Bài văn nghị luận về sự tự tin số 5
Để học tập, làm việc và thành công trong cuộc sống con người cần có nhiều đức tính, phẩm chất tốt đẹp. Một trong những phẩm chất cần có, quyết định sự thành bại của con người đó là lòng tự tin.
Tự tin là tin tưởng vào chính giá trị và sức mạnh của bản thân mình. Lòng tự tin là tin vào những phẩm chất tốt đẹp; tin vào trí tuệ, tài năng. Tự tin là tin vào khả năng linh hoạt trong ứng xử, trong giao tiếp; tin vào hình dáng hoặc khả năng tài chính của mình… Tự tin xuất phát từ sự nhận thức được những khả năng bản thân mình chứ không có nghĩa tin tưởng bản thân một cách mù quáng. Tự tin cũng không đồng nghĩa với sự chủ quan, tự phụ, khoác lác, hợm hĩnh, độc đoán, kiêu ngạo. Tự tin trái ngược với sự hèn nhát, thiếu niềm tin vào bản thân.
Sự tự tin của mỗi con người được thể hiện qua lối sống, cách làm việc, giao tiếp ứng xử. Người có lòng tự tin là người thường có hoài bão lớn lao, lý tưởng cao đẹp hướng đến thành công. Người có lòng tự tin luôn chủ động trong mọi công việc. Họ làm việc có kế hoạch, suy nghĩ, tính toán chu đáo, cẩn thận. Người có lòng tự tin lúc nào cũng bình tĩnh trong mọi tình huống nhưng hành động cương quyết, sẵn sàng đương đầu với thử thách, gian khổ. Dù thất bại vẫn không nản lòng hay lùi bước. Họ luôn quyết tâm đạt được mục tiêu và luôn hướng tới tương lai.
Người có lòng tự tin không hoang mang dao động, không phụ thuộc vào ý kiến xung quanh. Họ luôn sống hòa đồng, thân thiện, mạnh dạn trong giao tiếp. Họ dám trình bày những suy nghĩ của mình, không tự ti mặc cảm. Luôn cởi mở, sẵn lòng lắng nghe ý kiến của người khác. Người không có lòng tự tin luôn lo sợ thất bại, không dám theo đuổi ước mơ nào.
Tự tin luôn là một đức tính, phẩm chất cần có ở mỗi con người. Nó là chìa khóa dẫn đến sự thành công trong cuộc sống. Sự tin giúp ta tạo được một bản lĩnh vững vàng. Chính lòng tự tin giúp ta đủ bản lĩnh xác định được ta là ai trong cuộc đời này, xác định rõ con đường ta sẽ đi. Đồng thời giúp ta thể hiện bản thân mình. Hành động dám nghĩ dám làm sẽ giúp con người nắm bắt cơ hội thăng tiến. Tự tin sẽ giúp rèn luyện kĩ năng làm việc, lựa chọn và quyết đoán trước mọi tình huống của cuộc sống. Tự tin giúp tích lũy kiến thức và kinh nghiệm. Tự tin tạo ra cơ hội để chúng ta phát hiện, đào sâu những phẩm chất, những khả năng tiềm ẩn để hoàn thiện bản thân mình. Chính lòng tự tin giúp con người có thêm sức mạnh, nghị lực và sức sáng tạo để làm nên sự nghiệp lớn.
Cuộc sống luôn cần có lòng tự tin. Bởi khi tin tưởng vào bản thân, chúng ta sẽ không ngại gian khó, vượt qua trở ngại, chiến thắng nghịch cảnh. Tự tin là nguồn sức mạnh lớn lao. Nó giúp ta biết xây dựng đời sống tốt đẹp cho bản thân và tạo động lực giúp người khác tiến bộ. Sự tự tin là luôn hấp dẫn sự tin tưởng của người khác. Lòng tự tin vào bản thân chắc chắn sẽ biểu lộ trong bất cứ những gì bạn làm. Vượt lên phía trước là một công việc đòi hỏi lòng tin tưởng khát khao vào bản thân. Đó vì sao nhiều người với tài năng tầm thường nhưng có chí tiến thủ lớn lao lại đi xa hơn những người có tài năng vượt trội hơn hẳn.
Thiếu tự tin, con người tự thu mình lại, sống khép kín không muốn hòa đồng với cuộc sống xung quanh. Từ đó dẫn tới trầm lặng rồi tụt hậu với xã hội. Người không có lòng tự tin thường rất hay căng thẳng. Họ làm việc gì cũng lo nghĩ, do dự, ngần ngại, tự ti với bản thân, luôn tự trách mắng mình. Còn có rất nhiều người thích dựa dẫm vào kẻ khác, không chịu tự mình nỗ lực. Sự nhút nhát của họ dẫn đến sự thiếu kĩ năng và kiến thức cần thiết. Họ không dám dấn thân vào đời hay tự lập để kiếm sống. Những người như thế thường trở thành một con người thừa của xã hội. Họ luôn sống thiếu niềm tin và không tự tin vào bản thân, thích nhờ vả người khác. Họ cũng không muốn lao động hoặc không có lý tưởng sống tích cực.
Thiếu tự tin là hệ quả của việc đánh giá thấp bản thân. Từ đó sẽ đánh mất những điều kiện cơ bản, cần thiết giúp đạt được những giá trị quý báu: nghị lực, ý chí, hi vọng và lạc quan. Các bậc cha mẹ cần chú ý rèn luyện đức tính cho con em ngay từ khi chúng còn nhỏ. Hãy tổ chức cuộc sống sao cho con em biết sống tự lập. Cha mẹ dùng lười khen ngợi khi con làm được việc tốt; tôn trọng khuyến khích những quyết định riêng tư chính đáng của con cái. Biết lắng nghe, động viên, an ủi chúng khi cần thiết sẽ tạo niềm tin lớn ở con trẻ. Người lớn phải là những tấm gương tự tin mẫu mực để các thế hệ nhỏ tuổi noi theo.
Nội dung giáo dục về lòng tự tin phải rõ ràng, không sơ sài chung chung, gần gũi với thực tế cuộc sống. Nên gắn liền với những buổi sinh hoạt chuyên môn cho học sinh. Cần chú trọng hơn về việc tư vấn tâm lí tuổi vị thành niên, định hướng tương lai cho học sinh. Tri thức cần phải tiến bộ và hướng học sinh đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống, xây dựng niềm tin vào con người, xã hội, đạo đức và sức mạnh dân tộc. Điều quan trọng nhất là mỗi cá nhân phải có ý thức tự rèn luyện lòng tự tin cho bản thân. Để làm được điều ấy, trước hết phải khẳng định năng lực của bản thân, phát hiện ra những ưu điểm, suy nghĩ về năng lực thực sự của mình (hợp với việc gì, mọi người khen mình về việc gì, khả năng của mình đến đâu…). Từ đó rèn luyện phát triển những ưu điểm, sở thích để thành sở trường của mình.
Xây dựng sự tự tin của mình bằng cách giúp đỡ người khác. Hãy dành cho ai đó một lời khen ý nghĩa hoặc làm một việc tốt nào đó cho họ. Kết quả là bạn sẽ có một ngày đầy cảm xúc khi làm người khác vui vẻ. Đừng bao giờ so sánh bạn với ai đó. Đơn giản vì trong cuộc sống này thì không một ai là hoàn thiện và mỗi người đều có một quan điểm sống khác biệt. Thay vì luôn phàn nàn về những điều vô nghĩa thì hãy dành thời gian để tự hoàn thiện bản thân mình. Trước khi thực hiện công việc cần chuẩn bị thật kĩ nội dung kiến thức cần nói, cần làm, cần giải quyết sẽ giúp ta tự tin. Nếu có thất bại nên tìm nguyên nhân để khắc phục không nên thất vọng. Nên giữ nhiều hơn những việc mình đã làm được để thấy hài lòng về bản thân và tự tin hơn.
Tuổi trẻ cần rèn luyện sự tự tin thể hiện trước đám đông. Nếu khả năng trình bày còn hạn chế thì viết ra trước tất cả những gì cần nói và luyện tập. Ban đầu tập nói trong nhóm nhỏ, rồi trước nhóm lớn hơn và dần dần nói trước đám đông lớn. Hãy xác nhận rõ ràng những gì khiến bạn không tự tin trong công việc hoặc cuộc sống. Từ đó đề ra giải pháp cụ thể để khắc phục hạn chế này. Không ai sinh ra đã trở nên tự tin, họ phải rèn luyện qua thời gian mới có được phẩm chất quý báu đó. Lòng tự tin thái quá sẽ trở thành sự kiêu ngạo, hợm hình, khinh mạn, bất chấp trở ngại và hành động mù quáng dẫn đến thất bại. Lòng tự tin luôn xuất phát trên nền tảng trí tuệ, sự thấu hiểu và đức tính khiêm tốn của con người.
Trong cuộc sống, vẫn còn có nhiều người sống thiếu tự tin. Họ lưỡng lự trước những vấn đề lớn lao, không dám quyết định và hành động vì sợ vấp ngã, sợ gánh chịu trách nhiệm. Những người như thế thật đáng chê trách. Chính lòng tự tin vào bản thân tạo cho con người nguồn sức mạnh dồi dào để làm việc và thành công trong cuộc sống. Lòng tự tin tăng cường niềm lạc quan và tinh thần hăng say lao động, trau dồi tình thương yêu và sự cảm thông đối với con người. Bởi thế, hãy luôn tạo cho mình lòng tự tin trong cuộc sống, tạo cho mình một nội lực vững mạnh bằng cách chủ động, tự giác học tập thật tốt và ra sức rèn luyện để phát huy tài năng, sở trường của bản thân.
Tích cực tham gia các hoạt động của tập thể và cộng đồng. Vì đó là nơi rèn luyện tốt nhất tính tự tin và phẩm chất tốt đẹp khác. Luôn sống tự tin nhưng không chủ quan, cảnh giác với việc tự tin mà mù quáng. Cần khắc phục tính rụt rè, tự ti, dựa dẫm, ba phải. Không có điều gì thực sự chắc chắn, thành công hay thất bại chỉ sau hành động mới biết được. Chỉ có một điều chắc chắn rằng nếu bạn tự tin bước tới, bạn có thể đạt đến thành công, còn nếu bạn thiếu tự tin, sớm từ bỏ, bạn chỉ nhận lấy thất bại mà thôi.
Bản thân của mỗi một quá trình bất kỳ luôn chứa đựng sự vận động trong nó. Do đó, ngay cả khi bạn đã đạt được sự tự tin cho bản thân thì quá trình này luôn vận động, có thể là tốt lên, nhưng cũng có khi lại xấu đi. Điểm cốt lõi ở đây là hãy biết cách rèn luyện bản thân vì cuộc sống này luôn thay đổi.