Hai Bà Trưng
Hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị là tấm gương điển hình nhất về hình mẫu của người phụ nữ Việt Nam anh hùng. Ngay từ thuở đầu của lịch sử, Hai Bà Trưng đã vượt qua mọi định kiến hà khắc về phụ nữ của lễ giáo phong kiến để đứng lên cầm vũ khí, kéo quân ra trận, đánh đuổi quân xâm lược, giành lại độc lập. Ngay sau khi phất cờ khởi nghĩa, Hai Bà đánh vào Luy Lâu, khiến viên Thái thú Tô Định phải "cắt tóc, cạo râu, vứt bỏ ấn tín, trà trộn vào đám loạn quân tháo chạy về nước". Đúng như lời tuyên thệ của Hai Bà trước khi khởi nghĩa:
Một xin rửa sạch nước thù
Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng.
Đại Việt sử ký toàn thư coi Trưng Trắc là một vị vua trong lịch sử, với tên gọi Trưng Nữ vương.Sau khi cuộc khởi nghĩa này bị quân Đông Hán dưới sự chỉ huy của Mã Viện đánh bại, tục truyền rằng vì không muốn chịu khuất phục, Hai Bà Trưng đã gieo mình xuống dòng sông Hát Giang tuẫn tiết, địa danh Hát Môn - Hát Giang là nơi thánh tích Hai Bà dựng cờ khởi nghĩa chống quân Đông Hán xâm lược và cũng là nơi Hai Bà hóa thân vào cõi bất diệt. Đền Hát Môn thờ Hai Bà Trưng là Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt, ngôi đền Hát Môn cổ kính với nhiều hàng cây cổ thụ, khung cảnh trang nghiêm yên tĩnh quanh năm.