người làm việc một cách cẩu thả, sơ sài nghĩa là không có tinh thần trách nhiệm, không có cái tâm với nghề, điều đó quả thật đáng chê trách bởi lẽ sau cái sự cẩu thả đó là biết bao nhiêu hậu quả xấu. Sự cẩu thả của một bác sỹ trong khi phẫu thuật có thể sẽ cướp đi cả sinh mạng của một con người. Một vị thẩm phán cẩu thả trong quá trình điều tra, kết luận một vụ án sẽ gây ra hàm oan cho một số người, gây bất bình trong xã hội. Người giáo viên không hết lòng với nghề, không nghiên cứu kỹ tài liệu, cẩu thả truyền cho học sinh những kiến thức sai trái. Học sinh vốn là tương lai của đất nước và bạn hãy thử tưởng tượng xem hậu quả sẽ ra sao nếu chúng được giáo dục sai kiến thức?


    Trong cuộc sống, bất cứ một nghành nghề nào, dù thấp bé hay cao sang, tất cả đều cần có tinh thần trách nhiệm cao. Một lao công nếu không có tinh thần trách nhiệm, cẩu thả khi làm việc sẽ gây mất mĩ quan đô thị, gia tăng ô nhiễm môi trường và gây ảnh hưởng lớn đến đời sống con người. Ngay cả trong chính nghề văn của tác giả cũng vậy, nếu nhà văn cứ tùy tâm trạng mà viết, không có sự chọn lọc, nghiên cứu kĩ lưỡng thì sẽ mang đến cho đọc giả những tác phẩm không có chất lượng, có thể làm người đọc hiểu sai ý nghĩa, tiếp thu những thứ không lành mạnh, làm thay đổi suy nghĩ của con người theo chiều hướng tiêu cực. Văn học vốn có ảnh hưởng rất lớn đến hệ tư tưởng của con người, thế nên việc cẩu thả trong nghề văn quả là điều đáng chê trách.


    Tóm lại, con người đối với công việc của mình cần phải có tinh thần trách nhiệm cao, phải có cái tâm với nghề. Làm tốt công việc của mình cũng có nghĩa là ta đã sống có ích cho xã hội. Câu nói của Nam Cao vừa thể hiện quan niệm của ông về tinh thần trách nhiệm trong công việc, vừa là lời nhắc nhở chân thành những ai đã và đang cẩu thả trong công việc hãy nhìn lại.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  7. Top 7

    Nghị luận "Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương" số 7

    Nhà văn Nam Cao là một nhà văn xuất sắc của dòng văn học hiện thực trước và sau Cách mạng Tháng Tám. Các tác phẩm của ông có một giá trị nhân văn sâu sắc. Trong tác phẩm “Đời thừa” nhà văn Nam Cao đã nói rằng: “Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương”


    Đầu tiên chúng ta phải hiểu thế nào là cẩu thả? Đó chính là khi chúng ta làm việc một cách hời hợt, thiếu trách nhiệm, thiếu nghiêm túc, không chăm chút tập trung vào việc mình làm mà chỉ làm cho nhanh xong, nhanh có kết quả. Tiếp theo, chúng ta phải hiểu bất lương là gì? Bất lương là chỉ một việc làm xấu, trái với lương tâm. Con người khi sinh ra đã mang trong mình những trách nhiệm không thể chối bỏ được. Trách nhiệm phải sống sao có ích, cống hiến hết sức lực, trí tuệ của mình vào xây dựng quê hương đất nước. Sống đúng trách nhiệm và gia đình, quê hương và xã hội đã tạo ra cho chúng ta.


    Sự “cẩu thả” cũng chính là bất lương. Vì sao? Vì trong công việc, sự cẩu thả sẽ tạo nên sự gian dối, không làm hết khả năng, trách nhiệm như vậy là xấu là trái với đạo đức. Không có tinh thần trách nhiệm trong công việc của mình gây ảnh hưởng tới những người xunh quanh và xã hội đó cũng là một việc bất lương, cuả một người bất lương. Nhà văn Nam Cao nói rất đúng, một người không có trách nhiệm với công việc của mình thì chắc chắn sẽ là một người không có trách nhiệm với những người xung quanh. Làm việc cẩu thả sẽ gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng.


    Trong cuộc sống có rất nhiều ví dụ thể hiện sự cẩu thả. Nếu như một bác sĩ làm việc cẩu thả trong một ca mổ, để quên dụng cụ mổ như dao, kéo trong bụng bệnh nhân như vậy là bất lương hay không? Bệnh nhân đau chân trái nhưng bác sĩ lại tác trách cắt nhầm chân phải như vậy có phải là bất lương không? Hay những người dân lương thiện bị tòa án nhưng người cầm cân nảy mực xử tội oan, khiến họ phải vào tù bị xã hội xa lánh như vậy có phải bất lương hay không? Những người đầu bếp vì cẩu thả trong khâu lựa thực phẩm sạch, nấu ăn bằng cả thực phẩm bẩn khiến khách hang ngộ độc liệu như vậy có được gọi là bất lương?


    Đặc biệt trong giáo dục, người giáo viên nếu không soạn giáo án kỹ càng, bài học khô khan, không cập nhật kiến thức, thiếu hụt kiến thức, thì tương lai của thế hệ học sinh, tương lai của đất nước sẽ như thế nào? Và còn rất nhiều những câu chuyện có thật ngoài đời thực chỉ vì sự cẩu thả của một số người trong công việc đã gây ảnh hưởng tới người khác như vậy cũng được gọi là bất lương.


    Sống có trách nhiệm là nhiệm vụ của mỗi người. Mỗi người chúng ta cần phải có ý thức trách nhiệm về công việc mình làm, dù đó là công việc gì, để có thể đem lại hiệu quả tốt trong công việc của mình và những người xung quanh. Qua đó, một lần nữa ta thấy được nhà văn Nam Cao có một cái nhìn đúng đắn và sáng suốt, “sự cẩu thả trong bất cứ nghề nào cũng là bất lương”.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  8. Top 8

    Nghị luận "Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương" số 8

    Nhắc đến nhà văn Nam Cao, chúng ta nhớ đến những tác phẩm như Chí Phèo, Lão Hạc, Đôi mắt, Đời thừa,… Trong mỗi tác phẩm của mình Nam Cao đều gửi gắm vào đó những triết lý sâu xa. Như trong tác phẩm Đời Thừa, Nam Cao có viết: “Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương”. Đối với Nam Cao, dù làm bất cứ công việc gì, chúng ta cũng cần có trách nhiệm với nó. Giống như Nam Cao, nhà văn luôn có trách nhiệm với công việc viết lách của mình, có trách nhiệm với từng câu chữ mà ông viết ra.


    Sự cẩu thả đó chính là sự thiếu trách nhiệm trong công việc, chỉ làm qua loa, đại khái cốt cho xong chứ không quan tâm đến kết quả ra sao. Còn sự bất lương dùng để chỉ những người vô lương tâm. Người làm việc bất lương thường gây nên những hệ quả xấu, thậm chí ảnh hưởng đến cả tính mạng của người khác. Về cơ bản sự cẩu thả và sự bất lương đều có ý nghĩa phê phán việc làm không đúng của con người. Tuy nhiên, sự cẩu thả phê phán ở mức độ nhẹ còn sự bất lương ở mức độ lớn. Nhưng khi Nam Cao nói sự cẩu thả trong nghề nghiệp chính là sự bất lương thì có nghĩa ông đang phê phán sự cẩu thả đồng thời nêu lên tầm quan trọng của việc mỗi người phải có trách nhiệm với công việc mà mình đang làm.


    Trong xã hội của chúng ta có rất nhiều nghề nghiệp khác nhau. Ví dụ như nghề giáo, bác sĩ, công an, lái xe, công nhân,… Để được làm nghề chúng ta đều phải học tập một cách chăm chỉ. Từ những ngày đầu tiên bước chân vào ghế nhà trường, chúng ta phải tập trung vào việc học để tích lũy kiến thức cho bản thân mình. Rồi sau khi rời khỏi ghế trường phổ thông, ai cũng phải học chuyên sâu để có thể hành nghề. Chẳng hạn như bác sĩ phải học 6 năm đại học rồi phải học thêm hơn nữa mới có thể cứu chữa được bệnh nhân. Người lái xe muốn lái xe tham gia giao thông cũng phải học để có bằng. Không có công việc gì mà không cần đến chuyên môn.


    Thử lấy ví dụ về sự cẩu thả trong một nghề nghiệp bất kì chúng ta sẽ càng hiểu rõ hơn về câu nói của nhà văn Nam Cao. Một người bác sĩ nếu cẩu thả trong khám bệnh có thể dẫn đến việc chẩn đoán sai, điều trị sai gây ảnh hưởng đến tính mạng của bệnh nhân. Người lái xe nếu cẩu thả sẽ làm ảnh hưởng đến chính bản thân mình và cả những người đang tham gia giao thông. Một giáo viên nếu cẩu thả sẽ không truyền đạt được cho học sinh đầy đủ kiến thức.


    Mới đây nhất, một cô monitor ở một trường tiểu học nằm trên địa bàn thành phố Hà Nội đã bỏ quên học sinh trên xe đưa đón của trường. Hậu quả là em học sinh 6 tuổi đã phải bỏ mạng trên xe. Sự việc đau lòng này khiến cả xã hội lên án về sự cẩu thả, thiếu trách nhiệm trong công việc mà cô monitor này đảm nhiệm.


    Qua đây ta có thể khẳng định thêm một lần nữa sự cẩu thả trong bất cứ nghề nào cũng là một sự bất lương. Là học sinh tôi và các bạn hãy có trách nhiệm với việc học của mình cũng là có trách nhiệm với chính cuộc đời của mình. Chỉ cần mỗi người đều có ý thức với việc mà mình đang làm thì sẽ hạn chế được rất nhiều điều không hay.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  9. Top 9

    Nghị luận "Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương" số 9

    “Nếu là con chim chiếc lá

    Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh.”


    Nếu như con chim thờ ơ với tiếng hót, chiếc lá “ cẩu thả” với màu xanh của mình thì có lẽ một đời chim, một đời lá chẳng có sắc, lên hương, chẳng để lại được gì cho cuộc sống này. Nam Cao ý thức từ tận sâu trách nhiệm của một nhà văn, một người làm một nghề, muốn đem cả lòng mình, cả tâm huyết của mình ra để nhìn nhận lại một cách nghiêm khắc những thái độ vô trách nhiệm với nghề khi nói rằng: “ Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương.”


    “Cẩu thả” là tính từ dùng để phê phán những người luôn thờ ơ, hời hợt, thiếu trách nhiệm, làm cho có, làm cho xong mà không quan tâm đến chất lượng của công việc mình đang làm. “ Bất lương” hiểu một cách trực tiếp là vô lương tâm, đi ngược với đạo lý làm người, làm những việc xấu, có thể gây nên những hậu quả khôn lường. Hai từ ngữ có nghĩa ở những mức độ khác nhau lại được đặt cạnh nhau cùng một câu nói của Nam Cao giúp ông thể hiện dứt khoát thái độ phê phán đối với sự cẩu thả trong một nghề, cũng là khẳng định tầm quan trọng của ý thức trách nhiệm trong công việc mình làm.


    Sinh ra trên cuộc đời, mỗi người mang trong mình một sứ mệnh khác nhau: người này làm bác sĩ, người kia làm thầy giáo,…, người ta còn gọi ấy là một nghề. Mà nói đến một nghề là nói đến sự chuyên sâu, toàn vẹn, có ảnh hưởng sâu sắc đến một hay nhiều lĩnh vực trong cuộc sống. Vậy nên, một người thợ chưa lành nghề không phải là thợ. Một người thợ thực sự không chỉ làm nghề bằng kĩ năng, chuyên môn mà bằng cả niềm đam mê, lòng tâm huyết với công việc mình đã chọn. Có lẽ vậy mà sự cẩu thả không bao giờ được chấp nhận đối với tất cả mọi nghề.


    Nhưng không chỉ vậy, câu thả trong còn là một sự bất lương. Đó không phải một cách nói cường điệu của Nam Cao mà chính nó được rút ra từ những trải nghiệm của một người nghệ sĩ yêu nghề, tâm huyết với nghề. Như nhân vật Hộ hay những nhân vật tri thức khác trong truyện Nam Cao, họ luôn coi nghề văn là lý tưởng sống, là đam mê, là cuộc đời, là phản chiếu của những nguyên tắc sống trong cuộc đời họ. Nếu anh lấy bác ái làm cách sống, con người mình trong cuộc sống thì chính những tác phẩm anh viết ra sẽ là tuyên ngôn về tinh thần nhân văn, nhân đạo. Nghề một phần nào đó cũng là người trong đó.


    Cẩu thả với chính nghề của mình là làm nguệch ngoạc đi chân dung của chính mình. Hơn nữa, mỗi ngành, mỗi nghề, mỗi việc làm , hành động của con người đều có ảnh hưởng sâu sắc không chỉ đến bản thân chúng ta mà còn đến những người xung quanh. Những người cẩu thả tuy đôi lúc chẳng cố ý gây ra những hành động xấu xa, hay chẳng ý thức được hết những việc mình đang làm nhưng xét đến cùng hậu quả nhận về lại khủng khiếp chẳng kém hành động của những kẻ lòng lang dạ sói. Một bác sĩ cẩu thả mà hậu quả của nó có thể tương đương với hành động của một tên giết người; một người giáo viên cẩu thả hậu quả khác nào chính sách “ngu dân“ của kẻ địch thời xâm lược nước ta; và tương tự, một nhà văn cũng vậy.


    Bác Hồ xưa từng nói: “ ó tài mà không có đức là người vô dụng/ Có đức mà không có tài làm việc gì cũng có.” Để trở thành một con người chân chính, để ngày càng hoàn thện mình hơn, mỗi người cần bắt đầu xây dựng, phát triển ở hai nền tảng chính là đức và tài. Qúa trình nỗ lực không ngừng nghỉ mới khiến thời gian không thể rửa trôi mọi giá trị và mọi cố gắng của bản thân chúng ta. Ngừng nỗ lực, ngừng cố gắng chính là một sự cẩu thả- con đường ngắn nhất dẫn đến sự bất lương.


    Tố Hữu lại viết: “ Than ôi, sống đẹp là gì hỡi bạn.” Mỗi người trước khi làm một việc gì hãy tự hỏi mình rằng mình đã sống đẹp hay chưa, đã cốn hiến hết mình hay chưa, hay còn thờ ơ, còn tính toán, còn vụ lợi. Hãy gạt bỏ hết những bức tường ngăn cách ấy để đến gần hơn với những hành động tốt đẹp, trọn vẹn hơn, vì một sứ mệnh cao cả, vì một xã hội tươi sáng hơn.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
  10. Top 10

    Nghị luận "Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương" số 10

    Là người nghệ sĩ chân chính nên nhà văn Nam Cao luôn ý thức vai trò quan trọng của người nghệ sĩ, rằng trong quá trình sáng tạo, lao động nghệ thuật họ phải luôn tận tâm, tận lực, phải có trách nhiệm với ngòi bút của chính mình. Văn chương suy rộng ra cũng là cuộc sống hằng ngày: “Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương”.


    Đi từ bi kịch tinh thần của văn sĩ Hộ trong tác phẩm “Đời thừa”, Nam Cao đã đề cập tới một vấn đề, một hiện tượng nhức nhối. “Sự cẩu thả” là những việc làm qua loa, làm cho xong số lượng mà không quan tâm đến chất lượng, làm việc thiếu trách nhiệm. Còn “sự bất lương” là trái với lương tâm và đạo đức, khiến con người luôn cảm thấy bực bội, không hài lòng với chính mình.


    Cuộc sống của con người là cuộc chạy tiếp sức không ngừng nghỉ cho đến khi tới đích. Trên chặng đường ấy, con người cùng quấn vào guồng quay công việc với những nhiệm vụ, trách nhiệm cần phải hoàn thành. Có những công việc chỉ ở một giai đoạn, một thời điểm nhưng cũng có những công việc ta phải theo đuổi nó cả đời như việc học, việc làm người. bên cạnh những tấm gương làm việc cẩn thận, có trách nhiệm và lương tâm như hành trình lao động nghệ thuật đầy khổ hạnh của các nhà văn lớn để cho ra đời những kieeyj tác của nhân loại thì cũng còn không ít những cá nhân đáng sống và làm việc hời hợt, cẩu thả.


