Nguyễn Hiền- Trạng Nguyên trẻ nhất nước ta.

Nguyễn Hiền sinh năm 1235, quê làng Hà Dương, huyện Thượng Nguyên, tỉnh Nam Định , đỗ thủ khoa năm Bính Ngọ (1246) đời Trần Thái Tông, đến năm sau ( 1247), ông thi Đình và đỗ Trạng Nguyên.

Nguyễn Hiền vốn rất thông minh, có trí nhớ tốt. Lúc sáu, bảy tuổi, ông theo học một nhà sư ở chùa làng, mỗi ngày sư thầy cho học hai mươi trang sách, ông đọc qua là thuộc.

Ngay từ lúc ấy, ông đã nổi tiếng là thần đồng, cũng nổi tiếng là tinh nghịch. Một lần ông nặn con voi đất, rồi lấy bốn con cua để vào bốn chân, lấy đỉa làm vòi, lấy bướm làm tai, thành ra voi đất mà cũng cử động được, khiến cho bọn trẻ vui thích và reo hò ầm ĩ. Chợt một ông quan đi qua đứng lại xem và hỏi chuyện Hiền. Thấy Hiền khéo léo và láu lỉnh, ông quan liền đọc bỡn một câu:

- Đồng tử ngũ lục nhân, vô như nhĩ xảo!

Câu này có nghĩa: bọn trẻ năm, sáu đứa, không đứa nào khéo bằng mày.

Trạng thấy vậy, hỏi ông quan rằng:

- Xin ông cho biết ông làm chức quan gì?

Ông quan nói:

- Ta là quan thái thú ăn lương hai ngàn hộc.

Thấy quan có ý khoe khoang, Hiền liền đọc rằng:

- Thái thú nhị thiên thạch, mạc nhược công ...

Nghĩa là: Quan thái thú ăn lương hai ngàn hộc, chẳng ai ... bằng ông.

Quan cười bảo: - Đối còn thiếu một chữ! Hiền nài cho tiền rồi sẽ đối nốt. Quan cho tiền xong, Hiền nhoẻn cười, đọc rằng:

- Thái thú nhị thiên thạch, mạc nhược công liêm.

Nghĩa là: Quan thái thú ăn lương hai ngàn hộc, chẳng ai liêm khiết bằng ông.

Quan chịu là giỏi, nhưng vui miệng hỏi thêm:

- Thế nếu ta không cho tiền thì chú đối chữ gì? Hiền trả lời: - Khó gì! Nếu ông không cho tiền thì tôi chỉ việc điền chữ "tham" vào thôi. Quan biết rằng thằng bé láu cá, đành bỏ đi, không dám trêu chọc gì nữa, kẻo lại mang tiếng "to đầu mà dại".

Khoa thi đình năm Đinh Mùi (1247), Nguyễn Hiền chiếm bảng vàng, trở thành trạng nguyên trẻ tuổi nhất từ trước tới nay. Khi vào yết kiến vua, vua thấy Trạng nhỏ tuổi mà hiểu biết sâu rộng mới hỏi:

- Trạng nguyên theo học thầy nào?

Trạng Hiền thực thà đáp:

- Thần tự học lấy, có chữ nào không hiểu thì hỏi sư ông ở chùa làng.
Vua thấy Trạng bé loắt choắt mà có vẻ tự kiêu, ăn nói lại hàm hồ, không có phép tắc gì cả, bèn bắt về học lễ ba năm rồi sẽ bổ dụng làm quan.

Trạng về được ít lâu thì có sứ nhà Nguyên sang, sứ đưa ra một bài thơ ngũ ngôn để thử nhân tài nước Nam:

Lưỡng nhật bình đầu nhật,
Tứ sơn điên đảo sơn.
Lưỡng vương tranh nhất quốc
Tứ khẩu tung hoành gian.

Nghĩa là:

Hai mặt trời, mặt trời bằng đầu,
Bốn trái núi, trái núi điên đảo.
Hai ông vua tranh nhau một nước,
Bốn cái miệng ở trong khoảng dọc ngang.

Thật là kỳ quặc, cả triều đình đều chịu, không ai hiểu ra sao cả. Có người tâu vua cho mời Trạng Hiền đến hỏi xem. Vua đành phải y lời.


Khi sứ giả tới làng Trạng, gặp một thằng bé đang đùa nghịch ở đầu làng liền hỏi thăm vào nhà Hiền, nhưng thằng bé cứ làm thinh, chẳng nói chẳng rằng. Sứ bực mình, lại nhận thấy thằng bé có vẻ ngọ nghĩnh, bèn đọc một câu rằng:

- Tự là chữ, cất giằng đầu, tử là con, con ai con ấy?

Thằng bé thấy sứ trêu chọc bấy giờ mới chịu mở miệng, nhưng không phải để chỉ nhà Hiền mà để đối lại như sau:

- Vu là chưng, bỏ ngang lưng, đinh là đứa, đứa nào đứa này?

Đối xong chạy biến. Nghe câu đối xược mà tài tình, sứ đoán chắc đó là Trạng Hiền, liền theo hút vào nhà. Tới sân, thấy trạng đứng trong bếp, sứ lại đọc trêu một câu nữa:

- Ngô văn quân tử, tử viễn bảo trù, hà tu mị táo?

(Ta nghe người quân tử thường lánh xa nơi bếp núc, sao lại đi nịnh ông bếp?)

Nhưng Trạng đâu chịu lép, biện bạch ngay:

- Ngã bản hữu quan cư đỉnh nại, khả tạm điều canh!
(Ta vốn là chức quan vào hàng tể tướng, nhưng hãy tạm nêm canh!)

Sứ triều đình khâm phục vô cùng, liền mời ngay trạng về kinh để hỏi bài thơ kia.

Song mời mãi mà trạng không chịu đi, chỉ lắc đầu nói rằng: "Trước vua bảo ta không biết phép tắc, nay chính nhà vua cũng không biết phép tắc!". Thì ra trong lúc vội vàng, sứ đã quên cả nghi thức. Sau sứ phải mang xe ngựa, nghi trượng đến đón thật long trọng, trạng mới chịu đi cho.

Tới triều, vua đem bài thơ ngũ ngôn của sứ nhà Nguyên ra hỏi, Trạng Hiền liếc mắt qua rồi giảng rằng đó là chữ ĐIỀN. Thì ra bài thơ ấy phải hiểu là:

Hai nhật bằng đầu để song hàng,
Bốn sơn xáo lộn dọc cùng ngang.
Hai vương nghiêng ngửa lo tranh nước
Bốn khẩu liền nhau ghép vững vàng.

Lúc bấy giờ vua quan mới vỡ nhẽ, cả triều đình ai cũng phục trạng và khi đưa câu trả lời cho sứ nhà Nguyên, sứ cũng hoảng hồn không còn dám lên mặt nữa.
Nguyễn Hiền- Trạng Nguyên trẻ nhất nước ta.

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy