Nam Phương Hoàng hậu

Bà là vợ của Vua Bảo Đại, ông vua cuối cùng trong lịch sử Việt Nam ham chơi, bù nhìn cho Pháp, nhưng bà là một Hoàng hậu có đủ phẩm cách, một phụ nữ hiền thục, nhân từ và đạo đức, đúng với cái tên của Bà - Nam Phương-hương thơm của phương Nam.


Bà tên thật là Nguyễn Hữu Thị Lan, sinh ngày 14-12-1914, tại Gò Công, tỉnh Tiền Giang, trong một gia đình giàu có vào bậc nhất Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ XX. Mặc dù quê ở Tiền Giang nhưng Nguyễn Hữu Thị Lan mang quốc tịch Pháp với tên Pháp là Mariette Jeanne, sống và học tại Sài Gòn. Năm 12 tuổi, Thị Lan được gửi sang Pháp học trường nữ sinh danh tiếng tại Paris. Tháng 9-1932, sau khi tốt nghiệp tú tài toàn phần, Nguyễn Hữu Thị Lan về nước.


Thời gian làm Hoàng hậu của bà Nam Phương chỉ kéo dài hơn 10 năm, kể từ năm 1934 đến năm 1945 khi Vua Bảo Đại buộc phải thoái vị do cuộc Cách mạng tháng Tám lịch sử. Ngày 30 tháng 8 năm 1945, trong tuyên bố thoái vị, Vua Bảo Đại nói: Trẫm muốn được làm dân một nước tự do, hơn làm vua một nước nô lệ. Đây cũng là dấu mốc chấm dứt tham vọng chính trị của Nam Phương và bà phải sống một cuộc đời xa xứ, cô đơn lạnh lẽo cho đến cuối đời.

Trong khí thế cách mạng của toàn dân quyết tâm bảo vệ chính quyền cách mạng, tại Huế, Hoàng hậu Nam Phương đã thể hiện tinh thần yêu nước của mình. Ngày 17 tháng 9 năm 1945, Bà là người đầu tiên đến nơi Mặt trận Việt Minh tổ chức “Tuần lễ vàng” tại Huế, tự nguyện tháo hết trang sức bằng vàng mang trên người hiến tặng cho cách mạng. Tại đây, Bà được gắn một huy hiệu in cờ đỏ sao vàng. Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam, bà Nam Phương đã viết một thông điệp gửi cho bạn bè Á châu đề nghị họ lên tiếng tố cáo hành động xâm lược của Pháp. Thông điệp đó được Nhà sử học Pháp Jean Renaud ghi lại trong một cuốn sách do Nhà Xuất bản Guy Boussac ấn hành tại Pháp năm 1949. Bà viết: “Kể từ tháng 3 năm 1945 nước Việt Nam đã thoát khỏi sự đô hộ của người Pháp. Nhưng vì lòng tham của thiểu số thực dân Pháp với sự tiếp tay của quân đội Hoàng gia Anh nên hiện nay máu của nhân dân Việt Nam lại tiếp tục chảy trên mảnh đất vốn đã có quá nhiều đau khổ. Hành động này của thực dân Pháp là trái với chủ trương của Đồng Minh mà nước Pháp lại là một thành viên. Vậy tôi tha thiết yêu cầu những ai đã từng đau khổ vì chiến tranh hãy bày tỏ thái độ và hành động để giúp chúng tôi chấm dứt chiến tranh đang ngày đêm tàn phá đất nước tôi. Thay mặt cho hàng chục triệu phụ nữ Việt Nam, tôi thỉnh cầu tất cả bạn bè của tôi và bạn bè của nước Việt Nam hãy bênh vực cho tự do. Xin các Chính phủ của khối tự do sớm can thiệp để kiến tạo một nền hòa bình công minh và chân chính và xin quý vị nhận nơi đây lòng biết ơn sâu xa của tất cả đồng bào chúng tôi”.


Với tư cách hoàng hậu, Nam Phương đã giúp cho vua Bảo Đại trong các hoạt động ngoại giao, đón tiếp các quốc khách, giao thiệp với Pháp. Nam Phương là vị Đệ nhất phu nhân Việt Nam đầu tiên được giao phụ trách các công việc xã hội, làm khuyến học, khen thưởng học sinh giỏi, giúp đỡ người nghèo, đề cao vai trò của người phụ nữ trong xã hội.Hoàng hậu Nam Phương có với Bảo Đại 5 người con. Hai hoàng tử và ba công chúa.

Nam Phương Hoàng hậu
rời Việt Nam năm 1947. Những năm cuối đời, bà sống lặng lẽ cùng các con tại Perche, một làng cổ ở Chabrignac, tỉnh Corrèze, vùng Limousin nước Pháp. Bà mất ngày 14 tháng 9 năm 1963.

Chân dung Nam Phương Hoàng hậu.
Chân dung Nam Phương Hoàng hậu.
Nam Phương Hoàng hậu
Nam Phương Hoàng hậu

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy