Bài văn phân tích đoạn trích "Mã Giám Sinh mua Kiều" của Nguyễn Du số 10
Truyện Kiều là tác phẩm đặc sắc có những giá trị nội dung nhân văn sâu sắc và cho thấy nghệ thuật tài tình trong bút pháp của Nguyễn Du. Đoạn trích “Mã Giám Sinh mua Kiều” cho thấy nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật độc đáo của đại thi hào, là sự cảm thông sâu sắc với số phận nàng Kiều nói riêng và những người phụ nữ trong xã hội phong kiến đầy bất công nói chung.
Đoạn trích nằm ở đầu phần hai (Gia biến và lưu lạc) trong Truyện Kiều. Trước tai biến của gia đình, Kiều không thể ngồi yên, trăn trở giữa tình và hiếu, Kiều quyết định “làm con trước phải đền ơn sinh thành”, Kiều đã quyết định bán mình chuộc cha. Qua màn kịch vấn danh, Nguyễn Du đã bóc trần bản chất xấu xa của tên buôn thịt bán người Mã Giám Sinh.
Một sự tài tình và cũng hết sức thâm thúy của Nguyễn Du khi ông để Mã Giám Sinh xuất hiện trong vai một chàng sinh viên trường Quốc Tử Giám đến hỏi mua Kiều về làm vợ lẽ. Ngay từ những giây phút đầu tiên hắn đã tạo ấn tượng chẳng mấy tốt đẹp. Cách giới thiệu có vẻ trang trọng là người “viễn khách” đến “vấn danh” nhưng cách trả lời lại cộc lốc:
“Hỏi tên, rằng: Mã Giám Sinh
Hỏi quê, rằng: Huyện Lâm Thanh cũng gần.”
Câu trả lời vô cùng khiếm nhã, cách giới thiệu tên tuổi quê quán không rõ ràng. Cách giới thiệu như thế chắc hẳn là con người không đàng hoàng. Chỉ là một tên buôn thịt bán người nhưng lại khoe hão là học trường Quốc Tử Giám. Nguyễn Du tiếp tục khắc họa hình dáng lố bịch của Mã Giám Sinh:
“Quá niên trạc ngoại tứ tuần
Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao”
Một nét vẽ cực kì châm biếm của đại thi hào. Một tên đã ngoài bốn mươi tuổi mà vẫn tỉa tót, chưng diện như trai tân: “mày râu nhẵn nhụi”, áo quần thì lại rất “bảnh bao”, tưởng như lịch sự nhưng lại cực kì lố bịch. Cũng thầy tớ như ai, đi sau là bọn đầy tớ có vẻ trang trọng lắm nhưng lại “lao xao” chẳng có nề nếp, lễ giáo gì. Sự lố bịch ấy không chỉ biểu hiện ở ngoại hình mà còn ở cả hành động của tên họ Mã:
“Trước thầy sau tớ lao xao
…Buồng trong mối đã giục nàng kíp ra”
Hành động của hắn hết sức vô học, thiếu văn hóa. Cái “ngồi tót” thể hiện sự sỗ sàng lố bịch của Mã Giám Sinh. Nguyễn Du thật tài tình khi chỉ với một từ “tót” đã làm lộ rõ bản chất của tên buôn người. Trái ngược với sự ngỗ ngược của Mã Giám Sinh, nàng Kiều lại vô cùng đau khổ:
“Nỗi mình thêm tức nỗi nhà
Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng.”
Kiều mang nặng tâm trạng suy tư, buồn bã, nàng đau khổ bởi nàng biết cuộc sống sắp tới đây là những đau khổ, tủi cực. Nàng thương thay cho thân phận mình và cũng chồng chất nỗi lo cho bố mẹ và các em. “Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng”, những bước chân nặng nề dường như không muốn bước tiếp nhưng vì chữ hiếu nàng đành hi sinh thân mình. Những giọt nước mắt của nàng rơi lã chã khiến người đọc không khỏi xót xa, thương cảm.
“Ngại ngùng dợn gió e sương
…Nét buồn như cúc điệu gầy như mai”
Trước tương lai đầy bất định ấy, Kiều có những dự cảm về cuộc đời mình, Kiều lo sợ, ngại ngùng bởi vì nàng biết những khó khăn khổ cực của những tháng ngày trước mắt. Nét buồn bã, đau khổ ấy không thể giấu nổi trên gương mặt nàng. Trái ngược với sự đau khổ của Kiều, bà mối vẫn rất chuyên tâm, nhiệt tình với công việc mai mối của mình. Nỗi buồn của Kiều được Nguyễn Du so sánh với nét buồn của cúc, sự mỏng manh yếu gầy của những cánh hoa mai:
“Đắn đo cân sắc cân tài
…Bằng lòng khách mới tùy cơ dặt dìu”
Thúy Kiều thật đáng thương, nàng đúng như một món hàng không hơn không kém trong cuộc mua bán ấy. Nàng thật đáng thương. Cuối cùng bản chất con buôn của Mã Giám Sinh cũng được bộc lộ:
“Rằng: Mua ngọc đến Lam Kiều
…Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm”
Vậy là cuộc ngã giá đầy căng thẳng diễn ra giữa tên buôn Mã Giám Sinh và mụ mối. Dù vẫn cố tỏ ra lịch sự, khoác lên mình vẻ trí thức “mua ngọc đến Lam Kiều” nhưng ngay sau đó bản chất con buôn ti tiện, bỉ ổi của Mã Giám Sinh cũng bộc lộ rõ nét với hành động “cò kè” thêm bớt, nâng lên đặt xuống, Cuối cùng hắn được một món hời khi trả giá từ “ngàn vàng” xuống “bốn trăm”.
Một cuộc mua bán, kẻ cười vui người chết lặng. Đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều đã lột trần bản chất con buôn đê tiện, hèn hạ, của Mã Giám Sinh và tâm trạng đầy tủi nhục, đau khổ của Kiều. Trong cuộc mua bán ấy, Kiều là một món hàng không hơn không kém. Đoạn trích là bức tranh hiện thực phản ánh chế độ phong kiến thối nát đã đẩy người phụ nữ đến tận cùng của những bi kịch:
“Tiếc thay cây quế giữa rừng
Để cho thằng Mán thằng Mường nó leo”