Top 13 Ngôi đền, phủ thờ Mẫu linh thiêng nhất miền Bắc
Thờ mẫu là một tín ngưỡng dân gian có từ lâu đời trong đời sống văn hóa cũng như đời sống tinh thần của người dân Việt Nam. Tín ngưỡng thờ mẫu là sự tin ... xem thêm...tưởng, tôn vinh, thờ phụng, tín ngưỡng những vị nữ thần gắn với các truyền thuyết cổ xưa. Cùng Toplist.vn khám phá những ngôi đền, phủ thờ Mẫu linh thiêng nhất miền Bắc để có thể cho chúng ta đến chiêm ngưỡng, lễ bái, cầu xin những điều may mắn nhé
-
Quần thể di tích Phủ Dầy - Nam Định
Khu di tích Phủ Dầy (còn ghi là Phủ Dày, Phủ Giày, Phủ Giầy) thuộc xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Đây là một quần thể kiến trúc tín ngưỡng có giá trị cao về mặt nghệ thuật, gắn liền với việc thờ phụng bà Chúa Liễu Hạnh - một trong “tứ bất tử” được dân gian kính cẩn suy tôn. Quần thể Phủ Dầy có hơn 20 công trình kiến trúc đặc sắc, trong đó có 3 công trình gắn liền chặt chẽ với cuộc đời Thánh Mẫu Liễu Hạnh trong lần giáng sinh thứ 2, đó là phủ Tiên Hương (phủ chính), phủ Vân Cát và lăng Chúa Liễu.
Phủ chính là một công trình đẹp, trước phủ là một giếng tròn giữa có cột cờ rồi đến một sân rộng nối với hệ thống nghi môn trụ, trên đỉnh đắp chim phượng và lân. Tiếp đến là ba tòa nhà ngang: nhà bia, nhà trống, nhà chiêng. Một hồ bán nguyệt có lan can thấp bao quanh, có bình phong và hai cầu vượt đều bằng đá. Điện thờ chính, thờ hệ thống Mẫu Tứ Phủ. Mẫu Thượng Thiên (Trời) ớ giữa, Mẫu Địa (đất) ở bên phải, Mẫu Thoải (Nước) ở bên trái, Mẫu Thượng Ngàn (núi, rừng) ở phía trước.
Phủ Vân Cát không cách xa phủ chính, mang một vẻ đẹp khác, phía trước là hồ bán nguyệt, rồi tới ngũ môn uy nghi. Trung tâm là nơi thờ Chúa Liễu. Khu vực bên trái là chùa thờ Phật, bên phải là đền thờ Lý Nam Đế.
Lăng chúa Liễu, bên cạnh phủ chính, chiếm một khu vực riêng hình chữ nhật. Toàn bộ công trình đều xây bằng đá, chạm trổ đẹp. Giữa lăng là một ngôi mộ hình bát giác, mỗi cạnh chừng một mét.
Mẫu Liễu Hạnh là nhân vật trung tâm được thờ phụng trong các di tích ở Phủ Giầy cũng như trong lễ hội Phủ Giầy. Đây là một nhân vật vừa là thiên thần, vừa là nhân thần với những huyền thoại dày đặc yếu tố kỳ ảo.
Địa chỉ: Kim Thái, Vụ Bản, Nam Định
-
Phủ Tây Hồ
Phủ Tây Hồ thuộc thôn Tây Hồ, trước kia đây là vùng đất cổ của kinh thành Thăng Long, cách trung tâm Thủ đô khoảng 4km về phía Tây.
Phủ Tây Hồ phụng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, bà chính là một trong tứ thần bất tử bao gồm: Sơn Tinh, Thánh Gióng, Liễu Hạnh Thánh Mẫu và Chử Đồng Tử. Thánh Mẫu Liễu Hạnh được thờ trên khắp đất nước Việt Nam, tại phủ Tây Hồ là dấu ấn trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam - Tứ Phủ một tín ngưỡng lâu đời nhất của Việt Nam với những nét đẹp độc đáo vô cùng.
Tục truyền rằng, Chúa Liễu Hạnh chính là bà Quỳnh Hoa – con gái thứ 2 của Ngọc Hoàng. Vì tội làm vỡ cái ly ngọc quý nên Quỳnh Hoa bị cha đày xuống trần gian. Sau khi bị đày xuống hạ giới, người con gái này đã khám phá rất nhiều nơi nhưng khi qua đảo Tây Hồ bà phát hiện nơi đây chính là địa linh sơn thủy hữu tình nên dừng lại và mở một quán nước nhỏ để làm thú vui cho riêng mình với những người dân sống ở đây.
Thánh Mẫu đã giúp dân diệt trừ ma quái, trừng phạt tham quan, mang lại cuộc sống an lành cho cư dân. Bà chuyên trừng trị kẻ gian tà, hay trêu ghẹo, có ý đồ xấu với người khác. Trong lần đi thuyền dạo chơi trên hồ, vì thấy cảnh sắc hữu tình trạng nguyên Phùng Khắc Khoan ghé vào ngự quán và thấy lưu luyến vô cùng. Thế nhưng, lần thứ hai trở lại Phùng Khắc Khoan không còn thấy tiên chúa nữa. Để nguôi ngoai nỗi nhớ và thể hiện tình cảm của mình với nàng, ông đã cho lập đền thờ, từ đó nơi đây có tên là phủ Tây Hồ.
Địa chỉ: Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội
-
Đền Sòng Sơn
Đền Sòng Sơn được xây dựng vào thời Cảnh Hưng triều vua Lê Hiển Tông( 1740- 1786) là nơi thờ Nữ Thần Vân Hương- Bà Chúa Liễu Hạnh hay Thánh mẫu Liễu Hạnh. Đền Sòng Sơn xưa thuộc trang Cổ Đam, Phú Dương, Phủ Tống,Thanh Hoá, nay thuộc Phường Bắc Sơn, Thị xã Bỉm Sơn,Tỉnh Thanh Hoá.
Đền Mẫu Sòng Sơn được xây dựng vào thời Cảnh Hưng triều Vua Lê Hiển Tông (1704 - 1786) - Thế kỷ 18 với lịch sử gần 300 năm. Đền Mẫu Sòng Sơn gắn liền với sự tích Thánh Mẫu Liễu Hạnh hiển thánh. Đây được coi là một trong các nôi của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam - Tứ Phủ phát triển của khu vực Thanh Hóa, Nghệ An đổ về trong, đền được tôn xưng là linh thiêng nhất xứ Thanh.
“Thánh đường tôn thờ nữ thần Liễu Hạnh” là một trong những điều nổi tiếng khi người ta nói về đền Sòng. Điều này được bắt nguồn từ một truyền thuyết được nhân dân trong vùng truyền tụng qua nhiều đời. Chuyện kể rằng vào khoảng năm Vĩnh Tộ đời vua Lê Thần Tông (1619 – 1628), một ông lão người làm Cổ Đam, trang Phú Dương, Tống Sơn, phủ Hà Trung (nay là làng Cổ Đam, Lam Sơn, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa) được tiên chúa nhập hồn báo mộng: “Hãy về nói với dân làng dựng cho ta một ngôi đền để ta ngự, ta sẽ phù hộ cho các ngươi”. Vâng theo lời tiên Chúa, vào một buổi sáng cuối tháng Giêng, ông lão mang một cây gậy tre đến mảnh đất ấy (nay là đền Sòng) rồi cắm xuống, thắp hương mà khấn rằng: “Nếu cây gậy này mà tươi tốt thì chúng con sẽ chọn đất này để lập đền tôn thờ tiên chúa”.
Ít lâu sau, cây gậy như có phép lạ mà bỗng nảy lá, đâm măng và lớn lên thành bụi tre tươi tốt. Không ai dám chặt hết bụi tre này. Từ đó, người ta gọi nó là bụi Tre Thần và lập nên đền thờ Thánh Mẫu trên mảnh đất ấy.Địa chỉ: Bắc Sơn, TX. Bỉm Sơn, Thanh Hoá
-
Đền Dầm
Đền Dầm tọa lạc tại thôn Xâm Dương, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín. Từ đê Hữu Hồng, rẽ vào khoảng 300 m là tới nơi. Ngôi đền được Vua ban tới 6 sắc phong, từ đời vua Lê Thần Tông đến đời vua Khải Định. Đền Dầm thờ Thủy Cung Thánh Mẫu, hay còn được hiểu là Mẫu Thoải – vị Thánh Mẫu cai quản miền sông nước. Vì đức độ, bà được tôn phong là Đệ Tam Thánh Mẫu trong đức thờ Tam Tòa Thánh Mẫu. Tương truyền, vị thánh mẫu này là con gái Long Vương, có công phù Vua Trần Nhân Tông đánh quân Nguyên. Chiến thắng trở về, ngài cho xây đền Xâm Dương (còn gọi là Đền Dầm) và đền Xâm Thị, đều thờ Mẫu Thoải.
Đền Dầm gắn liền truyền thuyết “Hoàng Long công chúa bị đày vì làm vỡ chén ngọc được chàng Liễu Nghị giải oan. Để trả ơn, nàng đã hiện lên báo mộng giúp Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đánh thắng giặc ngoại xâm”. Khi thắng trận trở về, ông dâng biểu lên Vua báo công và nêu rõ việc Ngọc Dung báo mộng. Vua sai sứ giả về Xâm Miện vào miếu (nay là đền Dầm) bái tạ, và ban tặng sắc phong. Rồi lệnh cho nhân dân Xâm Miện đến kinh thành rước sắc về để dân làng thờ phụng. Các triều vua kế tiếp đều có sắc phong cho đền. Sau này để tưởng nhớ công ơn của Hưng Đạo Vương đã trình tấu lên Vua ban sắc phong cho đền Dầm, nhân dân địa phương đã xây dựng một ngôi đền bên cạnh để thờ Hưng Đạo Vương. Vì thế mà trong khuôn viên đền Trần bên cạnh đền chính, không chỉ có miếu cô, miếu cậu mà còn có cả đền thờ Trần Hưng Đạo.
Đây là một trong những ngôi đền có số lượng sắc Phong lớn nhất Việt Nam dưới các triều Trần, Lê, Nguyễn sắc phong đến 28 lần (Trần triều 7 đạo, Lê triều 13 đạo, Nguyễn triều 8 đạo) – một kỷ lục về sắc phong, khó có đền phủ nào được như vậy. Số lượng sắc phong này ngang với Phủ Tiên Hương – Nơi thờ của Mẫu Liễu Hạnh tại Phủ Dày (Nam Định).
Địa chỉ: Xâm Dương, Ninh Sở, Thường Tín, Hà Nội
-
Đền Đông Cuông
Đền Đông Cuông là ngôi đền cổ thờ chính Mẫu Đệ Nhị Thượng ngàn trong tục thờ Mẫu Tam phủ, đồng thời cũng thờ phụng những vị nhân thần vì dân vì nước trong suốt lịch sử chống giặc ngoại xâm. Đền nằm bên dòng sông Hồng thuộc địa phận thôn Bến Đền, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Từ lâu đã nổi danh là một trong những ngôi đền linh thiêng nằm ven sông Hồng.
Ở đền Đông Cuông, hình tượng Mẫu Thượng ngàn cai quản 81 cửa rừng có sự pha trộn, chồng lớp bởi rất nhiều truyền thuyết ở các thời đại khác nhau. Đông Quang Công Chúa hay Mẫu Đông Cuông tên thật là Lê Thị Kiểm. Bà là vợ ông Hà Văn Thiên, người Tày Đông Cuông được triều đình giao cai quản vùng Đông Cuông và ngoại vi. Ông Thiên, hậu duệ của Hà Đặc, Hà Bổng (Trại chủ Quy Hoá) bị hy sinh trong chiến tranh chống quân Nguyên. Ông bà sinh hạ được một con trai. Khi Ông tạ thế, bà Kiểm và con trai ở lại Đông Cuông rồi mất tại đấy. Dân lập miếu thờ ông bên Ghềnh Ngai (hữu ngạn sông Hồng) và thờ hai mẹ con bà bên tả ngạn, đối diện với miếu.
Theo ghi chép của Lê Quý Đôn trong “Kiến văn tiểu lục”, ngôi miếu này thờ Đông Quang công chúa nổi tiếng anh linh, giúp dân lập bản lập mường, dạy dân bách nghệ, chữa bệnh, cứu đói. Vào đời vua Lê Thái Tổ đã phong bà là Lê Mại Đại Vương, sau khi bà phù hộ cho vua Lê đánh tan giặc. Tích sắc phong này là: Vào thời đầu khởi nghĩa, nghĩa quân Lam Sơn bị vây khốn ở Phản Ẩm. Khi tình thế nguy cấp. Mẫu Thượng Ngàn đã hóa thành ngọn đuốc lớn, soi đường quân sĩ thoát vây. Trong suốt cuộc chiến, vua Lê luôn được sự che chỏ của Mẫu. Vì thế, sau khi cuộc khởi nghĩa vua Lê đã ra sắc phong để phong cho Mẫu là Lê Mại Đại Vương. Đền Đông Cuông còn có tên là đền Thần Vệ quốc theo sắc phong của triều đình Nguyễn.
Địa chỉ: Đông Cuông, Văn Yên, Lào Cai
-
Đền Cờn Môn
Đền Cờn Môn là ngôi đền thờ Mẫu nổi tiếng trong tâm thức người Việt Nam nói chung, đặc biệt là khu vực Nghệ An và Thanh Hóa. Bởi vậy người Nghệ An thường có câu “Nhất Cờn, nhì Quả, tam Mã, tứ Trưng”, đó là câu nói chỉ bốn ngôi đền thiêng ở Nghệ An, trong đó đền Cờn được xếp vào loại thiêng nhất. Đây là ngôi đền có nền tảng lịch sử lâu đời với nhiều truyền thuyết được truyền miệng đến ngày nay.
Đền Cờn thờ Tứ vị Thánh Nương, truyền thuyết kể rằng: “Các Thánh nương là ba mẹ con Công chúa nước Nam Tống là Thái hậu Dương Nguyệt Quả, hai Công chúa Triệu Nguyệt Khiêu, Triệu Nguyệt Hương và bà nhũ mẫu. Năm Thiệu Bảo thứ nhất (1229), quân Nguyên đánh úp quân Tống ở Nhai Sơn, Trương Thế Kiệt, Lục Tú Phu trung thần nhà Nam Tống đưa vua Đế Bính, gia quyến cùng binh sỹ hơn 800 người lên thuyền ra biển chạy trốn, bị quân Nguyên truy sát gấp rút lại gặp sóng to gió lớn, vua tôi Nam Tống chết chìm ở biển Đông. Thi thể 3 mẹ con Công chúa trôi dạt vào cửa Tráp (cửa Càn). Dân làng Càn thấy thi thể những phụ nữ chết đuối nhưng mặt mũi hồng tươi, xiêm y quý tộc, đặc biệt tỏa ra mùi thơm như lan như quế nên lấy làm lạ, bèn chôn cất và lập miếu thờ, sau đó mỗi khi ra khơi đến cầu khẩn đều thấy linh nghiệm".
Theo Đại Việt sử ký toàn thư đền Cờn được xây dựng vào năm 1312, một năm sau khi hoàng đế Trần Anh Tông đem quân đi đánh Chiêm Thành (1311). Trong chuyến hành quân, trên đường đi nhà vua đã dừng đoàn chiến thuyền tại cửa Càn (nay là cửa Cờn). Nửa đêm chiêm bao thấy có thần nữ khóc và nói: “thiếp là cung phi nhà Triệu Tống, bị giặc bức bách, gặp sóng to chết đuối trôi dạt đến đây, thượng đế phong cho làm thần biển đã lâu, nay thấy bệ hạ đem quân đi thiếp xin giúp đỡ lập công. Khi thức dậy vua cho gọi các cố lão ở đấy hỏi sự thực, ban tế một tuần rồi đi, thì thấy biển không nổi sóng, tiến thẳng đến thành Chà Bàn, bắt được vua Chiêm đem về. Sau khi chiến thắng trở về nhằm ghi nhớ công đức của các vị thánh nương vua sai lập đền thờ ở cửa biển Cần Hải (nguyên trước là Càn Hải vì tránh tên húy nên đổi lại thành Cần Hải) Cửa Cờn ngày nay.
Địa chỉ: Hoà Bình, Thịnh Lộc, Lộc Hà, Hà Tĩnh
-
Đền Mẫu Hoa Dương
Đền Mẫu Hưng Yên hay còn được gọi là Hoa Dương Linh Từ là nơi thờ cúng linh thiêng nằm trong Quần thể di tích Phố Hiến nổi tiếng của tỉnh Hưng Yên.
Từ xưa đến nay, mỗi khi đến vùng đất Hưng Yên, không ai là không biết đến đền Mẫu Hoa Dương (gọi nôm là đền Mẫu Hưng Yên). Ngôi đền này thờ bà Dương Quý Phi nguyên là vợ của vua Tống thời xưa nổi tiếng linh thiêng nay tọa lạc ngay bên bờ hòa Bán Nguyệt, đây cũng là địa điểm tâm linh nổi tiếng thu hút đông đảo khách thập phương về lễ.
Thần phả của đền ghi lại rằng: Năm 1279, quân Nguyên xâm lược quân Tống. Vua Tống là Tống Đế Bình khi đó mới 9 tuổi cùng hoàng tộc và quân thần lên thuyền bỏ chạy ra biển đông. Do thuyền truy sát của quân Nguyên đuổi sát thuyền vua Tống. Biết không thể thoát, nên Vua Tống, hoàng tộc và các quần thần đã nhảy xuống biển để tuẫn tiết. Dân làng chài Cờn Môn - Nghệ An nhìn thấy 4 cái xác, nhưng chỉ vớt được 3 xác. Còn xác kia trôi về cửa sông Phố Hiến ( Hưng Yên ngày nay). Xác đó chính là Dương Quý Phi mẹ vua Tống Đế Bính). Nhân dân xót thương bà và đã lập đền thờ bà. Đời Vua Trần Ánh Tông khi đi đánh chiêm thành đã nằm mộng thấy Dương Quý Phi đến xin âm phù trợ để giết giặc. Khi thắng trận trở về, nhà vua cho tôn tạo lại ngôi đền khang trang hơn.
Được xây dựng từ thời vua Trần Nhân Tông tuy đã qua các thời kì tu sửa nhưng đến đền Mẫu, du khách vẫn được hưởng trọn vẹn vẻ lâu đời, cổ kính còn vương lại trên từng viên gạch, mái chùa hay những bức tượng. Tương truyền trong chùa còn có chiếc giường linh thiêng từng là nơi nghỉ ngơi của Dương Quý Phi.
Địa chỉ: Quang Trung, Hưng Yên
-
Đền Mẫu Sinh - Hóa
Đền Sinh – Đền Hóa (xã Lê Lợi, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương) không chỉ nổi tiếng là di tích văn hóa lịch sử với tín ngưỡng thờ mẫu. Nơi đây, còn là địa chỉ cầu tự dành cho những cặp vợ chồng mong muốn sinh con. Trong đó, nhiều người ứng nghiệm, niềm mong mỏi có con đã toại nguyện.
Trong gian hậu cung của đền là một phiến đá to, phiến đá này có hình dáng tựa như một người phụ nữ đang lâm bồn. Phiến đá này được dân chúng ở đây tôn xưng là Đức Thánh Mẫu Thạch Bàn. Phiến đá này có chiều cao chừng 3m, chiều rộng là 5m, hình dáng thì tựa một người phụ nữ đang nằm ngủa trong lúc sắp sinh.
Theo dân gian lưu truyền, ngày xưa, có hai vợ chồng là Chu Thức và Thị Ba lấy nhau đã lâu nhưng hiếm muộn, mãi chưa có một mụn con. Một hôm nọ bà Ba nằm mơ thấy Sơn Thần có nói rằng người phụng chỉ của Ngọc Hoàng, báo cho hai người biết tương lai sẽ có sao đầu thai vào nhà để giúp đất nước. Tỉnh mộng, hai ông bà ra khỏi chùa, đi tới cửa chùa thì thấy một dấu chân to, bà Ba ướm chân lên thì dấu chân đó biến mất. Ngày 05 tháng 5 năm Ngọ, bỗng nhiên trời đất tối sầm, mưa gió dữ dội, hương thơm đầy nhà. Đến giờ Thân, thai nhi chuyển động, một cậu bé ra đời, mặt như mặt trời mùa hạ. Cậu bé cất tiếng khóc, tự nhiên trời đất xoay vần, cây cối chuyển động rồi trời quang, mây tạnh khiến mọi người lấy làm lạ. Ngày tháng trôi qua, cậu bé thường ngồi trong phòng yên lặng nghiền ngẫm văn chương, ban đêm luyện võ, thảo binh thư. Rồi mọi kinh sách đều thông hiểu.
Bấy giờ Lý Nam Đế (TK6) khởi nghĩa ở An Thảo chống quân Lương đô hộ, Phúc Uy liền gia nhập nghĩa quân, được Nam Đế phong là Phi Tướng, sau lại gia phong Uy Vũ đại tướng quân, trấn thủ xứ Hải Dương. Khi giặc phương bắc xâm lược nước ta, Lý nam Đế cử ông trấn giữ Bắc đạo, ông mang đại binh đến cự chiến. Quân giặc qua giáp như nêm, cờ bay rợp trời, chống cự quyết liệt với quân ta tại sông Thiên Đức. Quân ta phải rút về trấn giữ Việt Yên. Ông hy sinh tại đây ngày 11 tháng 8. Đức Thánh Phi Bồng còn nhiều lần hiển linh giúp vua nhà Tiền Lý và phù hộ cho Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đánh đuổi giặc xâm lược. Đây còn là nơi linh thiêng được nhiều bậc vua chúa, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo địa phương tiến hành các nghi thức cầu đảo, mong quốc thái dân an.Hiện nay, dấu tích của khối Thạch linh có dáng hình người mẹ trong tư thế sinh nở, nơi phát tích truyền thuyết nằm trong hậu cung của đền Sinh.
Chính vì truyền thuyết này kèm theo phiến đá với hình thù kỳ lạ mà Đền Sinh Hải Dương được nhân dân biết đến như một ngôi đền “cầu tự” vô cùng linh nghiệm. Đến ngày nay, ngôi đền vẫn là nơi thờ Mẫu, cầu con nổi tiếng khắp trong nam ngoài bắc.
Địa chỉ: Lê Lợi, TX. Chí Linh, Hải Dương
-
Đền Mẫu Âu Cơ
Đền Mẫu Âu Cơ ở Phú Thọ tọa lạc tại xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa. Đây là một công trình lịch sử văn hóa đặc biệt, gắn liền với hình tượng Mẹ Âu Cơ sinh ra con Lạc cháu Hồng trong một bọc trăm trứng, vốn đã ghi tạc trong tâm trí và tình cảm của các thế hệ người Việt.
Tục truyền, ngày nàng Âu Cơ chào đời ở động Lăng Xương (nay thuộc huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) có mây lành che chở, hương thơm tỏa ngát. Lớn lên, nàng xinh đẹp, thông minh hơn người, chăm đọc chữ, giỏi đàn sáo, lại tinh thông âm luật. Về sau kết duyên với Lạc Long Quân (con trai của Kinh Dương Vương), nàng Âu Cơ sinh hạ một bọc trứng, nở thành một trăm người con. Khi các con đã lớn khôn, Lạc Long Quân nói với mẹ Âu Cơ: “Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, chung hợp thật khó vì dòng giống bất đồng”.
Nói xong, Lạc Long Quân dẫn 50 con xuống biển.Mẹ Âu Cơ đưa 50 con lên non, đi đến đâu cũng thu phục nhân tâm, khai phá rừng hoang. Một ngày, đi qua vùng đất Hiền Lương, nơi có núi cao, sông dài, cảnh vật hữu tình, Mẹ liền cho khai hoang, dạy dân cấy lúa, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải. Khi trang ấp đã tươi đẹp, Mẹ đi tiếp đến vùng đất mới. Sau này, Mẹ trở về Hiền Lương, gắn bó suốt phần đời còn lại với nơi này. Ngày 25 tháng chạp năm Nhâm Thân, Mẹ cùng các tiên nữ bay về trời, để lại dưới gốc đa dải yếm lụa. Tại đó, nhân dân trong vùng đã dựng lên Đền Mẫu Âu Cơ, đời đời tưởng nhớ công đức Mẹ Âu Cơ.
Trong 50 người con theo Mẹ Âu Cơ, người con đầu lên nối ngôi vua, lấy niên hiệu Hùng Vương thứ nhất, đặt tên nước Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu, truyền được 18 đời vua Hùng và trị vì đất nước trong 2621 năm, trở thành tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Trong lịch sử tồn tại mấy ngàn năm, đền thờ Mẫu Âu Cơ đã ba lần được các triều đại nhà nước Việt Nam sắc phong. Ngôi đền là nơi tâm linh linh thiêng bậc nhất thờ Thánh Mẫu Âu Cơ.
Địa chỉ: Hiền Lương, Hạ Hòa, Phú Thọ
-
Đền Mẫu Tây Thiên
Đền Mẫu Tây Thiên là nơi thờ Quốc Mẫu Tây Thiên, một trong hai vị Quốc Mẫu của Việt Nam là vương phi được sắc phong vào đời vua Hùng Vương thứ 7 và là một vị thần chủ của Tây Thiên, nữ chúa vùng đất Tam Đảo.
Theo truyền thuyết Tương truyền rằng bà có tên thật là Lăng Thị Tiêu được sinh ra từ khí thiêng của ngọn Tam Đảo thôn Đông Lộ, xã Đại Đình, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Bà giáng trần đầu thai vào một nhà hiếm muộn con. Từ nhỏ bà đã bộc lộ vẻ xinh đẹp, nết na, khả năng tài giỏi thông minh của mình. Đến 20 tuổi cô đã là một nữ anh hùng, hào kiệt, là bậc quần thao hào kiệt bậc nhất. Thời bấy giờ, giặc phương Bắc sang xâm lăng, dân tình vô cùng hoang mang và hoảng sợ. Vua Hùng ngay lập tức sai người đi loan báo khắp nơi tìm người tài giúp vua cứu nước.
Khi nghe thấy tin cầu, nàng đã đứng ra kêu gọi, huy động các tràng trai khỏe mạnh, đủ sức đánh giặc trong vùng, tất cả được 3000 vị tướng sỹ về tại Phong Châu, Việt Trì yết kiến Hùng Vương. Hùng Vương thấy nàng là một vị anh hùng hào kiệt có tài năng xuất chúng nên liền giao cho chỉ huy 10 vạn tinh binh và 3000 kỵ binh đi đánh giặc. Đánh quân giặc đại bại, nàng cùng các binh sĩ khải hoàn về kinh, được nhà vua phong thưởng nàng là “Tam Đảo Sơn Trụ Quốc Mẫu Đại Vương”. Vào một ngày đẹp trời, bỗng có đám mây ngũ sắc xuất hiện, hạ xuống trước đền Tây Thiên, sứ giả xuất hiện và rước nàng về trầu trời, ngày đó là ngày 15/2.
Người dân thấy sự việc tấu lên với vua và vua liền truyền lệnh phong nàng là “Tam Đảo sơn trụ Quốc Mẫu Đại vương đệ nhất thượng đẳng thần”. Chúa Đệ Nhất Tây Thiên là một trong các vị chúa bói vô cùng linh thiêng. Chúa là người ban lộc bói toán và cúng lễ.
Địa chỉ: Sơn Đình, Đại Đình, Tam Đảo, Vĩnh Phúc
-
Đền Mẫu Đồng Đăng
Đền Mẫu Đồng Đăng thờ Tam Tòa Thánh Mẫu. Đền còn gọi là "Đồng Đăng Linh Từ", là ngôi đền lớn có giá trị đặc biệt về kiến trúc, tín ngưỡng tôn giáo và lịch sử. Đặc biệt, nơi gắn liền dấu tích của Thánh Mẫu Liễu Hạnh - thần chủ của các đền, phủ thờ Mẫu của người Việt.
Nơi đây, theo tương truyền là nơi gặp gỡ giữa Mẫu Liễu Hạnh và Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, sau khi ông đi sứ Trung Quốc về. Tục truyền rằng Liễu Hạnh khi giáng sinh lần thứ hai ở đất Phủ Dày, làm con ông bà Lê Thái Công và Trần Thị Phúc, có tên là Lê Giáng Tiên. Lê Giáng Tiên kết duyên với Trần Đào Lang và có hai con. Năm 1577, Giáng Tiên hóa, khi 21 tuổi.nGiáng Tiên về trời đúng hạn định theo lệnh của Ngọc Hoàng. Nhưng khi nàng đã ở trên trời thì lòng trần lại canh cánh, ngày đêm da diết trong lòng nỗi nhớ cha mẹ, chồng con nên nàng muốn xuống trần gian lần nữa. Cứ như thế, thỉnh thoảng nàng lại hiện về, làm xong các việc rồi lại biến đi. Ròng rã hàng chục năm sau, cho đến khi con cái khôn lớn và Đào Lang công thành danh toại, nàng mới từ biệt để đi chu du thiên hạ.
Trong những dịp hay ngao du sơn thủy đến các thắng cảnh của nhiều vùng. Đến Lạng Sơn, thấy bên núi có ngôi chùa phong cảnh hữu tình với những rặng thông xanh cao vút, những khóm nhược lan tươi đẹp nhưng lại bị cỏ lấp dấu chân, bia phủ rêu xanh, tượng Phật bụi mờ ít người qua lại vãn cảnh, Liễu Hạnh không vui. Nàng ngồi tựa gốc cây thông gẩy đàn, cất tiếng hát, ca ngợi thú sơn lâm và đón đợi Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan, khi ông vừa đi sứ bên Trung Quốc về.
Mượn chuyện văn thơ, đối đáp chữ nghĩa, nàng đã nhắc khéo ông Trạng Nguyên cho tu bổ lại ngôi chùa đẹp nhưng bị bỏ hoang nơi vùng biên ải này. Ngay sau cuộc hội ngộ, Phùng Khắc Khoan liền gọi các phụ lão ở nơi sơn trang đó, giao cho một khoản tiền để tu sửa lại ngôi chùa và đề một câu thơ ở hành lang bên tả rồi ra đi. Câu thơ ấy là: “Tùng lâm tịch mịch phất nhân gia”, nghĩa là rừng rậm yên tĩnh có nhà Phật.
Địa chỉ: trung tâm thị trấn Đồng Đăng, Cao Lộc, Lạng Sơn
-
Đền Mẫu Tiên La
Đền Tiên La (Hưng Hà, Thái Bình) thờ Mẫu Tiên La - Bát Nạn tướng quân Vũ Thị Thục (hay còn gọi Bát Nàn tướng quân), một nữ tướng lừng danh dưới thời Hai Bà Trưng, đã có công đánh quân xâm lược phương Bắc.
Lịch sử Đền Tiên La được người dân trong vùng lưu truyền: Vũ Thị Thục (thường gọi là Thục Nương) sinh ra trong một gia đình làm nghề bốc thuốc chữa bệnh cứu người, Thục Nương lớn lên không chỉ đẹp người, đẹp nết, văn võ song toàn mà còn giàu lòng nhân ái. Năm 18 tuổi, Thục Nương đính hôn với Phạm Danh Hương, quận trưởng Nam Chân. Đôi trai tài gái sắc đang chờ ngày cưới thì tai hoạ ập đến.Vào thời đó, nước ta là thuộc địa của phong kiến phương Bắc, do viên quan thái thú nhà Hán có tên Tô Định cai trị. Hắn vốn tham tiền, hám sắc, lại tàn bạo. Biết tin Thục Nương là cô gái tài sắc vẹn toàn, Tô Định cho lính bắt phụ thân và chồng chưa cưới vào dinh, ép buộc phải gả nhường Thục Nương cho hắn. Bị cự tuyệt, Tô Định tìm cách giết hại cha Thục Nương và Phạm Danh Hương, sau đó cho quân về lùng bắt Thục Nương. Hay tin dữ, Thục Nương giả vờ chấp lệnh lên kiệu, bất ngờ dùng đôi kiếm bạc phá vòng vây mở đường ra bến sông, chèo thuyền mải miết một ngày đêm về tới hương Đa Cương, vào chùa Tiên La nương nhờ cửa Phật.
Nợ nước thù nhà, Thục Nương chiêu tập binh mã, dựng cờ khởi nghĩa mang bốn chữ vàng “Bát Nạn tướng quân”, lập đàn tế trời dấy binh chống lại quân xâm lược phương Bắc. Nghĩa quân do Bà chỉ huy ngày càng lớn mạnh và làm tổn thất rất nhiều quân địch. Sau hay tin Hai Bà Trưng khởi nghĩa tại Hát Môn, Thục Nương đem quân hợp sức với quân của Hai Bà Trưng, được phong “Đông Nhung Đại Tướng Quân”. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã giành toàn thắng vào mùa xuân năm 40. Bị thất bại nặng nề, nhà Hán sai Mã Viện đem quân sang đánh nước ta. Thế giặc rất mạnh, quân ta phải rút lui dần... Cuối năm 43, cuộc chiến chống xâm lược của Hai Bà Trưng thất bại, nữ tướng Bát Nạn và nghĩa quân Đa Cương phải về Tiên La cố thủ. Quân Hán tiếp tục vây ép, căn cứ Tiên La bị phá. Trong trận chiến cuối cùng, Bát Nạn tướng quân cùng quân sỹ của mình đã hy sinh ở gò Kim Quy vào ngày 17/3/43. Nhân dân vô cùng thương tiếc, đã lập đền thờ, tưởng nhớ công đức của Bà.
Địa chỉ: Tiên La, Đoan Hùng, Hưng Hà, Thái Bình
-
Đền Mẫu Hàn Sơn
Đền Hàn Sơn được xây dựng cách đây trên 500 năm, trải qua nhiều biến cố thăng trầm của thời gian, có thể nói đây là nơi “Quốc mẫu dân cầu” có một không hai (Những nơi khác thờ Mẫu thoải, thờ Cô Ba chỉ là phối thờ hoặc chỉ là thờ vọng mà thôi).
Theo huyền sử, vào khoảng những năm đầu đại Hồng Đức triều vua Lê Thánh Tông (1460- 1497), thái úy Lê Thọ Vực sau khi lập được nhiều công trạng được vua phong chức “Bình Trương Quân Quốc Trọng Sự”, rồi đến chức “Sùng Quốc Công”, giao chấn giữ biên ải Ba Bông “Rừng thiêng nước độc”. Trong một trận giao tranh ác liệt kéo dài, không phân thắng bại mà tình thế rất nguy cấp. Đêm hôm ấy, danh tướng đã mơ thấy một người con gái mặc xiêm y trắng trên mây giáng xuống ngã Ba Bông, rẽ nước bước lên kiệu võng mà nói rằng: “Hãy lui quân về Nhị Sơn hạ thủy mà vây hãm, lên núi Thạch Bàn mà cầu Mẫu thoải tất ứng linh”. Theo lời, danh tướng dẫn quân xuôi về Chí Thủy (Thác Hàn Sơn bây giờ) dâng lễ cầu Mẫu rồi bố trí quân binh mai phục. Ứng báo của Mẫu cho kế phá giặc là lấp đá chặn dòng, lấy thủy triều dâng, làm nghi binh nhử giặc vượt qua bãi đá ngầm, khi nước thủy triều xuống thì tổng lực phản công, thuyền giặc rút chạy bị vấp vào bãi đá ngầm, lật nhào chìm đắm rất nhiều, quân mai phục đổ ra đánh úp, quân giặc chết nhiều vô kể và thất bại thảm hại, không còn dám quấy nhiễu nữa. (Dấu tích bãi đá ở Thác Hàn vẫn còn cho đến ngày nay).
Thác Hàn Sơn lừng lẫy chiến công, nức tiếng muôn phương, oanh liệt một thời. Người con gái trong kiệu võng về báo mộng cho tướng quân Lê Thọ Vực đêm hôm ấy chính là con gái Ngọc Hồng thượng đế (Công chúa Mai Hoa) mà nay gọi là Cô Ba hay Cô Bơ thoải phủ đền Ba Bông. Còn người báo mộng hiến kế để tướng quân Lê Thọ Vực phá giặc là “Đệ Tam Thủy Tiên Thánh Mẫu Bạch Ngọc Hồ Trung Xích Thủy Tinh Xích Lân Long Nữ” hay còn gọi là Mẫu Đệ Tam. Để đáp lại ân đức của thánh thần, tướng quân Lê Thọ Vực tâu vua, vua Lê cho lập đền thờ Cô Ba ở bờ bãi bồi Ba Bông hiện nay. Đền thờ Đệ Tam Thánh Mẫu ở non cao Thạch Bàn thác Hàn Chí Thủy (về sau mới di dời xuống bên sông để nhân dân thuận lợi việc thăm viếng).
Địa chỉ: Hàn Sơn, Hà Trung, Thanh Hóa