Bài văn thuyết minh về chùa Tây Phương hay nhất - Bài số 3

Nói đến Hà Nội, người ta thường nghĩ ngay đến những danh lam thắng cảnh nổi tiếng nơi đây như: Văn Miếu Quốc Tử Giám, hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn, chùa Trấn Quốc,… và chắc chắn không ai không nhắc tới ngôi chùa linh thiêng nhất, được xếp vào di tích quốc gia đặc biệt. Đó chính là chùa Tây Phương.


Chùa Tây Phương thuộc xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội. Tương truyền, chùa được xây dựng vào thế kỉ VI. Người xưa kể lại rằng vào những năm 324 – 326 có niên hiệu Hàm Hòa thời Đông Tấn Cát là một chức quan ở huyện Giao Châu nghe tin trên núi Cát Lậu có Chu Sa Đỏ, muốn tìm để làm thành thuốc trường sinh nên ông đã cùng nhân dân lập nên ngôi chùa nhỏ để thờ tự. Trải qua các cuộc chiến tranh và sự bào mòn của thời gian chùa đã bị tàn phá nặng nề. Vào năm 1794 ở thời Tây Sơn chùa đã được đại tu và có tên là chùa Tây Phương được biết tên chữ là Sùng Phúc Tự. Người dân gọi là chùa Tây.


Chùa Tây Phương nằm trên đỉnh núi Câu Lậu (núi Tây Phương) cao chừng 50m. Núi Câu Lậu được ví như con trâu đầu đàn quay đầu xuống dòng sông Tích uống nước. Vì nơi đây có 9 ngọn núi trông xa tựa như một đàn trâu. Qua cổng Tam Quan, chúng ta phải bước qua 237 bậc làm bằng đá ong thì mới tới chùa. Chùa được xây dựng dựa trên kiến trúc mặt bằng chữ tam; có 3 tòa nhà song song là Hạ – Trung – Thượng; tường bao quanh chùa và được xây kín, liền tạo thành kết cấu viền chữ còng. Kiến trúc chùa đã trở thành điển hình của các chùa ở miền Bắc với hai tầng mái giấu thiềm, lợp ngói mũi hài, các góc mái đao vươn lên cong vút, bên trên có gắn tứ linh thú (bốn con vật linh thiêng). Chùa có 64 pho tượng, phần nhiều được làm bằng gỗ mít. Trong đó có 18 tượng La Hán và kiến trúc đặc sắc nhất là pho tượng phật bà Quan Âm nghìn mắt, nghìn tay. Cửa sổ trong chùa được chạm khắc hình tròn, mang ý nghĩa “sắc sắc không không”. Bên trong có nóc mái, rui mè đều có mông ô vuông được trang trí tô màu mô phỏng áo Cà Sa nhà Phật. Chùa có một chiếc chuông nặng tới 200kg. Cũng nhờ những nghệ thuật đặc sắc này mà vào ngày 24/04/1962 chùa Tây Phương đã được công nhận và xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia.


Tượng phật ở đây được đánh giá rất cao. Đó là những kiệt tác xuất sắc của các nghệ nhân xa xưa. Viết về các vị La Hán ở chùa Tây Phương, Huy Cận có bài thơ rất nổi tiếng:


"Đây vị xương trần chân với tay

Có chi thiêu đốt tấm thân gầy

Trầm ngâm đau khổ sâu vòm mắt

Tự bấy ngồi y cho đến nay.

Có vị mắt giương, mày nhíu xệch

Trán như nổi sóng biển luân hồi

Môi cong chua chát, tâm hồn héo

Gân vặn bàn tay mạch máu sôi.

Có vị chân tay co xếp lại

Tròn xoe từ thể chiếc thai non

Nhưng đôi tai rộng dài ngang gối

Cả cuộc đời nghe đủ chuyện buồn…."


Hình tượng La-hán trong bài thơ rất mới lạ. “Khi đọc bài thơ Các vị La-hán chùa Tây Phương của Huy Cận, một nhà nghiên cứu văn học cho rằng: Nhà thơ vẽ ra những hình vẽ bên ngoài chủ yếu là để thể hiện nội tâm của những vị A-la-hán, mà cũng chính là nội tâm đau đớn, quằn quại, vật vã, đầy đau khổ, của những con người nơi trần thế…”. Các pho tượng là hiện thân của cuộc sống nghèo nàn, cực khổ mà nhân dân ta phải chịu đựng ở thế kỷ XVIII. Phật bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay là nghệ thuật đặc sắc nhất, là phật bà đại từ đại bi, luôn quan tâm, lắng nghe âm thanh khổ nạn của chúng sinh rồi hiện phép thần thông cứu giúp.


Là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng nên chùa Tây được rất nhiều du khách trong và ngoài nước tới tham quan. Đặc biệt là vào những ngày tết hay những ngày lễ hội vào tháng ba âm lịch hàng năm thì đông đảo nhân dân và du khách chen lấn nhau lên chùa tạo ra một không khí náo nhiệt, một khung cảnh nhộn nhịp, đông vui, tấp nập. Du khách đến nơi đây chủ yếu để cầu bình an cho gia đình, tham quan vẻ đẹp của ngôi chùa. Chùa Tây Phương trở thành nơi phát triển kinh tế cho người dân địa phương, là niềm tự hào của quốc gia chúng ta. Tôi tin rằng ngôi chùa này sẽ càng ngày nhận được nhiều sự quan tâm, chú ý của du khách trong và ngoài nước.


Thật tự hào vì nơi đây có danh lam thắng cảnh tuyệt vời như vậy. Chúng ta hãy bảo vệ giữ gìn những nét đẹp văn hóa, điêu khắc đặc trưng của quê hương mình.

Bài văn thuyết minh về chùa Tây Phương hay nhất - Bài số 3
Bài văn thuyết minh về chùa Tây Phương hay nhất - Bài số 3
Bài văn thuyết minh về chùa Tây Phương hay nhất - Bài số 3
Bài văn thuyết minh về chùa Tây Phương hay nhất - Bài số 3

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy