Cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng trong bài thơ "Tây Tiến" bài 5

Quang Dũng là một trong những nhà thơ trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Xuất thân từ một người trí thức trẻ sống trong thời chiến, Quang Dũng cũng là một người chiến sĩ cách mạng. Tây Tiến là một bài thơ đặc sắc của Quang Dũng viết về nỗi nhớ của ông với đoàn quân Tây Tiến ông đã gắn bó một thời gian dài cùng hình ảnh người lính trải qua bao khó khăn trên con đường hành quân gian khổ vẫn yêu đời, lãng mạn và quả cảm. Cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng tạo nên đặc sắc và thành công cho bài thơ.


Bao trùm bài thơ Tây Tiến trước tiên là cảm hứng lãng mạn đã đi vào trái tim người đọc. Cảm hứng lãng mạn này đến từ cái tôi trữ tình của nhà thơ Quang Dũng. Nếu tìm hiểu về nhà thơ Quang Dũng, chúng ta sẽ hiểu thêm về tâm hồn và con người ông ảnh hưởng đến thơ ca như thế nào. Quang Dũng vốn rất đa tài, ông không chỉ làm thơ mà còn vẽ tranh, soạn nhạc. Ông cũng như những người lính Tây Tiến cùng xuất thân từ những người trí thức trẻ, họ là học sinh, sinh viên Hà Nội gác bút nghiên lên đường chiến đấu. Bởi thế họ vốn có tâm hồn trẻ trung, hào hoa và lãng mạn.


Ngay từ những câu đầu của bài thơ, cảm hứng lãng mạn đã bao trùm bởi nỗi nhớ da diết về đoàn binh Tây Tiến cùng hình ảnh nước non hùng vĩ, nên thơ của trên con đường hành quân:


Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi


Nỗi nhớ của nhà thơ hiện lên trong bài thơ dạt dào, chơi vơi. Nhà thơ gọi “Tây Tiến ơi” như tiếng gọi thân thương tới những người đồng chí, đồng đội. Đó cũng là tiếng gọi về những miền ký ức xa xôi, thẳm sâu trong trái tim người lính Quang Dũng. Hai từ “chơi vơi” khiến cho tiếng gọi như kéo dài hơn, thổn thức hơn. Cùng với nỗi nhớ đầy ắp, mãnh liệt, hình ảnh của nước non hùng vĩ, nên thơ dần hiện lên qua cái nhìn bay bổng, lãng mạn của tâm hồn Quang Dũng. Những cơn mưa “nhà ai Pha Luông mưa xa khơi” vẽ lên bức tranh núi cao bên dưới là những ngôi nhà thấp thoáng trong mưa bước vào trang thơ Quang Dũng thật đẹp. Miên man trong nỗi nhớ, với tâm hồn trẻ trung, lãng mạn, nhà thơ phải thốt lên “Ôi Tây Tiến” với những kỷ niệm về “cơm lên khói” cùng mùa em với hương “thơm nếp xôi”. Dù cuộc hành quân có khó khăn gian khổ đến đâu, thì nhà thơ cũng như những người lính Tây Tiến vẫn cảm nhận được vẻ đẹp rất đỗi bình dị, thân thương trên con đường anh bước. Vẻ đẹp bình dị áy đến từ những cái rất đỗi nhỏ bé như những “chiều sương” bảng lảng, vấn vương lên áo, lên tóc các anh, những “hồn lau” phất phơ bến bờ hay những bông hoa ban, hoa rừng “hoa đong đưa” bên “dòng nước lũ”. Phải là một người có tâm hồn lãng mạn, hào hoa lắm mới có thể nhận ra những vẻ đẹp tuyệt vời ấy. Đó đều là những hình ảnh thơ giàu sức gợi và gây ấn tượng đối với người đọc.


Cảm hứng lãng mạn xuyên suốt còn thể hiện ở sự trẻ trung, tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, lãng mạn của người lính xuất thân từ mái trường Hà Nội. Chính sự trẻ trung, yêu đời của người lính đã mang đến những liên tưởng, ví von hết sức độc đáo như hình ảnh “ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống” hay cách nói “súng ngửi trời” rất đáng yêu. Sự lãng mạn, trẻ trung còn thể hiện ở sự vui vẻ, cùng hòa mình vào không gian đêm liên hoan văn nghệ ấm tình quân dân, những ngọn lửa cháy bập bùng trên cây đuốc kia chẳng khác nào những bông hoa lửa đang đua nhau phát sáng. Phải là một người có tâm hồn lãng mạn mới có những cách ví von và liên tưởng thú vị đến thế. Trong cái ánh sáng bừng lên cùng không khí ấm áp đêm lửa trại, hình ảnh những cô gái miền sơn cước hiện lên thật lộng lẫy với “xiêm áo” nhiều màu sắc sặc sỡ. Vẻ đẹp ấy hiện lên trước sự ngỡ ngàng của những chàng trai Hà Thành với tâm hồn tinh tế. Bức tranh đêm lửa trại thật ấm áp, vui vẻ với đủ màu sắc, ánh sáng và âm thanh. Với tâm hồn tinh tế, những khúc nhạc rộn ràng giúp người lính “xây hồn thơ”. Không chỉ có thế, các anh còn mơ về Hà Nội với những “dáng kiều thơm”. Hình ảnh giấc mơ của người lính hiện lên thật lãng mạn, đậm chất của những người thanh niên học sinh, sinh viên trẻ bước đi theo tiếng gọi của tổ quốc thiêng liêng.


Bên cạnh cảm hứng lãng mạn, thì tinh thần bi tráng cũng là nét đặc sắc tạo nên thành công cho bài thơ Tây Tiến. Bi tráng là trong cái buồn đau nhưng vẫn rất hào hùng, mạnh mẽ chứ không hề đau thương, bi lụy. Bài thơ đã nói lên những khó khăn, gian khổ mà những người chiến sĩ phải vượt qua. Đó là những dốc núi thăm thẳm, cao chót vót “”dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm”, sự heo hút và đe dọa bởi thú dữ trong rừng sâu “cọp trêu người” và cả những dịch bệnh sốt rét nơi rừng hoang sương muối khiến tóc không mọc, da xanh xao như lá. Thậm chí, các anh còn phải đối mặt với cái chết.


Nhà thơ không hề né tránh cái chết mà từ đó khẳng định sự quả cảm hi sinh của những người lính Tây Tiến. Những người lính vẫn oai phong “giữ oai hùm”. Đứng trước cái chết, những người lính Tây Tiến vẫn “chẳng tiếc đời xanh”.Đó là tinh thần “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” một thời bom đạn. Đặc biệt màu sắc tráng lệ, hào hùng được thể hiện ở cái chết hào hùng, bất tử của đoàn quân Tây Tiến. Những nấm mồ nơi biên cương qua cách miêu tả của nhà thơ không hề bi lụy mà rất oai hùng. Nơi biên cương xa xôi, các anh hi sinh được khoác trên mình chiếc áo bào oanh liệt như một vị tướng thời xưa và được trở về với đất mẹ thiêng liêng. Bằng cách sử dụng từ ngữ hán việt, hình ảnh sự hi sinh của người lính mang hơi hướng cổ kính, tạo nên một âm hưởng bi tráng, hào hùng rực rỡ. Chất bi tráng, chất sử thi đặc sắc lên đỉnh cao khi đất nước tiễn đưa các anh bằng khúc tráng ca oai phong, lẫm liệt trong hình ảnh “sông Mã gầm lên khúc độc hành”. Tinh thần bi tráng đã làm nổi bật lên vẻ đẹp một thời rực lửa của những con người trẻ tuổi mang đầy nhiệt huyết, quả cảm, vì tổ quốc không tiếc thân mình.


“Tây Tiến” là một bài thơ đặc sắc thể hiện chân dung người lính Tây Tiến lãng mạn, hào hoa mà vẫn hiên ngang, quả cảm quyết hi sinh thân mình cho tổ quốc tự do. Cảm hững lãng mạn và tinh thần bi tráng bao trùm bài thơ đã làm nên thành công của tác phẩm, khẳng định giá trị trong nền thơ ca cách mạng Việt Nam và để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong trái tim người đọc về một thời khói lửa, can qua.

Cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng trong bài thơ
Cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng trong bài thơ "Tây Tiến" bài 5
Cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng trong bài thơ
Cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng trong bài thơ "Tây Tiến" bài 5

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy