Bài tham khảo số 7
Chúng ta thường nghe câu “lao động là vinh quang”. Các lý thuyết về lao động đều khẳng định vai trò vô cùng to lớn của lao động đối với sự phát triển của loài người nói chung cũng như sự tiến bộ, trưởng thành của từng cá nhân nói riêng.
Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, lao động là điều kiện cơ bản về sự tồn tại của con người; nhờ lao động, con người đã tách khỏi giới động vật, có thể chế ngự tự nhiên và bắt nó phục vụ lợi ích của mình; quá trình đó, con người biết chế tạo công cụ lao động, có thể phát huy khả năng và kiến thức của mình ngày càng cao để đạt năng suất lao động cao hơn. Tất cả những điều đó đã quyết định sự phát triển, tiến bộ của loài người và của xã hội. Trong xã hội văn minh, các cá nhân thường thể hiện lao động sáng tạo, có kỷ luật, mang tính tự do, tự giác, tức là, mỗi người lao động là để cho mình, cho tập thể, cho toàn xã hội…
Mỗi người có nhận thức đúng đắn về lao động thì sẽ làm việc với chất lượng và hiệu quả cao hơn, có ích nhiều hơn.
Câu chuyện sau đây nói về thái độ lao động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có thể xem là một bài học quý cho tất cả chúng ta, nhất là đảng viên, cán bộ công chức. Hồi còn ở ATK Việt Bắc, đội bảo vệ của Bác vẫn đào hầm sâu trong núi để đề phòng giặc. Một số anh em chưa quen nên làm việc có phần lúng túng, Bác đến và làm động tác mẫu từng động tác... Đến lúc bàn về tăng gia sản xuất, các anh em lại tranh luận mãi là nên trồng loại rau quả gì. Bác hỏi: “Các chú đều là nông dân phải không?”. “Dạ, chúng cháu đều là nông dân”. Bác giải thích: “Vì các chú mỗi người một quê khác nhau, thời tiết mỗi vùng một khác, kinh nghiệm trồng trọt cũng khác nên tranh cãi là bình thường. Song phải chú ý tới người xưa đã dạy ta rằng: Bao giờ đom đóm bay ra/Cành xoan chân chó trồng cà mới nên...”.
Chúng ta đều biết Bác Hồ là tấm gương mẫu mực về lao động. Thời thanh niên, khi tìm đường cứu nước, Bác đã làm rất nhiều công việc chân tay nặng nhọc, không chỉ để kiếm sống mà còn để trải nghiệm, học tập, thâm nhập thực tế. Khi thâm nhập sâu vào các hoạt động cách mạng, Người trở thành một trí thức đúng nghĩa nhưng vẫn luôn lao động chân tay và không nề hà bất cứ việc gì. Khi trở thành người đứng đầu Đảng và Chính phủ, Người vẫn không rời các hoạt động chân tay, luôn xem đó là điều mình đương nhiên phải làm chứ không đợi người khác làm hoặc chờ được phục vụ. Câu chuyện hay hình ảnh Bác chẻ củi, tự mang vác hành lý, tự phục vụ các bữa ăn… luôn để lại ấn tượng và tình cảm tốt đẹp đối với tất cả mọi người về một vị lãnh tụ giản dị, gần dân, quý trọng sức lao động…
Câu chuyện trên nhắc nhở chúng ta rằng, khi làm việc gì phải tìm hiểu kỹ về việc ấy để làm thực sự có hiệu quả. Trong các công việc, đương nhiên kinh nghiệm là rất quan trọng nhưng cũng phải lĩnh hội các kiến thức mới chứ không được chỉ viện lấy kinh nghiệm và vận dụng một cách máy móc. Đồng thời, phải luôn xem xét các phương diện, khía cạnh khác nhau của công việc đó để bảo đảm rằng nó thực sự phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị, hoàn cảnh. Và điều quan trọng nữa là mỗi cán bộ, đảng viên không ngừng ra sức thi đua lao động sáng tạo, luôn học hỏi, trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng, xây dựng phương pháp làm việc khoa học, nhất là trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Một yêu cầu hết sức quan trọng trong nhận thức về lao động là không được phân biệt lao động tay chân với lao động trí óc. Mỗi loại lao động đều có ý nghĩa và vai trò riêng đối với đời sống xã hội; dù xã hội có sự phân công từng cá nhân làm các công việc khác nhau nhưng nếu ai làm tốt công việc của mình, có đóng góp cho xã hội, cho đất nước thì đều rất quý, chứ không phải “lao động trí óc là lao động bậc cao, của nhóm tinh hoa, còn lao động chân tay là của giới bình dân, của nhóm ít học” (?) như có người ngộ nhận.
Trong đợt dịch Covid-19 hiện nay, nhiều cán bộ lãnh đạo các địa phương, đơn vị đã xắn tay vào làm bất cứ công việc gì miễn có lợi cho người dân, góp phần chống dịch hiệu quả. Khi cần, vẫn có nhiều cán bộ lãnh đạo cấp thành phố, cấp quận xắn tay vào khuân vác hàng hóa, sắp xếp việc vận chuyển; hay bí thư, chủ tịch phường vẫn tham gia đi chợ giúp dân, mang nhu yếu phẩm đến khu phong tỏa…; nhiều lãnh đạo địa phương, đơn vị mặc quần áo cũ, đi dép lê, với khẩu trang, kính chắn giọt bắn, luôn bám sát địa bàn để sẵn sàng xắn tay vào làm bất cứ việc gì cần… Gần như không còn hình ảnh “cán bộ bàn giấy” mà các cán bộ đều đồng thời làm cả công việc tay chân lẫn trí óc, vừa làm lãnh đạo vừa là “cu li” mang vác… Trong công tác phòng chống dịch lần này, có lẽ đây là dịp rất tốt để các cán bộ, đảng viên thể hiện tinh thần lăn xả trong công việc, không phân biệt lao động chân tay hay trí óc và luôn sát dân, nhất là những người yếu thế.
Tất nhiên, đó đây vẫn còn những hiện tượng chưa hay, chưa đẹp. Chúng ta cần phê phán cá biệt một số cán bộ lãnh đạo làm công việc chân tay chẳng qua để “làm màu”, để “diễn” trước chứng kiến của truyền thông hoặc của cấp trên. Ta cũng cần “chỉ mặt” những cán bộ tỏ ra không coi trọng công việc đòi hỏi thể lực, thậm chí xem thường người lao động chân tay hay những lãnh đạo “sợ bẩn”, “sợ nguy hiểm” chỉ dám đứng xa xa với dân, với công việc rồi “chỉ trỏ”, hô hào là chính, chứ ít khi trực tiếp làm việc gì. Nhất là phải “đuổi” khỏi đội ngũ những người không làm việc gì cụ thể mà chỉ giỏi báo cáo với cấp trên, luôn vơ kết quả của người khác làm thành tích của mình, tự đề cao vai trò lãnh đạo của bản thân mà không biết rằng nếu chỉ ngồi đó lãnh đạo mà không có sự xông pha, nhọc nhằn của bao nhiêu người khác thì không bao giờ có kết quả gì cả!
(Nguồn: Vân Tâm, hcmcpv.org.vn