Bài văn phân tích nhân vật cô Út số 4
Kho tàng truyện dân gian Việt Nam không chỉ để lại cho chúng ta những bài học mang ý nghĩa sâu sắc mà những nhân vật được tạo dựng trong mỗi tác phẩm đều để lại ấn tượng khó quên đối với người đọc. Nhân vật cô em Út trong tác phẩm “Sọ Dừa”đã để lại cho em thiện cảm về lòng tốt, tình yêu thương, bao dung, độ lượng của cô.
Cô em út là một nhân vật mờ trong tác phẩm Sọ Dừa, tuy nhiên lòng nhân ái và sự độ lượng của cô thật đáng trân trọng. Cô là con gái út của phú ông trong một gia đình có ba chị em gái. Sinh ra trong một gia cảnh giàu có, đầy đủ giai nhân, kẻ hầu người hạ, lại được phú ông nuông chiều nhưng không vì thế mà cô mang dáng dấp tiểu thư, yểu điệu. Cô chẳng quản ngại trời trưa, nắng gắt, đường sá xa xôi, nguy hiểm để mang cơm cho người đầy tớ chăn bò ở sau núi.Mặc dù hai cô chị hắt hủi, ghét cay ghét đắng Sọ Dừa bởi thân hình xấu xí, dị dạng nhưng cô thì không hề, ngược lại còn yêu thương, đồng cảm với chàng. Cô em út có tấm lòng thương người như thể thương thân, thật đáng trân trọng.
Sọ Dừa sinh ra trong một gia đình nghèo khổ, lại còn xấu xí, dị nhân. Chính tấm lòng cảm thông, chia sẻ cao cả của cô em út đã giúp cho Sọ Dừa nhận được sự an ủi đáng trân trọng, trái tim của cô đã soi sáng cuộc sống đầy thiệt thòi, bất hạnh của Sọ Dừa.
Cô út là một người có tâm hồn cao cả, trong sáng và độ lượng. Chính trái tim nhân hậu giúp nàng có cái nhìn đúng đắn về con người, về cuộc đời. Những buổi trưa hè nắng gắt, cô không quản ngại khó khăn, nguy hiểm mang cơm cho Sọ Dừa và được chứng kiến tài thổi sáo của chàng thật tuyệt vời. Và cũng từ đây, cô phát hiện ra bí mật của Sọ Dừa. Bên ngoài cái lốt xấu xí, dị dạng là một chàng trai khôi ngô, tuấn tú. Phía sau lớp vỏ sần sùi là một tâm hồn thật đẹp. Chính chi tiết này nhắc nhở chúng ta không nên nhìn con người với vẻ bề ngoài, đánh giá con người qua hình thức mà cần nhìn sâu trong tâm hồn, thế giới bên trong.
Khi Sọ Dừa và mẹ chàng đến ngỏ lời xin cưới, cô út gật đầu e lệ, tỏ ý bằng lòng mà không có ý kiến gì. Trước sự chê bai, hắt hủi của hai cô chị, sự khinh thường nghèo khổ, xấu xí của phú ông thì cô út lại đồng ý không một chút do dự. Hành động đó chứng tỏ cô út chấp nhận gắn kết cuộc đời mình với Sọ Dừa, đồng thời lúc đó cô đã phát hiện ra Sọ Dừa là một chàng trai tuấn tú chứ không hề xấu xí như mọi người nhìn bề ngoài. Trước sự nghèo khổ của mẹ con Sọ Dừa, cô bất chấp định kiến xã, gia cảnh khó khăn để đi theo con tim, ta thấy được quyết định thông minh, đúng đắn và dũng cảm của nhân vật cô em út khi đi tìm hạnh phúc của cuộc đời mình.
Trở thành vợ của Sọ Dừa, cô sống một cuộc sống hạnh phúc với chàng và niềm vui nhân đôi khi Sọ Dừa đỗ trạng nguyên và nghiễm nhiên cô út trở thành bà Trạng. Hai cô chị gái nuối tiếc, ghen ăn tức ở khi đã không lấy Sọ Dừa làm chồng nên trả thù em gái. Với sự thông minh và được hỗ trợ từ chồng, trước khi lên đường, Sọ Dừa đã đưa cho vợ ba thứ: con dao, hòn đá và hai quả trứng. Đúng như dự đoán, cô út bị hai cô chị lập mưu hãm hại và nhờ có ba thứ chồng đưa mà cô đã thoát nạn và trở về với chồng. Qua đây, ta thấy được một chân lí ở hiền gặp lành mà tiêu biểu là nhân vật cô út. Bị hai chị hãm hại nhưng cô không hề trả thù mà vẫn vui vẻ đến chào hỏi hai chị cùng Sọ Dừa. Chính sự bao dung và lòng vị tha của cô út đã mài nhẵn thêm tâm hồn cao thượng, trong sáng của cô.
Kết thúc câu chuyện có hậu, vợ chồng Sọ Dừa được vui vẻ đoàn tụ, sống một cuộc sống hạnh phúc. Đó cũng là ước mơ ngàn đời của nhân dân ta hướng đến sự bình yên, đoàn tụ. Nghị lực, tình yêu thương, lòng vị tha và trái tim vàng của cô út luôn là tấm gương sáng để chúng ta noi theo. Đồng thời, qua câu chuyện và nhân vật cô em út đã để lại cho ta bài học quý báu, không nên nhìn nhận con người qua vẻ hình thức, bề ngoài mà cần đánh giá qua nhân phẩm bên trong.