Đoạn văn tham khảo số 4
Đến với tác phẩm Chí Phèo, Nam Cao đã để cho Chí Phèo đến nhà bá Kiến tới ba lần. Nhưng mỗi lần đến lại với mục đích và ý nghĩa riêng.
Nổi bật lên trong tác phẩm Chí Phèo là hai nhân vật đối địch nhau: bá Kiến và Chí Phèo. Đó là sự đối đầu giữa một bên là bá Kiến, đại diện cho giai cấp thống trị của xã hội đương thời và một bên là Chí Phèo, tiêu biểu cho tầng lớp nông dân bị tha hóa về mặt nhân cách. Cũng cần nói thêm sự tha hóa của Chí không phải là bẩm sinh mà nó được phát sinh trong quá trình vận động và phát triển của nhân vật giữa xã hội thối tha vô nhân đạo. Trước kia Chí cũng là một người lương thiện từng làm canh điền cho nhà cụ Bá, sau đó bị bá Kiến đẩy vào vòng tù tội. Cuộc đời tù đày đã làm thay đổi hẳn con người hiền lành chất phác, Chí trở thành một kẻ liều lĩnh, một con quỷ của làng Vũ Đại, kẻ bị biến chất, bị tha hóa về mặt nhân cách. Và ôm ấp trong lòng một mối thu không gì xóa được, nếu thời điểm Chí ra tù làm mốc thì có thể nói Chí đã ba lần đi tìm gặp kẻ thù là bá Kiến. Ba lần diễn ra trong ba hoàn cảnh, ba động cơ khắc nhau.
Lần thứ nhất, là lúc Chí vừa ở tù về: “Hắn về hôm trước, hôm sau đó thấy ngồi ở chợ uống rượu” và trong cơn say khướt, đã xách vỏ chai đến cổng nhà bá Kiến gọi tên tục ra mà chửi. Đó là lối hành động của một kẻ say rượu mà đã có trong tiềm thức của Chí Phèo. Cộng thêm những năm tháng tù đày mối thù ấy càng được hun đúc, nuôi dưỡng ngày càng sâu sắc và đậm hơn. Bao năm ngồi tù Chí đã có dịp nghiền ngẫm cân nhắc trước khi đi đến quyết định đúng đắn. Cho nên, hơn bao giờ hết, vừa rời khỏi nhà tù là Chí đã sôi sục một ý thức trả thù. Sự căm thù kẻ gây ra tội lỗi và đẩy mình vào con đường đau khổ đã dẫn đường Chí đến nhà cụ Bá dù là đang trong cơn say khướt.
Hành vi của Chí hoàn toàn liều lĩnh và mang tính bộc phát. Hơn nữa dù gì trong sâu xa bản chất của Chí cũng chỉ là một nông dân thật thà đến mức gần như ngây thơ cho nên sự thất bại của Chí trong lần đối đầu đầu tiên này là một chuyện rất hiển nhiên. Làm sao qua được kẻ khôn róc đời như bá Kiến. Bá Kiến là kẻ tinh ma xảo quyệt, lắm mưu nhiều kế nên đối phó với Chí chẳng lấy gì là khó khăn. Chỉ thoáng nhìn qua là bá Kiến đã hiểu được ý đồ của đối phương. Nên Chí mới thất bại ê chề, cay đổng trước những lời vuốt ve, ngon ngọt cộng thêm vài đồng đã làm lóa mắt Chí. Từ một vị trí là kẻ đi hỏi tội kẻ thù chỉ thoắt một cái ván cờ đã lật ngược: kẻ có tội lại ung dung như một kẻ ra ơn còn người hỏi tội lại thành tay sai phục dịch cho kẻ thù mà không hay biết.
Lần thứ hai cũng trong dáng điệu say mèm Chí ngật ngưỡng đến nhà bá Kiến gặp hắn để xin được đi tù. Thật là một chuyện ngược đời. Thuở này chưa thấy ai làm một chuyện phi lý đến mức vậy chắc chỉ có Chí Phèo. Tuy là nghịch lý nhưng điều đó lại phản ánh đúng thực tại của Chí. Không có cơm ăn, áo mặc, một mảnh đất cắm dùi cũng không. Cảnh ngộ bi đát của Chí cũng phần nào phản ánh đúng hiện trạng xã hội lúc bấy giờ đó là những người lầm đường lạc lối, trót sa chân vào vũng bùn của tội lỗi thì không sao rút chân ra được. Chí bị tù đến khi được trả về cuộc sống đời thường thì lại không tìm được kế sinh nhai hay nói đúng hơn là không được tiếp nhận và vì thế lại tiếp tục bị đẩy vào bước đường cùng. Nghe Chí nói với bá Kiến mà thấy xót xa trong dạ: “Bẩm quả đi tù sướng quá đi, ở tù có cơm ăn, bây giờ về làng về nước một thước cắm dùi không có…”. Sự thật như thế ư? Nhà tù là chốn dung thân ư? Trên câu chữ thì ta không thể nghĩ khác được. Nhưng nếu nghĩ sâu xa một chút ta mới thấy ngỡ ngàng và lương tâm chẳng được thanh thản.
Nhà tù nuôi con người ư? Không, bảo nó nuôi dưỡng những con người bị tha hóa, những con quỷ như Chí Phèo thì đúng hơn. Nếu như ý nghĩa của nhà tù là để cảnh tỉnh, cải tạo con người, trả con người về với cuộc sống hoàn lương thì nhà tù ở đây lại thực hiện ngược lại. Nó biến những kẻ lương thiện trở thành một loại người lưu manh khốn nạn. Nhà văn V. Huy-gô rất đúng khi nói: “Khi chưa vào tù anh là một cành cây tươi, khi ra tù anh là một cây củi khô”. Cũng như lần trước, Chí lại thất bại trước cái khôn róc đời của cụ Bá: bị gạt mà không hề nhận ra. Âm mưu của bá Kiến mới thâm độc làm sao. “Dùng độc trị độc”, dùng Chí Phèo để trị đội Tảo. Cả hai đều là kẻ thù bá Kiến, nên có xảy ra xô xát, ai được, ai mất, cụ Bá đều có lợi, vừa thỏa mãn được ý định trả thù vừa không phải mang tiếng là kẻ báo thù nhỏ nhen, đê tiện.
Lần thứ ba cũng là lần chót Chí đến gặp bá Kiến. Cũng với dáng dấp của thằng say rượu nhưng lần này Chí mang trong lòng một tâm trạng, một ý định khác hẳn với những lần trước. Bởi vì Chí Phèo sau khi bị Thị Nở cự tuyệt tình cảm của mình đã hoàn toàn rơi vào tuyệt vọng. Trong thâm tâm Chí đang ôm ấp ý định làm lành, muốn quay về con đường hoàn lương sống cuộc đời lương thiện như bao người khác. Nhưng xã hội vô nhân đạo đã quay lưng trước sự ăn năn sám hối của một tội đồ, tình thương đã khép lại, xã hội đã rút đường trở về của Chí cũng như cự tuyệt quyền làm người của một con người. Vĩnh viễn Chí không tìm thấy hạnh phúc ở cuộc đời này. Bản chất người vừa trỗi dậy lại bị đè bẹp không thương tiếc. Có thể nói đây là những giờ phút tỉnh táo nhất trong cả cuộc đời say sưa của Chí, những phút mà ý thức phản kháng trỗi dậy mãnh liệt nhất. Đi gần hết cuộc đời, cho đến lúc này Chí mới phát hiện mới nhận ra chân lý cuộc sống.
Dù là muộn màng nhưng với Chí sự khám phá ấy quý giá biết bao và Chí quyết giữ chặt lấy nó không để nó tuột khỏi tầm tay dù lả phải trả một giá rất đắt. Chí như vừa thức dậy sau một giấc ngủ dài, một sự chuyển biến rất lớn đang diễn ra trong tâm hồn của Chí. Ấy là sự trỗi dậy của tính người, tính lương thiện. Chí đã nhận ra chân tướng của kẻ thù, kẻ ấy là bá Kiến chứ không ai khác cho nên lẽ ra phải đến nhà thị Nở thì tiềm thức sâu xa đã dẫn Chí đến nhà bá Kiến. Trong lần đối đầu sau cuối này, Chí hoàn toàn được lột xác, sự thay đổi đột ngột và nhanh chóng đến mức bá Kiến không ngờ được. Chính vì không nắm bắt được đối phương, lại chủ quan khinh địch nên bá Kiến thất bại một cách thảm hại. Hắn đã phải trả giá đắt cho hành vi tội lỗi của chính hắn. Với dáng dấp hiên ngang, ngạo mạn, Chí chỉ tay vào mặt bá Kiến mà ra lời dõng dạc: “Tao muốn làm người lương thiện”.
Tư thế ấy ta chưa từng bắt gặp ở Chí. Trước đây hắn chỉ biết cúi đầu lễ phép, một điều bẩm cụ hai điều lạy cụ. Đó là sự chuyển biến và tự khẳng định mình của Chí. Ngôn ngữ của Chí càng lúc càng đậm màu triết lý: “Ai cho tao lương thiện? Tao không thể là người lương thiện”. Lời cuối cùng được thốt lên với tất cả niềm cay đắng xót xa. Chí đã bị đẩy đến bước đường cùng. Không còn lối thoát, không còn cách lựa chọn nào khác chỉ còn chấm dứt cuộc đời của kẻ thù rồi sau đó tự chấm dứt cuộc đời mình. Màn bi kịch kết thúc đẫm máu và nước mắt.
Tác phẩm “Chí Phèo” đã để lại trong lòng người trăn trở, bao suy tư ray rứt. Truyện đã phác họa thành công bức tranh về đời sống ở nông thôn Việt Nam trong giai đoạn trước Cách mạng (1930 - 1945).