Cách phòng ngừa bệnh thủy đậu
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tiêm vắc xin là cách phòng bệnh hiệu quả. Có khoảng 88-98% người đã tiêm phòng vắc xin thủy đậu sẽ tránh được căn bệnh này.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết: “Việc chủng ngừa vắc xin phòng bệnh thủy đậu trước hoặc sau mùa dịch cũng đóng một phần quan trọng, giúp mọi người có kháng thể thích nghi trong cơ thể, chuẩn bị sẵn sàng cho đợt dịch thủy đậu có thể xảy đến. Vì thế, chúng ta cần tiêm phòng thủy đậu trước mùa dịch ít nhất 1 tháng. Tại Việt Nam, mùa bệnh thủy đậu thường xuất hiện vào tháng 2-6 hằng năm”.
Tiêm chủng ngừa vắc xin thủy đậu là biện pháp phòng tránh bệnh thủy đậu hiệu quả nhất hiện nay. Chúng không chỉ có tác dụng ở thời điểm ngay sau tiêm mà còn kéo dài trong nhiều năm. Đối với trẻ nhỏ, việc tiêm chủng lại càng quan trọng. Vì thế, cha mẹ cần chú ý và đưa trẻ đến đơn vị y tế để tiêm chủng theo đúng lịch. Lịch tiêm chủng vắc xin phòng thủy đậu:
- Mũi 1: Tiêm cho trẻ trên 12 tháng tuổi
- Mũi 2: Tiêm cho trẻ từ 1 – 13 tuổi. Mũi 2 cách mũi 1 tối thiểu 3 tháng. Đối với trẻ 13 tuổi trở lên, mũi 2 sẽ được tiêm cách mũi 1 một tháng.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần lưu ý thêm một số vấn đề dưới đây nếu không mong muốn mắc bệnh thủy đậu:
- Tuyệt đối không trực tiếp tiếp xúc với mụn nước của thủy đậu, nhất là các mụn nước đã bị vỡ.
- Không sử dụng đồ dùng cá nhân với người đang nhiễm bệnh.
- Tự cách ly nếu bản thân đang mắc bệnh nhằm tránh lây nhiễm rộng rãi.
- Vệ sinh mụn nước đúng cách bằng nước muối sinh lý hoặc làm theo sự chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
- Tăng cường bổ sung rau xanh, hoa quả tươi, thực phẩm giàu chất dinh dưỡng để năng cao sức khỏe, tránh mệt mỏi.
- Nên mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát. Tuyệt đối không mặc trang phục gò bó, bởi vì điều này sẽ cọ xát vào mụn nước, khiến chúng bị vỡ và lan rộng diện tích tổn thương.
- Trao đổi với bác sĩ nếu chẳng may chưa biết chính xác cách chăm sóc và vệ sinh vùng da bị tổn thương do thủy đậu.