Đền Đông Cuông
Đền Đông Cuông là ngôi đền cổ thờ chính Mẫu Đệ Nhị Thượng ngàn trong tục thờ Mẫu Tam phủ, đồng thời cũng thờ phụng những vị nhân thần vì dân vì nước trong suốt lịch sử chống giặc ngoại xâm. Đền nằm bên dòng sông Hồng thuộc địa phận thôn Bến Đền, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Từ lâu đã nổi danh là một trong những ngôi đền linh thiêng nằm ven sông Hồng.
Ở đền Đông Cuông, hình tượng Mẫu Thượng ngàn cai quản 81 cửa rừng có sự pha trộn, chồng lớp bởi rất nhiều truyền thuyết ở các thời đại khác nhau. Đông Quang Công Chúa hay Mẫu Đông Cuông tên thật là Lê Thị Kiểm. Bà là vợ ông Hà Văn Thiên, người Tày Đông Cuông được triều đình giao cai quản vùng Đông Cuông và ngoại vi. Ông Thiên, hậu duệ của Hà Đặc, Hà Bổng (Trại chủ Quy Hoá) bị hy sinh trong chiến tranh chống quân Nguyên. Ông bà sinh hạ được một con trai. Khi Ông tạ thế, bà Kiểm và con trai ở lại Đông Cuông rồi mất tại đấy. Dân lập miếu thờ ông bên Ghềnh Ngai (hữu ngạn sông Hồng) và thờ hai mẹ con bà bên tả ngạn, đối diện với miếu.
Theo ghi chép của Lê Quý Đôn trong “Kiến văn tiểu lục”, ngôi miếu này thờ Đông Quang công chúa nổi tiếng anh linh, giúp dân lập bản lập mường, dạy dân bách nghệ, chữa bệnh, cứu đói. Vào đời vua Lê Thái Tổ đã phong bà là Lê Mại Đại Vương, sau khi bà phù hộ cho vua Lê đánh tan giặc. Tích sắc phong này là: Vào thời đầu khởi nghĩa, nghĩa quân Lam Sơn bị vây khốn ở Phản Ẩm. Khi tình thế nguy cấp. Mẫu Thượng Ngàn đã hóa thành ngọn đuốc lớn, soi đường quân sĩ thoát vây. Trong suốt cuộc chiến, vua Lê luôn được sự che chỏ của Mẫu. Vì thế, sau khi cuộc khởi nghĩa vua Lê đã ra sắc phong để phong cho Mẫu là Lê Mại Đại Vương. Đền Đông Cuông còn có tên là đền Thần Vệ quốc theo sắc phong của triều đình Nguyễn.
Địa chỉ: Đông Cuông, Văn Yên, Lào Cai