Làng nghề làm phở
Không chỉ ở Nam Định, ngay tại Hà Nội cũng có thể dễ dàng tìm thấy quán phở đề biển "Phở gia truyền Nam Định". Tại sao phở Nam Định lại có sức hút đến thế, cùng tìm hiểu nào.
Tại xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực có đến tận 3 làng nghề làm phở, đó là: làng Vân Cù, làng Tây Lạc và làng Giao Cù. Đến đây bạn hỏi họ Cồ, họ Vũ làm phở ai cũng biết. Ở đây làm phở là lâu đời nhất, nhiều nhất và món phở bò cũng là độc nhất vô nhị. Người ta chọn loại gạo đã hết nhựa từ mùa trước sau đó đem nghiền được thứ bột vừa trắng vừa dai, đem tráng mỏng trên nồi hơi nước đun bằng than củi để được bánh phở.
Thịt bò phải lấy từ con bò đã trưởng thành, to khỏe, trọng lượng trong khoảng 3 đến 4 tạ một con thì nước dùng mới ngọt. Độ ngon của phở phụ thuộc lớn vào độ ngọt của nước dùng. Muối được dùng rất ít vì nó khiến phở có vị mặn chát, người ta thay thế muối bằng nước mắm. Nước mắm được lựa chọn kỹ vì nếu nước mắm không ngon thì nước phở sẽ vẩn đục cũng như bớt ngon đi một chút. Nồi xương hầm nhừ để lấy nước dùng phải thêm một ít gừng và hành khô. Thịt bò tươi sống được rửa thật sạch rồi đem đi luộc. Nếu nước luộc nổi bọt thì vớt ngay bọt đi. Sau khi thịt chín thì để thịt trong nồi một giờ đồng hồ mới vớt ra cho ráo nước. Thịt được thái và ướp gia vị dùng chung với bánh phở và nước dùng,...
Phở Cồ tức phở của dòng họ Cồ là nổi tiếng nhất nhưng ở Đồng Sơn các họ khác nấu phở cũng rất khéo, góp phần xây dựng và gìn giữ thương hiệu phở gia truyền Nam Định.