Kiêng sinh con gái vào ngày rằm
Dân gian vẫn có câu "trai mồng một, gái ngày rằm" ý muốn chỉ những bé trai sinh ngày mùng 1 và bé gái sinh ngày rằm thường rất "khó nuôi". Vì vậy nên tránh sinh con vào những ngày này. Đã có nhiều cách lý giải khác nhau về tục kiêng kỵ này nhưng không phải lý giải nào cũng thực sự thuyết phục. Dưới góc độ lý học Đông Phương, mỗi người sinh ra đều chịu ảnh hưởng của không gian và thời gian (tượng trưng là các chòm sao). Theo đó, Mặt Trăng tượng trưng bởi sao Thái Âm mang năng lượng âm. Vì vậy, vào ngày rằm khi trăng tròn, Thái Âm sẽ vượng nhất, năng lượng âm đạt cực đại, con gái sinh vào ngày này sẽ là cực âm thành ra cá tính, khó dạy dỗ.
Văn hóa phương Đông vẫn tồn tại những câu chuyện bí ẩn về việc ma cà rồng xuất hiện cùng chu kỳ của mặt trăng. Ngày mùng 1 là bắt đầu cho một chu kỳ mới, ngày 15 trăng sáng nhất lại đánh dấu chu kỳ tiếp theo là trăng mờ dần. Vì thế người ta gắn câu chuyện này vào những người được sinh ra trong hai đêm đó để tăng thêm tính huyền bí. Tiến sĩ Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học ứng dụng (UIA) lý giải mối quan hệ giữa việc con trai sinh đêm mùng một, con gái sinh đêm hôm rằm trên cơ sở sức hút của mặt trăng với thủy triều. Theo đó, sức hút của mặt trăng theo âm lịch, mặt trời theo dương lịch. Sức hút của mặt trăng gây ra trạng thái "thủy triều sinh học" trong cơ thể con người, khiến chất lỏng trong cơ thể thay đổi. Nó chính là nguyên nhân gây nên những kích thích thần kinh đến khủng hoảng, bị rối loạn và mất thăng bằng, làm trầm trọng thêm các chứng bệnh thần kinh. "Đồng thời, ai sinh vào hai đêm đó sẽ có những biến đổi sinh học đặc biệt hơn so với người sinh vào các đêm khác", ông Khanh nói.