Khu vực đền thờ Sambor Prei Kuk (Campuchia)
Quần thể đền Sambor Prei Kuk là một trong ba di sản thể giới tại Campuchia. Cũng với Angkor Wat, Sambor Prei Kuk cũng là cố đô huyền thoại một thời của đất nước Chân Lạp xưa. Trong tiếng Campuchia, Sambor Prei Kuk mang ý nghĩa là “Ngôi đền trong rừng rậm”. Qủa đúng như vậy, quần thể đền Sambor Prei Kuk hiện nằm thu mình trong những cánh rừng nhiệt đới ở tỉnh Kampong Thom, Campuchia. Nơi đây cách quần thể Angkor Wat khoảng 176 km về phía đông và cách thủ đô Phnom Penh 206 km về phía bắc. Sambor Prei Kuk là di sản thể giới thứ 3 của Campuchia cùng với khu di tích cổ Angkor và đền Preah Vihear. Nếu như ở Angkor là cuộc chiến không khoan nhượng giữa những cây tung cổ thụ với mái đền đá ở Ta Prohm, thì tại nơi đây phần thắng đang dần nghiêng về những cây đa cổ quái đang ra sức nuốt chửng các ngôi đền. Sambor Prei Kuk được xem là kinh đô đầu tiên của vương triều Chân Lạp thời kỳ “tiền Angkor”, thủ đô của đế chế Chenla cổ từ năm 550 - 598 với tên gọi Ishanapura. Nơi đây đã từng là một nền văn minh cổ đại phát triển mạnh mẽ vào cuối thế kỷ 6 và thế kỷ 7 với hơn 20.000 hộ dân sinh sống trước khi đế chế Khmer ra đời. Nếu như các bạn vẫn còn ngơ ngác thắc mắc tại sao chỉ với bàn tay con người, dân tộc Khmer đã xây nên Angkor hùng vĩ và tinh xảo đến thế thì bạn sẽ càng kinh ngạc hơn khi biết rằng quần thể đền Sambor Prei Kuk đã được xây dựng trước cả Angkor.
Quần thể đền Sambor Prei Kuk có diện tích lên đến khoảng 30km2 với 54 cụm đền chùa, các tháp bát giác, ao hồ chứa đá yoni cùng nhiều tác phẩm điêu khắc vô cùng giá trị có niên đại hơn 1000 năm. Trong khi Angkor Wat hầu hết được làm từ đá cứng và bền, thì Sambor Prei Kuk chỉ được xây dựng bằng gạch nung kết hợp cùng đá sa thạch được kết dính bởi một loại nhựa cây trộn đường Thốt Nốt. Nghệ thuật kiến trúc đền chùa tại quần thể đền Sambor Prei Kuk cũng mang phong cách đặc trưng Khmer cổ thời kì tiền Angkor và chịu ít ảnh hưởng của kiến trúc Ấn Độ. Khu vực trung tâm của Quần thể đền Sambor Prei Kuk được chia làm 3 khu vực chính với mỗi khu vực được bố trí bao quanh bởi một bức tường gạch có hình vuông. Các cấu trúc trong khu vực này được xây dựng tại các thời điểm khác nhau. Khu vực phía bắc và phía nam được xây dựng đầu tiên vào thế kỷ thứ 7, tiếp đó sau này khu vực trung tâm chính giữa mới được xây dựng. Hiện nay khu di tích Sambor Prei Kuk vẫn còn lưu giữ được 7 cụm đền tương đối nguyên vẹn. Trong đó có 3 cụm đền gồm Prasat Tao, Prasat Sambor và Prasat Trapeang Ropeak đã được mở cửa đón du khách tham quan vào tháng 7/2017. Chắc chắn du khách sẽ vô cùng ngỡ ngàng khi ghé thăm 3 cụm đền này bởi những nét hoa văn chạm khắc tinh tế được những người dân Khmer cổ tạo nên vẫn còn lưu lại dấu ấn nơi đây.