Dạy con tri ân tổ tiên, ông bà, cha mẹ
Hãy tâm sự với con về những đóng góp của tổ tiên với con cháu và sự vất vả của ông bà đã nuôi cha mẹ nên người. Qua đó trẻ cảm nhận được những khó khăn vất vả của người lớn, để lòng tri ân sẽ đến một cách tự nhiên. Những ngày Tết các gia đình thường sửa soạn mâm cỗ, với các món ăn truyền thống như bánh chưng, thịt nấu đông, canh măng,… để cúng ông bà tổ tiên.
Sự tri ân của bé trở nên có ý nghĩa nhất khi cha mẹ và người thân trong gia đình là tấm gương để trẻ soi vào. Vì thế cha mẹ hãy là người đầu tiên và duy nhất để bé cảm nhận sâu sắc nhất cách thể hiện tình cảm, sự mang ơn tới những người thân trong gia đình bằng những hành động cụ thể. Nếu bạn sống xa gia đình hãy cho bé cơ hội được về quê vào ngày Tết cổ truyền.
Trong bữa cơm ngày tết của đại gia đình ngoài lời cảm ơn đôi khi cũng cần gợi ý cho con có những hành động cụ thể tri ân ông bà, cha mẹ như: Bóp vai cho ông bà, rót nước, lấy tăm cho ông bà, quạt mát cho mẹ... Khi bé hỏi cha mẹ về những mối quan hệ ruột thịt trong gia đình như “Tại sao lại phân biệt ông nội và ông ngoại, lại còn có ông trẻ nữa?”, cha mẹ hãy kiên nhẫn giải thích về những mối liên hệ máu mủ, ruột rà để bé có thể hiểu được ý nghĩa huyết thống của gia đình mình.