Bài văn nghị luận xã hội về giá trị của thời gian số 7
Nếu như trước đây người ta hay so sánh đời người như dòng sông với những khúc quanh thăng trầm mà con người như là sản phẩm của số phận thì ngày nay đã có người ví von nó như chiếc bánh thời gian mà con người vốn sinh ra khác nhau nên chọn những cách khác nhau để ăn dần chiếc bánh ấy. Cũng như chiếc bánh có nhiều phần trong đó mỗi phần có ít nhiều hương vị khác nhau, đời người có nhiều giai đoạn với những công việc, trách nhiệm, ước mơ, hoài bão và cả những cung bậc tình cảm khác nhau.
Kẻ tham lam, háu ăn ngấu nghiến chiếc bánh của mình không thương tiếc đến nỗi trong nháy mắt nó chỉ còn là những mẫu vụn trên bàn ăn cuộc đời. Kẻ khảnh ăn chỉ tìm thấy khoái khẩu nơi phần nhân bánh, và sau khi thưởng thức xong, họ vứt lại cái vỏ bánh bên đĩa ăn mà không biết rằng chính cái vỏ bánh chẳng mấy ngon ấy lại cung cấp năng lượng cho cả cuộc đời và họ lại mơ tưởng một cái nhân bánh thứ hai mà không bao giờ có nữa. Cũng có kẻ thứ ba chậm rãi ăn tứng phần vỏ của chiếc bánh và cố để dành lại phần nhân ngon lành cho lần thưởng thức cuối cùng. Nhưng cũng chính lúc ấy y thấy no và không thiết ăn nữa hoặc ăn nhưng chẳng còn thấy ngon lành gì.
Loại người thứ nhất nêu trên là những kẻ sống nhanh, sống gấp. Họ sống thể như là thế giới sắp tận diệt đến nơi. Và với nhịp sống hối hả của mình, họ không còn thì giờ để chiêm nghiệm, suy tư hay thưởng ngoạn vẻ đẹp của bầu trời thu xanh yên ả hay ánh sáng huy hoàng của những vì sao đêm. Thực ra, họ sinh ra không phải để sống mà đúng hơn là để chuẩn bị sống.
Loại người thứ hai sống theo kiểu hưởng lạc họ xa lánh những người bạn tốt như công việc, trách nhiệm và bổn phận và giao du với những kẻ xấu như quyền lợi, tiện nghi vật chất. Họ tiêu phần lớn thời gian cho thú vui và trò tiêu khiển; họ chiều chuộng những ham muốn thấp hèn của một cuộc sống dễ dãi. Loại người thứ ba vừa dễ thương vừa tội nghiệp. Trái ngược với loại thứ hai, họ dành hầu hết quỹ thời gian cho học tập, công việc và trăm thứ trách nhiệm trên đời. Sau khi đã đạt được những điều mong muốn họ bàng hoàng khi nhận ra rằng mình đã đánh mất một cái gì đó rất quan trọng trong một giai đoạn của đời mình hay là cả cuộc đời mà họ không thể tìm thấy lại được.
Cứ nhìn xung quanh ta thôi sẽ thấy muôn vàn thí dụ. Một đứa trẻ cũng có thể đánh mất tuổi thơ vì phải miệt mài theo lời bố mẹ đi “luyện công” để vào lớp Một, rồi phấn đấu để đạt học sinh giỏi 12 năm liền với phương châm luyện rồi thi, thi xong lại luyện ngoài ra không còn gì là quan trọng cả. Sau khi đạt được ước mơ “cháy bỏng” của bản thân cũng như gia đình, người bạn tội nghiệp của chúng ta mới sực nhớ tới cánh diều tuổi thơ và tự chiều chuộng mình bằng một buổi chiều thả diều trên đồng quê. Nhưng, hỡi ôi, một thanh niên đã 18 tuổi thì tâm hồn không còn đủ ấu thơ để thả hồn mơ ước theo cánh diều vi vu như một đứa bé lên tám lên mười được nữa!
Có lẽ mọi so sánh đều khập khiễng: khác với chiếc bánh thông thường, chiếc bánh thời gian cứ vơi dần cho dù bạn có cố nhịn hay để dành. Vậy cách ăn bánh khôn ngoan nhất, theo tôi nghĩ, là ăn từ từ từng miếng một cả phần vỏ lẫn phần nhân cùng lúc, thưởng thức nó từ đầu tới cuối, nghĩ rằng nó là chiếc bánh ngon nhất, hoàn hảo nhất vì nó là duy nhất cho mỗi một người. Nói cách khác phải dùng cái quỹ thời gian hữu hạn của chúng ta theo đúng từng giai đoạn của đời người: không chậm chạp để phải hối tiếc vì những gì mình đã bỏ lỡ ngày hôm qua cũng không vội vã để chẳng còn gi mà thưởng thức ngày mai.
Hãy sống đúng với lứa tuổi của chúng ta. Hãy học tập chăm chỉ và vui chơi lành mạnh khi bạn còn là học sinh; hãy chuẩn bị tốt nhất cho tương lại nhưng đừng quên rằng cuộc sống con người lại nằm trong hiện tại, như các bạn tôi thường nói nôm na với nhau: “Học không chơi mất đời tuổi trẻ, chơi không học bán rẻ tương lai.” Con người sinh ra để sống không phải để chuẩn bị sống, do đó hãy sống mỗi ngày khi nó đến và không đốt cháy ngọn nến cuộc đời ta ở cả hai đầu.
Theo thiển ý của tôi, chiếc bánh thời gian chính là cái vốn thời gian hữu hạn trong đó con người thể hiện sự hiện hữu của mình như một cá nhân có ý thức. Do vậy, sử dụng thời gian một cách khôn ngoan và hợp lý là thể hiện một lối sống lành mạnh và bản lĩnh của một con người biết làm chủ bản thân. “Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao để khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí…”.