    Hãy thử tưởng tượng chúng ta đều cẩu thả trong những công việc ấy thì sẽ đem đến những hậu quả gì. Hơn mười năm trước, một vụ án oan sai do cơ quan chức năng làm việc thiếu trách nhiệm đã đẩy một người vô tội vào tù. Để rồi mười năm ngồi tù đã biến một con người lương thiện thành hình ảnh của kẻ tàn nhẫn, độc ác trong mắt mọi người. Khi phiên tòa xét lại minh oan của ông ấy, liệu rằng ai sẽ đem lại khoảng thời gian 10 năm đầy đen tối đã trôi qua?. Con người ấy cũng giống như Chí Phèo thời hiện đại vậy, phải hứng chịu những định kiến, mất đi quá nhiều điều mà chẳng gì bù đắp nổi. Hay trong một cuộc phẫu thuật, vị bác sĩ có thể vì sơ ý, vô tình để quên con dao trong bụng bệnh nhân.


    Một câu chuyện tưởng như hoang tưởng nhưng là có thật, con người ấy đã sống cùng con dao kia đến vài năm trời,ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Thế mới thấy sự cẩu thả để lại những hậu quả khôn lường. Sự cẩu thả khiến cho công việc được giao không có hiệun quả cao, chất lượng không được đảm bảo thậm chí là cho ra những sản phẩm có tính nguy hại trong cuộc sống. Hơn nữa, những người cẩu thả còn khiến người khác mất uy tín, mất niềm tin ở bản thân mình. Theo thời gian, nó sẽ trở thành một thói quen không tốt, dẫn đến việc sống hời hợt, không nhiệt thành, không tận tâm. Nếu cẩn thận hơn, từng chút từng chút một thì mọi thứ sẽ làm hài lòng, khi ấy ta cảm thấy nhẹ nhọm, thanh thản như muốn tự thưởng cho bản thân một thứ gì đó.


    Bản chất của con người lại luôn có chí tiến thủ, muốn đạt được thành công và hoàn thiện. Thế nhưng có thể vì hoàn cảnh, thói quen hoặc môi trường mà họ cẩu thả trong mọi việc. Chắc hẳn là khi làm việc mà cẩu thả thì ta chẳng thể thanh thản, hài lòng với bản thân vì lương tâm không cho phép. Văn sĩ Hộ cũng thế, vì gánh nặng đói cơm ghì sát đất mà anh phải viết những thứ văn vội vàng, toàn những cái vô vị, nhạt nhẽo, gợi những tình cảm rất nhẹ, rất nông, diễn một vài ý rất thông thường quấy loãng trong một thứ văn bằng phẳng và quá ư dễ dãi. Khi ấy sự cẩu thả không chỉ là bất lương mà còn là đê tiện.


    Vì vậy mỗi người hãy tự ý thức, tự nhắc nhở bản thân luôn có trách nhiệm và cẩn thận trong công việc. Khi ấy, dẫu có không thành công đi chăng nữa thì chí ít là ta cũng đã cố gắng hết sức để không còn nuối tiếc. Sau mỗi lần như vậy, ta lại có động lực thúc đẩy sự phát triển.


    Cuộc sống luôn đặt ra những yêu cầu trách nhiệm mà con người cần đáp ứng tốt có như thế mới tồn tại và phát triển được. Và ý thức trách nhiệm, tâm huyết, lòng nhiệt tình trong công việc sẽ tạo ra được những ý nghĩa đích thực với cuộc sống. Sự cậu thả tưởng là bình thường nhưng hệ quả của nó thật đáng sợ phải không các em. Hãy có trách nhiệm hơn để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn em nhé. Những bài văn mẫu Nghị luận xã hội về câu nói sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương lớp 9 hay nhất trên đây hi vọng rằng đã giúp các em nhận ra được nhiều điều.

    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)
    Ảnh minh họa (Nguồn internet)




Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy