Gần gũi và công bằng
Nếu chúng ta không thể điều khiển cảm xúc của mình thì rất dễ hành xử gây tổn thương với mọi người xung quanh và gây ra các căng thẳng không cần thiết. Là giáo viên, chúng ta sẽ phải đối mặt với các tình huống làm mình bực dọc. Đôi khi hình phạt có thể phản tác dụng và thực tế có thể làm giảm đi uy quyền của giáo viên. Thay vì vậy, hãy “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, đặt ra hệ thống các kỷ luật khen ngợi, tăng nhận thức của học sinh về hành vi của bản thân và tác động của hành vi đó đến người khác và xóa bỏ các khuynh hướng dẫn đến kỷ luật kém trước khi chúng phát triển. Đó là, hãy tạo sự gần gũi và công bằng cho học sinh.
Hãy bước vào lớp với nụ cười. Khi học trò chào, hãy nhìn vào mắt từng em để hiểu được tâm trạng của em, vui thì chia vui, buồn thì động viên. Bạn là người rất gần gũi với học trò, vì thế hãy cố gắng để chúng luôn cởi mở với bạn. Hãy vừa là bạn vừa là thầy của chúng. Đừng ngại thừa nhận với học trò là mình không biết về một vấn đề nào đó. Hãy cùng chúng tìm câu trả lời. Không cần che giấu tình cảm của mình với các em, nhưng tuyệt đối tránh sự ưu ái đặc biệt với một vài em nào đó. Hãy cố nhìn thấy những ưu điểm ẩn sâu trong mỗi em. Có thể chính các em cũng không biết mình có những ưu điểm ấy. Bạn hãy giúp em nhận ra, phát triển chúng thêm. Đừng sợ xin lỗi học trò nếu thấy mình sai. Xin lỗi chỉ làm tăng uy tín của bạn trong mắt các em mà thôi. Khi các em mắc lỗi, bạn cũng đừng nóng nảy quá.