Tòa nhà Burj Khalifa
Tòa nhà Burj Khalifa được ví như ngọn tháp nhọn được nhà thiết kế mô tả như một “thành phố thẳng đứng” bởi nó làm lu mờ các tòa nhà chọc trời hiện hữu, nâng cao các giới hạn mới về thiết kế và xây dựng. Một thiết kế hình chữ Y xoắn ốc được sử dụng để chống đỡ lõi của ngọn tháp, hẹp dần khi nó vươn lên cao. Lên cao nữa, công trình trở thành một kiến trúc bằng thép mà trên cùng là một hình chóp khổng lồ. Tổng thể của tòa nhà gồm có 3 khối được sắp xếp xung quanh một lõi trung tâm. Do tòa tháp được xây dựng trên nền sa mạc bằng phẳng, những phần thụt vào được bố trí tại từng khối và hướng lên theo thiết kế hình xoắn ốc của tòa nhà, giúp giảm đi mặt tiết diện của tòa tháp khi nó vươn cao lên bầu trời. Phần dưới của tòa nhà được xây dựng bằng bê tông cốt thép. Tuy nhiên, đoạn trên của tháp từ tầng 156 lên phía trên hay từ 585,7m lên đến nóc sẽ là kết cấu thép.
Sự kết hợp tuyệt vời giữa kiến trúc truyền thống của đạo Hồi và kiến trúc hiện đại đã cho ra đời một công trình đứng vững bền lâu trong vùng khí hậu sa mạc khắc nghiệt như ở Dubai. Thiết kế độc đáo này không chỉ giúp giảm tác động của sức gió lên tòa nhà mà còn đem đến cho những người sinh sống và làm việc trong tòa nhà có được một tầm nhìn hiếm có đến những khu vực xung quanh. Với chiều cao 810m và 162 tầng, số tầng nhiều hơn bất cứ tòa nhà chọc trời nào trên thế giới hiện nay, Buji Khalifa đã trở thành một biểu tượng mới của thế giới Ả rập và là tòa nhà cao nhất thế giới và một trong những thành tựu đáng khâm phục của con người cho đến nay. Bằng tiềm lực kinh tế sẵn có cùng nguồn nhân lực của mình, Dubai đã thành công trong việc xây dựng một kỳ quan kiến trúc hiện đại và áp dụng vào đó những thành tựu khoa học kỹ thuật mới nhất trên thế giới.