Bài văn phân tích đoạn trích "Mã Giám Sinh mua Kiều" của Nguyễn Du số 8

Sau lần thề nguyền kết tóc se tơ, Kim Trọng phải về Liêu Dương để hộ tang chú. Gia đình gặp nạn, bị vu oan giá họa, Kiều phải cậy nhờ Thúy Vân thay mình giữ trọn tình chung thủy với Kim Trọng để bán mình cứu cha và em. Đoạn trích tả cảnh Mã Giám Sinh đến mua Kiều để đem về Lâm Tri.


Mã Giám Sinh - một “viễn khách” cùng với người mốì tìm đến để “vấn danh”, tức là xin cưới hỏi Kiều về làm vợ. Cách nói như vậy có vẻ lương thiện nhưng sự thật không phải thế. Ta hãy theo dõi thái độ và việc làm của họ Mã.


Nguyễn Du đã giới thiệu ông khách họ Mã này như thế nào? Khi được hỏi về tên họ, quê quán, y đã trả lời một cách cộc lốc. Y còn có ngụ ý khoe khoang mình là kẻ có học, danh giá, sinh viên trường Quốc tử giám. Nhưng ngòi bút của Nguyễn Du thật tài tình khi viết hai câu:


Hỏi tên, rằng: “Mã Giám Sinh”

Hỏi quê, rằng: “Huyện Lâm Thanh cũng gần”


Đây là cách nói năng của kẻ thiếu lịch sự, thiếu văn hóa và ngay khi mới xuất hiện người đọc đã mất hết cảm tình với hắn ta rồi. Hắn che dấu tung tích, quê quán, chỉ biết “cũng gần” Nguyễn Du tiếp tục giới thiệu diện mạo anh chàng giám sinh họ Mã này:


Quá niên trạc ngoại tứ tuần

Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao


Trông vẻ bên ngoài, hẳn như một kẻ thanh lịch: mày râu được cạo kĩ, áo quần đẹp đẽ. Nhưng cách làm dáng, chải chuốt đó lại không phù hợp với con người đã “quá niên trạc ngoại tứ tuần”. Và đến nhà Kiều thì: “Trước thầy sau tớ xôn xao” gợi lên cảnh ồn ào bát nháo của tớ thầy Mã Giám Sinh. Rồi khi vào đến nhà, hắn vội “ghế trên ngồi tót sỗ sàng”, chỉ một cử chỉ “tót” đó, Nguyễn Du đã phơi bày tất cả bản chất của con người thô lỗ, vô học, lưu manh.


Chỉ một đoạn thơ ngắn 8 câu, tác giả đã khắc họa một cách sinh động về diện mạo, ngôn ngữ, hành vi của Mã Giám Sinh. Và bức chân dung ấy được hoàn chỉnh khi tác giả tả cảnh hắn, mặc cả mưa Kiều. Mã đánh tiếng đến cưới Kiều về làm vợ nhưng sự thật hắn mua Kiều về lầu xanh ở Lâm Tri để tiếp khách làng chơi, nơi hắn cùng với mụ Tú Bà chung vốn làm ăn.


Vì vậy trong việc mua bán này, y phải tính toán thiệt hơn. Trước hết đắn đo, cân nhắc kĩ càng về mặt hàng: Đắn đo cân sắc, cân tài Để nắm chắc giá trị của món hàng, hắn không ngại bắt “ép” Kiều phải thử tài: Ép cung cầm nguyệt thử bài quạt thơ. Sau một hồi xem xét tính toán hắn tỏ ý vừa lòng: “mặn nồng một vẻ một ưa”. Điều còn lại là giá cả bao nhiêu để kiếm được nhiều lời, hắn liền hỏi giá:


Rằng: “mua ngọc đến Lam Kiều

Sính nghi xin dạy bao nhiêu cho tường?”


Mã cũng biết học đòi cách nói năng văn hoa của người có học và tỏ vẻ lễ phép khiêm nhường (xin dạy) nhưng bản chất của tên con buôn không che dấu được. Hắn “cò kè bớt một thêm hai”. Tìm cách ép giá, dìm giá vì hắn biết rõ hoàn cảnh quẫn bách của Kiều. Vì thế Mã đã mua được Kiều với giá rất hời, từ “đáng giá ngàn vàng” hắn chỉ mua có “ngoài bốn trăm”. Mã không đánh lừa được ai, hắn khoác áo kẻ thanh lịch, giả dạng một giám sinh nhưng qua cảnh mua bán này đã lộ nguyên hình một tên buôn người đểu cáng.


Kiều phải bán mình để cứu gia đình qua cơn nguy biến, một hành động hi sinh rất cao cả. Bắt đầu từ đây nàng dấn thân vào con đường đau khổ, nhục nhã ê chề và cảnh mua bán này sẽ mở đầu cho chuỗi dài bi đát của đoạn trường 15 năm.

Người con gái tài sắc vẹn toàn ấy nếu được sống trong một xã hội công bằng chắc hẳn sẽ có cuộc đời hạnh phúc.


Nhưng trong xã hội phong kiến thối nát, tài sắc ấy trở thành món hàng đem ra mặc cả “cò kè”, trao từ tay người này qua tay kẻ khác. Trong 6 câu thơ tả tâm trạng Kiều, Nguyễn Du để nàng im lặng. Đúng vậy, lúc này làm sao nàng nói được nên lời. Nhưng qua một vài cử chỉ, dáng điệu ta thấu hiểu nỗi đau của nàng:


Nỗi mình thêm tức nỗi nhà,

Thềm hoa một bước, lệ hoa mấy hàng!


Kiều khóc, những giọt lệ chảy thành hàng, những giọt nước mắt đau xót, tủi nhục. Nàng, con gái nhà lành sống trong cảnh “trướng rủ màn che” nay trở thành món hàng để người mua “vén tóc bắt tay” “cân sức cân tài” làm sao nàng không cảm thấy thẹn thùng, nhục nhã:


Nhìn hoa bóng thẹn, trông gương mặt dày Nàng tự xỉ vả mình là kẻ mặt dạn mày dày, nhưng tội này không phải do nàng gây nên. Trong xã hội mà đồng tiền thống trị tất cả: “Tiền lưng đã sẵn việc gì chẳng xong” thì có biết bao số phận bi thảm như Kiều.

Đoạn trích “Mã Giám Sinh mua Kiều” như một màn kịch ngắn, trong đó sự việc cứ tiến triển dần và tính cách nhân vật bộc lộ rõ nét. Thái độ của Nguyễn Du thật rõ ràng: lên án, tố cáo những thế lực đen tối của xã hội, thông cảm sâu sắc với nỗi đau của con người. Ngày nay, đọc lại Truyện Kiều ta cảm thương cho số phận bi đát của Kiều và căm ghét xã hội bạo ác đã chà đạp lên quyền sống của những phụ nữ.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy