Kinh tế vận tải
Kinh tế vận tải là lĩnh vực kinh tế nghiên cứu tối ưu hóa công tác đầu tư, quản lí và tổ chức khai thác đội tàu vận tải, cảng biển, cung ứng dịch vụ hậu cần vận tải. Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế vận tải biển có khả năng tham gia thực hiện các công việc thuộc lĩnh vực quản lý kinh tế, kinh tế vận tải.
Hiện nay ở Việt Nam có hơn 4.000 công ty vận tải và Logistics cung cấp dịch vụ đa dạng và toàn diện từ khâu làm thủ tục vận chuyển hàng hóa cho đến khâu đóng thuế hay thanh toán. Trong đó có 88% là doanh nghiệp trong nước, 10% doanh nghiệp liên doanh và 2% là doanh nghiệp nước ngoài, tập trung chủ yếu ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Lĩnh vực vận tải và Logistics của Việt Nam có nhiều tiềm năng tăng trưởng, tham gia sâu hơn vào những trung tâm giao dịch vận tải thế giới. Sinh viên khi ra trường có thể xin vào các công việc như lập kế hoạch sản xuất cho các doanh nghiệp cảng biển, vận tải, dịch vụ vận tải, lập kế hoạch khai thác đội tàu, khai thác cầu bến, kho bãi, thiết bị xếp dỡ…Tổ chức và điều hành các công tác xếp dỡ, giao nhận hàng hóa tại cảng biển, khai thác, điều độ tàu tại các công ty vận tải. Tham gia tính toán, phân tích kinh tế, kỹ thuật đầu tư xây dựng cảng, mua sắm trang thiết bị xếp dỡ, mua sắm tàu biển, khai thác cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của cảng biển, tàu biển và các phương tiện vận chuyển khác. Nghiệp vụ chuyên môn là đại lý tàu biển, giao nhận vận tải, hợp đồng vận chuyển, ngoại thương, kế toán của doanh nghiệp, lập và phân tích các báo cáo tài chính, báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành vận tải và thương mại.
Với tiềm năng phát triển và nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực kinh tế vận tải là rất lớn, trong khi đó hàng năm số lượng sinh viên kinh tế vận tải được đào tạo tại trường đại học GTVT TP.HCM là khoảng 200 sinh viên, không đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Chính vì vậy mà cơ hội việc làm cho các bạn sinh viên sau tốt nghiệp là rất lớn.