Bài văn thuyết minh về tác giả Nam Cao số 6

Nam Cao (1917 - 1951) là một nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn. Ông có nhiều đóng góp quan trọng đối với hoàn thiện truyện ngắn và tiểu thuyết Việt Nam hiện trên quá trình hiện đại hóa ở nửa đầu thế kỉ XX.


Nam Cao tên khai sinh là Trần Hữu Tri. Quê làng Đại Hoàng, phủ Lý Nhân (nay là xã Hoà Hậu, huyện Lý Nhân), tỉnh Hà Nam. Ông được coi là một nhà văn hiện thực xuất sắc trước Cách mạng tháng 8, với những truyện ngắn, truyện dài chân thực viết về người nông dân nghèo đói bị vùi dập và người trí thức nghèo sống mòn mỏi, bế tắc trong xã hội cũ. Sau Cách mạng, Nam Cao sáng tác tận tụy sáng tác phục vụ kháng chiến. Ông đã hy sinh trên đường vào công tác vùng sau lưng địch tháng 11 năm 1951.


Nam Cao luôn quan niệm rằng: “Một tác phẩm thật giá trị, phải vượt lên bên trên tất cả bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng được một cái gì đó lớn lao, mạnh mẽ, đau đớn, lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình… Nó làm cho người gần người hơn” (Đời thừa, 1943). Đối với nghề viết văn, Nam Cao cho rằng: “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những gì chưa có” (Đời thừa, 1943). Ông còn cho rằng: “Nghệ thuật vị nhân sinh” - văn chương phải hướng đến cuộc sống của con người.

Nam Cao là nhà văn có biệt tài diễn tả, phân tích tâm lí nhân vật. Nam Cao tỏ ra sắc sảo trong việc phân tích, diễn tả những trạng thái, quá trình tâm lý phức tạp, hiện tượng lưỡng tính dở say dở tỉnh, dở khóc dở cười… Ngoài ra, ông còn tạo được những đoạn đối thoại, độc thoại nội tâm rất chân thật, sinh động.


Các sáng tác của Nam Cao trước Cách mạng xoay quanh hai mảng đề tài chính: người trí thức nghèo và người nông dân nghèo. Về mảng đề tài người trí thức nghèo, Nam Cao miêu tả sâu sắc tấn bi kịch tinh thần của người trí thức nghèo trong xã hội đương thời trước 1945, đó là những “giáo khổ trường tư” - những nhà văn nghèo, những viên chức nhỏ. Họ là những trí thức có hoài bão, tâm huyết và tài năng; nhưng lại bị gánh nặng áo cơm và hoàn cảnh xã hội ngột ngạt làm cho “chết mòn” và phải sống như “một kẻ vô ích, một người thừa”. Qua đó nhà văn muốn phê phán sâu sắc xã hội ngột ngạt, phi nhân đạo bóp nghẹt sự sống, tàn phá tâm hồn con người, đồng thời nói lên khao khát một lẽ sống lớn, có ích, có ý nghĩa, xứng đáng là cuộc sống con người.


Về mảng đề tài người nông dân nghèo, Nam Cao đã vẽ lên một bức tranh chân thực về nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám với cảnh nghèo đói, xơ xác và thậm chí bị đẩy vào con đường tha hóa, lưu manh hóa. Nam Cao không hề bôi nhọ người nông dân, trái lại, đã đi sâu vào nội tâm nhân vật để khẳng định nhân phẩm và bản chất lương thiện ngay cả khi bị vùi dập, cướp mất cà nhân hình, nhân tính của người nông dân. Đồng thời, ông cũng kết án đanh thép cái xã hội tàn bạo đó trước 1945. Sau Cách mạng, Nam Cao là cây bút tiêu biểu của văn học giai đoạn kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954) với những tác phẩm phục vụ cuộc kháng chiến.


Các tác phẩm của Nam Cao thuộc nhiều thể loại khác nhau. Về truyện ngắn có Chí Phèo (1941), Giăng sáng (1942), Đời thừa (1943), Một đám cưới (1944), Đôi mắt (1948)...; tiểu thuyết: Sống mòn (1944)...; thể loại khác: Nhật kí ở rừng (1948), kí sự Chuyện biên giới (1951)... Một trong những tác phẩm tiêu biểu của Nam Cao có thể kể đến truyện ngắn Chí Phèo. “Chí Phèo” là một trong những truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Nam Cao. Truyện ban đầu có tên là Cái lò gạch cũ. Nhưng khi in thành sách lần đầu, nhà xuất bản đã tự đổi tên là Đôi lứa xứng đôi (NXB Đời mới, Hà Nội, 1941). Năm 1946, khi in lại trong tập Luống cày, Nam Cao đã đổi tên thành Chí Phèo. Chí Phèo là một trong những kiệt tác văn xuôi Việt Nam hiện đại với giá trị hiện thực và nhân văn sâu sắc.


Truyện kể về cuộc đời của Chí Phèo - một đứa trẻ mồ côi bị bỏ lại trong một cái lò gạch bỏ không. Sau này, Chí được dân làng truyền tay nhau nuôi lớn. Đến năm hai mươi tuổi, Chí đến làm canh điền cho nhà Bá Kiến. Chỉ vì một chuyện ghen tuông không đâu, bá Kiến đã đẩy Chí đi ở tù. Khi từ tù ra, Chí Phèo đã hoàn toàn thay đổi cả về nhân hình lẫn nhân tính. Hắn trở thành tay sai đi đòi nợ thuê cho Bá Kiến, chuyên đi uống rượu và vạch mặt ăn vạ. Cả làng Vũ Đại đều sợ Chí. Tình cờ, một lần Chí Phèo đã gặp Thị Nở - người đàn bà xấu đến ma chê quỷ hờn. Hắn ôm chầm lấy Thị Nở và ăn nằm với Thị. Sáng hôm sau, Chí Phèo bị cảm, Thị Nở nấu cho Chí bát cháo hành để giải rượu.


Chính bát cháo đã làm Chí Phèo thức tỉnh, khao khát trở về làm người lương thiện. Nhưng lời nói của bà cô do thị Nở nhắc lại khiến Chí đau đớn và tuyệt vọng. Hắn uống rượu và xác dao định đến nhà đâm chết thị và bà cô. Nhưng Chí lại đến nhà đâm chết Bá Kiến rồi tự sát. Chí Phèo là nhân vật điển hình, có tính khái quát cho một bộ phận nhân dân lương thiện bị đẩy vào con đường lưu manh, tha hóa. Với nhân vật này, nhà văn đã kết án đanh thép cái xã hội tàn bạo đã tàn phá cả thế xác lẫn tâm hồn của người nông dân lao động. Đồng thời, qua đó Nam Cao cũng khẳng định bản chất lương thiện của họ ngay cả khi bị vùi dập mất cả nhân hình, nhân tính. “Chí Phèo” đã trở thành một truyện ngắn xuất sắc của nhà văn Nam Cao.


Có thể thấy, Nam Cao là một nhà văn đã có những đóng góp to lớn cho nền văn học Việt Nam hiện đại. Các tác phẩm của ông đã để lại nhiều bài học giá trị sâu sắc cho người đọc.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy